Thứ Bảy, Tháng Mười Hai 9, 2023
Trang chủNHỊP CẦU BẠN ĐỌCBẠN ĐỌC VIẾTCUỘC VẬN ĐỘNG SÁNG TÁC ĐẬM NGHĨA TÌNH

CUỘC VẬN ĐỘNG SÁNG TÁC ĐẬM NGHĨA TÌNH

Cuộc vận động viết về đề tài thương binh-liệt sĩ, thể loại bút ký văn học (đợt 1) với chủ đề “Ðền ơn đáp nghĩa” do Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh và Tạp chí Văn nghệ thành phố tổ chức được phát động vào ngày 17/12/2021. Qua hai phần ba chặng đường, đã có nhiều tác giả trên mọi miền đất nước gửi bài tham gia với những nhân vật làm lay động lòng người.
Các đại diện trao đổi ý kiến trong buổi sơ kết cuộc vận động sáng tác bút ký văn học về đề tài thương binh-liệt sĩ.
Các đại diện trao đổi ý kiến trong buổi sơ kết cuộc vận động sáng tác bút ký văn học về đề tài thương binh-liệt sĩ.

Theo Ban tổ chức, nội dung của các tác phẩm gửi dự thi, hầu hết các tác giả bám đúng chủ đề ca ngợi sự hy sinh cao cả của liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình liệt sĩ; tôn vinh những nhà tài trợ, hảo tâm, những người thiện nguyện đồng hành với Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ chăm lo, hỗ trợ gia đình liệt sĩ. Cuộc thi thu hút không chỉ một số nhà văn, nhà báo đã khẳng định tên tuổi và tâm huyết với đề tài về chiến tranh, về những con người ngã xuống cho Tổ quốc, mà còn có một số người viết vì thôi thúc tự thân trước những người thân yêu của mình đã hy sinh; một số bài viết được gửi đến từ những người chưa từng cầm bút, chưa từng xuất hiện trên văn đàn hay báo giới.

Nhà văn Trầm Hương, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh, thay mặt ban sơ khảo cuộc thi cho biết, cuộc vận động sáng tác nhận nhiều câu chuyện cảm động, những tấm gương anh hùng của thương binh, liệt sĩ trong chiến tranh; nghĩa tình đồng đội, nhân văn, độc đáo với những chân dung thương binh thời bình.

Ðiển hình như chị Kiều Quốc Túy vì “nhớ thương, khâm phục cha” mà viết những trang cảm động gửi đến người đang sống. Một số nhà báo từ Quảng Nam đã nhiệt tình gửi những bài viết mang tính đồng hành, đeo bám nhân vật, đề tài như Phan Quế Hà với bài ký “Tên anh khắc vào đá núi” vẫn chưa thôi day dứt khi khép lại những trang viết của mình, bởi 52 liệt sĩ trong trận ném bom của địch ở Khe Hương, Tân Thuận, Sơn Tân, Quế Sơn vẫn còn nhiều người chưa xác định được danh tính. Hay như câu chuyện Nhà văn Bạch Phần (Ðồng Tháp) đậm chất nhân văn, khiến chúng ta nghiêng mình trước một Kiều Nguyệt Nga thời hiện đại. Tác giả Vũ Minh Phúc gửi đến một chân dung thật ấn tượng. Ðó là cựu chiến binh Ðào Văn Quân ở thôn Yên Từ, xã Mộc Bắc, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam vẫn từng ngày lầm lũi trên chiếc xe đạp cà tàng, suốt 360 ngày đi tìm mộ đồng đội. Cũng từ chiếc xe đạp ấy, ông đã tìm được hàng nghìn ngôi mộ liệt sĩ.

Theo Nhà văn Trầm Hương, hơn nửa chặng đường đã qua, cuộc vận động sáng tác về đề tài thương binh-liệt sĩ, thể loại ký văn học lần này cũng còn đôi điều suy ngẫm. “Cuộc thi chưa thu hút đông đảo người tham gia. Nhiều bài viết không chạm đến trái tim người đọc khi mô tả giá trị to lớn của hy sinh nhưng thiếu những chi tiết sống động, không đi sâu vào số phận con người, sự kết nối quá khứ và hiện tại”, Nhà văn Trầm Hương nhận định. Một số ý kiến cho rằng, cuộc vận động sáng tác nhấn mạnh “ưu tiên trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và miền Ðông Nam Bộ” nhưng cho đến nay, nhiều câu chuyện về thương binh-liệt sĩ và con cháu ở Thành phố Hồ Chí Minh vẫn chưa được viết nhiều, trong khi tầm vóc những hy sinh cho thành phố của nhiều thế hệ rất lớn lao, cảm động.

Ðại tá, Nhà văn Trần Thế Tuyển, Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh, Trưởng Ban tổ chức cuộc vận động viết về đề tài thương binh-liệt sĩ cho rằng, cuộc vận động đã thu hút được sự quan tâm của toàn xã hội. Số lượng tác phẩm gửi về tham gia cuộc vận động chưa nhiều nhưng chất lượng về cơ bản đã bám sát mục tiêu của Ban tổ chức đề ra đó là “nhằm lan tỏa, tri ân những tấm gương hy sinh cao cả của anh hùng, liệt sĩ, thương binh của thân nhân liệt sĩ”. “Ðiều đáng chú ý, không chỉ người viết chuyên nghiệp và bạn viết tại Thành phố Hồ Chí Minh và miền Ðông Nam Bộ, nhiều cây bút ở các địa phương trong cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài cũng quan tâm gửi bài hoặc góp ý cho cuộc vận động”, Nhà văn Trần Thế Tuyển nhấn mạnh.

Nhận bài đến ngày 30/9/2022, Ban tổ chức lưu ý chủ đề cuộc vận động không chỉ tôn vinh, tri ân anh hùng, liệt sĩ mà còn phát hiện, ngợi ca những tấm gương của thân nhân liệt sĩ, thương binh trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và cả trong đời thường. Các tác giả cần chú ý khắc họa chân dung những nhà hảo tâm, thiện nguyện – những người đã chia sẻ vật chất và tinh thần hỗ trợ cho các gia đình liệt sĩ, thương binh. Ban tổ chức hy vọng sẽ có được những nhân tố bất ngờ vào chặng cuối cuộc vận động sáng tác. Chỉ còn ba tháng nữa cuộc thi sẽ khép lại, Ban tổ chức kêu gọi sự nhiệt tình, dấn thân và tăng tốc từ những tác giả được truyền cảm hứng từ cuộc vận động sáng tác nghĩa tình này.

Nhà văn Trầm Hương tin tưởng, lực lượng cầm bút tại Thành phố Hồ Chí Minh rất hùng hậu, chắc chắn sẽ tạo được mùa bội thu tác phẩm với những dấu ấn trang viết và nhân vật độc đáo, những nhân tố mới, những đột phá từ nền lịch sử bi tráng của Thành phố anh hùng.

Bài viết liên quan

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận
Nhập tên của bạn

Bài viết phổ biến

Bình luận gần đây