Chủ Nhật, Tháng mười 13, 2024
Trang chủDiễn đànDI CHÚC CỦA BÁC HỒ VỀ NHÂN DÂN LAO ĐỘNG 

DI CHÚC CỦA BÁC HỒ VỀ NHÂN DÂN LAO ĐỘNG 

Di chúc là tâm nguyện của người đi xa về cõi vĩnh hằng để lại cho người đương thời và hậu thế. Từ cổ xưa, di chúc thường đề cập đến mối quan hệ trong gia tộc, huyết thống, tài sản, ước nguyện của người quá cố. 

Khác với các bản di chúc thông thường,  Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh tập trung nói về sự đoàn kết trong Đảng ; về vai trò của thế hệ trẻ và đặc biệt, Người dành nhiều tình cảm nói về nhân dân lao động, trong đó có giai cấp nông dân Việt Nam. 

Như ngọc trong đá, như vàng thử lửa, độ lùi thời gian càng cho ta thấy Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là “thiên cổ hùng văn“ là tài sản vô giá của đất nước, dân tộc; đặc biệt là gương soi đối với những người đang làm công bộc, đầy tớ của nhân dân. 

Đã có nhiều công trình khoa học nghiên cứu về bản Di chúc lịch sử này. 

Nhân kỷ niệm lần thứ 134 ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng tôi mạn đàm về phần Người  đề cập đến nhân dân lao động, đặc biệt là nông dân. 

Thứ nhất, phải nói, cách đặt vấn đề của Bác Hồ rất rõ ràng khi nói đến nhân dân lao động. Bác viết, đó là những người đã “bao đời chịu đựng gian khổ“.  

Di chúc Bác Hồ. Ảnh tư liệu/hochiminh.vn

Là người yêu nước, thương dân nên ngay từ thời trẻ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có cách nhìn nhận, đánh giá các cuộc vận động cách mạng, yêu nước của thế hệ trước mình. Và, Người nhận thấy muốn giải phóng nhân dân lao động khỏi sự áp bức bóc lột, phải có một chính đảng chân chính, khoa học; phải kết hợp chặt chẽ giữa chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa quốc tế vô sản. Người thấu hiểu nỗi thống khổ của nhân dân lao động( phần lớn là nông dân) nên Người hy sinh cả cuộc đời mình, bôn ba tìm đường cứu dân, cứu nước. Người xác định, cứu nước, trước hết là giành độc lập dân tộc và cùng với nó là giải phóng nhân dân lao động khỏi ách lầm than, đô hộ; mưu cầu cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. 

Thứ 2, từ thực tiễn lịch sử, đặc biệt từ khi có Đảng Cộng sản Việt Nam, Người nhìn nhận, đánh giá:  Nhân dân ta “anh hùng, dũng cảm, hăng hái, cần cù“ và “luôn đi theo và rất trung thành với Đảng“ . Đó là một nhận định có cơ sở lý luận và thực tiễn. Bởi lẽ, trước hết nếu không “anh hùng, dũng cảm”; nếu “không trung thành với Đảng“ với lợi ích của dân tộc, thì làm sao nhân dân lao động, đặc biệt là nông dân đã theo Đảng lật đổ chế độ phong kiến, xây dựng nước cộng hoà non trẻ đầu tiên ở Đông Nam Á và dưới sự lãnh đạo của Đảng làm cuộc trường chính kháng chiến đánh thắng thực dân Pháp và đương đầu đánh đế quốc Mỹ.

Thứ 3, chính từ hai vấn đề trên, Bác Hồ đặc biệt nhấn mạnh: “Đảng phải có kế hoạch tốt để phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”. 

Hơn nửa thế kỷ qua, kể từ ngày công bố Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã có nhiều nỗ lực học tập, phấn đấu thực hiện lời căn dặn cuối cùng của Người. Vì thế đất nước ta mới có “thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử “ trong công cuộc đổi mới như ngày hôm nay. 

Nhưng công bằng mà nói, còn nhiều vấn đề chúng ta mới chỉ “học tập“ mà chưa “làm theo“ một cách có hiệu quả Di chúc của Người. Công cuộc chống tham nhũng, thoái hoá biến chất do Đảng chủ trương đang ở cao trào thiết thực hiệu quả. Có thể còn có ý kiến khác nhau, nhưng phần nào thực hiện Di chúc của Bác xây dựng Đảng ta trong sạch vững mạnh, đủ sức lãnh đạo đất nước. Lại bàn việc chăm lo đời sống của nhân dân lao động, 

rõ ràng còn nhiều vấn đề bất cập. Công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo từ  trên 1/3 thế kỷ nay, như nói ở trên đã có “thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử”, làm đổi thay bộ mặt đất nước trong thời kỳ CNH – HĐH và hội nhập quốc tế. Nhưng hiện tại còn một bộ phận lớn nông dân, người lao động đang gặp khó khăn, thiếu thốn, đặc biệt bà con ta ở vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ kháng chiến cũ. 

Tuy “cuộc cách mạng xanh – nông thôn mới“ gần đây đã thu được kết quả bước đầu, đáng khích lệ, nhưng vẫn còn thiếu sự công bằng giữa mức sống của người trực tiếp lao động và các thành phần xã hội khác. Một thực trạng “ được mùa mất giá, vườn không nhà trống, ruộng rẫy bỏ hoang “… đang diễn ra ơ nông thôn…

Và, như thế lời dặn dò trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với nhân dân lao động chưa thực hiện đầy đủ.

Nhìn lại hơn nửa thế kỷ thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thêm một lần nữa, Đảng và nhà nước cần có đánh giá chính xác mặt được và chưa được trong việc thực hiện lời Bác dặn, kịp thời  đề ra chủ trương, biện pháp nâng cao đời sống nhân dân lao động, đặc biệt là nông dân – những người“ luôn đi theo và rất trung thành với Đảng”, với lợi ích của dân tộc.

Trần Thế Tuyển

Bài viết liên quan

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận
Nhập tên của bạn

Bài viết phổ biến

Bình luận gần đây