Thứ Năm, Tháng Ba 28, 2024
Trang chủKÝ ỨC CHIẾN TRANHDẤU ẤN CUỘC ĐỜI – HỒI KÝ CỦA TRUNG TƯỚNG LƯỚC LƯỢNG...

DẤU ẤN CUỘC ĐỜI – HỒI KÝ CỦA TRUNG TƯỚNG LƯỚC LƯỢNG ( kỳ chín)  – Phần ba

DẤU ẤN CUỘC ĐỜI – HỒI KÝ CỦA TRUNG TƯỚNG LƯỚC LƯỢNG

( kỳ chín)  – Phần ba

 Về Quân đoàn 4 một trang mới  trong cuộc đời binh nghiệp

Ngày về Quân đoàn 4, tôi gặp đầy đủ các đồng chí trong Bộ Tư lệnh: Tư lệnh Nguyễn Minh Chữ, Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Đào Văn Lợi, Phó Tư lệnh Nguyễn Năng Nguyễn. Tôi và các anh đã biết nhau từ lâu; cởi mở, trao đổi tình hình chung của đơn vị, qua tiếp xúc ban đầu, tôi cảm nhận các anh rất tâm huyết trong xây dựng Quân đoàn vững mạnh; phải tự lực vươn lên, không chờ đợi, ỷ lại, phát huy tối đa những gì  thuộc về thế mạnh và tiềm năng của Quân đoàn để phát triển. Đồng thời, tập trung khắc phục những mặt trì trệ đang cản trở bước tiến của Quân đoàn. Nổi bật trong vấn đề này là trách nhiệm cá nhân và tập thể trong sẵn sàng chiến đấu, xây dựng và quản lý đơn vị của một Quân đoàn chủ lực cơ động của Bộ đứng chân trên địa bàn phía Nam. Tôi hiểu sâu sắc hơn về vấn đề này khi đọc bản dự thảo đề cương báo cáo của Đảng ủy Quân đoàn sẽ trình trước Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đoàn lần thứ V.

Cũng chính trên cơ sở này, tôi đã cùng các đồng chí trong Đảng ủy, nhất là đồng chí  Nguyễn Minh Chữ nghiên cứu sâu yêu cầu xây dựng Quân đoàn về chính trị: Xây dựng tư tưởng là hàng đầu, xây dựng đội ngũ cán bộ làm trọng tâm, xây dựng Đảng là then chốt. Phải nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện, vững chắc, chất lượng tổng hợp, trình độ sẵn sàng chiến đấu và sức mạnh chiến đấu cao.

Anh Năm Chữ, Tư Nguyễn và Hai Tảo (Trần Văn Tảo – Chủ nhiệm Chính trị Quân đoàn) thường trao đổi với tôi, chúng ta cần phải phân tích, làm rõ những vấn đề lớn nêu trên, trong Đại hội Đảng bộ Quân đoàn sắp tới, để đạt được sự thống nhất cao, tạo thuận lợi cho việc triển khai cụ thể sau Đại hội. Khi đi vào cụ thể sẽ đụng chạm rất nhiều đến “thói quen” của sự trì  trệ. Đây là sự cản trở lớn nhất cho việc xây dựng Quân đoàn vững mạnh.

Với suy nghĩ  và quyết tâm nêu trên, Thường vụ Đảng ủy Quân đoàn trong đó thể hiện rất rõ vai trò của đồng chí  Nguyễn Minh Chữ – Bí  thư Đảng ủy, Tư lệnh Quân đoàn (sau Đại hội Đảng bộ Quân đoàn tôi mới được bầu làm Bí  thư) đã tập trung cao độ, chuẩn bị văn kiện để Đảng ủy Quân đoàn thảo luận, bổ sung và trình Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đoàn vào cuối tháng 3 năm 1996 với chất lượng cao nhất.

Ngày 26 tháng 3 năm 1996, Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đoàn lần thứ V khai mạc. Đồng chí Lê Khả Phiêu – Ủy viên Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị đã đến và chỉ đạo Đại hội. Ông phân tích kỹ tình hình thế giới, khu vực, âm mưu của các thế lực thù địch đối với đất nước ta. Từ đó xác định vị trí, vai trò của Quân đoàn chủ lực cơ động của Bộ đứng chân trên địa bàn phía Nam. Ông cũng biểu dương những nỗ lực phấn đấu với tinh thần tự lực, tự cường, chủ động khắc phục khó khăn hoàn thành khá tốt mọi nhiệm vụ, trong hoàn cảnh vừa rút quân về nước, thời gian tập trung xây dựng chưa được nhiều. Nói về nguyên nhân của các kết quả đã đạt được ông đặc biệt nhấn mạnh đến đoàn kết nội bộ. Nhân đề cập vấn đề này ông nêu rõ: “Đây là một Quân đoàn chủ lực cơ động của Bộ, đội ngũ cán bộ và chiến sĩ ở cả ba miền của đất nước: Miền Bắc, miền Trung, miền Nam, các Quân khu bạn, các đơn vị trong toàn quân…, như Năm Lượng từ Quân khu 7 vừa được điều động về…”.

Sau Đại hội, trong những lần gặp gỡ, ông thường nhắc tôi, anh Năm Chữ, Tư Nguyễn hết sức quan tâm đến những điều ông đã dặn dò.

Đúng như nhận định của Thường vụ Đảng ủy Quân đoàn, do quán triệt, tạo sự đồng thuận cao, sau Đại hội, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân đoàn đã nhanh chóng triển khai một số biện pháp cụ thể nhằm nâng cao chất lượng, xây dựng đơn vị, xây dựng tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh. Đó chính là Quyết định 203/QĐ quy định trách nhiệm cá nhân, tập thể về sẵn sàng chiến đấu, xây dựng và quản lý đơn vị, Chỉ  thị 02-CT/TV về những nội dung chủ yếu của quy trình ra Nghị quyết và tổ chức thực hiện nghị quyết của cấp ủy (chi bộ) các cấp, Chỉ  thị 205-CT/TV, thực hiện phân tích chất lượng đảng viên hàng tháng và thực hiện đúng quy chế sinh hoạt lãnh đạo ở chi bộ.

Các chỉ  thị, quy định nêu trên đã xác định rõ những giải pháp toàn diện, đồng bộ nhằm khắc phục những yếu kém trì  trệ mà Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đoàn đã chỉ ra, những yếu kém thuộc trách nhiệm chỉ huy, quản lý bộ đội của cán bộ các cấp; trách nhiệm cấp ủy, bí  thư chi bộ trong chấp hành nguyên tắc lãnh đạo… bệnh quan liêu, hình thức…

Việc triển khai các chỉ thị quy định nêu trên đã tạo ra khí thế mới trong cán bộ, đảng viên và toàn đơn vị. Là điểm nhấn, tạo động lực mới cho quá trình xây dựng các tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện ngay năm đầu tiên thực hiện nghị quyết của Đại hội.

Khi ở Sư đoàn 5, tôi đã cùng các đồng chí lãnh đạo nghiên cứu từ tình hình thực tiễn của Đảng bộ Sư đoàn đã ra được những chỉ  thị nhằm khắc phục những yếu kém trong công tác xây dựng Đảng, song chưa thật cụ thể và đồng bộ. Sự gắn kết chặt chẽ giữa Đảng ủy và chỉ huy, giữa Đảng ủy và Tư lệnh, như ở Quân đoàn rõ ràng đã tạo ra động lực mới mạnh mẽ.

Quá trình triển khai các chỉ  thị, quy định nêu trên diễn ra cũng không thật thuận lợi, có ý kiến phản ảnh về cơ quan chức năng của Tổng cục Chính trị, cho rằng những chỉ  thị, quy định như vậy quá cụ thể, không thật cần thiết… Xoay quanh vấn đề này, đồng chí  Lê Khả Phiêu có ý kiến “cứ để các đồng chí  làm, cơ quan cần theo dõi giúp đỡ chỉ  đạo sơ kết, rút kinh nghiệm, vấn đề là tính hiệu quả…”.

Đến bây giờ nghĩ lại những chỉ thị, quy định đó, ra đời trong thời điểm phải tập trung giải quyết những yếu kém, trì trệ và thật sự đã mang lại kết quả tốt. Có chỉ  thị đến bây giờ (như Chỉ  thị 02-CT/TV) cái khung cơ bản vẫn còn nguyên giá trị.

Nhân đây tôi xin ghi lại một cảm xúc lớn của tôi, tại Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ VI. Tâm đắc với sự rèn luyện phấn đấu của đội ngũ đảng viên là cán bộ chủ trì của các cấp ở Quân đoàn, trong phát biểu đại diện cho đoàn đại biểu Đảng bộ Quân đoàn, khi đề cập đến việc tu dưỡng rèn luyện của đội ngũ đảng viên là cấp cao, nhất là các đồng chí lãnh đạo Quân đội, tôi nhấn mạnh đến sự gương mẫu của các đồng chí lãnh đạo trong Đảng ủy Quân sự Trung ương: “…trước mắt quần chúng nhân dân, cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân. Quân ủy là thiêng liêng, cho nên các đồng chí ủy viên quân ủy phải tự giác phấn đấu rèn luyện như những đảng viên khác, không được tự dễ dãi đối với bản thân mình…”. Tôi nhớ mãi ý kiến tâm huyết này, tạo nên sự xúc cảm cả hội trường Đại hội.

Trong thời điểm này, tình hình hạ sĩ quan, chiến sĩ  vi phạm kỷ luật, đào bỏ ngũ ở Quân đoàn vẫn không giảm. Tôi ý thức, để giải quyết được vấn đề này phải có giải pháp đồng bộ. Vừa qua đã ban hành những chỉ thị, quy định để nâng cao trách nhiệm của lãnh đạo, chỉ huy bước đầu đã có kết quả, song để tạo chuyển biến thật sự vững chắc, phải tuyên truyền sâu rộng khơi dậy tinh thần tự giác chấp hành kỷ luật trong đoàn viên, đảng viên, thanh niên, Chỉ thị 525 củaTư lệnh Quân đoàn về “Tổ chức đợt sinh hoạt chính trị chống đào bỏ ngũ, vi phạm kỷ luật trong thanh niên” đã được ban hành.

Cùng các chủ trương biện pháp lãnh đạo giáo dục khác như Chỉ thị 97 của thường vụ Đảng ủy Quân đoàn “Tập trung xây dựng tốt mối quan hệ cán binh, tình đoàn kết thương yêu gắn bó giữa cán bộ và chiến sĩ trong đơn vị”. Với những biện pháp triển khai thật cụ thể gắn kết chặt chẽ toàn bộ các chủ trương trong lãnh đạo của cấp ủy chi bộ và trách nhiệm của đảng viên, cán bộ ở mọi cấp đã góp phần giảm dần tỷ lệ đào ngũ, vi phạm kỷ luật trong toàn Quân đoàn. Góp sức tạo nên sự chuyển biến quan trọng này là công sức của rất nhiều cán bộ, đảng viên, những cán bộ chỉ huy, cán bộ chính trị tâm huyết hết lòng vì  công việc chung. Tôi nhớ, đồng chí  Phạm Văn Dỹ  lúc bấy giờ là Phó Chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn 9, nhiều lần đề xuất với tôi những biện pháp cụ thể để từng bước khắc phục tình trạng đào bỏ ngũ của chiến sĩ mới, tôi rất ủng hộ và đồng tình. Và tôi cũng rất thích cách làm việc mang dáng dấp của tổng kết thực tiễn, tôi nói với đồng chí Dỹ: “Đây là 7 bước cụ thể, cụ thể hóa rất đồng bộ những chủ trương, giải pháp lớn của Quân đoàn, cứ làm đi, khó khăn gì báo cáo trực tiếp để tôi hỗ trợ và giúp tháo gỡ”.

Thành công ở Sư đoàn 9 cũng như các đơn vị khác trong toàn Quân đoàn trong việc thực hiện các chủ trương, quy định nêu trên đã giải quyết được vấn đề “nan giải” về hiện tượng đào, bỏ ngũ của chiến sĩ mới. Đây cũng là cơ sở, là những bài học kinh nghiệm mang tình thực tiễn cao để Bộ Tư lệnh Quân đoàn hoàn thành đề tài khoa học “Những giải pháp phòng chống chiến sĩ đào ngũ ở các đơn vị phía Nam” do tôi làm chủ nhiệm đề tài, được hội đồng khoa học công nghệ Bộ Quốc phòng nghiệm thu đánh giá đạt xuất sắc, được đưa vào nghiên cứu, ứng dụng ở các đơn vị, địa phương.

Trong thời gian này, ngoài khó khăn về “nơi ăn chốn ở”, đời sống vật chất và tinh thần của bộ đội cũng là nhu cầu bức thiết phải tập trung giải quyết, trong khi nguồn  lực của Quân đoàn vô cùng hạn hẹp.

Với tinh thần tự lực, tự cường, Đảng ủy Quân đoàn đã bàn và quyết nghị những giải pháp nhằm khắc phục từng bước khó khăn này. Trong đó nổi bật là chủ trương xây dựng nhà máy xay xát lúa gạo ở Ô Môn, Cần Thơ và trong gần 1.000 ha cao su ở Bình Phước, cùng việc sắp xếp lại đất đai do Quân đoàn quản lý đang làm kinh tế.

Để có nguồn thực hiện chủ trương trên, một trong những giải pháp quan trọng nhất là thực hành tiết kiệm triệt để. Thể hiện quyết tâm của Quân đoàn thực hiện bằng được chủ trương nêu trên.

Nhân đây, tôi xin bày tỏ tấm lòng của cán bộ, chiến sĩ  Quân đoàn với sự trân trọng về tâm huyết của đồng chí  Nguyễn Minh Chữ – Tư lệnh Quân đoàn, cùng các đồng chí trong Bộ Tư lệnh và cơ quan đã dày công thực hiện thành công quyết sách này.

Phát huy tinh thần tự lực, tự cường chủ động, sáng tạo trong xây dựng đã tạo điều kiện để Quân đoàn phát triển, song mọi việc diễn ra không suôn sẻ như vậy. Rất tiếc nhiều việc không đáng có cũng đã xảy ra như: Khi thực hiện chủ trương trong 1.000 ha cao su, Đoàn thanh tra Bộ Quốc phòng đặt vấn đề lấy nguồn vồn từ đâu? Chủ trương xây dựng nhà máy xay xát lúa gạo ở Ô Môn có đúng quy định không? Cùng nhiều vấn đề khác! Giải thích mãi, các đồng chí cũng không ghi nhận. Tôi nhớ, thời điểm đó Đảng ủy Quân đoàn không đồng tình với nhiều nội dung của Đoàn thanh tra kết luận, nên đã gởi báo cáo đến Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Sau đó, chúng tôi cũng không  nhận được một phản hồi nào, kể cả kết luận của cấp có thẩm quyền về báo cáo của Đoàn thanh tra. Nhưng Quân đoàn cũng thể hiện sự nghiêm túc xem xét lại mọi vấn đề và có chủ trương, kế hoạch để khắc phục những việc đã thống nhất với Đoàn thanh tra. Một vấn đề nữa, là việc ra Nghị quyết 54-NG/TV của Thường vụ Đảng ủy Quân đoàn “Về việc xây dựng đội ngũ cán bộ tại chỗ phía Nam”. Đây là chủ trương nhằm giải quyết nguồn cán bộ hạ sĩ quan, chiến sĩ tại chỗ cho nhu cầu xây dựng, huấn luyện quân dự bị, khi có lệnh động viên. Việc này gắn liền với nhiệm vụ của Quân đoàn trên địa bàn phía Nam. Nhưng lại có phản ảnh không đúng với lãnh đạo Bộ Quốc phòng. Trong buổi làm việc của đồng chí Đoàn Khuê – Phó Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng với Thường vụ Đảng ủy Bộ Tư lệnh Quân đoàn, sau khi làm việc xong nội dung chính, đồng chí Đoàn Khuê nêu vấn đề với Thường vụ Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân đoàn về Nghị quyết 54. Đồng chí nhắc nhở: “Đây là Quân đoàn chủ lực cơ động của cả nước cho nên cán bộ, chiến sĩ phải ở cả ba miền…”. Hết thời gian, chúng tôi không trình bày được rõ ràng ý định của chủ trương trên. Mãi sau này mới giải thích được với Bộ trưởng. Đến nay, rõ ràng trong tuyển quân, Quân đoàn đã tiếp nhận hầu hết chiến sĩ mới ở các tỉnh thành phía Nam.

Một vấn đề nữa mà tôi tâm đắc, trong kiểm điểm Nghị quyết Trung ương 6, lần 2 (năm 2000). Kiểm điểm tập thể và cá nhân trong Thường vụ Đảng ủy Quân đoàn, theo gợi ý của Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương có nội dung: Thường vụ Đảng ủy Quân đoàn và cá nhân đồng chí Lưu Phước Lượng (Bí  thư Đảng ủy) và đồng chí  Nguyễn Minh Chữ (Phó bí thư Đảng ủy) có cục bộ địa phương hay không? Đây là một vấn đề vô cùng hệ trọng, Đảng ủy Quân đoàn đã phân tích kỹ với thái độ thắng thắn, chân thành, khẳng định dư luận trên là không đúng. Và thực tiễn đã làm sáng tỏ dư luận này.

Nêu lại những vấn đề trên, tôi muốn minh chứng một điều, làm lãnh đạo, chỉ huy khi đã giữ cương vị ở mọi cấp nhất là cấp chiến dịch, chiến lược khi quyết định những điều hệ trọng phải xem xét đánh giá mọi vấn đề một cách cẩn trọng, nhất thiết phải thông qua tổng kết thực tiễn một cách nghiêm túc. Không được hời hợt, vội vàng sẽ không mang tính thuyết phục, có khi dẫn đến đổ vỡ, hỏng việc.

Ngoài những vấn đề nêu trên, một trong những ấn tượng sâu sắc đã để lại trong sự gắn bó giữa cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn với các địa phương: Bình Dương, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh là việc xử lý hài hòa đất quốc phòng thuộc Quân đoàn quản lý với yêu cầu phát triển của các địa phương đúng theo quy định của pháp luật.

Các đồng chí  lãnh đạo tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh vẫn luôn ghi nhận thái độ vô tư, trách nhiệm của Quân đoàn trong vấn đề này. Khẳng định sự phát triển của các địa phương có sự đóng góp to lớn của lãnh đạo, cán bộ, chiến sĩ  Quân đoàn 4.

Vấn đề đất quốc phòng là vấn đề nhạy cảm, phức tạp  nhưng xử lý không xảy ra sai sót lớn, đạt hiệu quả cao. Tôi vẫn luôn tâm đắc những gì đã làm được xoay quanh lĩnh vực quan trọng này.

Sau này, anh Hồ Minh Phương (Út Phương – nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương) nhiều lần nói với tôi: “Các ông (lãnh đạo Quân đoàn) đã giúp đỡ và tạo điều kiện rất nhiều để Bình Dương phát triển”. Anh Lê Hoàng Quân (Hai Quân – nguyên bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai) cũng có những lời phát biểu tương tự.

Một vấn đề lớn quyết định sức mạnh chiến đấu và quy mô phát triển của Quân đoàn là sự tiến bộ vượt bậc của  công tác huấn luyện và diễn tập. Càng về sau càng đi vào nền nềp, từ huấn luyện kỹ chiến thuật đến diễn tập cấp trung đội, đại đội, tiểu đoàn, chỉ huy tham mưu cấp trung đoàn, sư đoàn… Tôi ấn tượng nhất hai cuộc diễn tập lớn cấp Quân đoàn trong đội hình tác chiến của Bộ Quốc phòng ở phía Nam. Đó là cuộc diễn tập PT 99 – chiến dịch tiến công trên địa bàn Quân khu 7 (năm 2000) và PC 02 – chiến dịch phản công, tiến công địch trên địa bàn sông nước (năm 2002). Cả hai cuộc diễn tập đều thực hành đầy đủ công tác chỉ huy, tham mưu trong chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu cùng thực hành các giai đoạn tác chiến, chiến dịch đạt kết quả tốt.

Thành công của hai cuộc diễn tập trên trong thời điểm lúc bấy giờ, là đỉnh cao thể hiện kết quả xây dựng Quân đoàn vững mạnh toàn diện trong nhiều năm qua.

Trong diễn tập PC 02 (năm 2002), Sở chỉ huy chiến dịch triển khai khu vực Gò Công Đông (Tiền Giang), đồng chí  Nguyễn Năng Nguyễn – Tư lệnh Quân đoàn, sau khi kiểm tra các đơn vị nói với tôi: “Bà con chưa bao giờ thấy quân mình đông, xe cộ phương tiện nhiều như thế này, nhưng rất hiền lành, siêng năng, dành nhiều thời gian lao động giúp dân, người dân thật sự mến mộ…”.

Diễn tập kết thúc tốt đẹp, các đơn vị lần lượt rời khỏi địa phương trong niềm vui về sự gắn bó tình cảm quân dân.

Đảm nhận trọng trách Bí thư Đảng ủy, Phó Tư lệnh về Chính trị Quân đoàn, tôi gắn bó làm việc cùng hai đồng chí Tư lệnh: Nguyễn Minh Chữ và Nguyễn Năng Nguyễn. Mỗi anh để lại trong tôi những đường nét đẹp trong công việc và tình cảm cởi mở chân thành. Tôi luôn giữ mãi những điều tốt đẹp này! Các đồng chí Trong Bộ Tư lệnh: Đào Văn Lợi  – Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng, tuy làm việc với nhau không lâu, nhưng tôi cảm nhận tốt ở anh về thái độ trách nhiệm khi trao đổi những công việc chung cũng như tình cảm riêng tư sâu lắng. Huỳnh Ngọc Sơn luôn gần gũi, quan tâm, góp ý giúp tôi nhiều trong công việc, sự trưởng thành của Huỳnh Ngọc Sơn là điều mà chúng tôi đã tiên đoán và mong đợi. Mai Đại Từ miệt mài chăm lo công việc, thẳng thắn quan điểm rõ ràng. Hồ Khải Hoàng, trầm tính, tận tâm với nhiệm vụ được giao. Nguyễn Văn Thành hăng hái, nhiệt tình luôn tỏ rõ ý chí  tiến thủ.

Chung quy, tất cả các anh đã tạo ra một khối đoàn kết  thống nhất, là hạt nhân trong lãnh đạo xây dựng Quân đoàn vững mạnh.

Tôi cũng xin bày tỏ lòng tri ân sâu sắc đối với các đồng Chủ nhiệm Chính trị: Trần Văn Tảo và Huỳnh Minh Xuyên các anh đã hỗ trợ tôi rất nhiều, để tôi có thể làm tròn được chức trách nhiệm vụ.

Gắn bó cùng Thường vụ Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân đoàn trong đó có tôi, rất nhiều cán bộ cấp cục, sư, lữ đoàn, trung đoàn đã tỏ rõ tấm lòng nhiệt huyết gắn bó xây dựng đơn vị. Đó là những người bạn, đồng chí, chiến đấu thật lòng trong những lúc khó khăn, tôi không bao giờ quên. Cũng như Sư đoàn 5, ở Quân đoàn 4, nhiều cán bộ từng trải có kinh nghiệm trong chiến đấu và xây dựng đơn vị như Vũ Đinh Nhị, Trần Văn Hào – Sư đoàn trưởng Sư đoàn 9, Lê Viết Cát – Hiệu trưởng Trường Quân sự… và rất nhiều đồng chí khác do những điều kiện và hoàn cảnh khác nhau, chủ yếu là tuổi tác đã không phát triển được. Một sự thiệt thòi! Nhưng cũng không thể khắc phục được vì đó là quy định chung. Nhiều cán bộ trẻ trưởng thành trong môi trường phấn đấu, rèn luyện với nhiều thử thách nêu trên, trở thành những cán bộ chủ chốt của Quân đoàn như: Hoàng Văn Nghĩa, Phạm Tiến Dũng (Chính ủy), Nguyễn Hoàng, Phạm Xuân Thuyết (Tư lệnh Quân đoàn)… cùng nhiều đồng chí khác đã có sự tiến bộ là những cán bộ cao cấp trong toàn quân.

Những năm sau này, khi đã về nghỉ  hưu, gặp lại nhiều cán bộ ở Quân đoàn (cũng như ở Sư đoàn 5) anh em tâm sự bày tỏ lòng tri ân về sự gắn bó hướng dẫn của tôi để các đồng chí  làm việc tốt hơn và trưởng thành. Những mẩu chuyện nhỏ nhưng đậm tình đồng đội.

Gần tám năm công tác ở Quân đoàn, có những dấu ấn lớn, tôi không bao giờ quên, đó là tình huống khi học lớp A (bổ túc chính trị cao cấp do Đảng ủy Quân sự Trung ương tổ chức cho cán bộ cấp chiến dịch – chiến lược toàn quân vào năm 1998). Trong bài kiểm tra cuối khóa mang tính tổng hợp, tôi chọn đề tài “Phát triển kinh tế từ nguồn vồn đầu tư từ nước ngoài (FDI), sự tác động đến tình hình kinh tế, chính trị, xã hội ở nước ta trong những năm sắp tới”.

Với cách tiếp cận vấn đề từ phép biện chứng, lý luận về kinh tế, chính trị… cùng những thực tiễn được tổng kết trong những năm đất nước thực hiện đường lối đổi mới. Tôi đề cập nhiều đến vai trò của các thành phần kinh tế của nước ta trong bối cảnh đó, đặc biệt là kinh tế quốc doanh. Bài kiểm tra này đã dẫn đến sự nhận xét, đánh giá rất khác nhau của các thầy cũng như ở các khoa… Tôi nhớ thầy Lê Văn Quang , Chủ nhiệm Khoa Triết nói với tôi: “Tôi cham bài của anh đạt điểm giỏi… các khoa khác có những đánh giá không như khoa chúng tôi…”. Cuối cùng Giám đốc Học viện Chính trị Quân sự thành lập tổ kiểm tra để thống nhất đánh giá bài kiểm tra này. Sau khi thảo luận, trao đổi nghiêm túc với cách nhìn nhận vấn đề theo quan điểm phát triển, tổ kiểm tra thống nhất đánh giá tốt bài kiểm tra. Cái mới trong quá trình phát triển không dễ dàng tạo sự đồng thuận cao bởi lý luận luôn đi sau sự phát triển của tình hình; đạt được trình độ lý luận – thực tiễn phải có quá trình và thời gian. Đây là thái độ và cách tiếp cận những vấn đề khi còn nhiều ý kiến khác nhau. Tôi tự nghĩ  như vậy!

Gần cuối năm 2002, tôi được tham gia Đoàn đại biểu Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam thăm Trung Quốc và Cộng Hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên do đồng chí  Lê Văn Dũng (Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam) dẫn đầu.

Đến Trung Quốc, qua làm việc và đi tham quan các đơn vị quân đội, các danh lam thắng cảnh, tôi cảm nhận kinh tế thị trường đã tác động rất sâu rộng vào xã hội Trung Quốc. Cái tôi nhìn thấy được rõ nhất, những di tích lịch sử như: Cố cung, Vạn lý trường thành, Thập tam lăng… mà tôi đã đến tham quan năm 1974, giờ đây đã khác đi rất nhiều. “Hàng quán” đầy ấp, bán buôn ở khắp mọi nơi, không trật tự “kín cổng” như trước đây. Từ đó tôi suy nghĩ  về đất nước mình, chắc cũng trong hoàn cảnh như vậy! Kinh tế thị trường là tốt, là điều kiện để đất nước phát triển, sống phải lường hết những khó khăn để không phải giải quyết những vấn đề phức tạp nảy sinh.

Trong làm việc tôi rất chú ý đến thái độ của cán bộ lãnh đạo Trung Quốc về tỉnh hữu nghị với Việt Nam, nói nhiều về sự gắn bó Trung Quốc – Việt Nam Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ trước đây. Cái tôi quan tâm là thái độ của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Họ nói chung chung, như trên báo chí, các hoạt động đối ngoại của cả hai bên. Còn thực chất như thế nào, diễn biến tình hình trong thời gian dài đã nói lên tất cả! Tôi chỉ  ghi nhận mong muốn của cả ta và bạn là mọi việc diễn ra với yêu cầu cao nhất: Trong mối quan hệ, tình hình dịu đi và không căng thẳng. Những gì  xảy ra sau đó đã trả lời cho tất cả chúng ta.

Rời Trung Quốc đoàn sang thăm nước Cộng Hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên. Đón đoàn là đồng chí  Phó chủ nhiệm thứ nhất Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Triều Tiên. Trải thảm đỏ từ cầu thang máy bay, duyệt đội danh dự. Sau đó về nhà khách chính phủ, một nơi kín đáo, phong cảnh đẹp hài hòa giữa thiên nhiên với không gian tỉnh lặng. Điện thoại di động hoàn toàn không sử dụng được. Mọi liên lạc với bên ngoài đều phải qua sự chuyển tiếp của sứ quán Việt Nam. Ngay trong đoàn cũng chí  liên lạc được qua điện thoại nội bộ ở phòng nghỉ. Bắc Triều Tiên lúc đó kín đáo, “ẩn dật” là như vậy.

Tôi rất ngạc nhiên khi được biết, người dân ở ngoài Thủ đô Bình Nhưỡng muốn vào thành phố phải có giấy giới thiệu. Thủ đô với nhiều vọng gác kiểm soát người ra vào một cách nghiêm ngặt. Trên đường phố thủ đô, thanh niên đi xe đạp không được chở phụ nữ. Thủ đô Bình Nhưỡng về đêm chỉ với những ánh đèn leo lét ở từng căn hộ; những tượng đài tôn vinh lãnh tụ và những nơi công cộng được thắp sáng và trang hoàng rực rỡ. Còn nhiều vấn đề nữa, sống tôi nghĩ  một đất nước đang “lo sợ” sự xâm lược tấn công của Mỹ, bảo vệ chế độ, họ phải có những giải pháp đặc thù riêng biệt, thế hiện rõ nhất Trong đường loi chính trị. Trong làm việc với đoàn, cán bộ lãnh đạo Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Triều Tiên đã khẳng định: “…đường lối chính trị của chúng tôi, là ưu tiên quân sự…” như vậy là rất rõ ràng. Trong những lúc riêng tư khi dự chiêu đãi, tôi cảm nhận, cán bộ quân đội Triều Tiên cũng rất quan tâm đến đổi mới của Việt Nam. Họ hỏi nhiều về thành quả mà Việt Nam đã đạt được.

Mặc dù không thuộc phạm vi trách nhiệm của mình, tôi vẫn có một lời “tư vấn” cởi mở với các bạn chỉ huy Quân đội Triều Tiên: Có điều kiện, các đồng chí  nên Sang Việt Nam ở đó có nhiều điều thú vị và bổ ích. Chúng tôi thấy còn phải phấn đấu nhiều, nhưng chúng tôi đi đường hướng vì  lợi ích củadân tộc. Chuyến đi nước ngoài cùng lãnh đạo Tổng cục Chính trị đã bồi dưỡng cho tôi những vấn đề cần nghiên cứu thêm trong quan hệ với Trung Quốc mà lâu nay tôi chỉ  đọc được trên sách báo, các công văn chỉ thị, nghị quyết, những lời phát biểu của cấp trên. Còn ở Cộng Hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên là một sự thật “mắt thấy tai nghe”, lâu nay không được phố biến một cách cặn kẽ để hiểu rõ bản chất của vấn đề.

Nhân đọc cuốn kỷ yếu Hội thảo khoa học: “Quân đoàn 4 (Binh đoàn Cửu Long) 40 năm chiến đấu xây dựng và trưởng thành (1974 – 2014)” – Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, tôi muốn bày tỏ với Đảng ủy – Bộ Tư lệnh Quân đoàn và đồng chí Nguyễn Minh Chữ, nguyên Tư lệnh Quân đoàn về suy nghĩ của tôi, xoay quanh bài tham luận củaanh với chủ đề: “40 năm nhìn lại những việc cần làm”.

Tôi đã tranh thủ đọc nhiều bài Trong kỷ yếu, sống do nghiên cứu chưa thật kỹ nên không dám để cập nhiều. Qua đọc và nghiên cứu sâu bài viết của anh Năm Chữ. Tôi xin bày tỏ quan điểm về những vấn đề mấu chốt của bài viết này.

Trước hết, tôi khẳng định hoàn toàn nhất trí cao với bài viết, vừa thể hiện tính trung thực, không hình thức, gợi mở cách giáo dục lịch sử truyền thống sao cho hiệu quả để người đọc suy nghĩ  “không phải viết cho có bài theo đường mòn lối cũ”. Điều này sẽ không đọng lại được bao nhiêu những gì  đã diễn ra về lịch sử truyền thống của Quân đoàn Trong tâm tư tỉnh cảm củacán bộ và chiến sĩ  cũng như đối với thế hệ trẻ sau này.

Xuyên suốt lịch sử, truyền thống của Quân đoàn cần làm rõ vai trò của cá nhân lãnh đạo và chỉ huy với vai trò tập thể. Tôi đồng tình sự suy nghĩ, chúng ta còn rất ngại đề cao vai trò của cá nhân. Chính với cách suy nghĩ  này, đã làm cho lịch sử truyền thống mất đi sự sinh động, tỉnh hấp dằn và sự nêu gương. Rõ ràng như vậy là chưa khách quan và không công bằng, “…sẽ làm thui chột tính phấn đấu hy sinh của mỗi con người và học lịch sử truyền thống sẽ không có tác dụng…”.

Ghi lại những dòng chữ này, tôi bày tỏ sự trân trọng thật lòng cách tư duy gần gũi cuộc sống của anh trong quá trình tôi và các anh cùng làm việc, vượt qua biết bao khó khăn trở ngại, góp phần tô thắm lịch sử truyền thống tốt đẹp của Quân đoàn ở thời điểm bấy giờ.

Kết thúc những trang viết về những năm tháng công tác ở Quân đoàn 4, tôi muốn ghi lại những dòng riêng tư về đời “lính”; lo công việc chung nhưng cũng phải nhắc lại những chuyện vui, những khúc “trắc trở” trong gia đình. Mặc dù đơn vị đóng quân tại Thành phố Hồ Chí Minh (quận Thủ Đức), nhưng lãnh đạo Quân đoàn chỉ về với gia đình vào chiều thứ bảy hàng tuần, cho nên Phương Minh và các con tôi cũng cảm thấy thiếu vắng tỉnh cảm, sự gần gũi của tôi, hàng ngày ba mẹ con thường trò chuyện nhắc đến ba.

Một hôm Duy Minh, con trai thứ hai (10 tuổi) đi học về thì thầm với mẹ, hôm nay cô giáo ra đề bài làm văn: “Em hãy tả về anh Bộ đội Cụ Hồ”. Duy Minh nói: “Con thấy khó quá, mẹ chỉ con đi!”. Phương Minh cười và nói với con: “…con không để ý gì hết! Nhà mình có anh Bộ đội Cụ Hồ, ba đó! Con hãy nhìn kỹ “ổng” đi rồi viết bài”. Duy  Minh suy nghĩ một hồi rồi trả lời mẹ: “…anh Bộ đội Cụ Hồ nhà mình khó tả quá! “Bộ đội Cụ Hồ” sao đi xe hơi, đánh “ten nis”…

Vợ tôi cười vang cả nhà và không biết trả lời con như thế nào! Sau đó Phương Minh ôn tồn giải thích với con; cuối cùng “cậu ta” trả lời sao không giống những gì con đã đọc được trong sách và hướng dẫn làm bài của cô.

Còn một chuyện nữa, do bận công việc, hai tuần tôi không về nhà, Phương Minh gọi điện thoại (máy bàn) để hỏi thăm, nhưng tôi đã bước ra ngoài (đi dạo trong đơn vị sau bữa cơm chiều), sau đó, vợ tôi lại gọi điện thoại di động, máy lại không đổ chuông (do nhiễu sóng). Khi quay về phòng nghĩ, thấy có cuộc gọi nhỡ của vợ, tôi liền gọi lại, Phương Minh có vẻ phiền lòng vì sao tôi không trả lời, tôi phân trần mãi vợ tôi cũng không đồng tỉnh. Và cuối cùng nói với tôi một câu ngắn gọn, khá căng thẳng với nhiều ý nghĩa không dễ có lời giải đáp thỏa đáng: “Thôi anh đi đâu thì đi. Tôi chỉ lo cho cái tư cách của anh thôi!” rồi cúp máy. Tôi buồn! Đêm đó không ngủ được, cuối cùng phải tìm gặp được Chánh Văn phòng, bí thư Chi bộ để trình bày lại sự việc mới khuây khỏa được qua đêm.

Hai câu chuyện nhỏ thời ở Quân đoàn đều xuất phát từ sự gần gũi không thường xuyên của tôi với vợ và các con, mấy mươi năm trôi qua sống gần gũi gia đình không được nhiều. Sự thiếu vắng tình cảm làm tăng thêm sự quan tâm, lo lắng dẫn đến những cảm xúc như vậy – chất chứa biết bao ân tình.

– ( Còn tiếp )

Bài viết liên quan

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận
Nhập tên của bạn

Bài viết phổ biến

Bình luận gần đây