Thứ Bảy, Tháng Chín 7, 2024
Trang chủKÝ ỨC CHIẾN TRANHDẤU ẤN CUỘC ĐỜI – HỒI KÝ CỦA TRUNG TƯỚNG LƯU PHƯỚC...

DẤU ẤN CUỘC ĐỜI – HỒI KÝ CỦA TRUNG TƯỚNG LƯU PHƯỚC LƯỢNG- PHẦN I, kỳ bốn

DẤU ẤN CUỘC ĐỜI    

Lưu Phước Lượng

Phần 1 (kỳ bốn)

Trở về đơn vị

Tôi và các anh trong nhóm được đưa về nhà má chị Bảy Hà, tại xã Vĩnh Phú, huyện Lái Thiêu, tỉnh Bình Dương ngay trên quốc lộ 13, cạnh đồn của địa phương quân. Tất cả đều chui nằm dưới gầm giường, chờ trời tối du kích đến đón chuyển giao cho giao liên. Và ngay tối hôm đó, sau bữa cơm đạm bạc cùng gia đình các chị, chúng tôi đã ra “bưng biền” và tiếp tục “chém vè” trong đám dừa nước dọc sông Sài Gòn. Suốt ngày, hải thuyền địch thả trôi tuần tiễu trên sông, có lúc cách chúng tôi khoảng 10 – 20 mét. Đêm hôm sau, giao liên tiếp tục đưa chúng tôi về Phú Long (thuộc huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương). Đến đây thấy tình hình yên tĩnh, nhớ đến mẹ tôi, thấy cũng gần nhà, không có gì nguy hiểm, tôi bàn các anh nhờ người rước mẹ tôi xuống thăm, các anh nhất trí. Ngay ngày hôm sau, mẹ tôi đến Phú Long. Trời vừa tối, từ chỗ “chém vè” tôi và các anh ra nhà cơ sở của giao liên và gặp mẹ.

Gặp tôi, má khóc, Út Thành (em út của tôi) đứng trên nắp hầm kêu anh Năm! Rồi cũng khóc. Má nói tôi không có gì thay đổi lắm, vẫn dáng người gầy yếu, nhưng đen đúa hơn. Má tâm sự: “Mấy năm nay không có tin tức gì của ba và các anh chị em con, má lo quá, hôm nay gặp được con, má cũng đỡ mủi lòng”. Má kể chuyện Mậu Thân ở Bình Dương, tình hình ở các nơi, chứng tỏ bà rất ấn tượng tình hình chung, đó cũng là nét của người làm cơ sở cho tình báo cách mạng. Mẹ con nói chuyện đến thâu đêm, cuối cùng tôi động viên má mọi việc chắc chắn sẽ yên lành, con đã trải qua đoạn đường quá hiểm nghèo mà vẫn bình yên nhờ phúc đức của ông bà, thì ba và các anh chị em con cũng hưởng được phúc đức đó thôi, má cứ yên lòng – bà gật đầu và khóc. Sau lần gặp mẹ, tôi buồn mất mấy ngày mới lấy lại được cân bằng.

Ngày hôm sau, từ Phú Long giao liên đưa chúng tôi lên Đông Ba vượt qua rừng Cò Mi đã bị địch ủi, chỉ còn mấy cây lúp xúp, đến Bình Nhâm vượt đường 13 để về trạm An Thạnh (nói là trạm nhưng thực ra là chỗ chém vè). Nhưng đêm đầu thực hiện kế hoạch này bị thất bại. Chúng tôi bị địch phục kích ngay trên quốc lộ 13. Tôi và một đồng chí trinh sát của Trung đoàn Đồng Nai, khi phát hiện địch, đã chủ động nổ súng trước, bị bất ngờ địch bắn loạn xạ. Lộ, toàn nhóm đành phải quay lại Phú Long, đêm hôm sau chúng tôi mới thực hiện được kế hoạch và về đến An Thạnh. Hai đêm vượt qua rừng Cò Mi thật là nguy hiểm; biệt kích và xe tăng Mỹ phục kích thường xuyên bằng những bãi mìn claymore, và nếu lọt vào trận địa phục kích nhất định sẽ hy sinh. Cách duy nhất để tránh tình thế nguy hiểm là đi theo tuyến pháo cối địch bắn “cấm canh”. Biết phương án này phiêu lưu nhưng xác suất thương vong không lớn và chúng tôi đã đến nơi an toàn. Từ An Thạnh lại tiếp tục vượt quốc lộ 13, tôi đi ngang trường cũ – trường Trịnh Hoài Đức, lòng bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm xưa và cũng không nghĩ rằng, sau 3 năm từ một cậu học sinh trung học, nay đã là một chiến sĩ Quân giải phóng dày dặn trận mạc xông pha trên các chiến trường với biết bao thử thách. Và trong hoàn cảnh ấy, tôi nghĩ chỉ gắn bó với cách mạng, sự nghiệp giải phóng dân tộc tôi mới thực sự trưởng thành.

Từ Vĩnh Trường, chúng tôi tiếp tục vượt quốc lộ 13 qua xã Thới Hòa thuộc huyện Bến Cát, vượt sông Thị Tính (nhánh sông Sài Gòn) và lên lộ 14 thuộc xã An Điền, Bến Cát. Đến hửng sáng, đang đi trên lộ 14, chúng tôi phát hiện một tổ 3 đồng chí, đây là tổ trinh sát tuần tra thuộc Tiểu đoàn 1 Quyết Thắng. Gặp lại đơn vị vui mừng vô kể, vui mừng mà giàn giụa nước mắt!

Các đồng chí đưa chúng tôi về ngay Ban chỉ huy Tiểu đoàn 1. Tại đây, chúng tôi gặp được Bộ Tư lệnh Phân khu. Đồng chí Tám Lê Thanh – Phó Tư lệnh, đồng chí Hai Phán – Phó Tham mưu trưởng Phân khu và Ban chỉ huy Tiểu đoàn 1 vừa được củng cố.

Như vậy là hành trình trở về đơn vị của chúng tôi đã hoàn tất. Kết thúc một giai đoạn thử thách với dấu ấn lớn lao và sâu sắc của cuộc đời.

Những ngày tháng còn lại ở Phân khu 1, Trung đoàn Quyết Thắng

Tháng 6 năm 1968, sau khi tập hợp số cán bộ, chiến sĩ bị địch ngăn chân, không cùng đơn vị đánh vào Sài Gòn, thương binh, bệnh binh ở hậu cứ và những tân binh vừa được bổ sung, Trung đoàn được biên chế lại và củng cố một bước, tiếp tục đứng chân trên địa bàn Bưng Cống, Rạch Kiến dọc theo lộ 14, phía đông sông Sài Gòn thuộc huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương.

Ban chỉ huy Trung đoàn vừa được trên bổ sung và bổ nhiệm mới: Đồng chí  Bảy Gấm – Chính ủy Trung đoàn, đồng chí Năm Thiệt – Phó Chính ủy và đồng chí Năm Dũng – Trung đoàn phó phụ trách Trung đoàn trưởng. Ban Chỉ huy các tiểu đoàn 1, 2 cũng được biên chế lại, Trong đó có các đồng chí từ nội thành trở về. Tôi được bổ nhiệm chức Trung đội trưởng Trung đội thông tin Tiểu đoàn 2, đồng thời phụ trách luôn phân đội trinh sát của Tiểu đoàn. Đến tháng 10 năm 1968, tôi được chuyển Đảng chính thức. Đồng thời tháng 11 năm 1968, tôi được điều động và bổ nhiệm giữ chức Đại đội phó thông tin của Trung đoàn. Chiến trường Phân khu 1, đặc biệt là vùng ven và trung tuyến lúc này diễn ra rất khốc liệt. Vùng ven trở nên rất xấu, địch tập trung ráo riết bình định nông thôn, lực lượng bám trụ bị tổn thất nặng nề. Vùng trung tuyến, địch thực hiện chiến lược “quét và giữ” với các chiến thuật “đổ chụp”, “nhảy cóc”, “biệt kích” nhằm phát hiện và tiêu diệt các đơn vị của ta. Trong thời điểm này, đứng chân trên địa bàn Bưng Cống, Rạch Kiến, Trung đoàn bị địch uy hiếp liên tục bằng những chốt dã chiến, chủ yếu là quân Mỹ thuộc Sư đoàn 1 “Anh cả đỏ”. Cũng Trong thời gian này, trong một lần công tác ở Ban Thông tin Phân khu, thông qua các đồng chí quân báo của Miền, tôi được biết anh Hải (anh trai thứ hai của tôi) cũng đang công tác ở khu vực này, tôi nhờ các đồng chí móc ráp. Và một tuần sau, hai anh em gặp nhau ở xóm Chùa, xã Thạnh An, huyện Bến Cát. Nói chuyện khoảng 30 phút hỏi thăm về tình hình gia đình, công tác, đôi lời dặn dò, rồi anh em chia tay.

Anh vừa vào chiến khu, lại rơi đúng vào vùng trọng điểm ác liệt… với bao nguy hiểm khôn lường. Tôi rất băn khoăn, nhưng rồi cũng tự nhủ, mọi việc chắc cũng sẽ vượt qua.

Vào mùa khô cuối năm 1968, các đơn vị của Trung đoàn, du kích xã, ấp hoạt động mạnh bằng những trận chống càn tại dốc Lâm Vồ khu vực Rạch Kiến, diệt nhiều quân Mỹ và quân đội Sài Gòn thuộc tiểu đoàn thủy quân lục chiến “Trâu điên”.

Phối hợp nhịp nhàng với các đơn vị ở Đông sông Sài Gòn, đầu tháng 12 năm 1968, Trung đoàn gồm Tiểu đoàn 1 cùng 1 đại đội của Tiểu đoàn 2 được pháo binh của Phân khu chi viện đã tập kích chốt dã chiến của quân Mỹ tại ngã ba Rạch Kiến, thuộc huyện Bến Cát và đã đánh thiệt hại nặng một tiểu đoàn cùng đại đội tăng thiết giáp của cụm quân này. Trận đánh diễn ra ác liệt, mở đầu bằng đợt pháo hỏa chuẩn bị dữ dội của pháo binh Phân khu, tạo điều kiện thuận lợi cho các phân đội mở cửa đánh chiếm đấu cầu. Địch phản kích dữ dội bằng pháo binh từ các trận địa pháo ở căn cứ Đồng Dù (Củ Chi) và Lai Khê (huyện Bến Cát). Sau hơn một giờ chiến đấu, trước sự chống trả quyết liệt của đại đội tăng, thiết giáp của địch âm dưới mặt đất, nhận thấy không thể tiêu diệt được toàn bộ quân địch, Trung đoàn ra lệnh lui quân. Trong trận này, tôi được phân công trực tiếp chỉ huy mạng thông tin của Trung đoàn và đã hoàn thành tốt nhiệm vụ. Một tình huống bất ngờ trong khi Trung đoàn đang tập kích cụm quân Mỹ, nhiều đợt máy bay B-52 rải thảm phía sau đội hình của ta, ngay tại căn cứ của các tiểu đoàn. Do phần lớn đơn vị đang tác chiến phía trước nên không bị thiệt hại về người, nhưng hầm hố, công sự, doanh trại dã chiến bị hư hại nặng. Tuy không tiêu diệt được toàn bộ quân địch, nhưng thắng lợi của trận tập kích này có ý nghĩa rất lớn, đã bẻ gãy cuộc càn quét của Sư đoàn 1 “Anh cả đỏ” vào khu vực Bưng Cống, Rạch Kiến. Ngay sáng hôm sau, địch nhanh chóng bốc số quân còn lại của cụm quân này ra khỏi ngã ba Rạch Kiến, mặc dù máy bay B-52 đã ném bom rải thảm chuẩn bị cho cuộc tiến công.

Có một kỷ niệm đối với tôi trong trận đánh này: Khi lui quân đi cùng phân đội thông tin và chỉ huy, bất ngờ tôi rơi xuống một cái giếng khô, độ sâu khoảng hơn 2 mét, do ban đêm và cỏ mọc phủ kín không nhìn thấy và đồng đội cũng không phát hiện. Chòi đạp mãi vấn không lên được, cuối cùng tôi phải kêu to (điều này rất nguy hiểm vì địch đang ở xung quanh), rất may các đồng chí trinh sát của Tiểu đoàn 1 kịp thời đến và dùng dây dù kéo tôi lên. Thật là may mắn!

Những tháng sau đó, qua nhiều lần làm việc với Chủ nhiệm Thông tin Phân khu, tôi được biết trên có ý định điều động tôi về Phòng Thông tin của Miền. Tôi bày tỏ nguyện vọng được ở lại một thời gian để góp sức củng cố các phân đội thông tin của Trung đoàn.

Đến tháng 3 năm 1969, tôi nhận quyết định trở về Phòng Thông tin Miền. Ngày rời khỏi Trung đoàn thật cảm động. Ban Chỉ huy Trung đoàn tổ chức một buổi cơm chia tay, Phó Chính ủy Trung đoàn – Phạm Thiệt trao cho tôi một bản nhận xét trong đó có đoạn viết “… đồng chí Lưu Phước Lượng là cán bộ trẻ được trui rèn, thử thách trưởng thành qua chiến đấu gian khổ, ác liệt và hy sinh, đã tham gia những đợt tiến công vào thành phố Sài Gòn và bám trụ vùng ven… đến nay khẳng định đồng chí đã thể hiện sự hy sinh và dũng cảm… là cán bộ có nhiều triển vọng phát triển sau này…”.

Trước đó, tôi đã về Tiểu đoàn 1 và 2, tạm biệt đơn vị và các chiến hữu thân thương, Trong đó có các anh Năm Tân, Năm Thơi, Út Thanh, Ba Hòa (nhóm của chúng tôi kẹt lại ở Sài Gòn năm 1968). Và tôi cũng không nghĩ, đó là lần cuối cùng tôi gặp các anh, hầu hết đã lần lượt hy sinh trên chiến trường gian khổ và ác liệt này.

Trở về Phòng Thông tin Miền

Trên đường về Phòng Thông tin Miền, tôi ghé chào đồng chí Chủ nhiệm Thông tin Phân khu, đồng chí cho biết cha tôi đã được Phòng Thông tin Miền thông báo lại tôi vẫn còn sống, không phải hy sinh như đã báo tử. Tôi cũng đã nói lại với đồng chí chủ nhiệm, tôi có gởi thư cho cha tôi, nhưng không biết ông có nhận được không? Suốt ngày hôm đó tôi ở chơi cùng các đồng chí trong phân đội thông tin K63 (vô tuyến điện thoại) của Phân khu. Đây là các đồng chí cùng tôi được Phòng Thông tin Miền tăng cường cho Phân khu 1. Đêm đó tôi nghĩ lại cùng các đồng chí, và được bố trí  ngủ ở hầm chữ A, âm dưới mặt đất khá kiên cố.

Vào nửa đêm, những tiếng nổ dữ dội của bom máy bay B-52 đánh từ xa làm tôi tỉnh giấc, lẽ ra phải nhảy xuống võng, ngồi ở tư thế sẵn sàng, chịu đựng những đợt bom sẽ đánh vào đội hình, nhưng tôi vấn ngồi trên võng. Vì trước đó khi ở Trung đoàn, đồng chí Bảy Gấm nói với tôi, B-52 đánh vào đơn vị, đồng chí không nhảy xuống đất, mà vẫn ngồi trên võng, không may nếu trúng hầm thì hy sinh. Tôi tâm đắc điều Chính ủy nói và thực hiện đúng y như vậy.

Một đợt B-52 rải thảm, đúng ngay khu vực đóng quân, một tiếng nổ dữ dội, tôi không hình dung được cường độ mạnh như thế nào, chỉ cảm nhận được một tiếng “Xà” và ngắt luôn, lúc sau tôi tỉnh dậy, hoàn hồn trong khói bụi và mùi thuốc nổ tràn ngập trong hầm. Tôi đã rơi xuống đất lúc nào không biết, bò ra cửa hầm và hiểu rằng mình còn sống. Một lúc sau nhiều ánh đèn pin xuất hiện, đổ dồn về phía cửa hầm của tôi. Các anh phát hiện tôi bị thương ở đùi, lưng gần cột sống, đồng đội nhanh chóng băng bó vết thương cho tôi và chuyển ngay về bệnh viện của Phân khu mặc cho máy bay B-52 tiếp tục ném bom rải thảm. Sáng hôm sau, các đồng chí  ở phân đội thông tin K63 nói với tôi rằng: Anh quá may mắn vì tối hôm qua, quả bom nổ trước cửa hầm của anh không phải quả bom “đìa” (tức là bom phá công sự, đường kính của hố bom phải từ 5 đến 10 mét thậm chí  lớn hơn tùy theo trọng lượng của quả bom), mà là quả bom phát quang (sát thương trên mặt đất, lỗ bom chỉ cỡ quả pháo 155 milimét, đường kính cỡ 1,5 mét) và cách cửa hầm của anh không đầy 2 mét. Thật “hú viá” cho anh, nếu không thì đã tan xác rồi. Điều kiện của bệnh viện dã chiến của Phân khu không thể xử lý triệt để vết thương của tôi nên các đồng chí  xử lý tạm thời, khi về Miền sẽ tiếp tục điều trị.

Sau hơn nửa tháng nằm viện, tôi theo đường giao liên về Phòng Thông tin Miền. Ba ngày hành quân ròng rã với vết thương còn đang đau (vì miềng bom cắm vào xương đùi của tôi) tôi về đến Phòng Thông tin Miền và được thủ trưởng phòng cùng các cơ quan đón tiếp nồng nhiệt trong sự mến mộ và thân thương. Thủ trưởng phòng giao cơ quan chính trị, tổ chức một đợt tuyên truyền sâu rộng trong toàn đơn vị và phải gần mười ngày mới hoàn thành chương trình này.

Sau đó tôi được nghỉ phép để thăm cha và các chị em, lúc bấy giờ đang công tác ở Bệnh viện K71A (bệnh viện tuyến cuối của Quân giải phóng Miền Nam), cha tôi sau Tổng tiến công Mậu Thân, bị bệnh nặng không thế tiếp tục làm Chính ủy đơn vị tên lửa 724 nên được điều về làm Chính ủy Bệnh viện K71A. Tôi đến Bệnh viện K71A của Miền vào buổi trưa, khi cha tôi vừa thức giấc. Ông ngỡ ngàng nhìn tôi trong sự xúc động cao độ, nói không nên lời. Sau đó bình tĩnh lại, ông hỏi tôi đến lúc nào? Đi cùng ai? Rồi cấm máy điện thoại gọi cho chị Hà (chị thứ ba của tôi) báo tin tôi đã đến bệnh viện và đang ngồi với ông. Khoảng 10 phút sau, chị Hà tới. Ba cha con trò chuyện trong sự giàn giụa nước mất của chị Hà. Chị kể, khi nhận được thư báo tử em từ Phòng Thông tin Miền, ba gọi chị đến, đưa tờ báo tử rồi nói với chị trong sự nghẹn ngào: “Thằng Lượng đã hy sinh rồi”, ngồi với ba chị khóc nức nở… Chiều hôm đó và những ngày tiếp theo năm cha con (ba, chị Hà, chị Chi và em Sang, Lượng) kể không hết chuyện, từ chuyện chiến đấu, công tác, đến chuyện gia đình, tất cả đều nhắc đến mẹ tôi. Thông tin về lần gặp mẹ gần nhất của tôi ở Phú Long (Thuận An), đã làm cho ba và các chị em yên lòng.

Theo đề nghị của bác Ba Nhân (Giáo sư Nguyễn Thiện Thành), Viện trưởng Bệnh viện K71A, tôi kể chuyện với các bác sĩ, cán bộ, chiến sĩ, thương bệnh binh của bệnh viện và các đơn vị xung quanh về cuộc chiến đấu củaTrung đoàn Quyết Thắng đánh vào Sài Gòn Trong Mậu Thân 1968. Các lần kế chuyện gây ấn tượng sâu sắc, vì phần lớn các bác sĩ những người làm công tác chuyên môn… kể cả thương bệnh binh rất quan tâm đến sự kiện lịch sử này, giờ được một nhân chứng sống kể lại với những tình tiết về sự dũng cảm hy sinh quên mình của lớp lớp cán bộ, chiến sĩ chúng ta.

Trung tuần tháng 3 năm 1969, cơ quan chính trị Phòng Thông tin Miền thông báo, tôi đã được thử thách, rèn luyện trong chiến đấu nhưng để có điều kiện phát triển sau này, cần được bồi dưỡng về lý luận chính trị, và được cử đi học lớp Chính trị viên trung đội ở Trường thông tin H19 của Miền. Tôi vui vẻ lên đường và tự nhủ, đúng là từ ngày vào Đảng, ngoài học tập về chuyên môn kỹ thuật, tôi chưa được học một trường chính trị cơ bản nào, cho nên khái niệm “lý luận” đối với tôi lúc đó thật mờ nhạt.

Theo chương trình lớp học, môn đầu tiên là phần lý luận cơ bản, với môn triết học Mác – Lênin. Tôi nhớ lại năm cuối cùng học ở trường Trịnh Hoài Đức, tôi có nghe nói đến môn triết học nhưng không rõ môn học đó để làm gì? Những anh chị lớp trước nói rằng khó học lắm phải đến năm cuối cùng (năm đệ nhất để thi tú tài 2) mới học. Và bây giờ ở lớp học này cũng có môn triết học chắc rằng sẽ rất khó khăn.

Và ngày đầu tiên lên lớp môn triết học Mác – Lênin giảng viên là đồng chí Chính trị viên Tiểu đoàn, đã tổt nghiệp Trường Sĩ quan Lục quân ở miền Bắc. Nghe thầy vừa giảng, vừa đọc chậm để học viên ghi chép như đọc chính tả. Tôi có cảm giác như “vịt nghe sấm” cố gắng ghi đủ nội dung để về nghiên cứu. Càng nghiên cứu càng khó hiểu, đúng là môn triết học khó học thật, với những khái niệm nào là sự vật, bản chất, hiện tượng khách quan, chủ quan, rồi lại thêm vấn để phạm trù nữa

Sáng hôm sau, trước khi học bài mới, thầy kiểm tra bài cũ hôm qua. Tôi là người được thấy gọi đầu tiên, và đặt câu hỏi: Đồng chí cho biết muốn xem xét một sự vật, hiện tượng phải xuất phát từ đâu? Thật là một câu hỏi quá khó đối với tôi lúc bấy giờ. Tôi trả lời lòng vòng, thầy ra dấu cho tôi ngồi xuống và gọi đồng chí khác, đồng chí đó trả lời trôi chảy, thầy khen đúng và đạt yêu cầu. Đến lúc nghĩ giải lao, đồng chí được thầy khen nói với tôi đồng chí ấy đã tốt nghiệp đại học, qua trường hạ sĩ quan ở miền Bắc được bổ sung về đơn vị hơn một năm nay. Tôi nói: “Vậy là anh được đào tạo cơ bản, rất mừng cho anh”.

Sau 6 tháng học tập, tôi tốt nghiệp loại khá. Vào tháng 9 năm 1969, tôi được bổ nhiệm làm Trợ lý chính trị Tiểu đoàn 44 sau này được tách ra thành Tiểu đoàn 38 của Phòng Thông tin Miền. Ở cương vị này tôi học hỏi, tìm hiểu để làm công tác đảng, công tác chính trị dưới sự giám sát và dìu dắt của Đảng ủy – Ban Chỉ huy Tiểu đoàn, đặc biệt là đồng chí Chính trị viên Nguyễn Vũ Bảo. Cho đến bây giờ tôi vẫn tôn vinh là thầy của buổi ban đầu khi tôi làm công tác chính trị. Đồng chí luôn sâu sắc, gần gũi, nói năng nhỏ nhẹ đầy tình thuyết phục, rất mến mộ tôi, Trong thâm tâm tôi hiểu đồng chí có ý định đào tạo tôi có đủ những điều kiện cần thiết trở thành cán bộ chính trị sau này. Vào thời điểm này, cơ quan tiến hành đại hội chi bộ nhiệm kỳ, tôi được bầu vào cấp ủy, trong khi chi bộ có rất nhiều đảng viên kỳ cựu giữ nhiều cương vị khác nhau. Trong môi trường đó, tôi nghĩ phải luôn phấn đấu và rèn luyện không ngừng để xứng đáng với sự tin yêu của đơn vị.

Tôi nhớ có một sự việc rất bình thường nhưng vào thời điểm ấy làm tôi rất lo lắng: Số là, một buổi trưa trời nóng không ngủ được, tôi bách bộ đến bìa trảng để hóng mát bất ngờ nhìn thấy chị y tá cùng đơn vị đang khỏa thân ngồi tắm. Hoảng hốt, tôi rón rén quay trở lại. Nằm trên võng cứ băn khoăn lo lắng và nghĩ ngợi, tự hỏi, có ai thấy và biết chuyện này không? Có nên báo cáo cho chi bộ biết không? Cuối cùng trong họp chi ủy, không phải là báo cáo mà là kể lại sự việc này, các đồng chí cười và nói rằng: “Vậy là thằng Lượng mày hên rồi!”.

Tháng 3 năm 1970, sau khi lật đồ Quốc vương Sihanouk ở Campuchia, địch tạo thế vây ép tiến công từ phía tây vào các cơ quan đầu não, các đơn vị của ta ở vùng biên giới, đặc biệt là khu vực Móc Câu. Tình hình chính trị, quân sự diễn biến rất phức tạp. Máy bay B-52 liên tục đánh bom vào khu vực ngay sát biên giới.

Vào lúc này vết thương của tôi bị tái phát nặng phải nhập viện K71A để phẫu thuật. May mắn cho tôi, bác sĩ Đỗ Hoài Nam là người trực tiếp phẫu thuật (bác sĩ Đỗ Hoài Nam là một bác sĩ giỏi được cán bộ, chiến sĩ Quân giải phóng luôn luôn mến mộ và tin tưởng) và chị Hà là người gây tê. Ca mổ chỉ diễn ra trong hai giờ là xong. Tôi phải nằm lại bệnh viện gần nửa tháng. Nhưng nửa tháng này thật căng thẳng, nhiều dấu hiệu cho thấy địch chuẩn bị đánh sang biên giới. Tôi xin ra viện sớm và trở về đơn vị. Vừa về đến Tiểu đoàn, tôi được Tiểu đoàn trưởng giao nhiệm vụ chỉ huy nhóm tân binh gần 30 đồng chí vừa được bổ sung, bàn giao cho Phòng 59 Thông tin Miền, và Tiểu đoàn cũng đang khẩn trương hành quân vào sâu trong đất bạn Campuchia. Hơn một ngày hành quân, chỉ huy số anh em chưa quen chiến trường thật là vất vả, chỉ xảy ra sơ suất nhỏ là dẫn đến thương vong.

Trưa hôm sau, chúng tôi vào sâu trong đất Campuchia khoảng 20km, đến vị trì giao quân tại đồi 81 gần Phum Đa thuộc tỉnh Kông Pông Chàm, đến chiều tôi đã làm xong thủ tục bàn giao. Sau khi ăn cơm, tôi xin phép lên đường để kịp đến điểm hẹn mặc dù các anh khuyên ngủ lại rồi hôm sau hãy đi. Trước khi đi tôi nhắc các anh là chỗ này quá đông người. Trời chạng vạng tối, tôi và đồng chí liên lạc của Tiểu đoàn mỗi người một xe đạp, đi thật nhanh ra khỏi khu vực này. Tôi suy nghĩ, khu vực đồi 81 mặc dù Nam sâu Trong đất Campuchia, nhưng có quá nhiều đơn vị của ta tập trung tại đây, ăn ở lộ liễu, lại chưa có hầm hố, công sự gì. Mặt khác máy bay trinh sát của Mỹ dò tìm sóng vô tuyến điện của ta phục vụ cho máy bay B-52, liên tục hoạt động trên khu vực này, nên rất nguy hiểm.

Trời tối hẳn, chúng tôi dừng lại bên đường, giữa rừng già mênh mông ở vùng Đông Bắc Campuchia, căng nilon, mắc võng và bắt đầu chợp mắt sau hai ngày hành quân vất vả và đầy căng thắng.

Nửa đêm, những đợt bom B-52 đánh thức chúng tôi, nhìn về hướng bom nổ, với những ánh chớp sáng cả một góc trời, tôi nói, đúng là đồi 81 đã bị “rải thảm rồi”. Mấy ngày sau tôi được biết, đêm hôm đó các đơn vị ở khu vực đồi 81 bị thương vong rất nhiều, nhưng không rõ số tân binh chúng tôi bàn giao có bị tổn thất gì không?

Vùng Đông Bắc Campuchia, với những con sông là phụ lưu của sông Mê Kông, với dáng vẻ rất hiền hòa vào mùa khô, có thể lội bộ qua mà không phải dùng thuyền như sông Salong ở Kông Pông Chàm. Nhưng đến mùa mưa, với dòng nước chảy xiết trông thật khiếp sợ.

Để đến được đơn vị, chúng tôi phải vượt qua con sông này, thật sự cảm ơn bác lái đò người Khmer đã đưa chúng tôi vượt sông an toàn.

Sau nửa ngày dò tìm qua các đơn vị bạn, chúng tôi gặp được đơn vị đang đóng quân trong một khu rừng già, gần phum Pama phía đông của sông Salong. Đây là một vùng còn rất hoang sơ chỉ có một ít người Khmer sinh sống trong các phum, sóc, dọc theo các đường “xe bò”. Khỉ, voọc nhiều vô kể, có đàn hàng trăm con, gặp người kêu la inh ỏi vang cả một góc rừng.

Vừa đến nơi, đơn vị phải tập trung cứa cây để làm hầm, dựng đài phát sóng để đảm bảo thông tin liên lạc cho Bộ Chỉ huy Miền. Chỉ trong vòng vài ba tháng đơn vị phải di dời căn cứ mấy lần, vì bị B-52 đánh phá liên tục. Đơn vị vô tuyến phát sóng đường dài phải chịu đựng như vậy.

Trong thời gian đóng quân ở gần phum Pama, tôi có một kỷ niệm đáng ghi nhớ. Trong một lần đến làm việc ở một đơn vị cách Tiểu đoàn khoảng 1 giờ đi bộ, khoảng 5 giờ chiều quay trở về, trời chạng vạng tối, mưa lâm râm, khi từ đường mòn chuẩn bị bước ra đường “xe bò” bất chợt tôi thấy trước mặt, cách khoảng 3 mét một con cọp rất to đi ngang qua, nó giật mình khi nhìn thấy tôi, còn tôi cũng không kịp xử lý như thế nào, mặc dù trên người mang đến 2 khẩu súng. Nó nhìn tôi rồi lủi thủi bước đi với cái đuôi dài khoảng một mét kéo lê trên cát trắng và nhanh nhẹn rẽ vào rừng sâu. Tôi và con cọp đi về hai hướng khác nhau, nhưng tôi luôn cảnh giác, đi một đoạn phải dừng lại quan sát xem nó có quay lại bám theo không.

Kể lại chuyện cả đơn vị cười và đồng ý rằng, ở khu rừng này trên cây khì và voọc rất nhiều nhưng dưới đất khi đi ban ban đêm không gặp một con thú nào vì “chúa sơn lâm” đang ở đây.

Sau thời gian công tác ở Tiểu đoàn 38, tháng 10 năm 1971 tôi được đi học lớp đào tạo cán bộ chính trị sơ cấp tại Trường Quân chính H12 của Miền.

Vừa đến trường, tôi đã chứng kiến ngay những tàn tích một cuộc càn quét của quân đội Sài Gòn vào vùng biên giới giữa tình Tây Ninh (Việt Nam) và Plrey Veng (Campuchia), khu vực Tà Nốt thuộc thượng nguồn của sông Vàm Cỏ Đông.

Nhiều lớp học của Trường H12 cũng di chuyển về đây, nơi đóng quân là một khu rừng già có nhiều trảng cỏ bao quanh. Học viên đến trường tập trung lao động, làm nhà ở, các công trình sinh hoạt, làm nhanh các công sự, chiến hào… chạy đua với những đợt ném bom của máy bay B-52. Học được hơn một tháng, trên thông báo địch sẽ mở một cuộc càn lớn vào vùng biên giới, ngay vùng căn cứ của trường. Kế hoạch học tập của trường tạm dừng, và tập trung chuẩn bị cho chiến đấu. Một số học viên trong lớp học của tôi, được rút ra lập thành một trung đội chiến đấu gồm 21 đồng chí, do đại đội trưởng khung làm Trung đội trưởng. Đang chuẩn bị chiến đấu, trên lại thông báo địch sẽ đổ bộ bằng trực thăng xuống các trảng xung quanh nhà trường. Khuya hôm đó, khoảng 3 giờ sáng, nhà trường lệnh cho chúng tôi hành quân chiếm lĩnh trận địa, đánh địch có thế đổ bộ vào sáng hôm sau.

Trời tối, dọc theo đường “xe bò” cách đơn vị khoảng một kilômét xung quanh là rừng già âm u, không một tiếng động, kể cả tiếng máy bay trên bầu trời. Khoác trên người khẩu AK và 4 băng đạn, tôi cảm nhận có điều gì đó không bình thường sẽ xảy ra. Vừa lúc đó, tôi nghe văng vẳng từ xa, tiếng máy bay, tôi nhận ra ngay B-52 đang tới. Cả đội hình trung đội nháo nhào, tản ra hai bên đường xe bò núp dưới gốc cây to, gò mỗi, hoặc bất cứ vật che chắn nào. Tôi bình tĩnh nằm tại chỗ ngay trên đường xe bò ở tư thế úp mặt xuống đất hai khuỷu tay được nâng cao, với suy nghĩ nếu trúng bom thì hy sinh, còn nếu bị thương, đồng đội cũng dễ tìm. Bom bắt đầu rơi, xé không khí nghe rợn người, rơi “bịch bịch” đều trên mặt đất, liền đó là những tiếng nổ dữ dội. Tôi nghe rõ từng quả bom nổ, sao mà kéo dài như một “thế kỷ” và không biết đến lúc nào, quả bom sẽ nện trên lưng mình. Bất ngờ, một tiếng nổ to, tôi không cảm nhận được, chỉ biết nửa người tôi bị đất phủ đầy. Dứt bom, tôi nhoài người dậy, thấy ngay một hố bom to đường kính khoảng 7 đến 8 mét, rìa hố bom chỉ cách tôi khoảng 2 mét, cảnh vật thay đổi hoàn toàn. Rà soát lại trên toàn cơ thể, tôi không bị thương, vẫn còn nguyên vẹn. Xung quanh tôi, nhiều đồng chí bị thương nhìn thật là xót xa. Tôi băng bó cho các đồng chí bị thương ở ngay cạnh tôi.

Đợt máy bay B-52 thứ hai bắt đầu tới, không còn cách gì hơn, tôi nhảy ngay xuống hố bom, thuốc nổ còn đang cháy, đất rất nóng. Nhưng tôi tin sẽ an toàn, dễ gì có quả bom thứ hai rơi chồng lên quả bom trước. Chịu đựng căng thẳng từng quả bom nổ, dứt bom, tôi đi dọc theo đội hình. Trong 21 người, chỉ có tôi, đồng chí Trung đội trưởng và y tá ẩn nấp ở một hầm ven đường là còn nguyên vẹn, còn lại đều bị thương vong, hơn phân nửa hy sinh, nhiều đồng chí  thi thể không để lại một dấu vết gì. Phải đến hết buổi sáng, đơn vị mới giải quyết xong hậu quả của đợt ném bom tàn khốc này.

Trên chiến trường, tôi đã trải qua rất nhiều tình huống ác liệt và hy sinh. Nhưng có lẽ, chịu đựng những đợt ném bom rải thảm của máy bay chiến lược B-52, ngay trong đội hình, khi hành quân và đang trên mặt đất, là sự kiện “nhớ đời” không thế nào quên.

Sáu tháng học tập ở Trường H12, ngoài phần lý luận, chính trị chiếm hơn nửa chương trình, phần còn lại là quân sự, chủ yếu là chiến thuật của đại đội bộ binh. Ấn tượng nhất trong học phần quân sự là chiến thuật “vây lấn” với phương châm “vây, lấn, tấn, phá, triệt, diệt” cùng thủ đoạn chiến thuật “vây lấn”, “diệt viện”, “bóp lòi” mà Sư đoàn 5 của ta vừa áp dụng thành công, tiêu diệt chiến đoàn 8, sư đoàn 5 của quân đội Sài Gòn tại Snuôn thuộc tỉnh Kratie tiếp giáp Kông Pông Chàm (Campuchia) vào khoảng cuối tháng 5 năm 1971.

Lần học này, tôi tiếp thu nhanh hơn, vận dụng tốt những kinh nghiệm chiến đấu vào học tập và cảm nhận được sự tiến bộ và trưởng thành.

Sau khi hoàn thành chương trình học tập tại Trường H12, tôi trở về đơn vị vào khoảng tháng 6 năm 1972 và lần lượt giữ các chức vụ Chính trị viên phó, rồi Chính trị viên đại đội, thuộc Tiểu đoàn 38 Phòng Thông tin Miền.

Hiệp định Paris được ký kết, lúc bấy giờ Quân ủy và Bộ Chỉ huy Miền đã về đứng chân ở Tà Thiết (Lộc Ninh). Các cơ quan, đơn vị phục vụ cũng tập trung về quanh khu vực này. Tiểu đoàn 38 được phân công đứng chân ở Đông thị trấn Lộc Ninh đảm bảo thông tin liên lạc cho Quân ủy, Bộ Chỉ huy với Bộ Quốc phòng và chỉ huy, chỉ đạo các đơn vị, địa phương trong toàn Miền. Ở gần Lộc Ninh, tôi đã lần lượt gặp cha tôi, anh Hai, các chị và em tôi đang công tác tại khu vực này. Đặc biệt chị Hạnh, người yêu của anh Hai khi anh dạy học tại Lộc Ninh cũng đang sinh sống ở đây. Nhà chị cũng trở thành nơi đoàn tụ của cha và các anh chị em tôi. Trong hoàn cảnh như vậy, thấy việc tổ chức lễ cưới cho anh Hai đã “chín muồi”, cha tôi quyết định cho tiến hành lễ thành hôn. Ngày trọng đại của anh Hai, cha tôi lại không có mặt, ông dự lớp học chính trị của Trung ương Cục và ủy nhiệm lại cho tôi, đồng thời mời bác Chín Huê (Hồ Văn Huê) – Trưởng phòng Quân y Miền làm chủ hôn. Đám cưới diễn ra thật vui vẻ, có mặt rất nhiều các chú, bác công tác cùng cha, anh Hai, đơn vị của tôi và các anh chị em trong nhà. Một tình tiết đáng nhớ: Để làm đám cưới cho anh Hai, tạo thêm nguồn thực phẩm cho “bữa tiệc” đặc biệt này. Tôi và em Sang quyết định đi tìm bắn thú ban đêm gần khu vực Tống Lê Chân, cách thị trấn Lộc Ninh khoảng 10 km về phía Nam. Đi suốt đêm đến gần sáng vẫn không bắt gặp ánh mắt của con thú nào, đột ngột em Sang phát hiện một ánh mắt sáng đỏ, con thú chuyển sang nhìn một mắt rồi không nhìn nữa đi săn ban đêm, mà thú không nhìn đèn pha, không thể làm gì được. Sang nói nhỏ với tôi: “Cọp! Một con cọp”. Tôi nghĩ ngay đây là một con cọp vô cùng tinh quái, nó sống trong vùng chiến sự, đã ăn nhiều xác chết. Tôi và Sang quay trở lại, nó vẫn bám theo, nhưng không nhìn đèn pha thật là nguy hiểm. Gần tới quốc lộ 13, con cọp mới bỏ đi, thỉnh thoảng nheo mắt về phía ánh đèn có vẻ luyến tiếc.

Nhận thấy đây có thể là thời điểm tốt nhất để đưa mẹ ra vùng giải phóng, cha tôi bàn và quyết định thông báo ý định này với mẹ tôi. Tôi và Sang được cử đi để gặp mẹ tại vùng giải phóng Củ Chi phía Tây sông Sài Gòn, chiến trường quen thuộc của tôi.

Mẹ đồng ý với ý định của cha, nhưng đề nghị chậm lại vài tháng, để sắp xếp lại công việc nhà, giải quyết cho xong khối lượng bánh bà con khách hàng đặt mua rất lớn vì sắp đến Noel và Tết dương lịch, lại phải báo cáo tình hình với cơ sở mật để mọi người yên tâm. Tôi và Sang quay trở về Lộc Ninh, chở theo Lan em gái út, lên thăm cha và các anh chị. Sau đó Lan nhập ngũ tham gia Quân giải phóng.

Sau khi giải quyết trọn vẹn việc gia đình, việc làm ăn, đầu năm 1974, Sang về rước mẹ và Út Thành ra vùng giải phóng. Cả nhà sum họp, chỉ vắng chị Chi, vợ chồng chị Hà, vì ở xa. Cháu Ngọc Minh (con chị Hà) 4 tuổi được đưa từ căn cứ về Lộc Ninh sống với bà ngoại và má Hạnh (vợ anh Hai). Thay đổi môi trường sống quá nhanh, nhưng mẹ tôi cũng sớm thích nghi và bà nghĩ rằng, thỉnh thoảng gặp chồng, các con, cháu là hạnh phúc rồi.

Công tác tại Tiểu đoàn 38, tỉnh cảm của đơn vị và sự chăm lo dìu dắt, để lại trong tôi nhiều kỷ niệm sâu sắc, nhất là đồng chí Chính trị viên và đồng chí Tham mưu trưởng Tiểu đoàn. Mặc dù là cấp trên của tôi, nhưng các anh rất gần gũi và hòa đồng. Tôi nhớ sau này khi đồng chí Nguyễn Vũ Bảo – Chính trị viên đã về hưu, bệnh nặng sắp qua đời, lúc đó tôi đang công tác ở Quân đoàn 4, trong cơn mê sảng, đồng chí cứ gọi: “Sao giờ này thằng Lượng chưa tới…”. Đồng chí Nguyễn Huệ – Tham mưu trưởng lớn hơn tôi vài tuổi rất “tâm đầu ý hợp”. Tôi nhớ mãi anh Huệ, vì chính anh là người đầu tiên đưa tôi đến gặp mẹ vợ của tôi sau này (bà Thôi Thị Ngò – Hai Phương, Trợ lý dân quân Miền). Đó là lần duy nhất tôi gặp bà. Hôm ấy ngày chủ nhật, anh Huệ rủ tôi cùng anh ra xóm Bưng thuộc thị trấn Lộc Ninh, để thăm người chị ruột vừa sinh con. Chị anh Huệ là bác sĩ Kim Thoa, vợ của anh Ba Hỗng – Sư đoàn trưởng Sư đoàn 9. Đến nơi, tôi thấy trong túp lều tranh nhỏ cạnh bờ suối, có ba người, chị Thoa là chị anh Huệ, một người phụ nữ nữa lớn tuổi hơn chị Thoa, được giới thiệu là chị Hai Phương, Trợ lý dân quân Miền, được biệt phái làm Thị đội phó Thị đội Lộc Ninh. Và một người đàn ông dáng to khỏe đang công tác ở T3 (miền Tây Nam Bộ) ở ngành quân báo. Qua trò chuyện, tôi mới hiểu ra rằng, cô Hai Phương có người con gái duy nhất đang công tác ở Ban dân y Tây Nam Bộ. Cô nhờ các anh ở quân báo T3, giúp đưa con gái về công tác ở Miền, để mẹ con có điều kiện sống gần nhau. Tôi nghe qua câu chuyện là như vậy. Rồi tất cả đi vào quên lãng. Đâu ngờ sau lần gặp ấy, mấy tháng sau cô hy sinh trong một đợt ném bom của quân đội Sài Gòn tại thị trấn Lộc Ninh. Lúc địch ném bom, tôi đang đứng trong rừng cao su ngay thị trấn, nhìn từng quả bom rơi, và cũng đâu biết rằng ngay lúc này, đã có một nỗi đau lớn đến với vợ chồng và các con của tôi sau này…

(còn tiếp)

Bài viết liên quan

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận
Nhập tên của bạn

Bài viết phổ biến

Bình luận gần đây