Chủ Nhật, Tháng Mười 1, 2023

Đồng đội

(Ký ức về những người bạn – đồng đội một thời)

1.Tôi nhập ngũ ngày 12/6/1972 khi vừa qua 17 tuổi. Tháng 7/2023 là đã 51 năm kể từ hồi đó, chúng tôi, những người lính trẻ của một thời đạn bom ngồi ôn lại những kỷ niệm mà dường như mới xảy ra hôm qua, hôm kia… Cả đoàn đi học bay ở nước Nga xa xôi gồm 59 người, vì những lý do khác nhau, chỉ có 21 người trở thành phi công, 9 người sau đó hy sinh. Chỉ có chúng tôi mới hiểu được đằng sau cái kiêu hùng của đời anh lính bay (ước mơ của bao bạn trẻ thời đó và cả bây giờ) là biết bao đắng cay, mồ hôi, máu và nước mắt.

Phòng ngủ của tôi hồi đó có thêm 3 người nữa:Trần Văn Deo, Nguyễn Xuân Ân, Bùi Văn Ký. Sau khi cấp trên chuyển tôi lên Matxcow học kỹ sư, 3 người còn lại tốt nghiệp phi công, về nước. Rồi sau đó, cứ cách một thời gian tôi lại nhận một tin dữ: Ký hy sinh năm 1979 khi chưa có gia đình, 1982 Ân hy sinh khi vợ vừa sinh con gái đầu lòng được mấy tháng, và cuối cùng, năm 2007, anh Deo, tiểu đội trưởng đầu tiên trong đời quân ngũ của tôi, hy sinh khi còn một tháng nữa nghỉ hưu.

Lê Kiên Thành khi là học viên phi công tại Liên Xô.

Bên những chén rượu rót ra để tưởng nhớ đến các anh, chúng tôi, những người may mắn sống đến bây giờ, kể nhau nghe những vui buồn của cuộc sống, những may mắn và những bất hạnh mà số phận dành cho mình.

Tôn, một người bạn khác kể tôi nghe chuỗi ngày dài của 4 năm khi máy bay bị Trung Quốc bắn rơi lúc đang làm nhiệm vụ huấn luyện ở vùng trời biên giới. Lúc đầu Tôn được giam riêng tại nhà giam của không quân Trung Quốc. Tôn đòi được giam với các chiến sĩ bộ binh để được gần đồng chí mình, để được nghe tiếng mẹ đẻ của mình. Sau đó anh mới biết, ngoài việc ăn uống kham khổ hơn rất nhiều thì quá nửa chỗ tù binh đó là đám lưu manh chuyên đi trộm cướp vùng biên. Bạn tôi chịu đựng tất cả với bao nhiêu lần định vượt ngục để trở về với quê hương, đồng đội.

Đức Bình (phải) và Kiên Thành.

Rồi cái ngày mơ ước ấy cũng đến. Năm 1991, sau hơn 4 năm bị cầm tù, Tôn được trao trả. Nhưng thật đau đớn, sau niềm vui vô bờ bến của tự do là những nụ cười nửa miệng, những ánh mắt lành lạnh, những cái bắt tay hững hờ… Không phải tất cả nhưng thật chua chát khi phải chịu những điều đó. “Thành biết không, ngay cả người chỉ huy đã ký lệnh bay cho minh ngày hôm đó…”, bạn nói.

Tôi không biết nói với bạn điều gì. Còn bạn nắm tay tôi như thể muốn động viên chính tôi vậy, và mỉm cười. Tôi chợt thấy tim mình đau nhói khi lần đầu tiên trong đời hiểu trọn vẹn hai tiếng: cười buồn.

Các bạn học viên phi công ở Liên Xô, từ trái qua: Deo, Ân, Thành, Ký.

2.Đoàn học lái máy bay năm 1972 có 8 người Hà nội: tôi, Hoàng Thành, Quốc Bình, Ngọc Anh, Chính, Quốc, Nam và Đức Bình.

Vào bộ đội tôi mới thấm thía từ “đồng hương” mà trước đó hay đọc trong sách vở. Khi xa nhà, bất kỳ thứ gì gợi nhớ đến nơi mình sinh ra và lớn lên, rõ nhất là giọng nói, thì quý giá và thân thiết vô cùng. Các anh lớn trong đoàn kể trên đường ra trận, gặp bộ đội đi ra hay gặp các đoàn thanh niên xung phong, câu chào hỏi đầu tiên bao giờ cũng là: có ai người Ninh Bình, Thanh Hóa, Hà Bắc khô….ông, vang cả núi rừng. Và tình cờ nghe được tiếng người đồng hương từ phía bên kia đáp lại thì đó là niềm hạnh phúc, dẫu thoáng qua, nhưng ngọt ngào không kể xiết.

Đám học viên Hà Nội chúng tôi cũng hay ngồi với nhau kể về những món ăn, những trò nghịch ngợm tuổi học trò dường như chưa kịp đi qua, những con phố biết tên cũng như chưa từng biết… và chúng tôi thấy Hà Nội như rất gần đâu đây, chỉ bên ngoài hàng bạch dương kia, thì phải.

Tôi nhớ có một buổi chiều muộn tháng 12/1972, các bạn ngồi trong căn phòng của tôi. Ngoài trời rất lạnh đối với những người lần đầu tiên nhìn thấy tuyết. Chúng tôi hồi lâu không ai nói gì. Đó là lúc được tin Mỹ dùng B 52 ném bom nhiều thành phố trong đó có Hà Nội.

Tôi tự nhiên phá sự im lặng: “Này, mai mốt đi chiến đấu, nếu hết đạn, hết tên lửa mà thấy B 52 có nên lao máy bay vào không nhỉ?”. Im lặng. Ai đó nói: “Chiến tranh còn dài mà! Nhưng cũng chẳng biết được…”. Trong bóng tối, tôi thấy có cái nhíu lông mày, có bàn tay như nắm lại và tôi hiểu các bạn đang nghĩ gì.

Trong đám đồng hương Hà Nội, Đức Bình thân và quý mến tôi một cách đặc biệt. Anh em gọi cậu là Bình “radio”, chắc do nói nhiều. Cậu ta thích tôi chắc vì tôi nói ít. Giờ học buổi chiều hay những lúc nghỉ ngơi, Bình luôn tìm đến tôi, đặc biệt những lúc trốn ra ngoài đồng lang thang là những khoảng thời gian không thể quên được.

Các đồng đội gặp lại nhau, từ trái qua: Luyến, Tôn, Thành, Đĩnh.

Thế nhưng điều tôi sợ nhất cũng đến, lúc chúng tôi chuẩn bị chuyển đi thành phố khác để học lý thuyết và học bay thì có lệnh chuyển tôi lên Matxcova học kỹ sư hàng không quân sự. Tôi buồn vô cùng. Buồn vi giấc mơ bay không thành, buồn vì phải xa những người đồng đội đầu tiên trong cuộc đời quân ngũ của mình. Tôi vẫn nhận được thư của các bạn, biết các bạn đang hăng say học tập, rèn luyện. Bất ngờ tôi nhận được bức thư đẫm nước mắt của Bình: “Thành ơi, mọi người nghi ngờ mình ăn cắp tiền Thành ạ. Mình khổ lắm”.

Thì ra là thế này. Lúc đi Matxcova thăm các chị của mình về, tôi được thanh toán những ngày không ăn ở trường hơn 30 rup. Đó là số tiền khổng lồ so với 8 rup chúng tôi được phát hằng tháng. Muốn mua một áo sơ mi 17 rup, để ngày nghỉ ra ngoài giao lưu với các sinh viên Việt Nam thì phải mất ba tháng dè xẻn. Thế mà tôi cho Bình toàn bộ số tiền đó (để thực hiện ước mơ sớm có đồng hồ đeo) và trước khi rời đó, tôi tặng bạn một cái áo sơ mi mà các chị mua cho.

Trong phòng có người bị mất toàn bộ số tiền tiết kiệm từ lúc đặt chân lên nước Nga mà Bình thì có áo mới và đồng hồ. Khổ thân Bình, các bạn tự nhiên có cái gì đó khang khác, trưởng đoàn tự nhiên cắt xuất đi nghỉ, bạn tôi chỉ biết ngồi viết thư cho tôi mong tìm được một nơi an bình nào đó mà trú ẩn tâm hồn. Tôi có lẽ còn đau khổ hơn khi thấy mình là nguyên do của sự trớ trêu đó.

Rất lâu sau, khoảng năm 1983, tôi nhận được thiếp mời đám cưới của bạn. Đám cưới đạm bạc nhưng bạn tôi bảnh bao, rạng rỡ.

“Chú rể đẹp trai nhỉ?”, tôi khen. Bình ghé tai tôi nói nhỏ: “Mình diện cái áo hồi xưa Thành cho đấy!”.

 Tôi giật mình nhìn lại, trời ơi, vẫn cái áo trắng ấy, sao đã 10 năm mà bạn vẫn giữ mới tinh vậy. Chắc chính nhờ chiếc áo đó, bạn tôi hiểu được phần nào sự oan ức, sự bất công của cuộc đời mà trước đó với những người trẻ như chúng tôi chỉ là một màu hồng, và bạn đã vượt qua được nó mà đi tiếp. Và vì thế mà bạn đã rất quý, giữ gìn,nâng niu chăng. Giữa không khí tươi vui, nhạc réo rắt, nhìn chú rể tung tăng đi chào hỏi bàn nọ bàn kia mà nước mắt của tôi cứ chực tuôn trào vì thương bạn.

Ở Liên xô về, Bình chuyển sang bay trực thăng HU-1A của Mỹ để lại, tham gia chiến đấu ở chiến trường Campuchia rồi về làm giáo viên bay (cùng anh Deo, tiểu đội trưởng của tôi) và bay phục vụ dầu khí cho đến khi nghỉ hưu.

Tôi đến thăm bạn tại bệnh viện khi nghe tin Bình bị mắc bệnh hiểm nghèo. Vẫn nụ cười không tắt trên môi, vẫn hàng tràng âm thanh không nghỉ từ “radio” khi giải thích mình sẽ nhanh khỏi bệnh, bạn làm tôi cảm thấy những khó khăn của chính mình trở nên vô cùng nhỏ bé. Tin nhắn cuối cùng từ bạn mà tôi vẫn giữ trong điện thoại là: Hãy gửi những bài viết của Thành nhé, mình rất thích đấy.

Bạn tôi đã ra đi. Tôi không bao giờ được nghe những âm thanh rổn rảng tươi vui từ Bình “radio” nữa, nhưng nụ cười ấy, ánh mắt ấy sẽ theo tôi suốt quãng đời còn lại của mình như ngọn lửa nuôi dưỡng sự tử tế và chân tình của cuộc sống.

Bài viết liên quan

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận
Nhập tên của bạn

Bài viết phổ biến

Bình luận gần đây