Anh hùng LLVT Huỳnh Ngọc Điệp
HUỲNH THỊ MỸ HUÊ
Tại chợ Thủ, làng Tân Ân, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Bạc Liêu, có người thiếu niên tên Huỳnh Ngọc Điệp.
14 tuổi, Huỳnh Ngọc Điệp theo cha vào vùng Thanh Tùng khai khẩn đất hoang lập nghiệp. Khi đất thành khoảnh thì bị địa chủ ác bá âm mưu giựt đất. Một lần bọn tay chân của y chôn trụ đá giành đất, chàng thiếu niên ấy hiên ngang cầm phảng tuyên bố: “Nếu người nào dám giựt đất của cha tôi thì sẽ đứt đầu dưới lưỡi phảng này”. Sau đó cha anh bị những kẻ cướp đất sát hại.
Đảng ra đời, khởi nghĩa Hòn Khoai là ngọn đuốc soi đường cho người dân Đất Mũi, tuy bị dìm trong bể máu. Cách mạng bùng lên, kháng chiến trường kỳ, chàng thanh niên vóc dáng thư sinh Huỳnh Ngọc Điệp quyết tâm tham gia kháng chiến để thực hiện ước nguyện trả thù cha, đền nợ nước.
Sau ngày 23/9/1945, địch lần lượt lấn sâu vào vùng giải phóng trên bán đảo Cà Mau. Đồng chí Huỳnh Ngọc Điệp lúc bấy giờ là ủy viên quân sự của Uỷ ban Kháng chiến hành chính xã Tân Ân thuộc huyện Ngọc Hiển, đã có ý thức tìm kiếm vũ khí trang bị cho dân quân trong xã chống địch, bảo vệ xóm làng.
Giữa năm 1946, có thủy lôi ở ngoài biển trôi dạt vào bờ. Đây là loại thủy lôi Nhật đánh tàu chiến của quân đồng minh Anh, Mỹ ở Thái Bình Dương trong chiến tranh thế giới lần thứ hai trôi dạt. Đi dọc theo bờ biển quan sát tìm kiếm thủy lôi, bộ đội được nhân dân cho biết ở đó có ông già Huỳnh Long Báu còn thuốc nổ thủy lôi, nên đến xin.
Ban đầu ông Báu tưởng đây là những người đi mua thuốc làm pháo nên không cho. Nhưng sau khi hiểu được đây là kế hoạch đánh Pháp, ông vét tất cả số thuốc còn lại đang chôn giấu trong vườn để giao cho bộ đội. Tuy nhiên, số thuốc này ông đã bán đi khoảng 1/3, chỉ còn khoảng 2/3 lượng cần có trong 1 quả thủy lôi.
Hai vấn đề kỹ thuật được đặt ra: một là làm sao bù đắp được chỗ thuốc thiếu hụt để có được sức nổ cần thiết; hai là thủy lôi của Nhật vốn là thủy lôi tự động, có nhiều ngòi nổ gắn nam châm, khi tàu chiến đến gần thì sẽ hút thủy lôi đâm vào tàu và nổ. Lối đánh đó phải có một số lượng thủy lôi dày đặc, còn chỉ đánh bằng một quả thì phải chủ động cho nổ khi giáp tàu địch.
Chính Huỳnh Ngọc Điệp đã có sáng kiến giải quyết cả hai vấn đề này. Đối với lượng thuốc còn thiếu thì lấy tro trấu và than quao nhồi nén vào cho đủ kín thể tích quả thủy lôi. Còn ngòi nổ thì chế tạo một kíp nổ để chủ động kích nổ bằng phương pháp giật dây. Lúc này ông vừa chế tạo thủy lôi vừa trực tiếp chỉ huy bộ đội thủy lôi đánh tàu địch.
Trận đánh thứ nhất trên sông Bảy Háp tại Giá Ngự ngày 01/11/1946. Đội thủy lôi phối hợp với quốc vệ đội tỉnh. Đồng chí Huỳnh Ngọc Điệp tham gia chỉ huy trực tiếp cùng với các đồng chí Vốn, Võ… Tàu địch bị trúng thủy lôi phía trước mũi tàu, nước tràn vào, địch trên tàu phải dùng bao gạo ém lỗ thủng và dùng máy hút nước trong tàu mới chạy về tới nơi.
Số địch trong tàu bị thương vong bao nhiêu không rõ, chỉ thấy 2 tên Pháp văng xuống sông chết. Trận đánh tàu đầu tiên gây tiếng vang lớn, nhân dân phấn khởi tin tưởng cách mạng.
Sau trận đánh ở Giá Ngự, theo lời kêu gọi của Ban Quân sự tỉnh, nhân dân đổ ra bờ biển tìm vớt thủy lôi và hăng hái tự nguyện đem nộp trên 10 trái, trong đó có 5 trái còn nguyên thuốc nổ. Đồng chí Huỳnh Ngọc Điệp rất phấn khởi, càng tập trung nghiên cứu cải tiến để đảm bảo hiệu quả các trận sau, ngày càng thắng lợi lớn hơn.
Trận thứ hai là trận đánh địch ở Mây Dốc – Vàm Đình vào ngày 07/11/1946, đoàn tàu địch chạy từ Năm Căn về Vàm Đình. Đồng chí Huỳnh Ngọc Điệp tham gia trực tiếp cùng với các đồng chí Vốn, Võ và đơn vị lực lượng vũ trang tỉnh. Trận này ta đánh chìm tại chỗ chiếc tàu Marie Henriette và 1 chiếc xà lan, tiêu diệt toàn bộ trung đội lính lê dương đi trên tàu. Những chiếc còn lại hoảng hốt bỏ chạy. Ta tổ chức mò vớt vũ khí đạn dược, quân dụng…
Trận thứ ba đánh tại kinh xáng Mương Điều ngày 18/5/1947. Đây là trận đánh hưởng ứng đợt hoạt động kỷ niệm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ta đắp cản Mương Điều để cho tàu địch vô phá cản và chặn đánh tàu địch khi chúng quay trở về. Ta đánh chìm tại chỗ chiếc Latonnante, đây là chiếc tàu thoát chết trong trận Mây Dốc – Vàm Đình. Ta tổ chức đắp đập 2 đầu, nhân dân phấn khởi hăng hái tham gia tát cạn nước sông, mò vũ khí và tháo cả máy tàu chở sang Thái Lan bán được 130.000 bạt, mua thêm vũ khí.
Trận này ta thu gần 100 súng, trong đó có 3 khẩu trọng liên 13 ly 2. Đây là trận đánh thắng lớn và với việc đắp đập tát nước sông, mò vũ khí, lấy cả máy tàu trong điều kiện đang chiến tranh là một sự kiện lịch sử của tỉnh Bạc Liêu, mang tính chất huyền thoại của cuộc chiến tranh nhân dân Việt Nam ở vào thời điểm những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp.
Sau trận Mây Dốc – Vàm Đình, địch đã bắt đầu rút đồn bót nhưng đến trận Mương Điều cùng với công trình đắp đập ngăn sông, buộc địch phải rút toàn bộ hệ thống đồn bót trong các huyện Năm Căn, Đầm Dơi, Cái Nước, hình thành khu giải phóng tỉnh Bạc Liêu rộng lớn, liên hoàn giữa các huyện.
Trận thứ tư vào tháng 10/1947, đội Cà Mau phối hợp với quân dân Rạch Giá tổ chức một trận đánh thủy lôi trên sông Ba Đình, gần vàm rạch Nước Chảy. Trong trận này, thủy lôi đã đánh chìm hai tàu LCS, kéo theo hai tàu cây, hai chiếc ghe lồng chim, diệt 60 tên địch.
Trận thứ năm đánh tàu tại Ao Kho trên sông Gành Hào, cách trung tâm thị trấn Cà Mau độ 6km, vào tháng 11/1947. Đây là trận đánh phối hợp hoạt động với cuộc phản công địch trên chiến trường Việt Bắc (thu đông 1947). Ta đánh chìm tại chỗ chiếc La Terreur từ hướng biển Gành Hào chạy vào Cà Mau. Toàn bộ địch trên tàu đều bị tiêu diệt, chỉ còn 1 tên văng xuống sông là còn sống sót.
Đó là những trận đánh có đồng chí Huỳnh Ngọc Điệp trực tiếp tham gia.
Từ cuối năm 1947, đồng chí Huỳnh Ngọc Điệp được điều về làm Giám đốc Dân quân xưởng tỉnh Bạc Liêu. Nhiệm vụ chủ yếu của xưởng lúc đó là sửa chữa vũ khí, sản xuất mìn, đạp lôi, lựu đạn và recharge đạn cung cấp cho bộ đội và dân quân.
Với đầu óc sáng tạo, tinh thần ham nghiên cứu học hỏi, tận tuỵ làm việc ngày đêm, đồng chí đã cùng tập thể xây dựng Dân quân xưởng thành đơn vị có nền nếp, sản xuất nhiều vũ khí phục vụ cho lực lượng vũ trang trong tỉnh chiến đấu.
Đồng chí Huỳnh Ngọc Điệp được điều về làm Trưởng Ban Tiếp liệu Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh vào cuối năm 1950, đầu 1951. Đây là một nhiệm vụ quan trọng, chọn lựa cán bộ rất tin cậy để giao, vì công tác tiếp liệu là phải áp sát vùng tranh chấp, quan hệ với cơ sở và với dân trong vùng tạm chiếm, luôn mang theo trong người một số tiền khá lớn.
Trong chuyến đi công tác đầu năm 1952, vào vùng tranh chấp xã Vĩnh Mỹ thuộc huyện Vĩnh Lợi, đồng chí bị mật thám báo tin, địch hành quân bao vây bắt. Một mình một súng lục, đồng chí vừa rút lui, vừa chống trả, diệt một số lính địch cho đến hơi thở cuối cùng. Đồng chí Huỳnh Ngọc Điệp hy sinh vào ngày 05/4/1952 (11/3 năm Nhâm Thìn). Đồng bào chôn cất đồng chí ở hàng me Long Điền Đông.
Trải qua thời gian dài gần 30 năm, kể từ ngày đồng chí Huỳnh Ngọc Điệp hy sinh gia đình mới tìm được mồ mả, chuyển hài cốt đưa vào Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh. Ngày nay ở phường 5, TP Cà Mau đã có con đường mang tên Huỳnh Ngọc Điệp.
Đồng chí Huỳnh Ngọc Điệp đã được Nhà nước Cộng hoà XHCN Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND, là 1 trong 36 gương mặt tiêu biểu của Tây Nam Bộ thời kháng chiến chống Pháp.
HTMH