Chủ Nhật, Tháng Mười Hai 3, 2023
Trang chủKÝ ỨC CHIẾN TRANHDẤU ẤN CUỘC ĐỜI- HỒI KÝ CỦA TRUNG TƯỚNG LƯU PHƯỚC LƯỢNG-...

DẤU ẤN CUỘC ĐỜI- HỒI KÝ CỦA TRUNG TƯỚNG LƯU PHƯỚC LƯỢNG- phần 1- kỳ ba

DẤU ẤN CUỘC ĐỜI

Lưu Phước Lượng

Phần 1  – kỳ ba

Vào Đảng

Sau nhiều tháng tiếp tục thử thách, ngày 5 tháng 10 năm 1967, tôi được kết nạp vào Đảng. Như vậy, sau 2 năm 5 tháng tham gia Quân giải phóng tôi đã trở thành đảng viên.

Sự kiện đặc biệt này để lại trong tôi nhiều dấu ấn. Tôi nhớ, khi chi bộ xét thông qua đơn xin vào Đảng của tôi, về tiêu chuẩn và thành phần xuất thân, cả chi bộ đều nhất trí vì đã thử thách trong chiến đấu. Nhưng về lai lịch, có một ý kiến đề nghị nghiên cứu rà soát lại: “Nghe nói đồng chí Lượng có người anh đang làm việc cho địchˮ. Thực ra lúc bay giờ anh Hải tôi, đang làm Hiệu trưởng một Trường tiểu học ở Lộc Ninh thuộc tỉnh Bình Long và anh cũng là cơ sở quân báo của Miền, cung cấp nhiều thông tin quan trọng cho ta trong những trận đánh lớn – đặc biệt là chiến thắng Lộc Ninh.

May mắn cho tôi hôm ấy (ngày thông qua đơn xin vào Đảng của tôi) đồng chí Chính ủy – Bí thư Đảng ủy Phòng Thông tin Miền có mặt tại cuộc họp, đồng chí phát biểu và bảo lãnh cho tôi. Đồng chí khẳng định lai lịch của tôi rõ ràng, gia đình có truyền thống cách mạng, cha tôi đang là Chính ủy của một đơn vị tên lửa của Miền, chi bộ đồng tình biểu quyết và thông qua.

Sau này, tôi biết đồng chí nêu lên vấn đề trên là một người ít am hiểu tình hình. Thỉnh thoảng tôi vẫn suy nghĩ về sự việc này, xem đây là một kỷ niệm khó quên.

Dấu ấn sâu sắc nhất của đời tôi. Tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân – 1968

Gần cuối năm 1967, trước thất bại của cuộc phản công chiến lược mùa khô lần thứ 2 của đế quốc Mỹ, tình hình chung rất thuận lợi cho ta. Rõ nhất là việc chuẩn bị chiến trường của ta không phải để đối phó với những cuộc càn lớn của địch vào vùng căn cứ nữa mà là chủ động chuẩn bị cho một nhiệm vụ với quy mô rất lớn. Điều này thể hiện rất rõ ở đơn vị S3 và lớp học của chúng tôi, không học sửa chữa và lắp ráp máy thông tin quân sự nữa mà chuyển sang học để sử dụng máy vô tuyến điện thoại K63 củaTrung Quốc viện trợ. Trên phổ biến đây là một trong những nhiệm vụ lớn mà phòng thông tin Miền phải triển khai nhanh và hoàn thành trước trung tuần tháng 1 năm 1968. Chúng tôi học chăm chỉ, tiếp thu nhanh và đạt yêu cầu đề ra, sau đó được biên chế về Tiểu đoàn 42, đơn vị thông tin hỗn hợp (hữu tuyến điện, vô tuyến điện báo, vô tuyến điện thoại, vận động…) thuộc Phòng Thông tin trực tiếp phục vụ chiến đấu cho Bộ Chỉ huy Tiền phương của Miền.

Không giống các thành phần thông tin hỗn hợp khác, phân đội thông tin vô tuyến điện thoại (K63) được biên chế thành từng tổ hai người với 1 máy K63 và 1 khẩu AK, đi cùng với chỉ huy. Vào gần cuối tháng 1 năm 1968, đơn vị được lệnh hành quân từ căn cứ ở Tây Bắc tỉnh Tây Ninh hướng về Sài Gòn, đêm đi và ngày cũng đi. Chỉ dừng nấu cơm, chuẩn bị hậu cần rồi tiếp tục đi nữa, ngày 30 tháng 1 năm 1968, chúng tôi gồm tôi và anh Hai là tổ trưởng của tôi (lớn hơn tôi vài tuổi) đến Bộ Tư lệnh Phân khu 1, anh mang AK còn tôi mang máy (thực lòng tôi sử dụng máy và thoại qua mật mã nhanh và tổt hơn anh, anh là một đồng đội dũng cảm bảo vệ tôi, anh đã hy sinh ngay những ngày đấu của đợt 2, tháng 5 năm 1968). Ngay trong đêm đó, chúng tôi được đi cùng Tư lệnh Phân khu, vào thẳng Sở chỉ huy Tiểu đoàn 1 Quyết Thắng, trên đường đi ta và địch bắn nhau xối xả, làn đạn đan xen đỏ cả mặt đất. Tôi thầm nghĩ, chỉ huy cũng chịu đựng ác liệt như ta, lòng tôi dâng trào một tỉnh cảm mến phục và noi gương.

Tổ chúng tôi được tăng cường về tiền phương của Phân khu 1 (hướng Tây Bắc Sài Gòn), được biên chế thẳng vào trung đội thông tin của Tiểu đoàn 1 Quyết Thắng, lúc bấy giờ đang chiến đấu quyết liệt với địch, xung quanh trại Cổ Loa (Bộ tư lệnh Pháo binh) và trại Phù Đổng (Bộ tư lệnh Thiết giáp) – khu vực Gò Vấp hiện nay. Chúng tôi có nhiệm vụ truyền đạt mệnh lệnh của Tư lệnh Tiền phương cho chỉ huy Tiểu đoàn và chuyến báo cáo về chỉ huy cấp trên. Địch sau khi hoàn hồn tỉnh lại tiến hành phản kích dữ dội ở phía sau, gần khu vực Chợ Cầu, Gò Vấp ngày nay, cùng chỉ huy Tiểu đoàn, chúng tôi hứng chịu những lần chiếc AD-6 (Skyraider) ném bom dữ dội (kể cả bom napan) vào ngay cả khu vực Chợ Cầu. Những ngày sau đó, đơn vị được lệnh chuyển ra ngoài và triển khai ở xã Tân Thới Hiệp (quận 12 hiện nay) để tiếp tục tiến công địch phản kích. Ngay ngày hôm sau, được Phân khu trực tiếp chỉ huy, Tiểu đoàn phối hợp cùng một đơn vị thuộc Trung đoàn 16 có sự chi viện của pháo binh Phân khu mở trận tập kích vào tiểu đoàn dù của địch nhưng không thành công do hỏa lực chuẩn bị của ta không chính xác. Khoảng ngày 6 tháng 2 năm 1968, đơn vị được lệnh rút về đồng bưng Tân Thới Hiệp làm nhiệm vụ bám giữ địa bàn, tạo thế chuẩn bị cho đợt tiến công tiếp theo. Từ đây cuộc bám trụ vùng ven đầy gian khổ, ác liệt hy sinh bắt đầu.

Nhớ lại khi đi ngang Sở Chỉ huy Tiền phương, tôi may mắn được nhìn thấy đồng chí  Tư lệnh Nguyễn Thế Truyện “ông Năm Sài Gònˮ nổi tiếng. Và nếu sau đó vài ngày không xảy ra sự việc trực thăng Mỹ đánh phá dữ dội khu vực Sở Chỉ huy Tiền phương và ông đã hy sinh (cách chúng tôi chỉ vài trăm mét) thì việc tôi nhìn thấy ông đã đi vào quên lãng. Sau này khi về công tác ở Sư đoàn 5, nơi trước đây (1967) ông là Sư đoàn trưởng, hàng năm tôi thường đến thăm gia đình, gặp thím Năm (vợ ông), Thế Thanh (con gái ông) – chia sẻ những kỷ niệm và thấp một nén hương để tưởng nhớ người chỉ huy của mình mà trong ký ức tôi không bao giờ quên.

Bám trụ vùng ven Tây Bắc Sài Gòn, giữ vững và tạo thế cho đợt tiến công tiếp theo vào tháng 5 năm 1968

Những ngày cuối tuần, đầu tháng 2 năm 1968, các đơn vị Quyết Thắng, Trung đoàn 16 đã hoàn toàn rút khỏi địa bàn thành phố, hoàn thành nhiệm vụ tiến công đợt 1, cùng các đơn vị bộ đội địa phương, du kích bám trụ chiến đấu, tiến công địch giữ vững địa bàn trên hướng Tây Bắc Sài Gòn bao gồm các xã Đông Thạnh, Tân Thới Hiệp, Nhị Bình, Quới Xuân, Thạnh Lộc, An Phú Đông… khu vực Vườn Cầu Đỏ (hầu hết địa bàn quận 12 và một phần nhỏ quận Gò Vấp hiện nay). Nếu tính từ ngày 10 tháng 2 năm 1968 cho đến hết ngày 12 tháng 5 năm 1968, khi Trung đoàn Quyết Thắng (gồm 2 Tiểu đoàn 1 và 2) tham gia tiến công vào Sài Gòn đợt 2 thì các đơn vị Quyết Thắng đã bám trụ gần tròn 3 tháng trời. Có thể nói đây là giai đoạn thử thách ác liệt đầy gian khổ và hy sinh, là bản anh hùng ca của Trung đoàn Quyết Thắng (là tiền thân của Trung đoàn Gia Định thuộc Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh) cùng nhiều đơn vị khác. Ngày nào cũng đánh, ngày nào cũng vận chuyển thương binh, tải đạn. Đánh địch ban ngày. Vận chuyển thương binh, tải đạn ban đêm. Gian khổ, ác liệt xen lẫn với không gian yên tĩnh, khi không bom đạn, mò cua, bắt tôm, cải thiện đời sống tạo sự hài hòa giữa chiến đấu ác liệt và yên bình hiếm hoi thành sinh hoạt thường ngày.

Đánh nhau trong 3 tháng bám trụ địa bàn với địch phải nói đến các đơn vị tổng dự bị là lính dù, thủy quân lục chiến của quân đội Sài Gòn, các đơn vị thuộc Sư đoàn 25 tia chớp nhiệt đới của Mỹ. Nhưng có một điều kỳ lạ, với nhiều đơn vị như vậy, chưa kể địa phương quân mà chỉ có hơn 2 tiểu đoàn thiểu của Quân giải phóng bám trụ ở các xã nêu trên, chúng không thể tiêu diệt được, thậm chí còn bị đánh thiệt hại nặng như trận phục kích ngày 2 tháng 3 năm 1968, trên đường 12 từ cầu sắt Lái Thiêu sang quận Gò Vấp hiện nay. Ta, gồm 2 tiểu đoàn khoảng 200 quân, diệt gần hết 2 đại đội lính Mỹ thuộc Sư đoàn 25 (trong đó 48 lính Mỹ chết và hơn 100 bị thương) tại khu vực cầu Ông Đụng, xã Thạnh Xuân ngày nay. Đây có thể nói là trận đánh phục kích lớn nhất, tiêu diệt nhiều quân Mỹ nhất trong 3 tháng bám trụ giữ địa bàn ngay cạnh sân bay Tân Sơn Nhất. Địch phản kích dữ dội bằng bom pháo, đánh trúng Sở Chỉ huy Trung đoàn và đồng chí Trung đoàn phó (Hai Nhật) đã hy sinh.

Giờ đây tôi nghĩ, thành công trong bám trụ giữ vững địa bàn chính là sự cơ động và di chuyển liên tục của bộ đội ta. Có lúc cả tiểu đoàn (nói là Tiểu đoàn nhưng quân số bị tiêu hao, chưa được bổ sung còn không tới 100 người) phải “chém vèˮ trong vườn cây ăn trái dọc sông Sài Gòn (đối diện với thị trấn Lái Thiêu). Lại có lúc phải sơ tán từng đại đội, trung đội trên nhiều hướng khác nhau, địch vào nơi nào, chỗ nào thì đánh nhau quyết tử, giữ vững trận địa. Chính nhờ tinh thần chiến đấu đó mà các chiến sĩ Quyết Thắng đã giữ vững được địa bàn, đạt được yêu cầu cấp trên đề ra.

Một kỷ niệm mà tôi nhớ mãi, đó là việc cáng thương binh về tuyến sau, mà hầu như hàng đêm đơn vị phải luân phiên thực hiện. Hôm đó, Tiểu đoàn bộ phân công đơn vị thông tin chuyến thương binh, tổ gồm 4 đồng chí (trong đó có tôi) nhận một ca thương binh. Đang xem xét để nhận ca nào cho “thuận tiệnˮ, đột ngột pháo bắn vào đội hình, tôi và một đồng chí đi cùng khiêng một ca chạy nhanh khỏi khu vực, nhưng địch lại tiếp tục bắn dọc theo đội hình tải thương, chúng tôi đặt thương binh xuống đất, nhảy xuống mương nước ẩn nấp. Sau khi pháo tạm dứt, chúng tôi tiếp tục đến cho cáng thương thì đồng chí thương binh đã chạy đâu mất rồi! Hoảng hốt không biết làm sao, lùng sục chung quanh không thấy, cuối cùng tôi thấy một ca thương binh Nam trên bờ rạch (không phải ca thương binh của mình), chúng tôi vội vàng cáng luôn, chạy một mạch khỏi vòng pháo. Khi ra khỏi vòng pháo bắn, giữa đồng ruộng mênh mông, bờ mương thì nhỏ, đồng chí thương binh lại quá nặng, Trong khi hai anh em chúng tôi lại là những người ốm yếu, muốn đặt xuống để tạm nghĩ cũng không được vì nước, ướt át, lại không có nạng để chống (do bỏ mất hết rồi), tình hình thật bi đát. Từ cho này đến nơi giao thương binh (ở Đông Thạnh, Rạch Tra) cũng phải hơn hai tiếng đồng hồ đi nhanh, mà bờ ruộng trơn trợt thế này, bốn người một cáng bây giờ chỉ còn hai người. Hai chúng tôi lặn lội hơn 3 tiếng đồng hồ mới đưa được đồng chí thương binh đến vị trí. Có lẽ thông cảm với tỉnh trạng bi đát của chúng tôi, nên đồng chí thương binh cũng không rên la gì, mặc dù có lúc hai chúng tôi té và va vấp rất mạnh. Nghĩ lại câu chuyện này, tôi vẫn chưa mường tượng được hết sức mạnh “thần kỳˮ của hai chúng tôi trong tình cảnh đó.

Khoảng hạ tuần tháng 4 năm 1968, những đợt tân binh bổ sung đầu tiên lần lượt đến đơn vị, quân số tăng lên từng ngày. Bây giờ Quyết Thắng đã là trung đoàn có quân số tương đồi đầy đủ, với Ban chỉ huy Trung đoàn vừa được trên chí định gồm chú Ba Vinh (Trần Quang Vinh) – Trung đoàn trưởng, chú Hai Phái (Lê Hoàng Phái) – Chính ủy và chú Năm Xướng (Phần Văn Xướng) – Trung đoàn phó.

Vào đợt 2, tháng 5 năm 1968

Bước vào đợt 2, đơn vị được chuẩn bị tương đối đầy đủ từ việc học tập chính trị, bổ sung vũ khí  trang bị, huấn luyện bổ sung, bao gồm cả huấn luyện vượt sông… Đơn vị hừng hực khì  thế tiến công. Lúc bấy giờ quanh Sài Gòn, các hướng đã nổ súng mở đầu tiến công đợt 2. Ngày 6 tháng 5 năm 1968, Trung đoàn Đồng Nai từ Phân khu 5 vượt sông Sài Gòn, mượn đường Trung đoàn Quyết Thắng (khu vực An Phú Đông) để đánh vào mục tiêu Tây Bắc Sài Gòn. Trung đoàn Quyết Thắng vẫn án binh bất động, chưa có lệnh tấn công, chúng tôi vô cùng sốt ruột. Ngày 12 tháng 5 năm 1968, sau khi Trung đoàn Đồng Nai rút ra khỏi thành phố, Trung đoàn Quyết Thắng mới được lệnh tiến công, Trong khi toàn mặt trận quanh Sài Gòn đã im dần tiếng súng, hầu hết các đơn vị bộ binh đã rút khỏi thành phổ, đây là bất lợi lớn đối với Trung đoàn Quyết Thắng khi bước vào chiến đấu.

Sau những trận đánh phản kích ác liệt với các đơn vị lính dù hòng ngăn chặn sự tiến công của ta, ngay chiều tối 12 tháng 5 năm 1968, toàn Trung đoàn gồm hai tiểu đoàn 1 và 2 với quân số hơn 700 người, từ địa bàn An Phú Đông, hành quân để vượt sông Vàm Thuật (nhánh của sông Sài Gòn) hướng tới mục tiêu tỉnh Gia Định và bót Hàng Keo (thuộc địa phận quận Bình Thạnh ngày nay). Gần sáng dọc theo sông Vàm Thuật địch bắn phá dữ dội. Đơn vị vừa chế áp địch, vừa tổ chức vượt sông. Hửng sáng, hơn phân nửa đội hình đã vượt sông, đứng chân được ở bờ đông sông Vàm Thuật, trên cánh đồng lớn, đồng Ông Cộ.

Trời sáng hẳn, các đơn vị trinh sát Trung đoàn quan đánh dữ dội với các đơn vị thủy quân lục chiến của địch đang án ngữ trên tuyến đường từ cầu Bình Lợi về kho xăng, kho đạn Gò Vấp và mở được hai cánh cửa lớn. Đồng chí Ba Vinh – Trung đoàn trưởng và đồng chí Hai Phái – Chính ủy, mỗi đồng chí dẫn đầu một hướng tiến công vượt tuyến lửa này để đến mục tiêu theo kế hoạch. Khi qua tuyến lửa nhiều đồng chí hy sinh vì hỏa lực ngăn chặn của địch. Tôi vừa mang máy bộ đàm, vừa mang khẩu AK vượt tuyến đường, nửa ống quần dài tôi đang mặc trúng đạn tơi tả, nhưng tôi không sao và tiếp tục trườn dưới con rạch ngập bùn bám theo đơn vị vào bên trong, đến được Sở Chỉ huy Trung đoàn ngay sát quốc lộ 13 mà ở đó là một trại cưa gỗ rất lớn.

Trên trời, máy bay Skyraider (AD-6) gầm rú ném bom dữ dội khu vực đồng Ông Cộ, hai bên bờ sông Vàm Thuật và ngay buổi sáng hôm đó, địch đổ quân dù xuống An Phú Đông – cắt đội hình phía sau của ta. Qua nắm lại tình hình, khoảng phân nửa đơn vị lọt vào bên trong, số còn lại tác chiến bên ngoài và cũng bị thương vong rất lớn.

Cuộc chiến đấu dọc quốc lộ 13, khu vực Bình Thạnh diễn ra suốt cả ngày. Ta và địch giao tranh quyết liệt trong thành phố, giành đi chiếm lại từng căn nhà, từng khu phố. Do đánh gần, hai bên cọ xát nhau nên máy bay và pháo binh địch rất khó chi viện, ngoài súng cối và các loại hỏa lực trên xe tăng và xe thiết giáp của địch.

Sở Chỉ huy Trung đoàn (đồng chí Ba Vinh) đặt tại con mương, trên có một tấm ván dày, phủ một ít đất. Quyết tâm của Trung đoàn là bám trụ tại đây, chờ trời tối đánh vào mục tiêu. Suốt ngày, súng cối địch bắn rải rác xung quanh Sở Chỉ huy. Đến chiều tối, nước triều dâng đến cổ, lúc này địch dồn dập pháo kích dữ dội vào Sở Chỉ huy, nhiều quả 37 đạn cối 81 rơi trúng nấp hầm, một mảnh đạn trúng vào đầu đồng chí Trung đoàn trưởng Ba Vinh và đồng chí hy sinh. Trong hầm có 5 người, 2 đồng chí hy sinh (Trung đoàn trưởng và trợ lý tác chiến), 2 bị thương (trợ lý trinh sát và đồng chí liên lạc trung đoàn), tôi lại may mắn không sao.

Trời sụp tối, việc đầu tiên của tôi là mai táng đồng chí Ba Vinh. Đất cứng lại gần ngay bụi tre, phải mất cả tiếng đồng hồ mới đào được 3 tấc đất để tạm mai táng đồng chí Trung đoàn trưởng, sau đó tiếp tục hành quân. Đây là tổn thất lớn nhất của Trung đoàn ngay ngày đầu tiên của đợt 2 đánh vào Sài Gòn. Giờ đây, đồng chí Chính ủy Hai Phái phải giữ lấy nhiệm vụ nặng nề là Chính ủy kiêm chỉ huy Trung đoàn.

Sau một ngày chiến đấu căng thẳng và quyết liệt, toàn đơn vị vẫn giữ được đội hình và tiến sâu vào bên trong về hướng ngã ba Cây Thị (tức ngã ba đường Phan Văn Trị ngày nay). Địch liên tục ngăn chặn, nhưng ta vẫn triển khai được đội hình chiến đấu trên khu vực này. Từ ngày 12 đến ngày 16 tháng 5 năm 1968 ta và địch (gồm quân dù, thủy quân lục chiến, các đơn vị biệt kích dù 81) giành nhau từng đường phố, từ dọc quốc lộ 13, quận Bình Thạnh đến ngã ba Cây Thị, xóm Gà, xóm Thơm, Chuồng ngựa… trên địa bàn quận Gò Vấp. Do địch tập trung lực lượng ngăn chặn, phong tỏa các hướng, các tuyến đường, đơn vị không đến được mục tiêu và phải chuyến sang đánh địch phản kích. Đến thời điểm này, các đơn vị bạn trên các hướng đã rút khỏi thành phố. Bộ phận chiến đấu của trung đoàn đã hoàn toàn bị cất đứt với phía sau, không tiếp tế được đạn dược, không chuyển được thương binh.

Trước tình hình đó, Tư lệnh Phân khu lệnh cho chỉ huy trung đoàn lập kế hoạch lui quân khỏi thành phố. Nhưng tình thế đã quá muộn. Trong giờ phút hiểm nghèo này, đồng chí Hai Phái – Chính ủy Trung đoàn đã động viên bộ đội: “Chúng ta là quân cách mạng, chỉ chiến đấu đến giọt máu cuối cùng trên chiến trường, không từ bỏ vũ khí và không đầu hàng…”. Tuy vậy, thật bất ngờ khi đơn vị chuẩn bị hành quân thì Trung đoàn phó Phan Văn Xướng đã đầu hàng địch và khai báo toàn bộ kế hoạch rút quân khỏi thành phố của ta. Chiều hôm đó, khi trực thăng của địch quần đảo bắn phá các trận địa của ta trên các đường phố khu vực ngã ba Cây Thị (quận Bình Thạnh ngày nay), ngồi cùng tôi dưới hầm trong nhà dân, Phan Văn Xướng tâm sự rất nhiều. Ông ta nói về hoàn cảnh gia đình khi tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp, rồi tập kết ra Bắc được cử đi đào tạo tại trường sĩ quan xe tăng ở Trung Quốc, sau đó về Nam chiến đấu. Tuyệt nhiên không nói gì về kế hoạch lui quân, chính vì vậy tôi thật sự bất ngờ về sự phản bội của ông ta.

Chiều tối ngày 16 tháng 5 năm 1968, tôi chuyển bức điện cuối cùng của chỉ huy Trung đoàn cho Tư lệnh Phân khu và đóng máy. Đồng thời tôi cũng gởi lời vĩnh biệt đến đồng chí thông tin trực tiếp liên lạc với tôi (đồng chí Lê Thiệu, sau này là Đại tá Chủ nhiệm thông tin Quân khu 9).

Địch tập trung lực lượng không cho ta mở đường rút lui. Cuộc chiến không cân sức và sau nhiều đợt đột phá không thành công, đạn dược không còn, đơn vị được lệnh phân tán từng toán nhỏ để tìm đường ra; cùng lúc ấy, trên bầu trời máy bay trực thăng liên tục kêu gọi “hồi chánh” của Phan Văn Xướng: “… hỡi anh em Trung đoàn Quyết Thắng, tôi là Phan Văn Xướng, Trung đoàn phó Trung đoàn Quyết Thắng đã ra hồi chánh với Tiểu đoàn 5 nhảy dù, tôi đã được anh em nhảy dù Việt Nam đồi xử rất tử tế, các bạn hồi chánh cũng sẽ được đồi xử tử tế như tôi…”. Tình thế thật là khó khăn!

Tôi đi cùng Chính ủy Hai Phái, nhiệm vụ của tôi và đồng chí Khoai (tổ đài của tôi) là bảo vệ đồng chí Chính ủy. Đang luồn lách trong đêm tránh trái sáng và sự phát hiện của địch, một quả cối vu vơ phát nổ ngay sau lưng tôi, đồng chí Chính ủy bị thương nặng, còn tôi không sao, nhờ cái máy thông tin K63 che chắn, đồng chí Khoai bị thương nhẹ ở lưng. Băng bó cho đồng chí Chính ủy và cõng đi được vài mét, đồng chí không chịu nổi và trút hơi thở cuối cùng. Như vậy, ngay ngày đầu đợt 2 đánh vào thành phố, tôi đã mai táng đồng chí Trung đoàn trưởng và ngày rút ra, tôi lại mai táng đồng chí Chính ủy. Hai sự kiện trên đã để lại dấu ấn đau thương thật là sâu sắc trong cuộc đời tôi.

Tôi và Khoai quay trở lại nơi đơn vị tập kết trước khi hành quân ra (theo quy định của Trung đoàn, nếu bị lạc) và ở đây tôi đã gặp được 4 đồng chí nữa (đồng chí Tân – Tiểu đoàn phó, đồng chí Thơi – Chính trị viên phó Tiểu đoàn, đồng chí Thanh và đồng chí Hòa, Đại đội trưởng).

Như vậy chúng tôi đã trở thành một nhóm 6 người. Nhận thấy khả năng thoát ra bằng con đường luồn lách tránh địch không còn nữa, chúng tôi đã quyết định “chém vèˮ trong nhà dân và xúc tiến phương án này.

Sau nhiều lần bị lộ, bị địch bắn dữ dội và thấy đi đổi lại để có một căn nhà cho “vừa ýˮ – tức là đảm bảo được độ ấn toàn cao, chúng tôi đã tìm được một căn nhà có khuôn viên xung quanh.

Sau khi tôi trốn được nóc nhà, tháo gỡ được mấy tấm táp-rô xi măng, cả tổ lần lượt vào bên trong trần nhà. Trần nhà là một dàn cây cứng, bên dưới là những tấm carton mỏng manh. Lúc bấy giờ đã 1 giờ sáng ngày 17 tháng 5 năm 1968. Với vũ khí trong tay (không kể súng ngắn), gồm 1 khẩu AK tôi mang, một quả thủ pháo dù, hai quả lựu đạn M26, cả tổ thế sẽ quyết tử trong tình huống quyết định tại ngôi nhà này. Giờ nghĩ lại tình cảm cách mạng lúc đó sao mà thiêng liêng, đầy hy sinh và cống hiến, khi nghĩ đến Đảng và Bác Hồ.

Tại ngôi nhà đó, ngày thứ nhất trôi qua trong căng thẳng tột độ. Trời vừa sáng, từng toán thủy quân lục chiến lùng sục xung quanh khu vực tác chiến đêm qua. Nhiều tràng súng nổ của cả hai bên. Khoảng 10 giờ sáng, từ trần nhà nhìn xuống hẻm đổ ra đường Phan Văn Trị, từng tốp chiến sĩ ta, Trong đó có nhiều thương binh đang bị địch đưa ra ngoài. Tôi đếm có khoảng hơn 100 chiến sĩ ta đã bị địch bắt. Đến gần trưa, địch quay trở lại khu vực quanh nhà, sau đó leo vào bên trong khuôn viên, đập phá cửa và vào bên trong nhà. Chúng lục soát và cuối cùng đóng quân luôn tại đây. Diễn biến quá bất ngờ và cực kỳ căng thẳng, chỉ cần một tiếng động nhỏ, mọi việc tồi tệ có thể xảy ra. Cả nhóm trong tư thế sẵn sàng quyết tử. Trưa đến chiều tối hôm đó, ta trên trần nhà, địch dưới mặt đất và chúng cũng đã thoáng qua nghi ngờ có ai đó trên trần nhà qua lời nói của tên chỉ huy: “Tiểu đoàn trưởng nhắc là phải chú ý các nhà tầng, hôm qua đã có Việt Cộng trốn trên đóˮ. Mãi đến tối chúng mới tập kết ra đường lớn.

Ngày thứ hai, gia đình về, bọn địch không vào. Cả nhà dọn dẹp sửa sang lại nhà cửa. Vẫn căng thẳng, nhưng dễ thở hơn hôm qua rất nhiều. Chúng tôi theo dõi xem thái độ gia đình ra sao. Nhưng không nghe nói gì, chỉ thỉnh thoảng phiền trách đám lính quậy phá. Đêm gia đình không ở lại. Trước khi đi, gia đình có để một số thức ăn trên bàn, cố tình nói lớn “ai có cần gì cứ lấy”. Đêm hôm đó, chúng tôi xuống đất, quan sát bên trong ngôi nhà, chỉ lấy nước uống rồi lại quay lên trần nhà.

Ngày thứ ba, từ sáng sớm, qua kẽ hở, tôi thấy một người đàn ông lớn tuổi cứ đi đi lại lại, rù rì việc gì đó với gia đình, tôi không nghe rõ. Sau đó ông bắc ghế để nhìn lên trần nhà, chúng tôi đã ở tư thế sẵn sàng. Khi bắt gặp chúng tôi, tôi nói ngay: “Chúng cháu là quân giải phóng”. Ông thể hiện rõ sự thông cảm và thân thương. Ông vội khoát tay và nói: “Các chú có cần gì, cứ nói”. Chúng tôi trả lời bằng cái gật đầu đầy lòng biết ơn. Cuộc tiếp xúc giữa nhóm chúng tôi và gia đình bắt đầu và chúng tôi xem cuộc gặp gỡ này như một sự kiện lịch sử của cả cuộc đời. Đêm đầu tiên, những người thân Trong gia đình nhìn chúng tôi như những “thiên thần” với cảm xúc mến mộ khó tả. Sau một lúc tâm sự, bà mẹ (chủ nhà) chủ động giới thiệu về gia đình với chúng tôi. Té ra, bà là chị ruột của kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát, Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam. Bà chậm rãi thổ lộ:

– Đây là bí mật của cả gia đình đã được giữ kín và không được nhắc tới trong suốt bao nhiêu năm nay.

Bà kể tiếp, trong các con của bà, người con gái thứ tư có chồng là quan chức làm việc trong chính quyến Sài Gòn, trưa nào cũng về nhà.

– Không biết nó nghĩ như thế nào khi biết chuyện này, có thể sẽ xảy ra rắc rối, khó xử – Bà băn khoăn nói – Vì vậy, giờ trưa “mấy con” phải giữ im lặng. Và trưa nào, người con gái thứ tư cũng tìm cách rủ chồng sớm rời khỏi ngôi nhà. Kể từ lúc đó, chúng tôi gọi bà (chủ nhà) là má – má Hai Cây Thị. Những ngày ở nhà má Hai, gia đình tâm sự rất nhiều. Và việc đầu tiên chúng tôi hỏi má Hai: Vì sao gia đình nghĩ có chúng tôi ở trên trần nhà? Má Hai nói, bác trai phát hiện có những luống sáng nhấp nháy trên tường (do lớp carton bị hở ra với khung trần, vì quá nóng chúng tôi dùng tay quạt cho mát đã tạo ra hiện tượng trên; cái nữa, là mất một bình sành đựng nước uống (do chúng tôi đã lấy nước đưa lên trần nhà) và cuối cùng, gia đình cố tình để lại thức ăn mà sao vẫn còn nguyên vẹn. Phải truy cho ra những việc này. Các anh chị trong gia đình đã tận tỉnh chăm sóc cho anh em chúng tôi, từ việc chăm lo ăn uống, cắt tóc, điều trị các vết thương, mua sắm quần áo đến việc móc ráp cơ sở, bất chấp hiểm nguy cho cả gia đình.

Hơn nửa tháng ở nhà má Hai, khi không có mặt người con rể, chúng tôi được sinh hoạt thoải mái hơn. Bên ngoài, bọn địch vẫn chốt các ngã đường và lùng sục ngày đêm. Đầu tháng 6, chúng tôi được cơ sở tổ chức đưa ra ngoài trong một chuyến đi hợp pháp nguy hiểm nhưng đầy thú vị trong sự thân thương bịn rịn của má Hai và gia đình. Đêm trước khi tôi rời khỏi nhà má Hai, má bày tỏ tình cảm mến thương đặc biệt đối với tôi, bà nói: “Con phải chú ý giữ gìn sức khỏe, người nhỏ và ốm yếu như vậy không đủ sức đi chiến đấu đâu! Còn việc vợ con để sau này má lo cho, mấy đứa nhỏ ở nhà (con gái của bà), nghe Quân giải phóng cũng mến mộ lắm!”. Tôi cười hồn nhiên và nhớ mãi lời nói đầy yêu thương nghĩa tình của bà. Chị Bảy Hà (Đồ Thị Trinh, sau này là Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và chị Chín Nghĩa (Nguyễn Thị Nghĩa, Chủ nhiệm Hợp tác xã thành phố, Anh hùng Lao động) được tổ chức giao nhiệm vụ, đã mưu trì, không ngại hiểm nguy đưa chúng tôi đến nơi an toàn.

Nhớ lại, trước chuyến đi đầy mạo hiểm này, chị Bảy Hà là người đầu tiên vào phòng ngủ của gia đình, trao cho tôi giấy tờ giả, là cán bộ Bình Định nông thôn, đồng thời sinh hoạt “nội quy” đi lại trên đường; “tuyệt đối không nhìn vào mặt “bọn lính”, mọi việc để tôi đối phó. Còn bây giờ tôi đưa anh đi một đoạn đường, rồi sẽ giao cho một chị cũng đi xe Honda, đưa anh đi tiếp”, chị dặn như vậy! Vừa bước ra cửa nhà, đã có hai lính thủy quân lục chiến đứng trước cổng, chị Bảy nhanh nhẹn bồng cháu bé trên tay má Hai rồi nói:

– Tụi con về ngoài đó, ngày mai tụi con vô!

Chị trả em bé lại cho má Hai rồi đẩy xe Honda ra cổng, nổ máy, chị và tôi lướt qua hai tên lính đang nhìn theo, trong sự ngơ ngác, lạnh lùng.

Đi được một đoạn trên đường Nơ Trang Long ngày nay thì xe dừng lại bên lề đường, tôi ngồi sau xe chị Bảy, tôi nghe chị Chín Nghĩa (sau này mới biết) người đang chờ đưa tôi đi tiếp, trách chị Bảy Hà sao đến chậm theo hiệp đồng? Rồi chị giả vờ xe bị hư, đi ngay không được. “Anh giả bộ sờ lắc bugi giùm tôi” – chị Chín Nghĩa nói. Tôi đụng vào cái bugi, nhưng không dám đụng mạnh, sợ nó hỏng hóc thật thì nguy hiểm. Bang động tác nhanh nhẹn, chị đạp cho xe nổ máy, tiếp tục đưa tôi đi đoạn đường tiếp theo. Chị dặn: “Mình phải đóng kịch như người tình mới qua mặt được mấy thắng lính này!”. Tôi thấy ngần ngại quá, Quân giải phóng tuổi còn trẻ đâu có quen cái cảnh này! Chị nhắc lại: “Sắp đến cầu Bình Lợi, lính đông lắm! Anh cứ tự nhiên!”. Thật sự tôi cố gắng hết sức, để tự nhiên làm đúng như lời chị. Nhắc lại kỷ niệm nhỏ nhưng mang ý nghĩa lớn để bày tỏ sự cảm ơn chân thành của tôi đối với hai chị.

 

Bài viết liên quan

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận
Nhập tên của bạn

Bài viết phổ biến

Bình luận gần đây