THẢO NGUYÊN HÀ
Nhờ cơ duyên nối tiếp, tôi vinh dự khi trở thành nhân viên của Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh (Hội). Hai năm nay, tôi được tham gia nhiều hoạt động tri ân của Hội. Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh ra đời nhằm thực hiện sứ mệnh hỗ trợ các gia đình liệt sĩ đang gặp khó khăn, hỗ trợ sửa chữa nhà tình nghĩa, tình thương, giám định ADN xác định danh tính liệt sĩ, tặng sổ tiết kiệm, cấp học bổng, hỗ trợ gia đình thân nhân liệt sĩ đưa hài cốt liệt sĩ về quê hương…
Hội đã hỗ trợ cho nhiều thân nhân liệt sĩ từ Bắc vào Nam, nhưng lần này thật đặc biệt, tôi được tham dự lễ bốc mộ liệt sĩ Lê Viết Xuân. Cũng như bao gia đình khác, những người con ra chiến trường không hẹn ngày về, “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”. Gia đình cô họ tôi, anh trai của chồng cô đã ra đi mãi mãi khi tuổi còn xuân, đó là Trung sĩ, tiểu đội trưởng Lê Viết Xuân sinh năm 1956. Trong quá trình tham gia chiến đấu anh dũng tại biên giới Tây Nam năm 1979, thân thể anh đã hòa vào đất đai của Tổ quốc ngày 31/5/1980, tại chiến trường Battambang, Campuchia.
Được biết, hiện nay phần mộ anh được an táng và chăm sóc tại nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Bình Dương trong ngôi nhà chung cùng đồng đội. Khi biết tin gia đình có tâm nguyện cất bốc đưa hài cốt của anh về quê hương tại xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An để gia đình chăm sóc anh tốt hơn, cô tôi Nguyễn Thị Huyền là một người phụ nữ kiên cường, trung hậu đã đứng ra đảm nhận.
Không may mắn như bao người phụ nữ khác, hạnh phúc không mỉm cười trọn vẹn, chồng cô bị tai nạn mất sớm và để lại 3 người con. Từ đó, một mình cô Huyền gánh vác sứ mệnh nặng nề trên vai vất vả ngàn lần. Mọi người thường nghĩ rằng, phụ nữ “yếu liễu đào tơ”, việc cất bốc mộ là việc của đàn ông, nhưng chính hôm nay tôi đã tận mắt chứng kiến người phụ nữ ấy thực hiện với con tim đầy tâm huyết, nghĩa cử thật thiêng liêng. Sau khi hoàn thành thủ tục xin cất bốc mộ, ngày 07/6/2022 cô Huyền một mình đi từ Hà Tĩnh vào Bình Dương để đưa hài cốt của liệt sĩ Lê Viết Xuân về đoàn tụ với quê hương.
Cùng dự bốc mộ có Trung tá Trần Thái Học, Chỉ huy trưởng Trạm khách T67 – nơi đặt trụ sở làm việc của cơ quan tôi. Tưởng chừng việc đưa hài cốt về quê đầy gian nan, thử thách nhưng tôi cảm nhận được linh hồn của liệt sĩ Lê Viết Xuân thật linh thiêng, mách bảo cho người em dâu của mình trong hành trình đưa anh về quê cha đất tổ.
Cảm động hơn thế nữa, sau khi cất bốc xong, cô tôi dự định đặt chuyến xe đưa hài cốt liệt sĩ về Thành phố Hồ Chí Minh để tối lên máy bay về quê. Nhưng anh Trần Thái Học đã chủ động đề nghị cô mang liệt sĩ về Trạm khách T67. Được biết, anh Học hiện cũng đang thờ cúng liệt sĩ chưa xác định được danh tính tại nhà. Sự việc diễn ra như trong phim, cô tôi đã đồng ý đưa liệt sĩ Lê Viết Xuân về tạm nghỉ tại Trạm khách T67. Với sự tôn kính, anh Học đưa hài cốt liệt sĩ Lê Viết Xuân nghỉ tại phòng làm việc của anh và làm mâm cơm cúng liệt sĩ. Bước vào phòng làm việc của anh Học, như có hơi ấm linh thiêng của liệt sĩ, tôi cảm thấy không gian thật thanh tịnh, ấm áp. Tôi bỗng nhớ đến hai câu thơ về liệt sĩ mà mọi người rất tâm đắc:
Thân ngã xuống thành đất đai Tổ quốc,
Hồn bay lên hóa Linh khí Quốc gia.
Đến bây giờ tôi vẫn không nghĩ rằng đó lại là sự thật. Cô Huyền được mời vào văn phòng Hội, đại điện Ban Thường vụ Hội đã gửi lời hỏi thăm, động viên và chúc gia đình đưa liệt sĩ về quê hương thuận lợi và bình an.
Người thân và đồng đội viếng liệt sĩ Lê Viết Xuân trước khi đưa liệt sĩ về quê
Từ khi tham gia công tác Hội, tôi vẫn nghĩ, mọi người làm việc đều do “Liệt sĩ điều”. Làm việc thiện bằng chính chữ “tâm” thì khó khăn mấy cũng vượt qua. Cảm ơn cuộc đời đã cho cô tôi sức khỏe để có thể hoàn thành tốt tâm nguyện. Thế hệ tôi xin được kính cẩn nghiêng mình, đời đời nhớ ơn các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh thân mình hòa vào đất đai của Tổ quốc để dân tộc ta có ngày hôm nay.