Ký: ĐỖ VIẾT NGHIỆM
Anh hùng Lực lượng vũ trang tàu không số Nguyễn Văn Đức, gọi tôi: “Mai đi Bến Tre nhé”. Chơi với nhau từ lâu không cần hỏi thêm cũng biết, lại có chuyến về địa phương nào đó thăm giúp đỡ các gia đình còn nghèo có công với Cách mạng. Tới nơi hẹn gặp thêm một người lạ, ông Đức dí dỏm nói: “Đây là người đẹp U70 Huỳnh Thị Tiếp (Út Tiếp), phó ban quản trị Hội tương tế tỉnh Bến Tre; phó ban Hội đồng hương huyện Thạnh Phú, nổi tiếng làm công tác từ thiện xã hội”. Út Tiếp cười mặt đỏ rần, rồi rầy bảo làm chị mắc cỡ. Đang trong đại dịch Covid ai cũng đeo khẩu trang nên không rõ mặt, nhưng nghe tiếng cười tôi hình dung chị Út là người thiệt mạnh mẽ, hẳn ngày còn trẻ là một thiếu nữ năng động và xinh đẹp.
Một ngày bận rộn ở Thạnh Phú, địa phương có nhiều địa chỉ đỏ nổi tiếng như Căn cứ kháng chiến Khu 8, căn cứ lịch sử Bến tàu không số Cồn Tra. Năm 1946 bà Nguyễn Thị Định cùng nhóm trí thức lớn Trần Hữu Nghiệp, Ca Văn Thỉnh, Nguyễn Thiện Thành, Nguyễn Văn Khước, Đoàn Văn Trường, vượt biển ra miền Bắc thành công. Sau Đồng Khởi 1960, cũng tại Bến Cồn Tra, tỉnh Bến Tre lại tổ chức hai đội thuyền vượt biển ra Bắc xin Trung ương vũ khí chi viện cho miền Nam đánh Mỹ. Về Thạnh Phú, Út Tiếp đi đến đâu cũng được người dân từ già đến trẻ, mừng vui gọi: “Cô Út, cô Út…”. Thấy vậy, tôi hỏi: “Chị về quê nhiều lắm phải không?”. Út Tiếp đáp: “Ui, chắc cả trăm lần…”. Dừng một lát, Út Tiếp nói tiếp: “Bà con mình xưa có công với cách mạng, giờ vẫn còn nhiều hoàn cảnh khó khăn cần được giúp đỡ lắm”. Tôi hiểu, Út Tiếp đi nhiều chính vì điều đó.
Năm 1946 ông Huỳnh Văn Trước (Hai Trước) ba chị Út, tham gia Cách mạng được tổ chức phân công làm công tác an ninh xã, nhưng không may hy sinh vào giữa năm 1951 cùng ba đồng đội khác. Cái chết của cha ám ảnh Út Tiếp suốt thời gian dài, nhưng cũng phải chờ khi lớn lên theo cách mạng gặp được bác Bảy Dấu, một nông dân cùng quê kể lại ba mình bị giết hại vô cùng dã man.
61 năm sau (2012), Út Tiếp cùng bà con cô bác xã An Qui nay là xã An Điền, mới đưa được ông Hai Trước cùng ba đồng đội ngày đó bị sát hại ném xuống chôn chung một hố, đưa về an nghỉ trong nghĩa trang huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre.
Má Út Tiếp là bà Nguyễn Thị Kiệm (Năm Kiệm) tham gia Cách mạng cùng năm với chồng, công tác ở Hội phụ nữ cứu quốc xã, năm 1973 bà hy sinh. Út Tiếp kể: Ngày đó có một toán biệt kích địch bất ngờ càn vào An Qui, ta ít địch nhiều anh em đơn vị quyết định rút lui, nhưng do vội vàng ông Nguyễn Văn Đức một cán bộ địa phương bỏ quên khẩu súng ngắn, Năm Kiệm rút sau nhìn thấy khẩu súng nằm trên bàn sợ lọt vào tay địch nên quay lại lấy. Địch bắn rát, Năm Kiệm trúng đạn xuyên qua một bên vai, mất máu nhiều làm bà ngất xỉu nên bị chúng bắt. Bắt được bà Năm Kiệm, địch lại bắt dân khênh đưa về ấp An Hải, nhưng khi đến sát bìa rừng thấy địch mất cảnh giác họ giấu bà vào trong lùm cây rậm. Sáu giờ chiều địch rút, ông Đức quay lại tìm, nhờ dân chỉ nên đưa được Năm Kiệm về trạm thu dung xã cấp cứu. Tưởng yên hai ngày sau địch càn tiếp, Năm Kiệm bị địch bắt lần thứ hai, lần này chúng xả súng bắn bà chết ngay tại chỗ.
Ba người con của ông Hai Trước, bà Năm Kiệm lớn lên noi gương ba má tham gia Cách mạng. Con gái đầu Huỳnh Thị Liễng (Hai Liễng) vào bộ đội huyện, năm 1969 địch mở trận càn vào căn cứ ta bị chúng bắn chết. Sau ngày giải phóng Út Tiếp đi làm thủ tục công nhận liệt sĩ cho Hai Liễng, nhưng không được. Tôi hỏi “vì sao?”. Út Tiếp rầu rầu nói: “Người ta trả lời, đồng chí đó không trực tiếp tham gia chiến đấu”. Chuyện thật như đùa, tôi nghĩ: “T hời chiến tranh cả miền Nam là chiến trường, Hai Liễng là chiến sĩ bộ đội huyện, sao lại không chớ?”.
Chồng Hai Liễng là Nguyễn Văn Bá (Tư Bá) đi bộ đội cùng năm, rồi bị địch bắt đưa ra giam ngoài Côn Đảo, năm 1975 trở về được ra miền Bắc dưỡng bịnh. Năm 1977 do sức yếu về quê, một mình nuôi năm đứa con còn nhỏ, vất vả kềm theo di chứng những đòn tra tấn trong ngục tù tái phát, năm 1982 Tư Bá mất. Nhà nghèo không đủ mua nổi chiếc hòm, Út Tiếp phải đi mua chịu mãi sau mới trả hết nợ.
“Còn nữa”, Út Tiếp nói. Sau chị Hai Liễng là anh trai Huỳnh Văn Niễng (Ba Niễng), năm mới tròn 20 tuổi bà Năm Kiệm gọi con nói: “Con có thích đi bộ đội giải phóng không?”. Ba Niễng nhảy tưng lên, đáp: “Thích lắm, má cho con đi trả thù cho Ba”. Ba Niễng bổ sung vào đơn vị chủ lực miền, chiến đấu dũng cảm, tiếc là chỉ sáu năm sau trong một trận đánh quân Mỹ ở chiến trường miền Đông anh cũng hy sinh, đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt. Sau giải phóng Út Tiếp nghe người ta chỉ đâu đi tìm tới đó, nhưng vẫn vô vọng. Sau này, Út Tiếp cũng làm xong chứng nhận liệt sĩ cho anh Ba.
Tôi thở phào nhẹ nhỏm, nhưng bất ngờ nghe Út Tiếp nói: “Vẫn còn may anh ạ”. Tôi cảm thấy “là lạ” bởi câu nói đó, rồi hỏi: “Sao lại là may?”. “Cả gia đình tôi có ba, má, con gái, con trai, con rể chồng của Út, tính ra mất năm người hy sinh, còn mỗi mình Út, không may là gì?”. Rồi chị lý giải cho cái may của mình, như trời thương Út cho sống để lo cho cả một đàn con, đàn cháu. Khi còn chiến tranh tụi nhỏ học hành lõm bõm, sau giải phóng Út lo cho ăn, cho học nay có đứa dù vẫn ở quê, đứa lên thành phố làm công nhân ở các khu chế suất cũng tạm đủ ăn.
Tôi mừng cho Út Tiếp, nhưng vẫn băn khoăn, gia đình Út có má Năm Kiệm là “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, nhưng còn trường hợp chị Hai Niễng chưa được công nhận liệt sĩ? Út Tiếp đáp: “Bỏ”. Tôi gay gắt: “bỏ sao được, mình có gian lận đâu?”. Út Tiếp bất ngờ mỉm cười, rồi nói: “Đừng quá sân si, đất nước mình còn hàng trăm, hàng ngàn gia đình mất mát, hy sinh lớn hơn gia đình tôi nhiều lắm”. Có lẽ Út Tiếp đúng, điều đó làm tôi nể phục!
Bà Huỳnh Thị Tiếp ( Út Tiếp)
*** Trung tuần tháng 4/2022 đoàn nhà văn, Hội hỗ trợ gia đình Liệt sĩ thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chuyến thăm lại chiến trường xưa, dâng hương tại đền Liệt sĩ Long Khốt, ấp Trung Chánh, xã Thái Bình Trung, tỉnh Vĩnh Long. Cả chục năm không đến bây giờ thay đổi nhiều quá. Đồn Biên phòng mới lui vào bên trong một chút, còn vị trí cũ nơi quân lực Việt Nam cộng hòa đóng quân nay trang nghiêm hoành tráng một ngôi “Đền thờ Liệt sĩ Long Khốt” được xếp hạng “Khu di tích Lịch sử Quốc gia”. Kiến trúc đặc trưng Văn hóa Đại Việt thời Hậu Lê, tám mái kiểu (chồng diêm), góc mũi giao nhau cong mềm mại, trên gắn hình tượng rồng. Đền thờ chính rộng trên ngàn mét vuông, trước có cổng Tam quan, sau cổng mỗi bên có một miểu thờ Thành Hoàng nhớ người xưa có công lập nên làng ấp. Bên trong đền thờ ngoài chính điện thờ Bác Hồ, phía cửa có một cái trống lớn. Xung quanh tường cao khắc tên chữ vàng hơn sáu ngàn anh hùng, liệt sĩ, nổi bật trên mặt đá hoa cương màu xanh, hy sinh qua các cuộc chiến tranh chống Mỹ, chống quân Khmer đỏ bảo vệ biên giới Tây Nam. “Quá nhiều” không kềm nổi xúc động tôi khẽ thốt lên, thế nhưng được biết con số ấy có thể chưa dừng lại ở đó, “địa phương vẫn đang tiếp tục tìm kiếm, xác minh bổ sung thêm”.
Chuyện nhà chị Út Tiếp, rồi Lịch sử Trung đoàn 174, Sư đoàn 5, đơn vị hai lần đánh đồn Long Khốt năm 1972, 1974, hy sinh trên 600 cán bộ chiến sĩ được khắc tên trong đền thờ Long Khốt. Tôi chợt nghĩ, mới chỉ một cái đồn mà tổn thất nhiều đến thế, rồi chỉ một gia đình như nhà chị Út Tiếp đã mất mát nhiều như vậy, hỏi cả đất nước này trong các cuộc chiến tranh con số hy sinh lớn biết nhường nào? Thật ấn tượng hai câu thơ của nhà thơ Trần Thế Tuyển dùng làm biểu tượng tinh thần, ý chí đặt trong “Đền thờ Liệt sĩ Long Khốt” “Thân ngã xuống thành đất đai Tổ quốc / Hồn bay lên hóa linh khí Quốc gia”.
- Hồ Chí Minh, tháng 4/2022