Chủ Nhật, Tháng chín 15, 2024
Trang chủNHỊP CẦU BẠN ĐỌCCuộc hội ngộ của những người lính già

Cuộc hội ngộ của những người lính già

Từ những kỷ niệm chiến trường lúc còn mang súng, khoác ba lô đến những câu chuyện đời thường khi đã nghỉ hưu, những người lính già kể với nhau bằng giọng hào sảng, thấm đượm tình đồng đội. Có lẽ không có cuộc hội ngộ nào vui bằng ngày gặp lại của những người lính năm xưa.

Một ngày cuối tháng 2, Đại tá Nguyễn Văn Ái (Chín Ái) gọi cho tôi với giọng đầy trìu mến: “Chú chuẩn bị về thăm đồng đội, ông là Trung Đoàn phó, Tham mưu trưởng Trung đoàn Gia Định hồi đó, ổng ở Bình Dương, có trang trại lớn lắm”. Vậy là chúng tôi lại lên đường.

Cùng đi với Đại tá Chín Ái có Đại tá Lê Thanh Song (Nguyên Trưởng Phòng chính sách Quân khu 7, Phó Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TPHCM). Khác với những chuyến đi làm công việc nghĩa tình, chuyến đi lần này của chúng tôi có phần khoan thai, nhẹ nhàng hơn.

Trong suốt hành trình di chuyển, thi thoảng Đại tá Chín Ái lại lấy từ túi áo trên một mảnh giấy nhỏ ghi địa chỉ “trang trại tổng hợp Đoàn Minh Chiến”, rồi ông lại bốc điện thoại gọi cho người bạn già là ông Đoàn Minh Chiến (hay còn gọi Ba Chiến) để báo đoàn đang đi đến những điểm nào, dự kiến bao lâu tới. Qua cuộc điện thoại, tôi cảm nhận rõ sự hào hứng của những người lính già ngày gặp lại.

Những người lính già tham quan trang trại của ông Đoàn Minh Chiến

Hơn 2 giờ đồng hồ di chuyển, với sự chỉ dẫn của người dân địa phương, chúng tôi đến được trang trại của ông Chiến, thủ phủ bưởi da xanh ở Ấp Vườn Ươm, Xã Tân Định, Huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Có mặt ở trang trại từ sớm, ông Ba Chiến với trang phục chỉnh tề (quần tây, áo sơ mi trắng sơ vin), tóc tai vuốt ngược cùng người bạn cựu chiến binh đã sẵn sàng trà nước, rượu ngon để tiếp bạn hiên.

Tay bắt mặt mừng, cuộc hội ngộ như trút được bao nỗi niềm, ký ức trong lòng những người lính năm xưa bởi nó đúng bản chất của một chuyến về thăm đồng đội chứ không phải vô tình gặp với đôi ba câu hỏi thăm qua loa.

Sau thủ tục hỏi thăm sức khoẻ, gia đình, công việc hiện tại, ông Chiến bày ra bàn 2 dĩa bưởi da xanh lớn để đãi chúng tôi, đây chính là sản phẩm được làm nên từ tâm huyết, công sức của ông mấy chục năm qua.

Sau đó, ông dẫn chúng tôi đi tham quan một vòng trang trại. Điều đặc biệt ở trang trại này không phải là diện tích bưởi da xanh lớn mà trong đó ẩn chứa nhiều giá trị văn hoá đặc biệt. Đó là đền thờ những người tiền hiền (những người có công khai phá đất đai- PV), các Anh hùng liệt sĩ. Đây là đền thờ do gia đình ông Chiến phát tâm xây dựng, với tổng kinh phí gần 1 tỷ đồng; miếu chiến khu D thờ nền văn hoá Óc Eo 3.500 năm; Di tích khảo cổ học Hàng Ông Đại được Bảo tàng tỉnh Bình Dương công nhận năm 2008…

Cuộc hội ngộ của những người lính già

Cũng nhờ tấm lòng luôn hướng về những người có công khai phá đất đai, các Anh hùng liệt sĩ mà công việc làm ăn của ông Chiến luôn thuận lợi, suôn sẻ, đến nay hỏi về trang trại tổng hợp Đoàn Minh Chiến thì không ai không biết tới.

Quay trở lại cuộc hội ngộ của những người lính già, họ hãnh diện kể về những chiến công năm xưa, khi nghe ông Chín Ái khoe “Tôi là người duy nhất có 2 Mẹ Việt Nam anh hùng”, ông Ba Chiến đánh vào vai ông Chín nói với giọng đanh thép “Hồi đó, tao từng là Thủ trưởng của mày đấy”, rồi họ cùng nhau cười sảng khoái.

Ông Ba Chiến nhớ lại thời điểm tháng 12/1977, khi đó ông làm Tham Mưu trưởng Trung đoàn Gia Định, lúc đó ông có nhiệm vụ dẫn đội trinh sát nhưng không may đi lọt vào khu vực phục kích Pôn Pốt ở biên giới Campuchia khiến 2 chiến sĩ hy sinh và đến nay chưa tìm được xác. Hiện tại, ông và Đại tá Chín Ái vẫn luôn nuôi hy vọng tìm lại được xương cốt 2 chiến sĩ của Trung đoàn.

Sau đó 2 ngày sau, Trung đoàn đánh lên Memot, đi theo đường số 7 đến Phuôn Đôn, Sanua (Campuchia), trên đường đi Trung đoàn đã tiêu diệt gần 10 tên địch, thu nhiều vũ khí. Ông Ba Chiến nhấn mạnh, đây là trận đánh đầu tiên do Đại tá Chín Ái chỉ huy mà tiêu diệt và nhiều thu vũ khí của địch như vậy, trận đánh đó đã góp phần vào chiến dịch giải phóng Campuchia.

Đến năm 1978, ông Ba Chiến nhận nhiệm vụ của Quân khu và giao Đại tá Chín Ái đi rước Chea Sim (sau này Chủ tịch Quốc hội Campuchia) ở Cao điểm 13 cùng với 3.000 dân.

Tháng 12/1979, Trung đoàn đánh qua thị xã Tà Keo, truy đuổi và tiêu diệt Khmer đỏ, giải phóng Campuchia và sau đó rút về nước thực hiện các nhiệm vụ khác.

Dâng hương tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ 

Đón đồng đội trở về, ông Ba Chiến đãi nhiều món ăn dân giã ở cái xứ phù sa màu mỡ sát sông Bé như cá lăng chiên giòn, cá nấu lá giang… bên chén rượu nghĩa tình, họ tiếp tục kể cho nhau về thời mang súng, khoác ba lô, những ngày tháng không thể nào quên!

Trong chuyến đi lần này, Đại tá Chín Ái và Đại tá Lê Thanh Song ngỏ lời mong muốn ông Ba Chiến đứng ra cùng Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TPHCM thành lập Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh Bình Dương nhằm mở rộng địa bàn chăm lo cho các gia đình chính sách, có công với cách mạng. Tiếp lời hai đại tá, ông Ba Chiến cho biết, công việc chăm lo cho gia đình chính sách, có công với cách mạng là việc nên làm và ông cũng đã và đang thực hiện từ nhiều năm qua, ông hứa sẽ nghiên cứu, xem xét về đề xuất của 2 đại tá trong thời gian tới.

Đại tá Chín Ái và Đại tá Lê Thanh Song tặng đặc san Linh Khí Quốc Gia số Xuân Quý Mão 2023 và cuốn sách “Triệu ngày khắc khoải” cho ông Ba Chiến

Trước khi đoàn về lại TP.HCM, Đại tá Chín Ái và Đại tá Lê Thanh Song thay mặt Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TPHCM gửi tặng ông Ba Chiến đặc san Linh Khí Quốc Gia số Xuân Quý Mão 2023 và cuốn sách “Triệu ngày khắc khoải”. Đáp lại tấm chân tình của đoàn, ông Ba Chiến không quên gửi tặng bưởi da xanh và hẹn một ngày không xa sẽ tiếp tục được hàn huyên bên dòng sông Bé.

Mỗi chuyến trở về thăm đồng đội cùng Đại tá Chín Ái, các thành viên trong đoàn đều lưu lại những cảm xúc đặc biệt, xen lẫn đó là niềm tự hào về thế hệ Bộ đội Cụ Hồ, những người dành cả tuổi thanh xuân để cống hiến cho dân tộc Việt Nam.

Kim Sáng

Bài viết liên quan

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận
Nhập tên của bạn

Bài viết phổ biến

Bình luận gần đây