XUÂN HÒA
Cuộc tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 của quân và dân Sài Gòn Gia Định đã làm rung chuyển cả lầu Năm Góc, buộc Mỹ phải ngồi vào đàm phán tại Paris.
Song, đế quốc Mỹ lại ồ ạt tăng cường chi viện cho lực lượng tay sai, với quyết tâm đánh phá và chiếm đóng lại các vùng giải phóng của ta, nên cuộc chiến tranh càng trở nên khốc liệt, đặc biệt trên chiến trường vùng ven Sài Gòn – Gia Định. Để hỗ trợ cho các đơn vị chủ lực của quân Giải phóng Miền Nam, một lực lượng đặc biệt tinh nhuệ được thành lập. Đó là đơn vị đặc công J16, sau đó được đổi thành Đoàn 429 đặc công.
Tháng 3 năm 1969, Đoàn đặc công 429 ra quân trận đầu tiên đánh vào căn cứ Đồng Dù ở Củ Chi và căn cứ Dầu Tiếng ở Thủ Dầu Một. Sau đó đơn vị liên tiếp đánh vào các căn cứ ở Lai Khê, Bến Cát, Núi Bà Đen, Núi Cậu, Téc Ních, Bù Đa, Phước Long, các sư đoàn: Anh Cả Đỏ, Kỵ Bình Bay, Sư đoàn Tia Chớp Nhiệt Đới của Mỹ, Lữ Đoàn 101 … khiến binh lính Mỹ vô cùng hoang mang lo sợ.
Đầu năm 1970, Lon Non làm đảo chính lật đổ chính quyền Xihanuc ở Campuchia xây dựng chế độ thân Mỹ và Ngụy quyền Sài Gòn, tập trung binh hỏa lực hòng tiêu diệt quân chủ lực Miền (Quân giải phóng Miền Nam Việt Nam) ở biên giới Campuchia. Tuy nhiên kế hoạch ấy đã bị quân giải phóng Miền Nam làm cho phá sản hoàn toàn.
Trong tình hình đó, Bộ tư lệnh Đoàn 429 Đặc Công bí mật thành lập các đơn vị tinh nhuệ, thiện chiến nhất tung xuống chiến trường Đông Nam Bộ, thọc sâu vào các cứ điểm quân sự quan trọng của địch tại vùng ven Sài Gòn, Gia Định như: Các sở chỉ huy quân sự, kho tàng, sân bay… làm cho địch hoang mang lo sợ, phải rút về phòng thủ bảo vệ Sài Gòn.
Một tổ đặc công xuất kích ( ảnh tư liệu)
Ngày 19 tháng 5 năm 1970, đúng ngày sinh nhật Bác Hồ, Đại đội 5 trinh sát Đặc công Chiến Nước được thành lập, đơn vị thọc sâu đầu tiên làm nhiệm vụ mở đường cho các đơn vị sau này. Đại đội gồm 12 cán bộ, chiến sĩ do đồng chí Đoàn Xuân Thiềng làm chính trị viên, bí thư chi bộ; đồng chí Phan Xuân Hảo đại đội trường, đồng chí Ngần Văn Đinh làm đại đội phó, cùng 9 đồng chí cán bộ trung đội, tiểu đội thiện chiến nhất.
Sáng 25/5/1970, từ biên giới Campuchia Đại đội 5 làm lễ xuất quân. Đoàn bí mật cắt rừng vượt qua phòng tuyến xe tăng, thiết giáp dày đặc của địch, luồn sâu về Tây Ninh, Nha Thức, vượt sông Sài Gòn sang Thủ Dầu Một.
Ngày 1/6/1970, đồng chí đại đội trưởng Phan Xuân Hảo bị sốt rét không đi được phải quay về phía sau. Đồng chí Đoàn Xuân Thiềng kiêm đại đội trưởng chỉ huy đơn vị vượt qua tuyến phòng ngự Dầu Tiếng, Bến Cát, qua bãi xe ủi Rạch Bắp, Bưng Còng, vượt qua tuyến Giang Đoàn 28 của Hải Quân Sài Gòn qua Củ Chi, vượt quốc lộ 22, bắt liên lạc được với ban chỉ huy huyện đội Bắc Củ Chi, thọc sâu nghiên cứu căn cứ Đồng Dù, Trung Hòa v.v…
Đầu năm 1971, địch mở cuộc càn quét lập “vành đai trắng” ở chiến trường Củ Chi. Đại đội 5 được giao nhiệm vụ đánh vào các cơ quan đầu não của địch, buộc chúng phải rút quân về bảo vệ các vị trí trọng yếu.
Nhận nhiệm vụ, đại đội 5 chia thành 2 mũi tiến công. Mũi 1 do đồng chỉ Đoàn Xuân Thiềng chỉ huy, đánh vào căn cứ Đồng Dù và sở chỉ huy Sư đoàn 25 Ngụy. Mũi 2 do đồng chí Ngần Văn Đinh chỉ huy, đánh vào cụm xe tăng Ngụy ở Trung Hòa.
Đúng giờ G, đêm 12/4/1971, hai mũi tiến công đồng loạt dùng lựu đạn bộc phá, B.40 tiến công. Bị đánh bất ngờ bọn địch trở tay không kịp, ta tiêu diệt 22 cố vấn Mỹ và nhiều sĩ quan, binh lính địch, phá hủy 10 xe tăng, xe A bọc thép và xe ủi. Trận tập kích đánh dấu thắng lợi đầu tiên của đơn vị Đặc công trên chiến trường Củ Chi Đất thép Thành đồng.
Tháng 5/1971, chính quyền Sài Gòn chuẩn bị vận động bầu cử tổng thống. Phối hợp với các đơn vị trên chiến trường, Đội 5 nhận lệnh đánh thẳng vào các cơ quan đầu não của địch phá hủy âm mưu bầu cử tổng thống Ngụy quyền Sài Gòn.
Ngày 12/11/1971, Đại đội 5 do đ/c Ngần Văn Đinh đánh thẳng vào kho đạn M26 ở Gò Vấp, đặt mìn phá hủy toàn bộ kho dự trữ chiến lượt của địch làm rung chuyển cả Sài Gòn, Đồng chí Ngần Văn Đinh anh dũng hy sinh trong đống đổ nát của căn cứ địch.
Đầu năm 1972 chuẩn bị đón tết Nguyên Đán kết hợp với tổ trinh sát hợp pháp ở xã Tân An Hội, Đại Hội 5, do đ/c Đoàn Xuân Thiềng chỉ huy đã đánh trúng kho dự trữ chiến lược của địch trong căn cứ Đồng Dù, kho đạn nổ suốt đêm 25 và cả ngày 26/1, làm rúng động tinh thần bọn lính Ngụy trên vùng ven Sài Gòn, Gia Định.
Ngày 12/4/1972, Đại đội 5 nhận lệnh mở màn chiến dịch Nguyễn Huệ, đánh vào trung tâm căn cứ Trung Hòa phá hủy trận địa pháo 105 ly và toàn bộ kho đạn. Số lính ngụy còn sống sót bỏ chạy về Củ Chi, đến trưa 15/4 chúng mới dám quay lại thu dọn xác chết.
Thực hiện chiến thuật đánh bồi, đánh nhồi làm cho kẻ địch không kịp hồi sức, đầu tháng 9/1972 Đại đội 5 lại đánh vào kho xăng Đồng Dù đốt cháy hàng vạn lít xăng dầu, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh của địch.
Tháng 10/1972, đơn vị nhổ bót Xóm Mới trên Hương Lộ 2, vị trí án ngữ từ Đồng Dù lên Trung Hòa mở thông đường giao liên huyết mạch của cở sở bí mật từ Sài Gòn vào vùng căn cứ.
Đầu năm 1973, Hiệp định Pari được ký kết, thực hiện sự chỉ đạo của bộ chỉ huy Quân khu Sài Gòn Gia Định, các lực lượng ở đâu giữ nguyên ở đó, quyết tâm bảo vệ giữ vững vùng giải phóng. Đại đội 5 đã cùng với du kích xã Trung Lập Hạ và Đại đội 7 huyện Củ Chi, bám trụ căn cứ ấp Đồn và ấp Láng Đỉa, cắm cờ giữ đất hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ vùng giải phóng.
Với những chiến công xuất sắc, đại đội 5 đã được bộ chỉ huy Miền và bộ chỉ huy quân khu Sài Gòn Gia Định khen thưởng là đơn vị lá cờ đầu của lực lượng vũ trang Sài Gòn Gia Định. Ngày 20/12/1973, Đại đội 5 Đặc công đã được chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam phong tặng: “Đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang”.
*Bài được đăng trên đặc san “ LINH KHI QUỐC GIA” số xuân Nhâm dần