Thứ Bảy, Tháng Mười Hai 9, 2023
Trang chủNHỊP CẦU BẠN ĐỌCĐạo lý - tình người

Đạo lý – tình người

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, quân dân cả nước một lòng nêu cao truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc; vượt qua mọi thách thức thiên tai, địch họa cùng nhau xây dựng, phát triển kinh tế và bảo vệ Tổ quốc. Những người con thân yêu, vì sự bình yên hạnh phúc của mỗi gia đình đã anh dũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ cứu dân trong bão lũ, phục kích, tuần tra trên biên giới; cứu dân trong hỏa hoạn… và còn đó những chiến binh áo xanh, áo trắng giữa đại dịch Covid-19 cuồng phong, khủng khiếp vẫn lăn xả thân mình chạy đua với thời gian để cứu người, tiếp tế, chia sẻ từng gói mì tôm, muối đậu, cọng rau… tìm lại tiếng khóc chào đời cho trẻ thơ mà có cháu mãi mãi không bao giờ còn được nghe tiếng ru của mẹ.

Đất nước đã hòa bình thống nhất gần năm mươi năm, còn bao nhiêu đồng đội, họ là người chồng người cha, là con, là anh em ruột thịt không tiếc máu xương, cống hiến tuổi xuân cho sự tồn vong của dân tộc vẫn còn nằm lại trong lòng đất mẹ, nơi đất khách, quê người khi làm nhiệm vụ thiêng liêng giải phóng quê hương và làm nhiệm vụ quốc tế cao cả. Bất kể thời tiết khắc nghiệt, những đội tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, các ban liên lạc truyền thống, các hội hỗ trợ gia đình liệt sĩ; trong đó có những đồng đội, bạn chiến đấu dẫu nay đã ở tuổi 70-80 chân yếu, mắt mờ vẫn đau đáu nỗi niềm thiêng liêng đi tìm đồng đội.

Bộ đội trao lương thực đến từng nhà dân trong đại dịch Covid-19

Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP. Hồ Chí Minh luôn ý thức nhiệm vụ của mình phải bằng mọi cách để tìm kiếm thông tin liệt sĩ, phối hợp các cấp, các ngành, các tổ chức, gia đình người có công để thực hiện chính sách tri ân liệt sĩ, những thương binh đã để lại một phần thân thể nơi chiến trường tạo sự lan tỏa để động viên, khích lệ đồng đội “Thương binh tàn nhưng không phế”. Những buổi giao lưu, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ đã khơi dậy sự khát khao cống hiến để xứng danh với lớp cha anh đi trước.

Chúng ta thật tự hào những tấm gương cao quý mà bình dị giữa cuộc sống đời thường dẫu còn bao khó khăn, vất vả nhưng vẫn dành từng đồng lương ít ỏi, kêu gọi sự ủng hộ của các nhà hảo tâm với tấm lòng trân quý để gom góp làm thiện nguyện “những người ăn cơm nhà vác nghĩa tình đồng đội” chỉ mong mỏi một điều “luôn mang đến niềm tin cho xã hội và cho mỗi gia đình” góp phần làm vơi đi nỗi đau mà chiến tranh để lại.

Ấy vậy mà giữa cuộc sống đầy nhân nghĩa “lá lành đùm lá rách” “lá rách ít đùm lá rách nhiều” vẫn còn đâu đó những kẻ đang đánh đổi “đạo lý tình người” táng tận lương tâm, lợi dụng danh vọng, chức quyền để làm những điều vô đạo đức, “phi nhân tính” chia nhau những đồng tiền đê tiện trên thân xác của con người đang khắc khoải đớn đau mà lẽ ra họ hy vọng vượt qua được đại dịch, họ có quyền được sống. Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan từng thốt lên: “Ăn của dân không từ một cái gì”. Thật đau lòng, cũng là con người cùng chung sống trong một xã hội ấm áp tình người nhưng có những kẻ vẫn tìm cách đục khoét của dân.

Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ TPHCM trao nhà tình nghĩa

Chúng ta thật xót xa về bài học vi phạm nguyên tắc của Đảng, kỷ luật Quân đội của một số quân nhân vì thiếu tu dưỡng, rèn luyện, sa đọa đã làm mất đi niềm tin của nhân dân. Những chuyến bay giải cứu – tình người ở nơi đâu? Khi Tổ quốc đang dang tay đón những người con thân yêu của mình trở về tránh dịch thì những kẻ vô liêm sỉ lại lợi dụng đục nước béo cò. Bất kể họ là ai, kể cả những người vừa được khoan hồng nơi đất khách, họ cũng không tha.

Tương tự, họ đã lợi dụng việc chống dịch Covid-19 để vét cho đầy túi tham trước sự mất mát, bi thương của đồng bào qua vụ Việt Á. Đạo lý nhân văn, trắng đen lẫn lộn… vô tình lòng tham và sự đê tiện của một số người nhân danh công quyền đã làm vẩn đục đạo lý tốt đẹp “vì con người” mà ông cha ngàn đời đã truyền lại: “Bầu ơi thương lấy Bí cùng”.

Rồi những vụ án về sắt thép, đất đai, xây dựng, quặng mỏ, thanh tra, giáo dục v.v… Lòng tham vô đáy của một số phần tử tha hóa nhân phẩm cần nghiêm khắc lên án và trừng trị. Họ có biết rằng: đằng sau những chiếc ghế và ánh đèn hào quang đó là mồ hôi, xương máu; là tình người của những người lao động chân chính; là sự cống hiến của bao thế hệ, sự phấn đấu kiên cường của toàn Đảng, toàn dân toàn quân vì một xã hội công bằng, văn minh, vì hạnh phúc của toàn nhân loại. Mỗi một con người cần “gạn đục, khơi trong” sống vì nhân nghĩa, vì lòng tự trọng.

Công cuộc phòng chống tham nhũng tiêu cực của Đảng nhất là chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đã và đang được toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đồng tình hưởng ứng với thái độ và trách nhiệm chính trị rất cao. Bởi tham nhũng tiêu cực làm xói mòi lòng tin của nhân dân đối với Đảng, nhà nước và công cuộc xây dựng Chủ nghĩa xã hội; là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ.

Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ Đảng viên phải nêu cao ý thức “phê bình” và “tự phê bình”, “tự soi  tự sửa”, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng. Chống chủ nghĩa cá nhân, lợi ích nhóm. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu: “Cán bộ, Đảng viên, trước hết là người lãnh đạo phải biết trọng liêm sỉ, giữ danh dự, biết xấu hổ khi bản thân và người thân có hành vi tham nhũng, tiêu cực”.

Xây dựng bản lĩnh chính trị, vững vàng phẩm chất cách mạng trong sáng; ý thức cộng đồng tốt đẹp. Kiên quyết không để chủ nghĩa cá nhân ích kỉ, hẹp hòi, lòng tham vô đáy, đạo đức giả tạo, lý tưởng phai mờ, động cơ hèn yếu xâm nhập và trỗi dậy làm xói mòn giá trị của đạo lý tình người.

Trung tướng, PGS, TS Nguyễn Đức Hải

Bài viết liên quan

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận
Nhập tên của bạn

Bài viết phổ biến

Bình luận gần đây