Mới đây, bốn anh em chúng tôi là CCB Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 174 đến thăm Mẹ của liệt sĩ Phùng Như Toản tại Phường 11, Quận 10, TP HCM. 93 tuổi, má vẫn còn minh mẫn, tuy chân đã yếu, đi lại rất khó khăn… Dẫu vậy, gặp chúng tôi, bạn cùng chiến đấu với con trai, má rất vui. Má kể cho chúng tôi nghe về Toản, một học sinh Pétrus Ký đã có giấy báo đậu Đại học Sư Phạm TP nhưng gác bút nghiên lên đường nhập ngũ.
Câu chuyện hy hữu mà tui muốn chia sẻ với bạn bè và đồng đội như chuyện cổ tích ở thế kỷ XX. Toản ở Trung đội cối 82 của Đại đội 12, còn Lê Khánh Hưng ở Trung đội trinh sát tiểu đoàn. Hai bạn khá thân nhau vì học chung một trường, tuy cách nhau 2 lớp… Hưng là chiến sĩ trinh sát rất gan dạ, thông minh được anh em gọi là chuyên gia rà gỡ mìn. Đi bám địch mà gặp mìn là Hưng xung phong lên rà gỡ. Có lúc bọn Pốt gài mìn có bẩy em cũng khắc phục được cho cả tổ vượt qua an toàn. Trận đánh ngày 14/6/1981 tại chốt hồ 48 sát biên giới Thái – Cam cả hai đã hy sinh và được đưa về nước chôn cất cùng một khu (2 ngôi mộ cách nhau chừng 10 thước) ở Nghĩa trang liệt sĩ TP HCM.
Anh trai của Hưng quen và yêu chị của Toản khi cùng dạy học ở Cần Thơ và họ đã thành vợ chồng. Qua thư từ, Toản biết chị mình lấy chồng và Hưng cũng biết anh của mình cưới vợ nhưng không biết hai gia đình là thông gia với nhau. Khi hay tin Toản hy sinh thì Ba Má của Hưng sang chia buồn với Ba Má của Toản và cả tháng sau mới có tin Hưng hy sinh, 2 Bà Mẹ lại ôm nhau khóc, tiếc thương hai đứa con trai ngoan hiền học giỏi …
Qua các cuộc chiến tranh, không thể biết có bao nhiêu người Mẹ đã chịu đựng cảnh mất mát đau thương khi núm ruột của mình đã không còn nữa… Và câu chuyện hy hữu của hai gia đình thông gia mà Má kể làm cho tui suốt đêm không ngủ được. Không biết nơi chín suối hai đồng đội thân yêu của tui đã biết được câu chuyện này chưa? Cầu mong hai em hương linh siêu thoát, kính mong Má được khỏe mạnh trường thọ.
Bùi Xuân Tiến
Sau đây là một số hình ảnh: