Thứ ba, Tháng mười 15, 2024
Trang chủTác phẩmDẤU ẤN CUỘC ĐỜI – HỒI KÝ CỦA TRUNG TƯỚNG LƯU PHƯỚC...

DẤU ẤN CUỘC ĐỜI – HỒI KÝ CỦA TRUNG TƯỚNG LƯU PHƯỚC LƯỢNG-kỳ tám

DẤU ẤN CUỘC ĐỜI – HỒI KÝ CỦA TRUNG TƯỚNG LƯU PHƯỚC LƯỢNG

( kỳ tám)

Phần ba : VỀ LẠI MIỀN ĐÔNG NAM BỘ VÀ MIỀN TÂY NAM BỘ

Trong những tháng đầu về Quân khu 7, trọng tâm công việc của tư lệnh tập trung vào những hướng chính: Gắn liền với kế hoạch rút toàn bộ quân tỉnh nguyện cùng hệ thống chuyên gia quân sự ở Campuchia về nước, với việc điều chỉnh chiến lược giảm quân số tăng cường thế trận quốc phòng và ấn ninh, nâng cao sức chiến đầu của lực lượng vũ trang Quân khu.

Thời điểm đó, tôi nhớ nhiều cán bộ trung cao cấp của Quân khu, trong những lúc làm việc và trao đổi riêng, đã tham mưu với Tư lệnh Quân khu nhiều giải pháp mang tính đột phá…

Làm việc trong bối cảnh lúc bấy giờ mới thấy hết được vô vàn khó khăn mà Đảng và Nhà nước ta đang phải đối mặt: Dần sức tập trung giúp bạn trong giai đoạn quyết định, thận trọng tổ chức lại lực lượng, giảm quân số gần với cơ chế chính sách, chính sách hậu phương quân đội chưa có tiền lệ, cùng công tác tư tưởng, ổn định chính trị, tư tưởng của lực lượng vũ trang Quân khu. Đây là những vấn đề lớn của cấp chiến lược, nhưng đụng chạm trực tiếp đến từng con người, những cán bộ, chiến sĩ, nhất là các đồng chí  vừa làm nhiệm vụ giúp bạn trở về.

Biết bao công việc cụ thể phải triển khai, từ việc quy hoạch cán bộ, dự kiến bố trí lại đội ngũ cán bộ, xác định vị trí đứng chân của các đơn vị, gần liền với xây dựng doanh trại, hệ thống cơ sở vật chất bảo đảm hậu cần kỹ thuật… Khối lượng công việc dồn dập, thời lượng chuẩn bị rất ngắn, nhưng phải đáp ứng đúng yêu cầu của cấp trên, đặc biệt là phải giữ được sức chiến đấu của bộ đội. Một trọng tâm định hướng công việc nữa, là đổi mới công tác quân sự địa phương, xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh thành theo nghị quyết về nhiệm vụ quốc phòng trong thời gian tới, tổ chức diễn tập thực nghiệm, vận hành cơ chế lãnh đạo mới. Đây là những vấn đề rất mới, là kết quả của việc đối mới mạnh mẽ tư duy quốc phòng của Đảng và Nhà nước ta. Nghị quyết đã có, học tập quán triệt đã được triển khai, sống triển khai với kết quả cụ thể như thế nào? Phải trải qua thực nghiệm sát với tình hình thực tiến của Quân khu mới có thể đánh giá đúng, rút kinh nghiệm để triển khai tiếp theo. Đó là suy nghĩ của đồng chí Nguyễn Thới Bưng, khi làm việc với các cơ quan Quân khu, nhất là cơ quan tham mưu, tác chiến.

Đồng chí Lê Mai Chương – Phó Tham mưu trưởng Quân khu lúc bấy giờ, là người đề cập nhiều nhất về vấn đề này.

Cuộc diễn tập vận hành cơ chế tại Đồng Nai, đã làm sáng tỏ thêm nhiều nội dung, góp phần bổ sung hoàn chỉnh cho các nội dung diễn tập tiếp theo.

Về Quân khu 7 làm Thư ký cho Tư lệnh Quân khu hơn nửa năm, được tham dự những buổi làm việc với các tỉnh, thành đã giúp tôi am hiểu nhiều hơn về tình hình kinh tế, xã hội của các địa phương, cùng với những thu hoạch được ở Quân khu 9 là “vốn liếng” vô cùng quý giá giúp tôi trong lãnh đạo công tác quân sự địa phương sau này.

 Tháng 7 năm 1988, sau buổi làm việc, đồng chí  Nguyễn Thới Bưng tâm sự với tôi, ông nói, đã trao đổi với anh Tám Hòa (Bí thư Đảng ủy – Phó Tư lệnh Chính trị Quân khu) về ý định đưa tôi sang lại Campuchia, về Sư đoàn 5 để tiếp tục rèn luyện. Đồng chí Nguyễn Xuân Hòa nhất trí và yêu cầu nên đi sớm, để nắm và hiểu tình hình Sư đoàn 5 chắc hơn. Trước mất giữ chức Phó Chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn.

Tôi hoàn toàn nhất trí  và hiểu rằng “ông thấy” tiếp tục thử thách để tôi có đủ điều kiện trưởng thành. Và kết quả thử thách đó như thế nào, do nỗ lực, phấn đấu của tôi quyết định.

Khi rời khỏi Quân khu 9, tôi đi trước, vợ và con trai lớn của tôi (Lưu Phước Duy Phương 6 tuổi) đi sau. Lúc bấy giờ vợ tôi đang mang thai cháu thứ hai (Lưu Phước Duy Minh).

Ngày tôi lên đường sang Campuchia, Duy Minh được một tháng tuổi. Cả hai lần Phương Minh sinh hai con Duy Phương và Duy Minh, tôi đều có mặt tại bệnh viện và chứng kiến sự ra đời của các con trong niềm hạnh phúc với những kỷ niệm khó quên.

Đêm Phương Minh sinh Duy Minh, tôi nằm ở hành lang Bệnh viện Đa khoa Gia Định, nóng ruột chờ sự ra đời của con. Vợ tôi dặn, phải theo dõi nhớ kỹ đề phòng sự nhầm lẫn, khi các cô hộ sinh chuyển con sang phòng bên, ở đó rất nhiều cháu nhỏ vừa ra đời. Đứng ngoài hành lang, tôi theo dõi không chớp mắt, con mình ở giường thứ ba. Sau đó, Duy Minh được đưa đến bên mẹ, vợ tôi cười, hỏi có đúng con mình không? “Cứ xem ngón tay út cong cong giống ba là phải rồi” – tôi nói. Còn Duy Phương sinh ra ở Bệnh viện 121, Quân khu 9, vừa ra đời được đưa ra phòng ngoài, “cậu ta” nhảy mũi liên tục làm tôi lo lắng. Nhìn hai hòn dái xăn tròn, đỏ hồng – Anh Út Hằng (Phó phòng Cán bộ Quân khu) nói với tôi: “Sau này nó khỏe lắm đó!”. Đúng vậy, đến giờ cháu có gia đình sinh được hai cháu gái, hai “vịt trời” rất đáng yêu của ông bà nội.

Những năm tháng ở Sư đoàn 5

Cuối tháng 7 năm 1988, tôi đến Mặt trận 479 Xiêm Riệp. Tại đây tôi được đồng chí Nguyễn Văn Bé (Năm Bé), Phó Tư lệnh – Tham mưu trưởng Mặt trận giao nhiệm vụ với thái độ rất ân cần và cởi mở. Anh Hai Lộc (Lưu Phước Hải) anh trai cả của tôi cũng đang công tác ở đây (giữ chức Phó Trưởng phòng Quân báo Mặt trận). Anh tranh thủ trao đổi với tôi một số tình hình trên hướng Sư đoàn 5 (chủ yếu là tình hình địch). Lúc bấy giờ  Sở Chỉ huy Sư đoàn đang ở huyện Preletpre tỉnh Bầntia Miênchay.

Về Sư đoàn, tôi bắt tay ngay vào công việc, đồng chí  Năm Tâm (Lê Thành Tâm) – Bí thư Đảng ủy, Phó chỉ huy trưởng về chính trị Sư đoàn, yêu cầu tôi tranh thủ đi các đơn vị để nắm tình hình. Mọi việc triển khai của Sư đoàn lúc này đang rất khẩn trương. Anh Năm Tâm dặn tôi thời gian Sư đoàn ở Campuchia rất ngắn, phải tranh thủ làm những việc, nếu bây giờ không triển khai thì sau này không bao giờ làm được. Anh nói phải làm cuốn phim về Sư đoàn 5 trong những năm làm nhiệm vụ quốc tế giúp bạn ở Campuchia, rồi giao cho tôi cùng đồng chí  Hoàng Văn Kiến – Trung đoàn trưởng Trung đoàn 174, tổ chức thực hiện chủ trương này của Đảng ủy, Chỉ huy Sư đoàn và chúng tôi đã hoàn thành được công việc này đúng như ý định. Đây là một cuốn phim, một tài liệu quý giá về truyền thống Sư đoàn 5 Anh hùng.

Những ngày tháng còn lại của Sư đoàn 5 ở Campuchia, tôi được giao nhiệm vụ chủ yếu nắm tình hình các đơn vị, cơ quan và một số công việc cụ thể được giao. Vì  vậy, tôi có dịp đến các đơn vị, hiểu được nhiều đồng chí  cán bộ, có bản lĩnh, tài năng, chính từ đó, đã giúp lãnh đạo có sự lựa chọn và các đồng chí  đã góp phần xứng đáng vào việc xây dựng Sư đoàn trong những năm sau này.

Cũng trong thời gian đó, tôi đã gặp Triệu Xuân Hòa – nguyên Phó Trưởng phòng Quân báo Mặt trận 479, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 6 vừa được bổ nhiệm Phó Sư đoàn trưởng kiêm Tham mưu trưởng Sư đoàn. Anh em đã biết nhau từ lâu, Hòa rất gần gũi với gia đình tôi ở Sài Gòn, nhưng tôi ở Quân khu 9 nên ít gặp nhau. Hòa trao đổi với tôi rất nhiều về tình hình của Sư đoàn, anh thổ lộ:

– Mặt trận 479 (Quân khu 7) và Mặt trận 979 (Quân khu 9) liền kế nên tình hình rất giống nhau.

Chính vì vậy, chúng tôi thường “đàm đạo” chia sẻ những nhận định đánh giá tình hình, và cũng thường đi nắm tình hình các đơn vị.

Trong một lần kiểm tra hướng Trung đoàn 16 (thuộc huyện Svâychêk, tỉnh Bầntia Miênchay) ý định của Triệu Xuân Hòa và tôi, ghé ngang Trung đoàn 16, thăm và trao đổi một số tình hình rồi đi lên kiểm tra một số đơn vị ở huyện Thơ Mo Puốc, ngay chiều tối hôm đó. Nhưng khi đến Trung đoàn 16, đồng chí Nguyễn Tiến Tiềm – Trung đoàn phó kiêm Tham mưu trưởng (Trung đoàn trưởng đi phép) đề nghị chúng tôi nghĩ  lại Trung đoàn, sáng hôm sau lên Thơ Mo Puốc cũng không muộn. Hơn nữa “các anh chưa có dịp nghỉ  lại Trung đoàn”. Chúng tôi đồng ý ở lại, đoàn công tác tiếp tục hành quân theo kế hoạch. Khoảng 15 phút sau, một tiếng nổ lớn phát ra trên hướng đoàn xe đang đi. Mọi người thốt lên “dính mìn rồi”, Trung đoàn triển khai ngay việc xử lý hậu quả. Các đồng chí  báo cáo lại, đoàn xe hai chiếc, chiếc GAZ 66 chở thủ trưởng Hòa và thủ trưởng Lượng bị trúng mìn, nhiều cán bộ, chiến sĩ trên chiếc xe này bị thương. Riêng ghế trước (thủ trưởng Hòa và thủ trưởng Lượng ngồi) bị biến dạng do quả mìn có lực nổ quá mạnh! Người dân ngồi vào ghế của thủ trưởng đã tử vong và thi thể cũng không còn nguyên vẹn. Chiến trường có những khoảnh khắc bất ngờ như vậy.

Ngày hôm sau tôi và Triệu Xuân Hòa tiếp tục đi theo kế hoạch, nhưng bỏ kế hoạch lên Thơ Mo Puốc, đi kiểm tra đơn vị khác. Cắt rừng đi theo bản đồ.

Nguyễn Tiến Tiềm, Trung đoàn phó, Tham mưu trưởng Trung đoàn 16, sau này nói với tôi và Triệu Xuân Hòa:

– Các anh thấy chưa, ngày đó mà không nghe em, thì  đã xanh cỏ rồi, có đâu mà ngồi đây vừa ăn cơm, vừa uống mấy ly rượu, vừa nói tiếu lâm kể lại những kỷ niệm xưa trên chiến trường.

Tháng 12 năm 1988, sau 10 năm làm nhiệm vụ giúp bạn Campuchia, Sư đoàn được lệnh rút quân về nước, trong sự tiến đưa đầy lưu luyến của nhân dân bạn. Do yêu cầu nhiệm vụ, Trung đoàn 16 và Trung đoàn 4 tiếp tục ở lại chiến trường.

Trước khi rút quân về nước, tôi cùng đi với các đồng chí  chỉ huy Sư đoàn về Mặt trận nhận kế hoạch. Ngay buổi chiều sau cuộc họp và vừa ăn cơm xong, trời sẩm tối, đứng trò chuyện cùng các đồng chí trong cơ quan chính trị Mặt trận, đột nhiên tôi thoáng nhận có người vừa lướt qua trước mặt sao quá quen, nhưng không nghĩ  ra là ai. Sau đó tôi mải mê nói chuyện và cũng không suy nghĩ gì về việc này. Mười phút sau, người lướt qua mặt tôi trước đó quay trở lại. Tôi cũng không nhìn thấy mặt, chỉ thấy dáng người, nhưng lần này tôi phát hiện cánh tay trái có dáng rất riêng. Đặc điểm này giúp tôi khẳng định không nghi ngờ gì nữa, Kỳ – Hồng Kỳ ở Đài truyền hình Cần Thơ. Tôi gọi to:

– Hồng Kỳ! Nghe gọi, lập tức như cái máy “anh ta” quay lại:

– Ô , Năm Lượng!

Kỳ hô to trong sự sửng sốt của mọi người, chạy lại ôm tôi mừng rỡ, cảm động như dân gian thường nói “buồn ngủ mà gặp chiếu manh”. Tôi hỏi:

– Đi đâu đây?

Hồng Kỳ nói:

– Câu chuyện này còn dài lắm!

Nói chuyện một hồi mới vỡ lẽ, Hồng Kỳ và một bạn nữa “đi lạc” xuống nhầm địa điểm máy bay trực thăng hạ cánh, lẽ ra phải về Phnôm Pênh, lại xuống sân bay Xiêm Riệp theo đoàn công tác của Mặt trận 719. Bây giờ chơi vơi không quen ai, không biết làm sao, vỡ cả kế hoạch làm phim lại bị “mắng mỏ” đủ điều. Một “vị khách” không ai mời mà tới – Hồng Kỳ nói. Tôi trấn an hai anh em: “Hồng Kỳ an tâm đi! Chú Út Thới (Nguyễn Thới Bưng, Tư lệnh Quân khu 7) đang ở đây”. Ngay tối hôm đó, tôi báo cáo chú Út, ông cười dặn tôi “chăm sóc” hai anh em cho chu đáo. Sau đó nói với tôi, có thể tổ chức xe cho Hồng Kỳ về Phnôm Pênh, nhưng sau đó thấy nguy hiểm, không an toàn, ông bỏ kế hoạch này và làm kế hoạch máy bay trực thăng đưa ông về Sài Gòn nhưng có đáp xuống Phnôm Pênh. Vậy là Hồng Kỳ được “ăn theo”, không bị lỡ kế hoạch và an toàn. Đây cũng là một kỷ niệm khó quên của những người bạn khi ở chiến trường.

Tôi luôn tâm niệm chặng đường 10 năm làm nhiệm vụ quốc tế, Quân tỉnh nguyện Việt Nam nói chung và Sư đoàn nói riêng trên đất Chùa Tháp đã để lại trong ký ức ở mỗi chúng ta niềm tự hào về sự góp sức để hồi sinh một dân  tộc. Niềm tự hào ấy đã vượt hẳn lên trên niềm vui chiến thắng trong một cuộc chiến tranh. Khảng định bản chất cuộc đấu tranh của ta và bạn nhằm thực hiện ba mục tiêu chiến lược của cách mạng Campuchia không đơn thuần ở lĩnh vực quân sự, chính trị… mà còn hàm chứa giá trị văn hóa lớn lao, tính nhân văn sâu sắc t rong sự nghiệp chung của hai dân tộc.

Đây là tài sản vô giá của nhân dân Việt Nam và nhân dân Campuchia dù “thời thế” có thay đổi như thế nào!

Và khi tôi viết những dòng chữ này về mười năm làm nhiệm vụ quốc tế giúp bạn Campuchia, trên phạm vi cả nước, đặc biệt là các địa phương, quân khu phía Nam đang chuẩn bị kỷ niệm 40 năm chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam. Gần 40 năm, chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc củaTổ quốc. Và cũng sau gần 30 năm hoàn thành nhiệm vụ quốc tế giúp bạn Campuchia. Với khoảng thời gian ấy đủ để mỗi chúng ta chiêm nghiệm về nguồn gồc, bản chất, âm mưu, ý đồ, mục tiêu chiến lược của tập đoàn phản động Pôn Pốt  – Iêng Xari và chủ nghĩa bành trướng, bá quyền nước lớn gây ra những cuộc chiến tranh tàn khốc với biết bao tổn thất, hy sinh đối với đất nước và dân tộc chúng ta. Qua trực tiếp giúp việc, nghề ý kiến của các đồng chí  lãnh đạo, chỉ huy cấp trên và từ thực tiễn chiến trường, tôi nhận thức ngày càng sâu sắc rằng:

Rõ ràng phải có các thế lực thù địch, phản động là kẻ chủ mưu xúi giục, hậu thuẫn, chỉ đạo Pôn Pốt mới gây ra cuộc chiến tranh trên biên giới Tây Nam của đất nước ta. Với một “Campuchia dân chủ” làm sao có đủ nguồn lực để gây ra một cuộc chiến tranh xâm lược với Việt Nam! Và khi thất bại trong chiến lược này, họ không ngần ngại thực hiện mưu đồ đê tiện, xấu xa bằng việc ngang nhiên gây ra cuộc xung đột trên toàn bộ tuyến biên giới phía Bắc, với lời lẽ láo xược “dạy cho Việt Nam một bài học”. Còn bọn phản động Pôn Pốt  – Iêng Xari tay sai, chịu sự chỉ đạo của“quan thấy”, xung kích thực hiện một cách dã man mưu đồ này bằng sự phiêu lưu hoang tưởng nhân cơ hội chiếm lấy vùng đất Nam Bộ của Việt Nam mà lịch sử đã phân định.

Trong bối cảnh ấy, Mỹ vừa thất bại Trong cuộc chiến tranh Việt Nam. “Hội chứng Việt Nam” đang nặng nề với nước Mỹ – họ thực hiện bao vây, cấm vận chúng ta.

Tháng 11 năm 2018, Tòa án quốc tế của Liên Hiệp quốc xét xử tội ác của Khmer Đỏ đã ra phán quyết: Khmer Đỏ đã phạm tội “diệt chủng” chống lại loài người, càng phơi bày trước cộng đồng quốc tế về tội ác của chúng đối với nhân dân Campuchia và nhân dân Việt Nam, đã minh chứng mạnh mẽ, sáng ngời nghĩa cử cao đẹp của nhân dân và Quân đội nhân dân Việt Nam kiên trì giúp bạn Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng hồi sinh dân tộc, Hòa Bình, Hòa hợp dân tộc và phát triển. Cộng đồng quốc tế đã có sự phản hồi tích cực dù quá muộn màng về sự giúp đỡ trong sáng, thủy chung của nhân dân ta và Quân đội nhân dân Việt Nam đối với nhân dân Campuchia sau phiên tòa xét  xử này. Đất nước ta đã trải qua cuộc đấu tranh trường kỳ chống xâm lược. Ước vọng lớn nhất của dân tộc ta là giữ gìn Hòa Bình để xây dựng và phát triển đất nước. Chúng ta không mong muốn có những chiến thắng với biết bao đau thương và mất mát như cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và tuyến biên giới phía Bắc, mà chỉ  mong muốn được sống Hòa Bình để xây dựng đất nước mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.

Để điều “không mong muốn” ấy không thể diễn ra, với thực tiễn lịch sử đầy “máu và nước mắt” là không còn cách nào khác, Đảng ta phải kiên trì  đường lối đổi mới đúng đắn, sáng tạo phù hợp với quy luật khách quan, với xu thế tất yếu của thời đại. Chúng ta phải dốc sức xây dựng đất nước ngày càng vững mạnh, hùng cường; xây dựng đất nước phải đi đôi với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Phần đầu thực hiện bằng được mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Tạo dựng vị thế của Việt Nam ngày càng rộng mở trong cộng đồng quốc tế, những nước bạn bè trong khu vực, đặc biệt là những nước láng giềng có mối quan hệ hữu nghị truyền thống. Nỗ lực phấn đầu vì  Hòa Bình, hợp tác cùng phát triển trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của nhau, cùng có lợi, là phương sách để giữ gìn Hòa Bình, xây dựng và phát triển đất nước bền vững để chúng ta không cần và không phải có cuộc chiến tranh vệ quốc bi hùng nào nữa tôi nghĩ  đó là điều cần suy ngẫm thật sâu sắc cho hiện nay và mãi mãi sau này.

Trở về nước, đứng chân trên đất Tây Ninh trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn. Cái tên Trảng Lớn, căn cứ đóng quân của Sư đoàn ngày ấy khô cằn, sỏi đá với doanh trại rách nát, bỏ phế lâu ngày. Vừa về nước, để kịp thời chấn chỉnh tổ chức lãnh đạo và chỉ huy, trong khi chờ quyết định của Bộ Quốc phòng, tôi được Quân khu giao nhiệm vụ chủ trì  công tác đảng, công tác chính trị và Trần Xuân Ninh chủ trì  công tác quân sự của Sư đoàn.

Tháng 3 năm 1989, tôi được bổ nhiệm Phó Sư đoàn trưởng về Chính trị và được bầu làm Bí thư Đảng ủy Sư đoàn, cùng Trần Xuân Ninh giữ chức Phó Sư đoàn trưởng kiêm Tham mưu trưởng.

Nhận lãnh trách nhiệm với vô vàn khó khăn, Trong bối cảnh Sư đoàn chuyển nhiệm vụ  sang huấn luyện, sẵn sàng cơ động chiến đấu theo yêu cầu của tình hình mới; tinh giảm biên chế, liên tục tách và sáp nhập các đơn vị sau khi Quân khu hoàn thành nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia. Từ đặc điểm cơ bản này đã chi phối đến nhiều khó khăn, cụ thể: Nổi nhất là biểu hiện công thần, chấp hành kỷ luật không nghiêm. Nhiều cán bộ thiếu an tâm không gương mẫu trong xây dựng đơn vị, lỏng lẻo trong lãnh đạo chỉ huy, một số không nhỏ xin chuyển ngành, ra quân. Các biểu hiện vi phạm kỷ luật như bỏ ngũ đột biến tăng cao, vi phạm chỉ thị 278 về chống buôn bán lậu thuốc lá, vấn nạn trong những năm đầu khi đóng quân ở Trảng Lớn làm hư hỏng và mất nhiều cán bộ.

Được sự chỉ  đạo trực tiếp của thường vụ Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu, tập thể Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn đã  nhận thức kịp thời tình hình phức tạp, đã chủ động đề xuất chủ trương để ổn định tình hình, trọng tâm lãnh đạo: Tập trung củng cố kiện toàn tổ chức, biên chế theo hướng tinh giản gọn, nâng cao hiệu lực của tổ chức lãnh đạo và chỉ huy. Xây dựng lập trường tư tưởng vững vàng, trước những khó khăn trong thời kỳ đầu chuyển nhiệm vụ. Phát huy truyền thống tự lực, tự cường khắc phục khó khăn trong xây dựng doanh trại, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của bộ đội.

Chủ trương trên đây, đã mở ra định hướng quan trọng cho toàn đơn vị củng cố và ổn định tình hình trước mắt và có tác động sâu rộng trong nhiều năm tiếp sau.

Tôi luôn cảm nhận sự quan tâm chăm lo của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu, các đơn vị bạn, lãnh đạo và nhân dân tỉnh Tây Ninh, Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh cùng các địa phương trên địa bàn Quân khu đối với sư đoàn trong những ngày đầu khó khăn này. Đặc biệt là vấn đề tư tưởng và kỷ luật, nơi ăn ở sinh hoạt đời sống vật chất, tinh thần của bộ đội.

Đến bây giờ, nghĩ  lại thời điểm đó thật là khó khăn, làm lãnh đạo chỉ huy Sư đoàn, tôi và các đồng chí  khác, sống Trong hoàn cảnh phải sẵn sàng xử lý những tỉnh huống phức tạp như ở chiến trường. Nửa đêm đang ngủ nghe tiếng nổ lớn, chắc là lựu đạn nổ, kiểm tra lại, đó là hậu quả của quân nhân đi ăn quán say xỉn; giữa trưa nghe tiếng súng trường nổ liên hồi, hỏi ra, mới biết có vụ việc vi phạm kỷ luật nghiêm trọng đã xảy ra… Có thể còn rất nhiều sự việc diễn ra, do công thần bất mãn, vi phạm kỷ luật, mà lãnh đạo các cấp không xử lý được kịp thời. Sống cũng cần nhận thức đánh giá cho công bằng, do đặc điểm, sự phát triển của tình hình với những yêu cầu quá nhanh và phức tạp, những khuyết điểm diễn ra là điều chúng ta có thể hiểu được. Tôi thấm thía điều các đồng chí cán bộ cao cấp của Quân khu trao đổi cuối năm 1988: “Phải có những giải pháp đột phá của lãnh đạo Quân khu để xử lý kế hoạch rút quân theo kế hoạch với những phát sinh phức tạp khôn lường”. Và bây giờ Sư đoàn 5 phải góp sức cùng Quân khu xử lý cho được tình hình này, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của lực lượng vũ trang Quân khu trong thời gian tới.

Trong diễn biến phức tạp trên đây có một sự việc tôi nhớ mãi đến tận bây giờ. Trong dịp Tết (1990 – 1991), tôi được phân công ở lại trực chỉ huy Sư đoàn, vì  vậy tôi đưa vợ cùng hai con lên ăn Tết với đơn vị. Chiều tối hôm đó (30 Tết), một số đồng chí  “rượu vào lời ra” dẫn đến xô xát cãi vã, đã có hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng làm hoen ố hình ảnh tốt đẹp của Sư đoàn 5. Với trách nhiệm người trực chỉ huy sẵn sàng chiến đấu trong những ngày cao điểm ấy, tôi cũng đã rút ra bài học vô cùng sâu sắc.

Những định hướng, chủ trương trước mắt của Đảng ủy Sư đoàn khi vừa rút quân về nước được bổ sung và từng bước hoàn thiện gần với nghị quyết về tình hình, nhiệm vụ hàng năm, nghị quyết Đại hội Đảng bộ Sư đoàn, được Thường vụ Đảng ủy triển khai bằng nghị quyết định kỳ. Trong triển khai nghị quyết chỉ thị chuyên đề của Đảng ủy, điều tôi ấn tượng nhất là các nghị quyết chỉ  thị đi sâu giải quyết những vấn đề cốt lõi mang tính đột phá. Trong đó nổi bật nhất là chỉ  thị 02, về quy trình ra nghị quyết và tổ chức thực hiện nghị quyết của cấp ủy đảng các cấp ở Sư đoàn, với mục tiêu yêu cầu cao nhất: Giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo phân công cá nhân phụ trách; tập thể cấp ủy lãnh đạo, người chỉ huy tổ chức thực hiện theo chức trách. Mục tiêu, yêu cầu trên được cụ thể  trong phương pháp tổ chức thực hiện. Định kỳ sinh hoạt cấp ủy, người chỉ huy và phó chỉ huy về chính trị báo cáo kết quả tổ chức thực hiện nghị quyết đi liền với tự phê bình và phê bình theo chức trách, đồng thời đề xuất những trọng tâm lãnh đạo trong thời gian tới.

Trên tinh thần đó, cấp ủy thảo luận và quyết nghị, việc thực hiện chỉ thị 02 đã góp phần rất quan trọng làm chuyển biến và đưa công tác xây dựng Đảng trong toàn Đảng bộ đi vào nề nếp. Tinh thần tự phê bình và phê bình được đề cao, đây là yếu tố chỉ có thể phát triển với sự sâu sát, gương mẫu của chủ trì lãnh đạo, chỉ huy cấp trên và ở từng cấp. Là một Trong những sự đột phá thành công của toàn Đảng bộ Sư đoàn, đã góp phần nâng dần từng bước vững chắc sự gương mẫu, tinh thần trách nhiệm ý thức tổ chức kỷ luật của đội ngũ cán bộ đảng viên ở các cấp, có ý nghĩa quyết định đến sức chiến đấu của Sư đoàn trong tình cảnh lúc bấy giờ.

Gần liền với phát huy vai trò lãnh đạo của tập thể cấp ủy, công tác tư tưởng cũng được toàn Đảng bộ quan tâm. Tháng 8 năm 1991, kế thừa những kết quả đã đạt được về công tác tư tưởng sau hơn một năm xây dựng theo yêu cầu nhiệm vụ, Đảng ủy Sư đoàn tiếp tục ra nghị quyết chuyên đề về “công tác tư tưởng” trong tình hình mới.

Toàn Đảng bộ đã mở một đợt sinh hoạt chính trị, tự phê bình và phê bình giải đáp những băn khoăn, vướng mắc về nhận thức trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực đang diễn biến phức tạp với sự sụp đổ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa theo mô hình xô viết ở Đông Âu, tình hình bất ổn ở Campuchia khi đi vào giải pháp chính trị cùng âm mưu, ý đồ bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch trong nước. Đợt sinh hoạt đã phát huy tác dụng thiết thực, xây dựng được lòng tin, nâng cao bản lĩnh chính trị của đội ngũ cán bộ, đảng viên, đoàn viên chiến sĩ trong toàn Sư đoàn.

Việc chủ động ra nghị quyết, kịp thời lãnh đạo và điều hành công tác tư tưởng Trong toàn đơn vị đã được Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu đánh giá cao.

Trong các nghị quyết chuyên đề, các chỉ  thị của Đảng ủy tập trung lãnh đạo và tổ chức thực hiện những vấn đề chuyên sâu như “huấn luyện”, “đẩy mạnh sản xuất làm kinh tế”, “xây dựng cơ bản doanh trại” cùng nhiều lĩnh vực khác trong gần hai năm chuyển nhiệm vụ là thành công bước đầu và cũng là cơ sở vô cùng quý giá cho việc hoàn chỉnh những chủ trương lãnh đạo trong những năm sau. Chính từ đó, Sư đoàn đã có những chuyển biến mạnh mẽ tiến bộ từng năm.

Về sẵn sàng chiến đấu, Sư đoàn hoàn thành và ngày càng hoàn thiện các kế hoạch, đặc biệt là kế hoạch bảo vệ an ninh chính trị, ổn định chính trị trên địa bàn Quân khu với các mục tiêu đã được xác định, được luyện tập, diễn tập thường xuyên với tinh thần chủ động và sáng tạo. Những cuộc diễn tập từ chiến thuật đại đội bộ binh của năm 1990 cho đến những diễn tập quy mô lớn chỉ huy tham mưu cấp trung đoàn, sư đoàn bộ binh tiến công trong các năm 1992, 1993. Và hai cuộc diễn tập lớn năm 1994, Sư đoàn tham gia trong đội hình tác chiến của Quân khu, là đỉnh điểm của quá trình trưởng thành toàn diện của Sư đoàn. Đồng chí Đào Đình Luyện – Tổng Tham mưu trưởng trực tiếp đến sở chỉ huy dã ngoại của Sư đoàn theo dõi và giám sát cuộc diễn tập này.

Tôi nhớ lại, sau diễn tập, Tổng Tham mưu trưởng nhận xét: “…Sư đoàn thực hành diễn tập tốt, tổ chức diễn tập chặt chẽ, chu đáo và an toàn tuyệt đối…”. Ngay sau đó, đồng chí  Đỗ Quang Hưng – quyền Tư lệnh Quân khu, đã điện hỏi tôi: “…Bộ nhận xét cuộc diễn tập như thế nào?”. Tôi trả lời: “…Tổng Tham mưu trưởng khen và đánh giá rất tốt…”. Ông đáp lại: “…Vậy là mừng cho các ông”.

Với niềm tin sâu sắc vào đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chỉ huy, chiến sĩ  toàn Sư đoàn, đồng chí Lê Đức Anh – Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí  thư Đảng ủy Quân sự Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đến thăm đơn vị (tháng 10 năm 1990). Sau khi kiểm tra tình hình các mặt, trực tiếp gặp gỡ nhiều cán bộ, chiến sĩ  đồng chí  biểu dương: “…Trong một thời gian ngắn chuyển nhiệm vụ, Sư đoàn đã hoàn thành một khối lượng công việc rất lớn. Phát huy truyền thống tự lực, tự cường trong khó khăn, cán bộ, chiến sĩ  Sư đoàn luôn đoàn kết một lòng, phấn đấu vươn lên, xây dựng quyết tâm chiến đấu tốt, chấp hành mệnh lệnh nghiêm…”.

Sau buổi làm việc ông nói với tôi: “Không thể dự lễ kỷ niệm 25 năm ngày truyền thống của Sư đoàn, tôi mong cán bộ, chiến sĩ  tiếp tục phấn đấu xây dựng Sư đoàn ngày càng vững mạnh”. Trong buổi cơm trưa, ông kể lại với các đồng chí  cùng đi về mối quan hệ gần gũi giữa ông và cha tôi – Lưu Phước Anh (Tư Bình) trong những ngày đầu của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 cũng như những năm công tác sau này. Ông nhắc và kể lại tên các anh chị em tôi: “Hải, Hà, Chi, Lượng mà!…” – Rồi ông cười.

Trước khi rời Sư đoàn, ông còn dặn dò và nhắc tôi, không nên trồng cây bạch đàn, loại cây này làm đất bị bạc màu, nên trồng loại cây lâu năm, cây sao, cây dầu tạo bóng mát và đẹp doanh trại. Ông còn nhắc phải đào hố, làm kênh dẫn nước đảm bảo đủ nước để sinh hoạt và tăng gia sản xuất. Ông cụ thể và tỉ  mỉ  như vậy.

Những lời dặn dò ấy, thế hệ chúng tôi chưa làm được, và làm cũng chưa đến nơi đến chốn, nhưng các thế hệ sau này, đã làm được những điều kỳ diệu: Biến đổi một căn cứ đóng quân khô cằn, đầy sỏi đá trở thành một “công viên” xanh, sạch, đẹp nổi tiếng trong toàn quân.

Những năm tháng sống và làm việc ở Sư đoàn 5, đã để lại trong ký ức tôi những hình ảnh tốt đẹp, những tấm gương về việc thấu suốt và tự giác chấp hành nhiệm vụ với tinh thần trách nhiệm cao như trong việc tổ chức đoàn chuyên gia giúp bạn thuộc lực lượng đoàn K4B, với 237 đồng chí cùng một tiểu đoàn làm nhiệm vụ cơ động 2 cấp sẵn sàng lên đường giúp bạn.

Đây là nhiệm vụ đột xuất, khó khăn và phức tạp đòi hỏi sự thông suốt trước hết trong đội ngũ cán bộ các cấp. Vì tất cả vừa hoàn thành nhiệm vụ trở về. Sau khi nhận nhiệm vụ, Thường vụ Đảng ủy Sư đoàn đã khẩn trương triển khai một đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, Trong tất cả các cấp, các đơn vị. Tập trung động viên các đồng chí chủ trì, xây dựng lực lượng cốt cán làm nòng cốt để lan  tỏa ra toàn đơn vị.

Tuy còn một số đồng chí  thiếu an tâm, song hầu hết đã chấp hành nhiệm vụ. Chỉ huy các cấp tỏ rõ sự gương mẫu, vững vàng, là yếu tố quyết định sự thành công của đợt công tác đột xuất này. Tình hình lúc ấy, đồng chí  Tư lệnh Quân khu Bùi Thanh Vân (Út Liêm) chủ động và lường trước những khó khăn có thế xảy ra, đã điện thoại trực tiếp chỉ  đạo, hướng dẫn tôi cách triển khai. Tôi báo cáo cụ thể tình hình để ông yên tâm. Cuối cùng ông chốt lại với tôi: “…già  thấy chắc ăn chưa? Để tôi báo cáo ông Sáu” (đồng chí  Lê Đức Anh), tôi trả lời: “Chú yên tâm, chắc ăn mà”, ông cười và cúp máy. Niềm vui trong lúc khó khăn là như vậy! Rất đúng tính cách con người của ông.

Sau hơn một tháng triển khai Sư đoàn đã hoàn thành vượt mức chỉ  tiêu được giao, được Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu đánh giá cao: “…Trong điều kiện khó khăn, nhưng Sư đoàn đã quán triệt tốt nhiệm vụ, xây dựng ý chí, quyết tâm chiến đấu, chấp hành nghiêm mệnh lệnh, tổ chức chu đáo, đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đột xuất của toàn Quân khu”.

Tháng 2 năm 1990, khi cả nước vui mừng đón xuân mới và những thành tựu bước đầu của công cuộc đối mới, tại sân bay Tân Sơn Nhất, Sư đoàn trực tiếp tiễn đưa 237 cán bộ, chiến sĩ lên đường làm nhiệm vụ. Với  cái bắt tay thật thân tình, anh Bùi Đức Trần – Phó Sư đoàn trưởng, chí huy toàn đoàn tâm sự với tôi trước khi lên máy bay: “Anh và các anh yên tâm, chúng ta sẽ hoàn thành nhiệm vụ”.

Hoàn thành tốt đẹp đợt công tác đột xuất này, về phía Sư đoàn, ngoài vai trò lãnh đạo của tập thể đảng ủy; sự gương mẫu đi đầu của chỉ huy các cấp đã tạo ra hiệu ứng sôi nổi, xung phong lên đường làm nhiệm vụ của toàn đơn vị. Tôi vô cùng cảm động và ấn tượng về sự thông suốt nhiệm vụ và đi đầu của các anh: Bùi Đức Trần, Đỗ Quang Hệ, Lê Thái Bê, Nguyễn Tiến Thường, Hoàng Văn Minh, Đỗ Văn Bảnh cùng nhiều đồng chí khác. Vừa thể hiện sự gương mẫu, vừa đấu tranh, động viên cán bộ, chiến sĩ đơn vị chấp hành nhiệm vụ. Đây là một mốc son trong truyền thống tốt đẹp của Sư đoàn.

Gần tám năm công tác ở Sư đoàn, hơn 7 năm giữ chức Bí thư Đảng ủy, Phó Sư đoàn trưởng về Chính trị, tôi đã trải qua bốn đời Sư đoàn trưởng và nhiều chỉ huy Sư đoàn. Ở mỗi anh, ngoài nhiệm vụ chung, đều có những tính cách riêng, nhưng chung quy lại là sự đoàn kết thống nhất vì sự ổn định và phát triển của Sư đoàn theo yêu cầu nhiệm vụ.

Tôi nhớ lại những khó khăn đối với anh Trần Hồng Phẩm – Sư đoàn trưởng khi Sư đoàn vừa rút quân về nước, với căn cứ đóng quân đầy sỏi đá và hoang phế lâu ngày, cùng vô vàn khó khăn khác. Anh Hồ Văn To – Sư đoàn trưởng với những khó khăn trước đó cũng chưa được khắc phục nhiều, tình hình vi phạm kỷ luật của cán bộ có giảm đi, nhưng đào ngũ của chiến sĩ  mới lại là vấn đề nan giải lúc bấy giờ. Đến thời điểm anh Lê Mạnh – quyền Sư đoàn trưởng, tình hình mọi mặt của Sư đoàn ổn định hơn, công tác huấn luyện có những phát triển mới, đã bắt đầu có diễn tập chỉ huy, tham mưu cấp trung đoàn. Triệu Xuân Hòa, Sư đoàn trưởng, là chỉ huy Sư đoàn có “niên hạn” lâu năm hơn, vì  vậy có điều kiện làm được nhiều việc hơn. Kế thừa những gì  đạt được trong những năm trước gần chặt với tập thể lãnh đạo và chỉ huy, Triệu Xuân Hòa đã góp phần tạo sự chuyển biến toàn diện ngày càng vững chắc của Sư đoàn. Đây là thời kỳ Sư đoàn có những cuộc diễn tập quy mô lớn và thành công.

Sống và làm việc cùng những cán bộ, đảng viên tâm huyết Trong thời điểm khó khăn, mới cảm nhận được đầy đủ những gì  tốt đẹp và trong sáng ở các anh. Bùi Đức Trần – Phó Sư đoàn trưởng với sự kiên định và sẵn sàng nhận nhiệm vụ. Trần Xuân Ninh, thẳng thắn, rõ ràng trong thực hiện chức trách, cán bộ chỉ huy, nhưng rất quan tâm đến công tác đảng, công tác chính trị. Lê Văn Trung (Tám Trung) sâu sát với công việc, không quản ngại khó khăn. Hồ Văn Tâm (Ba Tâm) ý thức chấp hành, luôn tận tụy với công việc được giao… Nguyễn Mạnh Tiến và Lê Thái Bê – Chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn, là những trợ thủ đắc lực của tôi trong tiến hành công tác đảng, công tác chính trị. Nhiều đồng chí  như: Trần Hoàng Liếp, Lê Xuân Sĩ, Đinh Văn Nổ, Trần Văn Hào, Nguyễn Tiến Tiềm, Nguyễn Tiến Thường, Đào Xuân Quang, Trần Văn Lực, Nguyễn Đức Thưởng, Trần Hồng Hải… cùng nhiều cán bộ cấp phòng, trung đoàn, cán bộ cơ  sở… là những hạt nhân trong xây dựng Sư đoàn. Tôi vẫn nhớ mãi đến Trần Công Anh là Trung đội trưởng, sau đó là Đại đội phó Chính trị ở Trung đoàn 4 là một Trong những con người tiêu biểu ở cấp cơ sở.

Hoàn cảnh và điều kiện để phát triển trong quá trình công tác của các anh không giống nhau. Có anh trở về đời thường sớm hơn, nhiều anh gắn bó lâu dài hơn trong quân đội, trở thành tướng lĩnh và giữ những trọng trách lớn.

Đóng quân trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, tình cảm và niềm tin của đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương, đặc biệt là những đợt hoạt động dã ngoại làm công tác vận động quần chúng, những lúc cùng địa phương giải quyết những khó khăn bức xúc và đột xuất trên địa bàn luôn là nguồn động viên lớn lao đối với cán bộ, chiến sĩ  Sư đoàn.

Đồng chí  Nguyễn Văn Rốp (Tư Rốp) – Bí  thư Tỉnh ủy, đồng chí  Nguyễn Thị Minh (Tư Minh) – Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh cùng các đồng chí  lãnh đạo tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự, các ban ngành, địa phương của nhiều thế hệ đã luôn gắn bó với Sư đoàn. Đây là biểu hiện cao quý của tình đoàn kết quân dân, tô thắm thêm truyền thống tốt đẹp và vẻ vang của Sư đoàn trong hơn mấy mươi năm qua.

Bản thân tôi công tác ở Sư đoàn khá lâu, trong một lần làm việc, đồng chí Lê Văn Hân – Cục trưởng Cục Cán bộ (lúc bấy giờ) phát biểu với Quân khu. Đồng chí Lê Khả Phiêu (Năm Phiêu)  – Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị nói: “Cứ để Lượng ở đó”. Nhiều lần được sắp xếp đi học ở các trường, nhưng do hoàn cảnh cụ thể của Sư đoàn cũng không thực hiện được. Tôi được biết trong toàn quân, tôi là một trong những Trung tướng vì nhiệm vụ mà không có thời gian dự lớp tại Học viện Lục quân và Học viện Quốc phòng.

Trong cuốn “Lịch sử của Sư đoàn bộ binh 5 (1965 – 2005)” do Bộ Tư lệnh Quân khu 7 biên soạn, có một đoạn ngắn, như một sự biểu dương về nổ lực phấn đấu của tôi trong thời gian công tác ở Sư đoàn: “…Đồng chí  Lưu Phước Lượng, Phó Sư đoàn trưởng về Chính trị, bí  thư Đảng ủy Sư đoàn, sau gần 8 năm gắn bó xây dựng Sư đoàn, vượt qua thời kỳ khó khăn phức tạp nhất củan hững năm đầu Sư đoàn chuyển nhiệm vụ… được giao nhiệm vụ mới…”.

Đến quý 3 năm 1995, tôi được điều động và giữ chức Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 7. Rời khỏi Sư đoàn với sự lưu luyến của đơn vị cùng biết bao kỷ niệm, những thử thách đã vượt qua, tôi nghĩ  chỉ  với tập thế, những đồng chí, đồng đội tâm huyết, tôi mới có thể làm tốt được chức trách của mình. Vài tháng sau, Triệu Xuân Hòa cũng rời khỏi đơn vị, nhận nhiệm vụ mới. Lê Thái Bê và Trần Xuân Ninh lần lượt thay thế tôi và Triệu Xuân Hòa. Các đồng chí  cùng tập thể và chỉ huy tiếp theo đã ghi tiếp những trang sử mới tốt đẹp của Sư đoàn.

Về Cục Chính trị Quân khu, tôi được phân công phụ  trách chỉ đạo khối các tổ chức quần chúng. Tuy mới về công tác song do làm việc thường xuyên trước đó khi còn ở Sư đoàn nên tôi đã thiết lập được mối quan hệ rộng rãi và gần gũi với các phòng ban của Cục, Bộ Tham mưu, Cục Hậu cần, Cục Kỹ thuật, cùng các tỉnh thành và đơn vị trong toàn Quân khu. Đây là thời gian qua thực tế công tác, tôi hiểu thêm nhiều nội dung chỉ đạo của  cơ quan đảm nhiệm công tác đảng, công tác chính trị cấp quân khu đối với các đơn vị thuộc quyền. Tôi rất chú ý đến công tác đảng, công tác chính trị trong công tác quân sự địa phương. Đây là lĩnh vực đang có sự phát triển rất mới, ở Sư đoàn chưa có điều kiện nghiên cứu, học hỏi nhiều. Ngoài ra còn rất nhiều lĩnh vực tôi tự nghĩ  cần phải đi sâu để có sự hiểu biết cặn kẽ hơn như công tác tư tưởng, tổ chức, cán bộ… để làm tham mưu cho Ban chủ nhiệm và đồng chí  Chủ nhiệm trong chỉ  đạo chung.

Trong dịp kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Sư đoàn 5 (23.11.1965 – 23.11.1995), tôi được đồng chí  Nguyễn Văn Bạch – Chủ nhiệm Chính trị Quân khu phân công về giúp Sư đoàn tổ chức đợt sinh hoạt chính trị quan trọng này. Ba ngày ở Sư đoàn, tôi nghe thông tin: “Năm Lượng kỳ này về Quân đoàn 4, giữ chức Phó Tư lệnh Chính trị”, Phạm Hồng Lợi lúc bấy giờ là Phó Tham mưu trưởng Quân khu 9, cũng có mặt ở Sư đoàn, nói: “Nghe biết vậy thôi, các ông đừng bàn bạc nhiều việc này”. Tôi nghĩ  bụng: “Mình chưa biết gì  hết” nhưng cũng thấy lo lo cho công việc, nếu tổ chức giao nhiệm vụ.

Tháng 12 năm 1995, tôi được quyết định bổ nhiệm làm Phó Tư lệnh Chính trị Quân đoàn 4. Nhận quyết định, xen lẫn sự vui mừng về sự tiến bộ và trưởng thành, cũng là nỗi băn khoăn, lo lắng về công việc sắp tới, mà tôi phải đảm nhận. Điều tôi tâm niệm, nhất định phải phần đấu vượt qua khó khăn để tự khẳng định mình, không phụ lòng sự tín nhiệm, tin cậy của cấp trên.

(Còn tiếp)

Bài viết liên quan

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận
Nhập tên của bạn

Bài viết phổ biến

Bình luận gần đây