(ĐTTA) – Từ hơn chục năm nay, các cựu chiến binh Quân khu Trị Thiên những người đã tham gia chiến đấu tại Quảng Trị Thừa Thiên Huế từ những năm 1960 – 1975 và 3 năm gần đây có sự tham gia của các cựu chiến binh Mặt trận Vị Xuyên, chúng tôi thu thập thông tin tổ chức các chuyến đi tìm hài cốt liệt sỹ đưa đón hài cốt liệt sỹ từ các chiến trường xưa trong cả nước về quê, với tình thần tự nguyện tự giác, tự túc, từ sâu thẳm trong tâm của những cựu chiến binh già chúng tôi là muốn tạ ơn các liệt sỹ, gia đình liệt sỹ, đã chiến đấu hy sinh cho chúng tôi và con cháu chúng tôi được sống ấm no hạnh phúc ngày nay và cũng mong muốn được góp chút ít sức lực còn lại vào việc tuyên truyền giáo dục truyền thống cách mạng, truyền thống uống nước nhớ nguồn trong nhân dân và gia đình chúng tôi.
Loay hoay mãi, gần 5 năm nay xin thành lập Hội hỗ trợ gia đình liệt sỹ của tỉnh Sơn La nhưng không được. Để có chỗ dựa pháp lý và tinh thần chúng tôi đã đề nghị và được Trung ương Hội trợ gia đình liệt sỹ Việt Nam cho thành lập Chi hội hỗ trợ gia đình liệt sỹ trực thuộc Trung ương Hội. Dù không có tư cách pháp nhân nhưng đây cũng là nguồn động viên đối với chúng tôi. Đến nay đã có 230 cựu chiến binh và nhân dân tham gia vào Hội, màng lưới của Hội được thành lập tại 7 huyện thị trong tỉnh. Là một tổ chức tự nguyện tại Sơn La nhưng chúng tôi hoạt động trên địa bàn cả nước, chỗ nào có thông tin về phần mộ liệt sỹ. hoặc yêu cầu của gia đình là mấy cựu chiến binh già chúng tôi lên đường tìm kiếm anh em và đưa anh em về với gia đình, quê hương.
Những chuyến đi như thế để lại cho chúng tôi những tình cảm, trách nhiệm sâu nặng và cũng nhiều điều trăn trở lắm. Trong phạm vi bài viết này, tôi xin nêu mấy vấn đề:
Những điều diễn ra trên thực tế
Nói vài trường hợp như thế để mọi người thấy việc đi tìm hài cốt các liệt sỹ khó khăn đến nhường nào? Tuy nhiên có điều an ủi các thân nhân liệt sỹ và động viên chúng tôi là sự tận tâm của các cơ quan lãnh đạo, chuyên môn tại các địa phương và phong trào chắp nối thông tin tìm kiếm mộ liệt sỹ được rất nhiều tổ chức cá nhân quan tâm thực hiện.
Đến nhiều địa phương, đặc biệt là tỉnh Quảng Trị hay lên biên giới Vị Xuyên, khi đến làm việc tại các cơ quan, tất cả yêu cầu của chúng tôi đều được giải quyết khẩn trương, chu đáo ân tình. Đi đón hài cốt liệt sỹ qua các tỉnh Tây Nguyên, Miền Đông, Miền Tây Nam Bộ, rất nhiều trạm cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ đều dừng lại đứng nghiêm trang giơ tay chào khi xe đưa hài cốt liệt sỹ đi qua, có chuyến về qua Kon Tum, hai cháu gái bán hàng rong cứ nài nỉ chúng tôi dừng xe để các cháu thắp nén nhang tri ân liệt sỹ và tặng quà thân nhân. Hàng loạt các nhóm nghĩa tình và cá nhân tham gia chắp nối thông tin tìm kiếm hài cốt liệt sỹ trong cả nước từ nhiều năm nay như: Đỗ Tuấn Đạt, Minh Phương, Lê Thành An, Vũ luật, Hùynh Văn Thi, Bùi Văn Tý, Nguyễn Sỹ Hồ..v..v nhiều lắm… đã làm lan tỏa phong trào đền ơn đáp nghĩa trong cả nước. Năm ngoái khi đưa hài cốt liệt sỹ từ Đắk Nông về Vân Hồ, Sơn La tôi vô cùng cảm động khi thấy tại lễ an táng có mặt đầy đủ các vị lãnh đạo Huyện ủy, Ủy ban nhân dân, các ban ngành chỉ trừ các vị đi công tác xa còn lại toàn bộ cán bộ cơ quan huyện đều đến thắp nhang và dự lễ, không phải như các nơi khác chỉ cử một vị đại diện cho huyện đến, ông Nguyễn Huy Anh – Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện nói… Đối với việc tri ân này chúng cháu không có khái niệm cử đại biểu đến …đây là một hình thức giáo dục thuyết phục nhất, làm tấm gương trong hoạt động tri ân liệt sĩ.
Hiện nay còn 20 vạn liệt sỹ chưa tìm được phần mộ và 30 vạn hài cốt liệt sỹ đã được quy tập về các Nghĩa trang nhưng không có danh tính, thông tin duy nhất ghi trên giấy báo tử. “Là liệt sỹ hy sinh tại Mặt trận phía Nam (Hoặc Tây), thi hài được an táng tại nghĩa trang của đơn vị gần mặt trận“. Làm việc với các đơn vị cũ thì hồ sơ thất lạc, không còn. Thông tin không rõ nhưng hầu hết thân nhân liệt sỹ đều có nguyện vọng tìm được phần mộ liệt sỹ, nhiều gia đình không có điều kiện đi tìm. Tuy nhiên hàng nghìn gia đình vẫn lặn lội hết năm này qua năm khác để tìm kiếm, có gia đình 3 năm liên tục tôi đều gặp ở 3 tỉnh khác nhau để đi tìm phần mộ người thân của mình vô vọng. Hiện nay Chính phủ đã có đề án 150 và những chủ trương chính sách lớn cho việc tìm kiếm, các tỉnh thành đều có Ban chỉ đạo 515 và cứ qua một năm thì một số liệt sỹ đã tìm được phần mộ song phần lớn là không xác định được danh tính.
Việc tìm kiếm phần mộ và xác định danh tính các liệt sỹ hiện nay thật sự khó khăn do thời gian quá lâu, địa hình thay đổi quá nhiều, hồ sơ bị thất lạc, sai sót lẫn lộn, bản thân chúng tôi nay đã già yếu giảm sút trí nhớ nên không thể xác định chính xác vị trí chôn cất ban đầu. Thí dụ: Như tại Động Co Ác (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị), chúng tôi tìm được sơ đồ mộ chí 24 liệt sỹ của D16.E24.F304 hy sinh tháng 7/1969, nhưng nhiều lần tổ chức tìm kiếm vẫn không tìm được.
Ông Prentice một cựu binh Mỹ sang tận cao điểm 881 tại Quảng Trị chỉ vị trí đơn vị ông ta đã đưa hơn 100 thi hài liệt sỹ xuống 2 hố bom lấp đi hồi tháng 2 năm 1968 trong chiến dịch Khe Sanh, tôi đã phối hợp với các đơn vị chức năng của địa phương tìm kiếm nhiều lần vẫn chưa thấy.
Tại Cao điểm 723 trong chiến dịch Đường 9 – Nam Lào, 9 liệt sỹ của E64.F320 hy sinh, tôi đã liên lạc với đơn vị cũ và gia đình lần tìm hồ sơ, sang tận nơi (Thuộc Se Pôn Lào) xác định thực tế, biết được anh em đã được quy tập rồi, tiếp tục truy tìm hồ sơ quy tập, người đi quy tập và cuối cùng đã có trong tay hồ sơ 9 ngôi mộ đưa về Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Đường 9. Nhưng đến khi khai quật lấy mẫu giám định ADN thì không trúng một trường hợp nào, có thể do quá trình vận chuyển về anh em để lẫn, hoặc mẫu xấu không cho kết quả.
Trường hợp một liệt sỹ của xã Chiềng Khoa huyện Vân Hồ trong giấy báo tử ghi rõ số, hàng, khu mộ kèm theo sơ đồ mộ trí tại Nghĩa trang Lộc Ninh tỉnh Bình Phước nhưng khi tôi vào thì phần mộ đó tên liệt sỹ thay đổi khác, lấy mẫu giám định không cho kết quả vì mẫu xấu không làm được, hơn nữa hồ sơ quản lý của ngành Lao động – Thương binh & xã hội tỉnh Bình Phước không có tên liệt sỹ đó.
Những điều băn khoăn muốn được tháo gỡ
Một cán bộ làm công tác thương binh xã hội nói với tôi rằng: “Tìm mộ liệt sỹ có gì khó khăn đâu, lên mạng mấy giây là thấy ngay“. Hoặc một cơ quan trả lời chúng tôi: “Việc tri ân liệt sỹ đã giao cho chính quyền các cấp và ngành Lao động thương binh xã hội làm rồi…”.
Liệt sỹ Đoàn Ngọc Lân chiến sỹ D16 Quân khu 7 hy sinh tại Ấp Thanh Trung, Thanh Điền, Châu Thành, tỉnh Tây Ninh được một người dân nhận làm con nuôi chôn cất trong vườn nhà, sau giải phóng được quy tập về nghĩa trang liệt sỹ. Hôm đưa liệt sỹ về nghĩa trang chủ nhà cũng đi và nhận phần mộ, nhưng trên bia mộ chỉ ghi đúng họ tên liệt sỹ ngoài ra không có thông tin khác, chúng tôi hướng dẫn cho thân nhân làm thủ tục đính chính thông tin và nhận mộ nhưng Phòng Lao động thương binh xã hội sở tại không đồng ý vì: “Hồ sơ không khớp”.
1. Giấy báo tử ghi nơi an táng ban đầu là…”KHU VỰC RIÊNG CỦA ĐƠN VỊ GẦN MẶT TRẬN” chứ không phải ghi ở địa điểm liệt sỹ hy sinh như trích lục hồ sơ liệt sỹ
2. Đơn vị của liệt sỹ trong giấy báo tử là “KB” nhưng trích lục hồ sơ liệt sỹ đơn vị là D16.QK7.
Sau đó họ đề nghị gia đình xin giám định ADN. Nói về hồ sơ thì giấy báo tử được đơn vị thông báo từ năm 1969 khi chiến sự đang quyết liệt, sự cần thiết phải giữ bí mật mọi số liệu, địa điểm. Còn trích lục hồ sơ cơ quan lưu giữ được là chính xác nơi liệt sỹ hy sinh: KB là mật danh của cả mặt trận, tiểu đoàn 16 Quân khu 7 là đơn vị của mặt trận đó. Trong trường hợp này, cán bộ thiếu hiểu biết như thế này chỉ làm khó dễ cho thân nhân và tốn kém tiền của nhà nước và gia đình thôi. Còn giám định AND. Tôi đã khai quật lấy mẫu gần 70 mộ liệt sỹ giám định cho 98 gia đình nhưng chỉ trùng khớp được 5 trường hợp, khoảng 7% vì mẫu xương của liệt sỹ sau nhiều năm đã mục nát không đủ tiêu chuẩn giám định, không ra kết quả. Như thế là nếu giám định không ra kết quả do mẫu không đạt thì không bao giờ xác định được danh tính cho liệt sỹ, trong khi thông tin đã đúng tuyệt đối rồi!
Xe của anh em chúng tôi đi đón hài cốt liệt sỹ, xin nói thêm là khi có thông tin, hồ sơ đầy đủ, gia đình liệt sỹ yêu cầu, chúng tôi bố trí anh em đi làm thủ tục tổ chức đến nơi liệt sỹ an nghỉ đón về quê, toàn bộ chi phí kể cả xăng xe do chúng tôi ủng hộ, gia đình liệt sỹ không phải làm, không phải chi phí gì trong quá trình đi đưa đón. Kinh phí nhà nước hỗ trợ thân nhân tự thanh toán. Không tiện nói ra nhưng không nói thì không hết nghĩa, mỗi chuyến đi như thế chúng tôi tự túc vài hai chục triệu đồng chứ không thiếu 30.000đ nộp cho BOT, nhưng cách hành xử ở một số trạm BOT rất kém. Có 2 chuyến qua BOT ở Gia Lai và Đắk Nông bất đắc dĩ chúng tôi phải lên tiếng nhắc nhở, rất phản cảm.
Nêu mấy trường hợp trên đây để thấy rằng có từng lúc, từng nơi đặc biệt là cán bộ lãnh đạo địa phương, cán bộ trực tiếp của ngành Thương binh xã hội còn thiếu sự giáo dục, rèn luyện, nên nhận thức kém, thiếu kinh nghiệm, thiếu tâm, làm tổn hại rất lớn về giá trị tư tưởng nhân văn, và kinh tế, ảnh hưởng tới chính sách của Đảng và Nhà nước cũng như truyền thống tốt đẹp của nhân dân ta “Uống nước nhớ nguồn”.
Cựu chiến binh Bùi Minh Thuyên
Chi hội trưởng Chi hội HTGĐLS tỉnh Sơn La
Theo bài đăng trên Trian.vn