Thông qua Đại tá, nhà báo Trần Thế Tuyển – Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP.HCM, hội chị em “nhà lính” có dịp gặp gỡ Anh hùng LLVT La Văn Cầu giữa lòng Thủ đô Hà Nội.
Mới đây, trên trạng Facebook cá nhân, Đại tá Mạc Phương Minh, phu nhân Trung tướng Lưu Phước Lượng – Nguyên Phó Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, nguyên Phó Tư lệnh chính trị Quân khu 9 xúc động kể lại câu chuyện gặp gỡ Anh hùng LLVT La Văn Cầu tại Thủ đô Hà Nội.
Đại tá Mạc Phương Minh kể, 4 chị em “nhà lính”, gồm bà, bà Phan Thị Sương (phu nhân Đại tá, nhà báo Trần Thế Tuyển – Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP.HCM); bà Nguyễn Thị Minh Thu (phu nhân Trung tướng Nguyễn Đức Hải – Nguyên Viện trưởng Viện chiến lược Bộ Quốc phòng, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 3); chị Lê Thị Kim Oanh (phu nhân Đại tá Nguyễn Văn Hùng – Chỉ huy trưởng BCH Quân sự quận Bình Tân) có chương trình 3 ngày 2 đêm ở Hà Nội.
Các chị em nhà lính gặp Anh hùng LLVT La Văn Cầu tại Hà Nội.
Thông qua Đại tá, nhà báo Trần Thế Tuyển – Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP.HCM, các chị em đã tìm đến nhà Anh hùng LLVT La Văn Cầu.
“Khi nghe chúng tôi tự giới thiệu từ TP.HCM ra và cả 4 chị em đều là người “nhà lính”, dù có chút ngỡ ngàng vì không quen biết nhưng gia đình rất vui đón tiếp”, Đại tá Mạc Phương Minh nói.
Ở tuổi 91, dù trải qua nhiều đợt phẫu thuật nhưng chú La Văn Cầu vẫn rất minh mẫn; giọng nói, tiếng cười vẫn khoẻ, vang. Tại đây, các chị em được nghe chú kể chuyện; được chú dẫn vào tham quan căn phòng nhỏ, nơi lưu giữ nhiều kỷ vật vô giá, những tấm ảnh gắn với những sự kiện đặc biệt trong cuộc đời của chú, trong đó có nhiều tấm ảnh Bác Hồ chụp với các đại biểu ở Đại hội thi đua toàn quốc lần thứ nhất 1952.
Những bức ảnh quý giá trong căn nhà Anh hùng dân tộc La Văn Cầu.
Tại đại hội này, người Tiểu đội phó của Trung đoàn 174 thuộc Đại đoàn 316 La Văn Cầu là 1 trong số 7 người vinh dự được Chủ Tịch Hồ Chí Minh trao tặng danh hiệu Anh hùng LLVT.
“Chúng tôi thật bất ngờ khi được biết cô Thanh, người bạn đời của chú chính là đại biểu nhỏ tuổi nhất của đại hội ấy. Nét đẹp thanh tú của người con gái năm xưa vẫn còn hiển hiện trên gương mặt phúc hậu của cô”, Đại tá Mạc Phương Minh nói.
Tìm hiểu thêm về cuộc sống của người Anh hùng LLVT giữa đời thường, các chị em nhà lính được biết, năm 2019, chú La Văn Cầu là 1 trong 10 công dân tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội và chú là người duy nhất còn sống mà tên được đặt cho nhiều con đường, nhiều trường học ở nhiều tỉnh, thành khác nhau.
“Nghe nói, khi được biết điều ấy, chú có chút băn khoăn vì “nhiều người sẽ tưởng mình đã chết “, Đại tá Mạc Phương Minh bày tỏ.
Đại tá Mạc Phương Minh cho biết, hơn 30 năm trước, đơn vị bà may mắn được phục vụ cho Hội nghị BCH Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam tổ chức tại TP.HCM. Trong đó có các cô chú là những Anh hùng lẫy lừng của lịch sử như chú La Văn Cầu, chú Đinh Núp, cô Nguyễn Thị Chiên, cô Nguyễn Thị Nghị, cô Hồ Thị Bi, bác Đồng Văn Cống … Đến nay, hầu hết các cô bác đã đi xa, nhưng tinh thần và tên tuổi của họ vẫn mãi trường tồn cùng lịch sử của dân tộc.
Cuộc gặp bất ngờ của chị em “nhà lính” giữa lòng Thủ đô Hà Nội để lại nhiều cảm xúc đặc biệt, qua đó hun đúc thêm tình yêu đất nước, nhất là đối với sự cống hiến to lớn của các Anh hùng dân tộc.
Mạc Phương Minh – Hoàng Da