Linh Khí Quốc Gia trân trọng giới thiệu toàn văn dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2021/NĐ-CP ngày 24/7/2021 của Chính phủ quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng.
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2021/NĐ-CP ngày 24/7/2021 của Chính phủ quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng
1. Sửa đổi khoản 1 Điều 3 như sau:
Phương án 1:
“1. Mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng là 2.055.000 đồng (sau đây gọi tắt là mức chuẩn)”.
Phương án 2:
“1. Mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng là 2.111.000 đồng (sau đây gọi tắt là mức chuẩn)”.
2. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 3 như sau:
“2. Mức chuẩn quy định tại khoản 1 Điều này làm căn cứ để tính mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng. Các mức quy định theo mức chuẩn tại Nghị định này được điều chỉnh khi mức chuẩn được diều chỉnh và làm tròn theo quy tắc làm tròn số trong toán học đến hàng nghìn đồng”.
3. Sửa đổi, bổ sung Điều 4 như sau:
“1. Mức hưởng trợ cấp, phụ cấp ưu đãi hằng tháng đối với người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng được quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này.
2. Mức hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng đối với thương binh, người hưởng chính sách như thương binh được quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này.
3. Mức hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng đối với thương binh loại B được quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này.
4. Mức hưởng trợ cấp ưu đãi một lần đối với người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng được quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này. Trường hợp mức trợ cấp một lần tính theo thâm niên thì sau khi đã tính tròn số năm tham gia kháng chiến mà còn có tháng lẻ thì số tháng lẻ được tính tròn số theo nguyên tắc: từ đủ 06 tháng đến dưới 12 tháng được tính là 01 năm, dưới 06 tháng được tính là 6 tháng. Trường hợp không xác định được ngày, tháng bắt đầu hoạt động kháng chiến thì được tính từ ngày 01 tháng 7 của năm đó”.
4. Sửa đổi bổ sung điểm c khoản 2 Điều 6 như sau:
“c) Quà tặng cho đối tượng (mức chi tối đa 20% mức chi điều dưỡng phục hồi sức khỏe tập trung)”.
5. Bổ sung điểm đ khoản 2 Điều 6 như sau:
Dịch vụ điều dưỡng phục hồi sức khoẻ người có công, thân nhân liệt sĩ thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng. Nguồn thu từ hoạt động điều dưỡng phục hồi sức khỏe người có công, thân nhân liệt sĩ của các cơ sở điều dưỡng do ngành Lao động – Thương binh và Xã hội quản lý được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định.
6. Sửa đổi điểm c khoản 1 Điều 12 như sau: “Lấy mẫu hài cốt liệt sĩ: mức chi 50.000 đồng/01 mộ thực hiện lấy mẫu”.
7. Sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 12 như sau:
“4. Xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin bằng phương pháp giám định ADN:
a) Giám định ADN xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin là dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực sự nghiệp lao động thương binh và xã hội được thực hiện bằng phương thức đặt hàng.
b) Mẫu thực hiện giám định ADN bao gồm: mẫu hài cốt liệt sĩ và mẫu thân nhân liệt sĩ.
c) Nhà cung cấp dịch vụ giám định ADN xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin (sau đây gọi tắt là nhà cung cấp dịch vụ giám định ADN): là các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc các Bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ, các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, các tổ chức, đơn vị có tư cách pháp nhân, đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật có chức năng cung cấp dịch vụ giám định ADN.
d) Kế hoạch đặt hàng: Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phê duyệt kế hoạch đặt hàng dịch vụ giám định ADN xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin với các nhà cung cấp dịch vụ giám định ADN (theo Mẫu số 01 ban hành kèm theo Nghị định này).
đ) Hợp đồng đặt hàng: Căn cứ kế hoạch đặt hàng được phê duyệt, Cục Người có công ký Hợp đồng đặt hàng cung cấp dịch vụ giám định ADN xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin với các nhà cung cấp dịch vụ giám định ADN (theo Mẫu số 02 ban hành kèm theo Nghị định này).
e) Đơn giá đặt hàng:
Căn cứ quy định của pháp luật về giá, nhà cung cấp dịch vụ giám định ADN xây dựng phương án giá gửi Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thẩm định.
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành đơn giá tối đa dịch vụ giám định ADN xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin.
Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quyết định đơn giá đặt hàng dịch vụ giám định ADN xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin đảm bảo không vượt giá tối đa do Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định.
g) Nội dung đặt hàng:
Số lượng mẫu thực hiện đặt hàng giám định ADN;
Chất lượng dịch vụ giám định ADN;
Thời gian triển khai và thời gian hoàn thành;
Đơn giá đặt hàng;
Dự toán kinh phí đặt hàng;
Nguồn kinh phí đặt hàng;
Phương thức thanh toán, quyết toán;
Phương thức nghiệm thu, bàn giao sản phẩm;
Quyền và nghĩa vụ của đơn vị cung cấp dịch vụ giám định ADN;
Quyền và nghĩa vụ của cơ quan đặt hàng;
Các nội dung khác không trái với quy định của pháp luật.
8. Sửa đổi khoản 4 Điều 13 như sau:
“a) Hỗ trợ thuốc, điều trị và bồi dưỡng phục hồi sức khỏe tại cơ sở nuôi dưỡng, mức tối đa 8.500.000 đồng/01 người/01 năm. Hình thức hỗ trợ bồi dưỡng phục hồi sức khỏe do Giám đốc các cơ sở nuôi dưỡng quyết định phù hợp với đặc thù của đơn vị (bao gồm cả chi bồi dưỡng phục hồi sức khỏe khi đối tượng đi điều trị tại cơ sở y tế)”.
9. Sửa đổi khoản 5 Điều 13 như sau:
“Hỗ trợ phục vụ công tác nuôi dưỡng người có công tại các cơ sở nuôi dưỡng do ngành Lao động – Thương binh và Xã hội quản lý để đảm bảo các khoản chi phí về điện, nước sinh hoạt hoặc mua xăng dầu chạy máy phát điện, lọc nước, vệ sinh môi trường, sửa chữa điện, nước, thuê mướn nhân công, dịch vụ, vật tư văn phòng, thông tin liên lạc và các khoản chi khác. Mức hỗ trợ phục vụ công tác nuôi dưỡng đối với các cơ sở nuôi dưỡng do địa phương quản lý tối đa 8.000.000 đồng/01 đối tượng/01 năm”.
10. Sửa đổi, bổ sung khoản 6 Điều 13 như sau:
“Hỗ trợ phục vụ công tác điều dưỡng, đón tiếp người có công tại các cơ sở điều dưỡng, đón tiếp do ngành Lao động – Thương binh và Xã hội quản lý để đảm bảo các khoản chi phí như quy định tại khoản 5 Điều này được thanh toán theo số lượng đối tượng được điều dưỡng, đón tiếp thực tế. Mức hỗ trợ tối đa 500.000 đồng/01 người/01 lượt điều dưỡng, đón tiếp. Trường hợp các địa phương chưa có cơ sở điều dưỡng thì cơ quan Lao động – Thương binh và Xã hội được phép sử dụng kinh phí này để thuê các cơ sở lưu trú đủ tiêu chuẩn (theo tiêu chuẩn của khách sạn từ 3 sao trở lên) thực hiện điều dưỡng tập trung.
11. Sửa đổi, bổ sung khoản 7 Điều 13 như sau:
“7. Người có công đang nuôi dưỡng tại cơ sở về thăm gia đình, quê quán mà tự túc phương tiện vận chuyển thì được hỗ trợ tối đa 01 lần/01 năm. Người có công được lựa chọn một trong 2 hình thức thanh toán như sau:
– Trường hợp đối tượng thanh toán theo hóa đơn thực tế thì được thanh toán tiền chi phí đi lại cho bản thân đối tượng và 01 người thân đi cùng (nếu có) từ cơ sở nuôi dưỡng đến gia đình người có công và theo chiều ngược lại theo hóa đơn, chứng từ mua vé hợp pháp theo quy định của pháp luật hoặc giấy biên nhận của chủ phương tiện; giá vé không bao gồm các chi phí dịch vụ khác như tham quan du lịch, các dịch vụ đặc biệt theo yêu cầu; đối với phương tiện máy bay thì được thanh toán tối đa theo giá vé hạng phổ thông tiêu chuẩn và tiền cước hành lý (nếu giá vé chưa bao gồm cước hành lý) theo đơn giá cước hành lý của chuyến đi và khối lượng hành lý nhưng không vượt quá khối lượng hành lý được mang theo của loại vé thông thường khác.
– Trường hợp đối tượng nhận hỗ trợ theo hình thức khoán thì được hỗ trợ với mức 3.000 đồng/km theo quãng đường đi và về từ cơ sở nuôi dưỡng đến gia đình người có công nhưng tối đa không quá 5.000.000 đồng/người/năm”.
12. Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 10 Điều 13 như sau:
a) Hỗ trợ cải tạo, nâng cấp, sửa chữa, bảo trì cơ sở vật chất theo dự án hoặc báo cáo kinh tế kỹ thuật được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Mức hỗ trợ tối đa không vượt quá 15 tỷ đồng/công trình, trong đó hỗ trợ tối đa 100% giá trị công trình đối với các cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng do trung ương và các địa phương chưa tự cân đối ngân sách quản lý, hỗ trợ tối đa 70% tổng giá trị công trình được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đối với các cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng do địa phương tự cân đối ngân sách quản lý.”
13. Sửa đổi khoản 11 Điều 13 như sau:
“a) Quà tặng của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam:
Mức quà tặng đối với tập thể: Tiền mặt là 5.000.000 đồng/tập thể, hiện vật trị giá 500.000 đồng/tập thể.
Mức quà tặng đối với gia đình, cá nhân: Tiền mặt là 1.000.000 đồng/gia đình hoặc cá nhân; hiện vật trị giá 250.000 đồng/gia đình hoặc cá nhân.
b) Quà tặng của Lãnh đạo Bộ, cơ quan trung ương:
Mức quà tặng đối với tập thể: Tiền mặt là 3.000.000 đồng/tập thể; hiện vật trị giá 500.000 đồng/tập thể.
Mức quà tặng đối với gia đình, cá nhân: Tiền mặt là 1.000.000 đồng/gia đình hoặc cá nhân; hiện vật trị giá 250.000 đồng/gia đình hoặc cá nhân.”
14. Sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 14 như sau:
“4. Bố trí kinh phí chi quản lý bằng 1,7% tổng kinh phí từ nguồn ngân sách trung ương thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng trong dự toán ngân sách hằng năm (trừ kinh phí hỗ trợ các cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng và chi công tác mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ) của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội để tổ chức thực hiện Pháp lệnh, trong đó chi phí phục vụ chi trả chế độ đến người thụ hưởng tối đa bằng 0,75% tổng số kinh phí chi trả chế độ của toàn ngành. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát, đảm bảo quản lý chặt chẽ, minh bạch ngân sách nhà nước thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng.
Phương án 1:
Việc lựa chọn tổ chức dịch vụ chi trả chế độ ưu đãi người có công với cách mạng theo phương thức đặt hàng hoặc phương thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt theo quy định của pháp luật về đấu thầu, đảm bảo có mạng lưới điểm giao dịch tại xã phường, thị trấn có thể đảm nhiệm việc chi trả tại nhà cho một số đối tượng đặc thù, bảo đảm việc chi trả đúng, đủ, kịp thời và an toàn.
Phương án 2:
Việc lựa chọn tổ chức dịch vụ chi trả chế độ ưu đãi người có công với cách mạng được thực hiện theo quy định của pháp luật. Tổ chức thực hiện chi trả bảo đảm có mạng lưới điểm giao dịch tại xã phường, thị trấn có thể đảm nhiệm việc chi trả tại nhà cho một số đối tượng đặc thù, bảo đảm việc chi trả đúng, đủ, kịp thời và an toàn.
Điều 2. Điều khoản thi hành
1. Nghị định này có hiệu lực từ ngày tháng năm 2023.
2. Mức hưởng trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công với cách mạng theo quy định tại Phụ lục I, Phụ lục II, Phụ lục III, Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này và mức hưởng trợ cấp quy định tại Điều 8, Phụ lục VI ban hành kèm theo Nghị định số 75/2021/NĐ-CP ngày 24 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng được quy định theo mức chuẩn tại Nghị định này và được thực hiện kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2023.
3. Mức chi chế độ điều dưỡng theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 75/2021/NĐ-CP ngày 24 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng được quy định theo mức chuẩn tại Nghị định này và được thực hiện kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2024.
4. Những trường hợp quy định tại khoản 5 Điều 184 Nghị định số 131/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng được hỗ trợ thuốc, điều trị và bồi dưỡng phục hồi sức khỏe; cơ sở nuôi dưỡng người có công do ngành Lao động – Thương binh và Xã hội quản lý được hỗ trợ phục vụ công tác nuôi dưỡng những trường hợp này.
5. Bãi bỏ điểm b khoản 3 Điều 11 Nghị định số 75/2021/NĐ-CP ngày 24 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng.
6. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.
Hoàng Diệp (TH)