Thứ Sáu, Tháng Mười Hai 8, 2023
Trang chủVĂN HÓA-VĂN NGHỆĐẶC SANCỰU GIÁO VIÊN 15 NĂM TÌM MỘ LIỆT SĨ

CỰU GIÁO VIÊN 15 NĂM TÌM MỘ LIỆT SĨ

NGUYỄN VĂN BẠCH

Ông Nguyễn Sỹ Hồ, sinh năm 1956, quê Hà Tĩnh, nguyên là giáo viên cấp III  huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Từ quá trình 30 năm đi tìm mộ người anh trai hy sinh tại chiến trường miền Nam, ông Nguyễn Sỹ Hồ càng thấu hiểu nỗi niềm của những gia đình chưa tìm được mộ người thân là liệt sĩ hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. 

Ông Nguyễn Sỹ Hồ ( áo trắng đứng giữa ) cùng thân nhân liệt sĩ đến viếng mộ do ông tìm được

Đặc biệt qua thực tế, ông giáo già  này nắm được rất nhiều lý do để “giải mã” tại sao gia đình liệt sĩ chưa tìm được mộ người thân, trong đó có những sai sót, bất cập trong quản lý hồ sơ liệt sĩ của các ngành các cấp, kể cả những “bí mật” trong công việc tìm kiếm mộ liệt sĩ. Từ đó, ông Sỹ Hồ phát tâm tình nguyện giúp các gia đình đi tìm mộ ngườì thân là liệt sĩ hy sinh ở  chiến trường miền Nam.

Tính từ khi bắt đầu phát tâm đi tìm mộ liệt sĩ (2007) đến nay, đã 15 năm, ông Sỹ Hồ đã làm được khối lượng công việc khá lớn. Ông đã đi hơn 1.000 nghĩa trang liệt sĩ (NTLS), chụp khoảng 800.000 ảnh mộ. Điều đáng để tri ân người giáo viên về hưu này là nhờ “công trình” thu thập dữ liệu, nghiên cứu, thực chứng và trực tiếp giúp đỡ, đồng hành với gia đình liệt sĩ… mà hơn 10.000 gia đình liệt sĩ đã tìm được mộ người thân (chưa kể nhiều người tìm được nhưng không hồi âm).

Trong hành trình đi tìm mộ liệt sĩ, ông Sỹ Hồ cho biết có những câu chuyện mừng vui và đầy xúc động.

Như trường hợp anh Nguyễn Hùng Vân, quê huyện Thọ  Xuân, Thanh Hóa, sau thời gian dài tìm mộ bố hy sinh tại chiến trường miền Nam trong vô vọng, anh đã bất ngờ thấy thông tin chính xác về mộ bố trong website “Nguoiduado.vn” do ông Nguyễn Sỹ Hồ lập ra. Anh Vân liền điện cho ông Sỹ Hồ với tâm trạng: “Con nghẹn lắm, không biết nói gì hơn. Giờ tay con run quá. Con cảm ơn bác. Con cảm ơn bác”. “Người con của liệt sĩ khóc nghẹn gọi điện cho tôi. Anh ta không ngờ khi niềm tin tìm được mộ bố gần như tắt ngấm thì mọi thứ hiển hiện rõ ràng với thông tin người bố đang nằm tại NTLS tỉnh Kiên Giang. Tôi đã về địa phương hướng dẫn các thủ tục cần thiết và sau đó anh đến đưa hài cốt bố về quê”, ông Sỹ Hồ cho biết.

Trường hợp khác khiến ông Sỹ Hồ trằn trọc không ngủ được khi nhận cuộc điện thoại đẫm nước mắt của người cháu báo tin  sau 51 năm gia đình mòn mỏi đợi chờ, nay đã tìm được  mộ ông nội – liệt sĩ Nguyễn Duy Đăng. “Cháu khóc như trẻ con, không nói được câu nào trong ngày đón hài cốt của ông nội về quê.  Cháu nói cảm ơn tôi không dứt”. Ông Sỹ Hồ kể lại.

Ông Sỹ Hồ cho biết, còn biết bao câu chuyện cảm động như thế, kể sao cho hết chuyện đẫm nước mắt khi các gia đình tìm được mộ liệt sĩ sau nhiều năm trời vô vọng. Có người đã hoàn toàn bỏ cuộc. Có những người cha, người mẹ liệt sĩ không còn trên đời này để kịp nhìn đứa con trở về, dù đó là một nắm xương cốt”.

Ông Sỹ Hồ chia sẻ thêm câu chuyện đã kết nối tìm mộ liệt sĩ Lê Văn Huấn, thuộc E 271 hy sinh tại mặt trận Quảng Đức năm 1973. Một điều khiến ông Sỹ Hồ vô cùng xúc động khi biết cụ Lê Văn Nhân, bố của liệt sĩ Huấn, đã mỏi mòn chờ tin người con trai duy nhất này tới tận 90 tuổi rồi mất đi trong nỗi khắc khoải  không  tìm được mộ con. Còn anh Lâm, người nhận lãnh lời trăn trối của ông nội phải tìm được mộ cha con. Lâm chính là người con duy nhất của liệt sĩ Huấn. Sinh ra không không biết mặt bố, trong tim anh Lâm luôn đau đáu phải tìm được mộ bố. Nhưng vì hoàn cảnh kinh tế, cùng với thông tin về bố mơ hồ “hy sinh tại mặt trận phía Nam”, làm anh Lâm đành cắn răng chịu đựng”, ông Sỹ Hồ chia sẻ. Thế rồi, nhờ ông Sỹ Hồ thu thập, cung cấp thông tin, anh Lâm đã “gặp” được bố tại NTLS huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước .

Ông Sỹ Hồ bồi hồi kể lại: Mặc dù  đã làm công tác tư tưởng với anh Lâm, khuyên anh nén đau thương, bình tĩnh, thế nhưng khi đến NTLS chúng tôi hết sức bối rối. Giữa trời nắng trưa, mặt sân bê tông ở nghĩa trang nóng như lò lửa, vậy mà anh Lâm nằm dài trên mộ bố khóc và thở ngắt quảng. Khó khăn lắm chúng tôi mới đưa anh vào chỗ có bóng cây để hồi sức. Thế mới biết nỗi đau của người con liệt sĩ chưa một lần nhìn thấy mặt bố mình. Trong hành trình của mình, tôi chứng kiến hàng trăm cuộc “hội ngộ” từ hai thế giới, lần nào cũng làm tôi xúc động nghẹn ngào. Cuộc “hội ngộ giữa bố con anh Lâm cứ luôn hiện hữu trong tôi, giục bước chân mình phải nhanh hơn nữa”, ông Sỹ Hồ trải lòng.

Bài viết liên quan

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận
Nhập tên của bạn

Bài viết phổ biến

Bình luận gần đây