Không nghĩ cuộc đời tôi lại gắn bó với các ngôi đền thờ liệt sĩ và những người con ưu tú đã hy sinh vì đất nước đến thế.
Thuở ấu thơ tôi thích theo bố mẹ lễ đền, đặc biệt các đền thờ Đức Thánh Trần – Tổ thượng của chúng tôi và là thần tượng để suốt đời anh em chúng tôi sống chết với sự nghiệp cầm súng bảo vệ tổ quốc.
Tôi nhớ những năm ấy, cứ mỗi độ thu sang, xuân đến là chúng tôi theo bố mẹ đi lễ đền Bảo Ninh, Ấn Quang…. “Dù ai đi gần đi xa/ Hai mươi Tháng Tám giỗ Cha thì về”. Trong dân gian từ lâu, ngày 20 tháng Tám âm lịch hàng năm được coi là ngày giỗ Cha. Từ sâu thẳm, Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn đã trở thành cha của dân tộc Việt.
Có phải thế không khi lớn lên xếp bút nghiên cầm súng, tôi đã nghĩ, nếu còn sống sau các cuộc chiến khốc liệt trở về sẽ vận động xây những ngôi đền thờ người có công với đất nước và đề xuất chọn một ngày để tưởng nhớ sự hy sinh cao cả của họ – Ngày Quốc giỗ.
Và, năm 2008, về quê đến viếng đền thờ liệt sĩ Hải Hậu, tôi nảy ra ý tưởng sẽ xây dựng các ngôi đền thờ liệt sĩ. Năm 2009, Báo Sài Gòn Giải Phóng, nơi tôi làm TBT phát động Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn. Ngoài việc vận động xây dựng hơn 1.500 căn nhà tình nghĩa, 20 bệnh xá quân dân y kết hợp, trường học, bản làng cho đồng bào các dân tộc dọc dãy Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh…, chúng tôi nghĩ đến xây dựng các ngôi đền thờ liệt sĩ dọc biên giới như là cột mốc thiêng liêng khẳng định cương thổ mà cha ông để lại.
Bắt đầu từ đền thờ liệt sĩ Long Khốt (2009), chúng tôi lần lượt xây dựng các ngôi đền dọc Trường Sơn: Bến Tắt (Quảng Trị) Long Đại (Quảng Bình) Ngọc Hồi (Kon Tum), Bố Trạch (Quảng Bình)…Những ngôi đền thờ liệt sĩ đầu tư hàng trăm tỷ đồng với đôi câu thơ “Thân ngã xuống thành đất đai Tố quốc / Hồn bay lên hoá linh khí Quốc gia” đã tạo cảm hứng để các địa phương xây dựng hàng chục ngôi đền, bia tưởng niệm, ghi danh liệt trên cả nước, trong đó có đền liệt sĩ Phú Quốc, Điện Biên, Đường 1A, Trung đoàn 1 U Minh (Cần Thơ); Sư đoàn 10 (Kon Tum); Sư đoàn 5 (Tây Ninh)…
Đúng dịp kỷ niệm Quốc khánh lần thứ 79, về thăm quê hương, họp mặt thường niên Liên khoá 66 -70 cấp 3 Hải Hậu, việc đầu tiên, chúng tôi đến dâng hương hoa tại đền Liệt sĩ Hải Hậu – ngôi đền thờ hơn 4 ngàn liệt sĩ đã ngã xuống vì đất nước, trong đó có người thân yêu của chúng tôi. Đã nhiều lần đến viếng đền. Nhưng mỗi lần đặt chân đến vùng đất thiêng này, tôi đều có cảm giác lạ như mới lần đầu.
Đền liệt sĩ Hải Hậu thiết kế theo phong cách kiến trúc truyền thống, kiểu chữ Đinh. Ngói Nam, mái chảy, mũi đao, các hoạ tiết “hổ phù”, “long quấn thuỷ”… tạo ra sự hài hoà u tịch, thâm nghiêm. Đặc biệt là thế đất của đền phù hợp với thuyết “phong thuỷ”.
Đôi câu đối nói hộ thẳm sâu tấm lòng của người Hải Hậu:
“Nghĩa khí rạng non sông, vì đất nước 3 thời đánh giặc
Chiến công ngời sử sách, dựng đền đài muôn thuở lưu danh”.
Hướng dẫn chúng tôi viếng đền là một nhà báo trẻ có tên là Trần Loan. Loan cho biết, trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và thời kỳ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, Hải Hậu có hơn 50.000 thanh niên lên đường nhập ngũ. Trong đó, 4.707 người con ưu tú đã anh dũng hy sinh, hiến dâng trọn tuổi xuân cho đất nước; trên 2.000 thương – bệnh binh đã để lại một phần thân thể trên các chiến trường. Quân và dân Hải Hậu đến nay vinh dự được Đảng, Nhà nước 4 lần phong tặng danh hiệu cao quý: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, Anh hùng Lực lượng vũ trang thời kỳ đổi mới và Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới; 41 tập thể và cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; 6 tập thể được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động; toàn huyện có 401 Bà Mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu “Mẹ Việt Nam Anh hùng”.
Sau khi dâng hương ở bàn thờ chính, chúng tôi toả sang hai bên thắp hương nơi ghi danh liệt sĩ. Phần lớn chúng tôi đều có người thân yêu ruột thịt ghi danh tại đây. Nguyên Bí thư huyện uỷ Phạm Tất Thắng( Hải Châu); NGND Trần Tiến Dũng (Hải Phúc) ; Nguyễn Văn Quang (Hải Phú)… có cha là liệt sĩ. Tôi có em trai là liệt sĩ Trần Văn Thiềng số báo danh 110 (Hải Phương) – người đã tạo cảm hứng và động lực cho tôi trên con đường thiện nguyện và sáng tác đôi câu đối nay đã trở thành di sản văn hoá phi vật thể của nhân dân. Chúng tôi dừng lại hồi lâu trước bản ghi danh các liệt sĩ là cựu học sinh cấp 3 Hải Hậu, trong đó có người bạn thân của tôi là Vũ Viết Vô (Hải Thanh). Tôi không bao giờ quên đêm cuối cùng chúng tôi ở bên nhau trong rừng Suối Dù trên đất CPC ven biên giới Tây Ninh cuối năm 1970.
Ngày mai Vô được bổ sung về Sư đoàn 5. Suốt đêm không ngủ, chúng tôi kể cho nhau nghe những kỷ niệm về thầy cô, bạn học lớp 10 A trường cấp 3 A Hải Hậu do thầy Trần Thái Hiệp làm chủ nhiệm. Ước nguyện sau chiến tranh sẽ về học đại học tổng hợp ngành toán của Vô không bao giờ thành sự thật. Vài ngày sau rời tiểu đoàn 31, tôi nghe tin Vô và vài bạn nữa hy sinh tại đồi Kret. Thương tiếc bạn, tôi tự xác định rồi có ngày đến lượt mình. Tôi và Vô, Thọ, Vân… những đảng viên lớp mang tên Hồ Chí Minh ngày ấy, luôn xác định việc gì đến sẽ đến; coi cái chết nhẹ như lông hồng; chỉ thương nhớ bố mẹ, những người thân yêu và quê hương Hải Hậu nơi chôn nhau cắt rốn của mình.
Hơn nửa thế kỷ sau, khi chúng tôi là cựu binh tuổi U80 trở về. Đồng đội tôi vẫn trẻ mãi tuổi hai mươi rạng ngời trên bảng ghi danh những người con ưu tú của đất nước.
Trong câu chuyện ám áp nghĩa tình của buổi họp mặt và cả khi trà dư tửu hậu, chúng tôi luôn nhắc về các liệt sĩ – bạn học cùng thời của mình. Và, chúng tôi đã tiếp bước bạn bè, tiếp tục cống hiến theo cách của mình để tri ân đồng đội; hỗ trợ các gia đình liệt sĩ đang gặp khó khăn.
Đã thành nét đẹp văn hoá, từ mấy chục năm nay dịp kỷ niệm ngày quốc khánh và tưởng nhớ Bác Hồ về với tổ tiên hằng năm, lãnh đạo huyện Hải Hậu đều tổ chức các hoạt động văn hoá thể thao chào mừng ngày lễ lớn.
Năm nay, sau cuộc chiến chống Covid, các hoạt động được nâng lên cả diện và điểm. Cũng đúng dịp sắp xếp lại địa danh hành chính và bộ máy quản lý nhà nước theo Nghị quyết của Quốc hội.
Đi giữa dòng người như sóng trào, nhìn Bảo Tháp nghiêng mình dưới dòng sông Yên Định, lòng chúng tôi khôn nguôi nhớ về những người con ưu tú đã ngã xuống vì độc lập tự do của đất nước; trong đó có bạn học cùng thời với chúng tôi dưới mái trường cấp 3 Hải Hậu thân yêu. Ước mong tại ngôi đền thờ liệt sĩ ở quê nhà sẽ hiện diện đôi câu đối mà trên 60 đền thờ, nghĩa trang, đài tưởng niệm liệt sĩ trên cả nước đã trang trọng khắc ghi như nén tâm nhang của người đang sống với những liệt sĩ đã hiến dâng tuổi thanh xuân của mình cho đất nước.
Yên Định 1-9-2024