Duy Hiến
Hằng năm, Cựu chiến binh (CCB) – Doanh nhân Phạm Kim Sầm đóng góp trên 50 triệu đồng trong xây dựng địa phương, hội Người cao tuổi, hội Chữ thập đỏ, hội CCB, Cựu thanh niên xung phong (TNXP) phường; bếp ăn tình thương phục vụ bệnh nhân nghèo tại Bệnh viện Đa khoa thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước. Vừa qua, ông đã ủng hộ Quỹ phòng, chống dịch Covid-19, 80 triệu đồng và 1 tấn gạo dẻo thơm giúp đỡ bà con nghèo khó khăn.
BẢO ĐẢM ĐỜI SỐNG CÔNG NHÂN
Công ty TNHH Một thành viên Thanh Minh Ngọc chuyên kinh doanh hạt điều xuất khẩu (Địa chỉ: Khu phố 3, phường Long Thủy, thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước), giám đốc là CCB Phạm Kim Sầm cùng vợ bà Nguyễn Thị Oanh và 3 con gái đều đã tốt nghiệp đại học quản trị kinh doanh. Công ty đã tạo việc làm quanh năm cho hơn 100 lao động, có thời điểm công nhân lên đến 200. Trong thời gian dịch bệnh Covid-19, công ty của CCB Phạm Kim Sầm vẫn duy trì hoạt động tốt, lương công nhân tối thiểu đạt 7 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, một số doanh nghiệp kinh doanh hạt điều buộc “treo” xưởng hoặc hoạt động cầm chừng.
CCB Phạm Kim Sầm cho biết: “Sản phẩm doanh nghiệp có uy tín từ lâu, hạt điều đạt chất lượng màu sáng đẹp, sạch và đều, nên trong thời gian bị dịch Covid-19, các công ty thu mua hạt điều chế biến vẫn đến hợp đồng. Riêng ở địa phương, sản phẩm điều cũng được nhiều công ty, doanh nghiệp muốn mua lại. Công nhân làm cho công ty đều ở tại địa phương. Công nhân đến làm được bảo vệ phát khẩu trang và nước sát khuẩn rửa tay. Công nhân phấn khởi, tín nhiệm doanh nghiệp. Mình bảo đảm đời sống tinh thần lẫn vật chất cho công nhân; ngày tết, ngày lễ cho công nhân nghỉ, có tặng quà, tặng thưởng cuối năm và có thêm lương tháng 13”.
THÁCH THỨC TRONG KHỞI NGHIỆP
Về quá trình xây dựng và phát triển công ty, CCB Sầm cho chúng tôi biết, năm 1977, vợ chồng ông từ Phú Thọ chuyển vào công tác ở huyện Phước Long (cũ). Khi đó, ông công tác tại Viện Kiểm sát nhân dân huyện, còn vợ là cán bộ thương nghiệp. Năm 2005, ông Sầm nghỉ hưu, rồi mở đại lý thu mua nông sản và dịch vụ xay xát. Năm 2008, công nghiệp chế biến điều Việt Nam phát triển rầm rộ. Từ học hỏi kinh nghiệm quản lý doanh nghiệp của người bạn, vợ chồng ông mạnh dạn chuyển hướng mở cơ sở chẻ hạt điều gia công. Quy mô ban đầu còn khiêm tốn, chỉ có 6 bàn chẻ với 10 nhân công. Lãi tích lũy, gia đình đầu tư tăng dần số lượng máy và mua nguyên liệu tích trữ.
Năm 2015, công ty đã có chỗ đứng trên thị trường và có thêm sự trợ lực của các con trong quản trị doanh nghiệp. Vợ chồng ông quyết định đầu tư công nghệ máy móc như lò hấp điện thay thế lò hấp thủ công, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; máy bóc vỏ lụa, máy bắn màu phân cỡ, máy dò kim loại, tạp chất; máy đóng gói và phương tiện vận chuyển hiện đại, trị giá hơn 5 tỷ đồng. Do sử dụng máy móc hiện đại nên đã giảm công lao động từ 200 xuống còn 100.
Thách thức, khó khăn không nhỏ đối với công ty khi bước đầu phải vay vốn ngân hàng qua thế chấp đất rẫy, nhà ở và một phần kho cho ngân hàng. Thậm chí ngân hàng phải cử người đến coi giữ, cho đến khi trả hết nợ. Vợ chồng và các con ông đã cùng đồng tâm ý hợp, động viên nhau vượt qua những khó khăn trước mắt, xây dựng doanh nghiệp bình ổn hoạt động lâu dài. Họ vừa làm giàu cho gia đình, vừa đóng góp xây dựng địa phương và chung tay giúp đỡ người nghèo, gia đình chính sách khó khăn.
Giới thiệu về quy mô của doanh nghiệp, Giám đốc Sầm nói: “Hiện công ty có 3 phân xưởng, mỗi xưởng cách nhau 1-2km, với 100 công nhân. Nhà ở vừa là văn phòng, vừa làm xưởng phân loại sản phẩm. Sản lượng chế biến của công ty dao động 5.000 – 6.000 tấn/năm, mỗi tháng xuất 10 container, mỗi container 40 tấn, gần 100 tấn hạt điều nhân. Lãi khoảng 4 tỷ đồng/năm sau khi chi trả các khoản: thuế, tiền công nhân, sinh hoạt đời sống gia đình.
TẤM LÒNG NHÂN ÁI
Chị Nguyễn Thị Lan Anh, tổ trưởng của khâu phân loại hạt điều có tay nghề 12 năm, cho biết: “Chú Sầm luôn động viên hay hỏi han chúng em. Công nhân ai ốm đau hay có người thân qua đời, chú có mặt liền để động viên, chia sẻ và giúp tiền thuốc men, ăn uống bồi dưỡng, tiền hỗ trợ đám tang… Ngày tết, ngày lễ công ty đều tặng quà cho công nhân và các cháu con công nhân học giỏi; tặng tiền, vở viết, học bổng cho các cháu gia đình khó khăn. Năm nào chú Sầm cũng cho công nhân đi tham quan du lịch như đi Vũng Tàu, Nha Trang, Đà Lạt… Chú rất quan tâm đến công nhân, nên chúng em làm ở đây rất phấn khởi, hài lòng với công việc của mình, có thu nhập ổn định”.
Hằng năm, doanh nhân Phạm Kim Sầm còn giúp đỡ hàng chục triệu đồng trong đóng góp xây dựng địa phương; giúp hội người cao tuổi phường, hội chữ thập đỏ, hội CCB, cựu TNXP, bếp ăn tình thương phục vụ bệnh nhân nghèo tại Bệnh viện Đa khoa thị xã Phước Long. Vừa qua, doanh nghiệp của ông còn ủng hộ Quỹ phòng, chống dịch Covid-19 80 triệu đồng và 1 tấn gạo giúp đỡ bà con khó khăn.
Quá trình phục vụ cách mạng và công tác, CCB, doanh nhân Phạm Kim Sầm đã được Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Hội CCB Việt Nam, Hiệp hội Doanh nhân CCB Việt Nam tặng nhiều bằng khen, chứng nhận. 79 tuổi và gần 60 năm tuổi Đảng, CCB Phạm Kim Sầm còn được vinh danh “Cựu chiến binh sản xuất – kinh doanh giỏi” cấp tỉnh, cấp Trung ương – nhờ xây dựng và phát triển doanh nghiệp hạt điều xuất khẩu thành công.