Kết quả cuộc vận động viết về đề tài Thương binh – Liệt sĩ, hai giải nhì (Không có giải nhất) thuộc về tác giả Huỳnh Dũng Nhân với tác phẩm “Những người suốt đời “mua vé ngồi” và tác giả Bùi Minh Tuệ với tác phẩm “Nước mắt rơi khi trùng khơi cuộn sóng”.
Nhân dịp này, hai tác giả đoạt giải cao nhất đã dành cho Linh Khí Quốc Gia một buổi trao đổi xoay quanh giải thưởng của mình.
PV: Điều gì đã thôi thúc hai anh tham gia cuộc vận động viết về Thương binh Liệt sĩ lần này?
Nhà báo HUỲNH DŨNG NHÂN: Là một nhà báo, tôi đã có nhiều cơ hội được viết về những người lính. Cách đây 30 năm, tôi có viết một phóng sự về khu điều dưỡng thương binh nặng Long Hải. Bài này gây tiếng vang, tạo phong trào giúp đỡ thương binh rất sâu rộng. Từ đó, tôi thân thiết và trở thành người nhà của đơn vị thương binh này. Tôi đã viết rất nhiều về thương binh và kết nối, hướng dẫn trực tiếp đưa cả trăm đoàn nhà báo, văn nghệ sĩ, doanh nghiệp… đi thăm và giúp đỡ thương binh.
Năm nay tôi thấy có cuộc thi rất ý nghĩa nên cũng muốn chia sẻ những điều tôi đã tìm hiểu và khâm phục quý mến anh chị em ở đây.
Tác giả Bùi Minh Tuệ
Tác giả BÙI MINH TUỆ: Tôi là một người lính cầm bút. Do đặc thù công việc làm báo, tôi đã lưu giữ khá nhiều những câu chuyện xúc động về người lính và thân nhân của họ… Ngay từ khi biết có Cuộc vận động viết về đề tài này, điều thôi thúc tôi gửi bài tham dự chính là nguồn tư liệu mà tôi đang có. Từng có mặt trong đoàn công tác ra Trường Sa năm ấy, tôi đã rơi nước mắt khi chứng kiến hiện tượng mưa gió giữa biển trời Gạc Ma đúng vào lúc cả đoàn làm lễ tưởng niệm 64 liệt sĩ hy sinh. Được chứng kiến câu chuyện của một cô gái gửi kỷ vật vào lòng biển cho người yêu là liệt sĩ Trường Sa, rất nhiều giọt nước mắt đàn ông đã chảy trên boong tàu hôm ấy…
Điều thôi thúc tôi viết còn là sự tri ân tới những người vợ, người mẹ liệt sĩ – những người phụ nữ thời bình vẫn âm thầm gánh chịu những nỗi đau.
PV: Xin các anh vui lòng cho biết vài suy nghĩ khi đồng đoạtt giải cao nhất của cuộc vận động?
Nhà báo HUỲNH DŨNG NHÂN: Khi biết mình đoạt giải cao, tôi không ngạc nhiên lắm, vì tôi nghĩ quá trình 30 năm viết và làm bạn với thương binh đã cho tôi nhiều câu chuyện để kể. Hơn nữa tôi là một nhà báo chuyên nghiệp cho nên viết có nhỉnh hơn các cây bút không chuyên. Tôi vui vì có giải tôi sẽ về khu thương binh Long Hải chia sẻ niềm vui này với họ.
Tác giả BÙI MINH TUỆ: Khi biết tin đoạt giải, tôi rất vinh dự. Tôi hy vọng khi được in thành sách, tác phẩm của tôi sẽ được độc giả “để mắt” tới. Tôi cũng mong rằng nhiều tác phẩm thu hái được từ cuộc vận động sẽ giúp độc giả trẻ thêm yêu thích lịch sử dân tộc và trân trọng sự hy sinh, cống hiến của các thế hệ cha anh.
Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân
Đại tá nhà văn TRẦN THẾ TUYỂN – Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP.HCM, đồng Trưởng Ban tổ chức, Trưởng Ban chung khảo cuộc vận động:
Lan tỏa những tấm gương hy sinh cao cả vì đất nước
PV: Thưa anh từ suy nghĩ nào anh đã có ý tưởng tổ chức cuộc vận động viết về đề tài thương binh liệt sĩ?
Đại tá nhà văn TRẦN THẾ TUYỂN: Thật tình cờ, trong chuyến ra miền Trung dự trại viết, nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM đã gợi ý cả hai Hội nên phối hợp làm việc gì đó để tri ân liệt sĩ, lan tỏa những tấm gương hy sinh vì đất nước.
Tôi đồng ý và đề xuất nên mở cuộc vận động viết về đề tài Thương binh – Liệt sĩ. Ý tưởng ấy đã được nhà văn Bùi Anh Tấn, TBT Tạp chí Văn nghệ TP.HCM và nhà văn GS TS Trình Quang Phú đồng thuận cao.
Với cương vị là Trưởng Ban chung khảo, anh cho mấy lời nhận xét về những tác phẩm đoạt giải?
Tuy còn những hạt sạn không tránh khỏi nhưng trong thời gian ngắn, cuộc vận động viết đã đạt các mục tiêu BTC đề ra. Thứ nhất thu hút sự quan tâm của cộng đồng. Thứ hai, đã chọn và trao giải cho các tác phẩm đúng tiêu chí. Đặc biệt xuất bản được tập sách tập hợp được các tác phẩm có chất lượng về cuộc vận động viết này.
Đại tá, nhà báo Trần Thế Tuyển
Về các tác phẩm đoạt giải, thật khó để chọn bởi các tác phẩm chỉ hơn kém nhau trong ly tấc. Chúng tôi phải “so bó đũa chọn cột cờ”. Và đã hết sức cố gắng ở mức cao nhất để lựa chọn ra các tác phẩm tiêu biểu xứng đáng để trao giải lần này.
Nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội nhà văn TP.HCM, đồng Trưởng ban tổ chức Cuộc vận động:
Tôi đã có những phút giây lặng đi trên trang viết
PV: Thưa chị, so với các cuộc thi mà Hội nhà văn TP.HCM tổ chức trước nay, sự kết hợp lần này với Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP.HCM viết về đề tài Thương binh – Liệt sĩ có gì khác biệt?
Nhà văn Bích Ngân: Trước hết là đề tài: Đề tài viết về Thương binh Liệt sĩ là một chủ đề rất ít gặp trong các cuộc thi viết hiện nay. Sau đó là người viết: Có những cây bút nổi tiếng lẫn những người lần đầu cầm bút. Cuối cùng là chất liệu: Chất liệu phong phú từ người thật việc thật đã góp phần làm cho các tác phẩm đầy cảm xúc hơn.
Nhà văn Bích Ngân
Điều gì đọng lại trong chị sau cuộc vận động?
Tôi đã có những phút giây lặng đi trên trang viết. Bài viết nào cho dù là tham gia hay hưởng ứng cuộc vận động cũng điều khiến nhịp tim tôi đập nhanh hơn khi đọc. Nhưng đồng thời, cũng bật ra trong tôi những câu hỏi day dứt đến xót xa: Vì sao còn quá nhiều liệt sĩ chưa tìm thấy mộ? Vì sao còn quá nhiều thân nhân liệt sĩ còn quá cơ cực trong cuộc sống?
Theo chị nhân tố nào quyết định sự thành công của cuộc vận động?
Có thể nói, thành công của cuộc vận động viết này xuất phát từ sự đóng góp của người viết. Cũng phải kể đến sự nỗ lực và trách nhiệm của Ban tổ chức và các Ban giám khảo. Họ đã ngày đêm miệt mài làm việc để cuộc vận động diễn ra đúng thời gian quy định.
Nhà văn TRẦM HƯƠNG –Trưởng Ban Sơ khảo cuộc vận động :
Cảm ơn các tác giả đã làm nên sự thành công của cuộc vận động sáng tác về chủ đề thiêng liêng này!
PV: Với cương vị là Trưởng Ban Sơ khảo, xin chị đánh giá đôi nét về cuộc vận động sáng tác đầy ý nghĩa này.
Nhà văn Trầm Hương: Thành công của cuộc vận động đến từ nỗ lực của hai phía: Ban tổ chức và các tác giả tham gia. Hầu hết các tác giả bám đúng chủ đề. Cuộc thi thu hút không chỉ một số nhà văn, nhà báo đã khẳng định tên tuổi mà còn được gởi đến từ những người chưa từng cầm bút.
Nhà văn Trầm Hương
Chỉ tiếc có một số bài đề tài hay, nhiều chi tiếc xúc động nhưng không đúng tiêu chí, không đúng thể loại, thiếu thông tin nhân vật đành phải để lại, chỉ vào vòng chung khảo. Đồng thời các tác phẩm trao giải thiếu mảng chân dung thế hệ con cháu tiếp nối và nhân vật ở TP.HCM chưa được khai thác nhiều.
Một số bài viết tốt nhưng trùng chủ đề, trong khi giải thưởng có hạn. Thật khó khăn cho ban giám khảo, cả sơ và chung khảo trong sự lựa chọn! Với vai trò ban giám khảo, tôi thật sự cảm ơn những tác giả đã gởi tác phẩm làm nên sự thành công của cuộc vận động sáng tác về chủ đề thiêng liêng này!
LƯƠNG GIA CÁT TƯỜNG (Thực hiện)