Ông Nguyễn Quang Xão, quê ở xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình là cựu TNXP từng mở đường Trường Sơn. Ông cũng là người hiếm hoi có cơ hội được gặp Bác Hồ.
Những năm tháng chiến tranh ác liệt, giao thông bị chia cắt bởi bom đạn khiến việc vận chuyển hàng hoá, lương thực thực phẩm, đạn dược vào chiến trường miền Nam gặp nhiều khó khăn. Trong các lực lượng, thanh niên xung phong là những người đóng vai trò quan trọng, họ đã đánh đổi tuổi xuân để đi cứu nước, mở đường Trường Sơn.
Ông Nguyễn Quang Xão, quê ở xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình là một thí dụ điển hình.
Ngày 5/6/1964, khi tròn 27 tuổi, ông tạm biệt vợ và 2 con gia nhập đội thanh niên xung phong.
Tham gia đơn vị C752, N75, P31, ông Xão làm đội trưởng.
Ông Xão kể, thời điểm đó, vì quá tuổi đi bộ đội nên ông xung phong đi TNXP mở đường Trường Sơn. Đơn vị ông đảm nhiệm đoạn đường 38 km tại ngã ba Lăng Khằng đến ngã ba Xăm Pôn, mà Trung ương ta gọi là con đường máu “đường Chín Nam Lào”.
Lúc ở Quảng Trị, đơn vị ông nhận lệnh cấp trên phải mở khẩn trương con đường trong vòng 2 tháng, đơn vị ông thời điểm đó có 25 người.
“Tôi còn nhớ có đoạn đường 5 km, 2 bên hai hố bom vừa to, vừa sâu, ở giữa có quả bom từ trường nằm giơ cánh lên trời. Anh em chúng tôi làm bên cạnh quả bom, rất nguy hiểm, xe thì chạy vòng theo hố bom mới qua được, đào núi lấp hố mãi cũng chỉ lấp được một góc, cứ đến chiều tối anh chị em về lán cơm nước nghỉ ngơi, còn tôi với 2 đồng chí nam ở lại gài mìn để giải phóng quả bom, khoảng 10 phút sau khi đặt mìn, tiếng nổ vang trời, thế là an toàn, thật may mắn làm sao, cả đơn vị rất mừng, nó làm lở mép núi đất ùn xuống lấp gần hết 2 hố bom kia, vừa có đất cho mình san lấp xong đoạn đường đó”, ông Xão kể lại.

Ông Xão cho biết thêm, cứ mỗi khi xong đoạn đường khoảng 5 km thì sẽ có tổ chuyên vào rừng chặt cây lá tươi đem tới nguỵ trang đường để máy bay địch không phát hiện. Cứ 3 ngày thay lá một lần khi lá bị khô.
Lúc bấy giờ, hai đơn vị O “rô” 50 và C752 tại ngã ba Lăng Khằng hố bom lầy lội xe không qua được, đơn vị vào rừng chặt cây gọi là “đòn đanh” đem tới xếp đặt lên đoạn sình lầy xếp cao cả mét mới bằng mặt đất để cho xe qua.
Đơn vị làm ngày làm đêm, lợi dụng cả những đêm trăng sáng làm với tinh thần thần tốc sôi sục, ý chí quật cường và đoạn đường 38 km từ ngã ba Lăng Khằng đến ngả ba Xăm Pôn đã hoàn thành trước kế hoạch trong 47 ngày đêm.
Đây là một thành tích toàn đơn vị đã dốc hết sức lực và quyết tâm cao để hoàn thành, thông đường cho xe chuyển vũ khí đạn dược, gạo cơm vào Nam tiếp tế cho bộ đội.
Ông Xão nhớ lại câu thơ Bác Hồ tặng cho TNXP “không có việc gì khó/ chỉ sợ lòng không bền/ đào núi và lấp biển/ quyết chí ắt làm nên”.
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, ông Xão và đơn vị được Chính phủ tặng nóng bằng khen vì đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Đến tháng 10/1967, ông được cho đi học sĩ quan TNXP khoá Châu Hưng Yên 2 năm. Khi trở về Hà Nội chuẩn bị vào Nam tiếp tục công việc của người TNXP, ông được Trung ương Đoàn báo sáng các đồng chí được gặp lãnh đạo cấp cao, lúc đó ông cứ nghĩ là gặp lãnh đạo nào đó thôi chứ không ngờ được gặp Bác Hồ.
“Nhóm đi học lần này ở miền Nam có 5 người thì cả 5 người reo lên sung sướng, ngồi bên Bác, được Bác hỏi nhiều điều như các cô chú có muốn giải phóng miền Nam không, ăn uống như thế nào, quần áo có đủ mặc không… Bác hỏi rất nhiều và rồi Bác tặng cho 5 người 5 bộ quần áo và 5 cái nón tai bèo”, ông Xão vui mừng nhớ lại.
Tạm biệt Bác, đoàn được cấp trên cho xe chở vào Vinh, sau đó từ Vinh đi bộ vào đơn vị.
“Tôi còn nhớ lúc đó có xe tải chở gạo vào Nam, chúng tôi tới xin đi nhờ, khi nói là TNXP đang mở đường tại đường Chín Nam Lào, được cử đi học và nay trở vào đơn vị thì lái xe đồng ý ngay, vì chiến tranh nên chúng tôi phải nằm trên gạo trùm bạt kín mít để không bị phát hiện”, ông Xão kể.
Năm 1970, đơn vị ông được lệnh rút ra sông Danh, tỉnh Quảng Bình làm công tác nghi binh, tức là làm hiện trường giả như dựng xe ô tô giả, có kính chiếu, tại bến phà sông Danh 1 để đánh lạc hướng của địch. Và thế là địch bay vòng vòng ném bom tại bến phà sông Danh 1, chúng không hề biết xe ta đang chạy trên bến phà sông Danh 2.
Trong những năm tháng mở đường Trường Sơn, ông Xão luôn là người chỉ huy gương mẫu, đi trước, làm trước, lao mình vào khó khăn, miệng nói tay làm để cùng đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ ‘thông đường”.
Sau ngày giải phóng, ông trở về quê hương tại xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình làm xã viên hợp tác xã. Năm 1980, ông được điều động đưa quân đi xây dựng kinh tế mới tại CT CS Bình Long, làm Phó Giám đốc NT Sở Xiêm, mấy năm sau ông nghỉ mất sức tại khu phố Xa Cam 2, phường Hưng Chiến, Thị xã Bình Long, tỉnh Bình Phước.
Sau đó, ông tiếp tục làm Chủ tịch cựu TNXP Thị xã Bình Long, tỉnh Bình Phước, đến nay ông đã 86 tuổi.
Bà Trần Thị Lỹ, người cùng đơn vị TNXP nhận xét, ông Xão là người có tinh thần trách nhiệm, đi đầu làm trước trong mọi việc và luôn hỗ trợ, giúp đỡ mọi người hết mình.
Dù tuổi già sức yếu nhưng ông vẫn minh mẫn, tích cực giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, ông cũng thường xuyên vận động bà con nâng cao ý thức vệ sinh đường làng ngỏ xóm, xây dựng nếp sống văn hoá nông thôn xanh, sạch, đẹp.
Nguyễn Nhị