Vào thời kỳ cuối năm 1970 bước sang năm 1971, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước chuyển sang giai đoạn vô cùng ác liệt. Đảng và Nhà nước ta chủ trương tổng động viên toàn dân tập trung toàn lực cho chiến trường Miền Nam với tinh thần tất cả cho tiền tuyến, tất cả vì tiền tuyến, tất cả vì Miền Nam ruột thịt, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng Miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Thế hệ thanh niên chúng tôi lúc đó lớp lớp lên đường nhập ngũ khi tuổi đời còn rất trẻ. Bất kể ở nông thôn, thành thị, miễn ngược, miền xuôi, những người đang lao động trên đồng ruộng, công trường, nhà máy hay học sinh vừa tốt nghiệp phổ thông, sinh viên đang học tập tại các trường Đại học, Trung học chuyên nghiệp… tất cả đều xung phong tình nguyện vào bộ đội để được ra chiến trường chiến đấu, giải phóng Miền Nam. Khí thế cách mạng những năm tháng này sục sôi như triều dâng, bão nổi.
Hòa chung trong khí thế ấy, tôi lên đường nhập ngũ khi vừa tốt nghiệp phổ thông cấp 3. Đơn vị tân binh của chúng tôi thuộc Sư đoàn 320B. Theo kế hoạch, chúng tôi chỉ huấn luyện trong thời gian 3 tháng để kịp bổ sung lực lượng chiến đấu cho chiến trường Miền Trung và Tây Nguyên. Nhưng sau đó, do yêu cầu của chiến trường, đơn vị chúng tôi được thay đổi nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu ở chiến trường Đô thị Miền Nam, thời gian huấn luyện kéo dài một năm, bộ khung huấn luyện cũng được thay đổi theo cho phù hợp với nhiệm vụ mới.
Đại đội trưởng trong bộ khung huấn luyện mới của tôi là Trung úy Đoàn Thế Tranh, quê ở tỉnh Hải Dương. Lúc đại đội trưởng mới về nhận nhiệm vụ, tôi đang làm văn thư liên lạc của đại đội. Ngày đầu gặp anh, tôi có ấn tượng mạnh mẽ về vị đại đội trưởng mới của mình. Một sỹ quan đeo lon trung úy, người cao ráo, nhanh nhẹn, tinh anh, trẻ trung, gọn gàng oai phong trong bộ quân phục đại cắn, khẩu súng lục đeo cộm bên hông. Nhìn anh tôi đầy ngưỡng mộ và thầm ao ước một ngày nào đó được như anh.
Thấy tôi đứng ngây ngất nhìn, đại đội trưởng hỏi, cậu lính trẻ kia nhìn tôi gì đấy? Tôi xấu hổ, đỏ mặt tía tai và ấp úng trả lời: “Dạ thưa em ngắm nhìn đại đội trưởng đấy ạ. Đại đội trưởng oai phong quá” Nghe tôi trả lời, đại đội trưởng mỉm cười đầy thân thiện và nhắc, thôi cậu đi mời các trung đội trưởng về họp với chỉ huy đại đội để bàn kế hoạch huấn luyện. Tôi nhanh nhẹn chấp hành. Tình cảm thân thiết sau này giữa tôi và đại đội trưởng như anh em ruột thịt trong một nhà, được vun đắp từ những giấy phút ấn tượng ban đầu ấy. Tôi không bao giờ quên được.
Là tân binh mới nhập ngũ, được phục vụ và làm việc trực tiếp với chỉ huy đại đội là một hạnh phúc và may mắn đối với một chiến sĩ binh nhì như tôi. Tôi làm văn thư liên lạc đại đội, nhưng trực tiếp giúp việc cho đại đội trưởng. Ngoài công việc của văn thư liễn lạc, tôi cũng phải tham gia huấn luyện về chính trị, về kỹ chiến thuật như các chiến sĩ tân binh khác, do đó đòi hỏi tôi phải hoàn thành khối lượng công việc nhiều hơn. Đại đội trưởng hiểu rõ điều này nên luôn động viên khích lệ tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ và cũng nghiêm khắc nhắc nhở, phê bình khi tôi chưa hoàn thành công việc được giao. Nhờ đó, đại đội trưởng giúp tôi trưởng thành về mọi mặt, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ kỹ chiến thuật cần thiết để hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu trên chiến trường.
Những lúc rảnh rỗi, tôi thường tâm sự với đại đội trưởng về hoài bão, lý tưởng của mình, về tâm tư tình cảm của một chiến sỹ tân binh khi lần đầu phải xa cha mẹ, gia đình, và về nỗi nhớ nhà, nhớ bạn bè
thân thiết… Anh luôn chia xẻ và thông cảm những suy nghĩ của tôi, vì anh nỗi cũng giống suy nghĩ của anh lúc mới nhập ngũ. Anh nhắc nhở tôi phải luôn học tập, rèn luyện, phấn đấu và phải hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ để xứng đáng với sự tin tưởng của lãnh đạo đại đội, của anh và của cha mẹ, gia đình.
Kết thúc thời gian huấn luyện, đơn vị chúng tôi lên đường vào Nam chiến đấu. Điều may mắn cho tôi là đại đội trưởng huấn luyện vẫn cùng chúng tôi lên đường, mà không phải thay thế bằng chỉ huy khác. Đơn vị chúng tôi hành quân vào chiến trường với thời gian 3 tháng vượt dãy Trường Sơn của đường dây 559 huyền thoại. “Trường Sơn, đỗng nắng, tây mưa. Ai chưa đến đó như chưa hiểu mình”, hai câu thơ nổi tiếng của nhà thơ Tố Hữu đủ khắc họa nỗi gian khổ, hiểm nguy của những người chiến sỹ hành quân vượt đỉnh Trường Sơn vào chiến trường Miền Nam chiến đấu.
Những tháng ngày hành quân trên đỉnh Trường Sơn, tôi càng hiểu thêm về đại đội trưởng của tôi và càng kính phục, quý mến anh nhiều hơn. Có đêm hành quân đến trạm dừng chân, cả đơn vị lo đào công sự, nấu cơm ăn buổi tối và chuẩn bị mang theo vào ngày hôm sau. Chúng tôi, trai trẻ đã thấy mệt lả, còn anh lớn tuổi hơn chắc sẽ mệt hơn nhiều. Nhưng anh vẫn tham gia đào công sự (mà lẽ ra công việc đó là của liên lạc chúng tôi), cùng tham gia đào bếp Hoàng Cầm (bếp nấu không khói, không thấy ánh lửa), bổ củi nấu cơm. Anh hướng dẫn chúng tôi từng động tác để mọi việc được hoàn thành nhanh, sớm được nghỉ ngơi, lấy sức cho ngày hành quân hôm sau.
Một kỷ niệm đặc biệt của tôi về một đêm hành quân. Đêm ấy là đêm giao thừa Tết Nhâm Tý 1972, chúng tôi dùng chân nghỉ tại một Binh trạm trên đỉnh Trường Sơn. Sau khi cơm nước xong, đại đội trưởng đề xuất với Ban chỉ huy đại đội gọi chúng tôi ngồi nói chuyện để giúp mọi người đỡ nhớ nhà. Đại đội trưởng đề nghị mỗi người kể một câu chuyện về ngày Tết. Tôi là người được đại đội trưởng ưu tiên cho kể trước. Suy nghĩ một lúc, tôi chọn kể câu chuyện trưa 30 Tết năm 1968.
Khi ấy tôi 16 tuổi. Tết năm nào cũng vậy, mẹ tôi luôn làm món chân giò hầm để nấu miến. Vì mẹ biết đó là món ăn hợp khẩu vị và ưa thích nhất của tôi. Được mẹ giao nhiệm vụ chuẩn bị bếp than hầm chân giò, tôi chọn loại than đen ông chất lượng cao cho vào bếp lò. Chỉ một lát
sau khi nhóm lửa là lò than đã đỏ rực, sẵn sàng cho việc hầm chân giò. Năm ấy nhà tôi mổ lợn nhà nuôi chia cho bà con theo phân phối của HTX. Vì nhà tôi là chủ nhà nên được ưu tiên chia hai chiếc chân giò. Tôi mừng lắm vì Tết này có nồi chân giò hầm thật to. Sau khi bố tôi cúng cơm bàn thờ Tổ tiên trưa 30 Tết theo truyền thống, cả nhà quây quần bên mâm cơm cuối năm thật đầm ấm, vui vẻ và hạnh phúc.
Trong lúc cả nhà đang ăn uống vui vẻ, bố tôi phát hiện mùi thịt cháy khét. Sực nhớ ra nỗi hầm chân giò chưa bắc ra khỏi lò than, tôi vội lao xuống bếp để nhắc nồi hầm. Nhưng đến nơi, tôi sững sờ nhìn những cục chân giò béo ngậy, chắc nịch lúc mới cho vào nồi hầm đã biến thành những cục than đen sạm. Tôi thất thểu bước lên nhà nói với mẹ. Mẹ ơi, nồi chân giò hầm cháy hết rồi mẹ ạ. Trấn tĩnh một vài giây, mẹ ôm chầm lấy tối khóc nức nở vì thương con Tết này không còn món ăn mà con trai ưa thích nhất (hồi đó không thể ra chợ mua chân giò khác thay thế).
Tôi ân hận vô cùng về sự cẩu thả của mình đã làm cho mẹ phải buồn. Tôi động viên mẹ đừng khóc nữa. Tôi thì thầm nói với mẹ, Tết này con ăn món khác cũng được mẹ ạ. Tôi nói rồi gục đầu vào vai mẹ, thương mẹ quá, nước mắt tôi lăn tràn trên hai gò má. Lấy tay lau nước mắt cho tôi, mẹ nói Tết sang năm mẹ hầm cho con nồi chân giò khác nhiều hơn và ngon hơn. Bàn tay mẹ nhẹ nhàng xoa lên hai vai tôi để an ủi cậu con trai của mẹ.
Kể xong câu chuyện, tôi không kìm nén được nỗi nhớ và thương mẹ nên bật khác như đã khóc với mẹ ngày nào. Đại đội trưởng ôm lấy tôi vỗ về và trêu tôi, con trai gì mà mít ướt thế. Mọi người cùng cười ồ lên vui vẻ để cho tôi đỡ thẹn. Sau tôi, nhiều câu chuyện kỷ niệm hấp dẫn khác được
các đồng đội kể say sưa như không muốn dừng lại. Nhờ sáng kiến của đại đội trưởng, làm cho không khí đêm giao thừa tại đỉnh Trường Sơn của chúng tôi được vui vẻ và ấm áp hơn. Đêm đã về khuya, đại đội trưởng tuyên bố kết thúc buổi kể chuyện đón giao thừa, để mọi người nghỉ ngơi lấy sức hành quân vào sáng mùng một Tết Nhẫm Tỷ.
Khi chúng tôi trở về võng của mình, đại đội trưởng còn nói với theo, đến ngày giải phóng mình sẽ nấu chiêu đãi các cậu một nồi chân giò hầm thật nhiều và thật ngon nhé, chúc các chàng trai trẻ ngủ ngon lấy sức mai hành quân. Chúng tôi cùng cười và đồng thanh cám ơn đại đội trưởng, chúc đại đội trưởng ngữ ngon. Những cơn gió lạnh xuyên qua vòm lá rừng Trường Sơn đêm khuya đến từng cánh võng, nhưng sau những giây phút vui vẻ chúng tôi nhanh chóng chìm vào giấc ngủ. Tháng 5/1972, đơn vị chúng tôi hành quân đến điểm tập kết cuối cùng tại Kông Pông Chàm – Campu- chia. Đại đội tôi được điều động về mặt trận Phân khu 6 – Phân khu đặc đô Sài Gòn (FK6). Riêng tôi được Cục Tham Mưu FK6 điều động về công tác tại Phòng Quân lực Phân khu. Hôm liên hoan chia tay, đại đội trưởng ôm lấy tôi. Anh ghì tôi thật chặt vào lòng và chúc tôi cố gắng hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ trong môi trường công tác mới, luôn nhớ về anh, nhớ về các đồng đội của mình. Hai thầy trò đều hiểu rằng là chiến sỹ phải chấp hành mệnh lệnh được phân công, nhưng trong sâu thẳm lòng mình cả tôi và đại đội trưởng đều giấu kín nỗi buồn khi phải chia tay, mỗi người một đơn vị và rất khó liên lạc với nhau, chưa hẹn ngày gặp lại.
Thế rồi, như có một sự sắp đặt để gắn kết đại đội trưởng với tôi. Sau gần 02 năm xa cách, Đại đội trưởng được Bộ Tư lệnh Quân khu điều động về công tác tại đơn vị của tôi, Phòng Quân lực – Quân khu Sài Gòn – Gia Định (tiền thân là Phòng Quân lực FK6). Thật vui khi tôi và Đại đội trưởng của tôi lại được gặp nhau, cùng công tác trong một đơn vị, cùng ở bên nhau để sống và chiến đấu trên chiến trường. Hôm đại đội trưởng của tôi về nhận nhiệm vụ, đơn vị tôi tổ chức liên hoan đón nhận thành viên mới, cả đơn vị rộn rã tiếng cười. Đại đội trưởng của tôi vẫn tươi tắn và hóm hình như ngày nào.
Tháng 3/1975, để chuẩn bị cho chiến dịch Hồ Chí Minh, tổng tấn công giải phóng Miền Nam, thống nhất Tổ quốc, Quân khu Sài Gòn – Gia Định được bổ sung lực lượng chiến đấu. Đại đội trưởng của tôi được giao nhiệm vụ đi đón nhận quân bổ sung ở trên Miền (trên R). Trên đường đi công tác bị máy bay địch ném bom, không may anh bị một mảnh bom xuyên phá qua đùi, làm vỡ xương chậu. Vết thương quá nặng và anh bị mất rất nhiều máu. Khi đơn vị phát hiện anh bị thương đã khẩn trương sơ cứu và chuyển anh vào viện Quân y ở Hố Bò – Củ Chi cứu chữa. Do bị mất quá nhiều máu, sức khỏe bị suy kiệt, anh trút hơi thở cuối cùng tại bệnh viện Quân y.
Lúc đó, đơn vị quân lực của chúng tôi đang rất bận rộn cho công việc chuyên môn làm biên chế quân số, trang bị cho các đơn vị chiến đấu, kịp bổ sung theo yêu cầu của mặt trận, nên chúng tôi không thể về Quân y viện tiễn biệt anh. Việc chôn cất anh do Quân viện đảm nhận. Tôi và các đồng đội thương anh và đau khổ đến tột cùng vì chúng tôi vĩnh viễn mất một đồng đội thân yêu, tối mất một đại đội trưởng vô cùng yêu quí như người anh ruột của mình, người đã dạy dỗ rèn luyện tôi trưởng thành kể từ ngày tôi mới vào quân đội.
Điều làm cho chúng tôi càng thương đại đội trưởng của tôi nhiều hơn là chỉ một thời gian ngắn sau khi đại đội trưởng của tôi hy sinh, chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, Miễn Nam được hoàn toàn giải phóng, Tổ quốc được thống nhất, giang sơn được thu về một mối. Chúng tôi được trở về đoàn tụ với gia đình, được sống trong cảnh đất nước thanh bình, không còn chiến tranh, còn đại đội trưởng của tôi thì không được hưởng niềm vui và hạnh phúc ấy.
Đại đội trưởng của tôi đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng Miền Nam, thống nhất Tổ quốc, nhưng cho đến nay, sau gần 50 năm gia đình anh và đơn vị chúng tôi vẫn chưa tìm thấy hải cốt của anh để di dời về quê hương anh, đoàn tụ với tổ tiên, gia đình. Một món nợ vô cùng to lớn đối với đại đội trưởng của tôi, món nợ cử dằn vặt trong lòng tôi chưa bao giờ dứt.
Điều tôi muốn nói ở đây là khi đại đội trưởng mất được Quân y viện chôn cất tại Hố Bò – Củ Chi. Nhưng khi gia đình anh và đơn vị chúng tôi về nơi chôn cất thì phần mộ của anh không còn. Nghe nói hài cốt anh được di dời về an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ Củ Chi, chúng tôi và gia đình anh đến gặp Ban quản lý Nghĩa trang Liệt sĩ Củ Chi xem danh sách liệt sĩ thì không có tên anh. Chúng tôi tìm trên tất cả các ngôi mộ cũng không thấy tên anh.
Gia đình anh và chúng tôi rất buồn vì không tìm thấy mộ của anh. Một dấu hỏi rất lớn đặt ra là biết nơi anh mất, biết chỗ an táng anh, nhưng cuối cùng lại không tìm thấy mộ của anh. Chúng tôi hy vọng Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP. Hồ Chí Minh sẽ giúp tìm ra mộ của anh, để hồi hương hài cốt anh về đoàn tụ với gia đình, quê hương. Tôi mong điều đó thành hiện thực.
LS Trần Văn Sự