Thứ Tư, Tháng Mười Hai 6, 2023
Trang chủVĂN HÓA-VĂN NGHỆĐẶC SANCHUYỆN NGƯỜI “THỜ” LIỆT SĨ CHƯA XÁC ĐỊNH ĐƯỢC TÊN

CHUYỆN NGƯỜI “THỜ” LIỆT SĨ CHƯA XÁC ĐỊNH ĐƯỢC TÊN

Thời gian đã qua hơn 10 năm, nhưng mỗi lần nhắc lại, anh Trần Thái Học (hiện là Trung tá – Trạm trưởng – Trạm khách T67, Bộ Tham mưu, Quân khu 7) vẫn bồi hồi xúc động về việc tìm hài cốt liệt sĩ đầy bất ngờ. Dẫu chưa xác định được danh tính liệt sĩ, nhưng việc làm của anh thể hiện tình cảm thiêng liêng và lòng tri ân sâu sắc đối với những người hiến dâng cả đời mình cho đất nước.

Đó là một khu đất trống nằm sát bên bờ Rạch Lăng chảy ra sông Vàm Thuật, phường 5, quận Gò Vấp, thành phố Hồ Chí Minh. Đối diện khu đất là xã An Phú Đông, quận 12 và một giồng đất (nay đã là khu biệt thự cao cấp) thuộc phường 13, quận Bình Thạnh. Trước năm 1975, vùng này là ruộng chuyên trồng cói để dệt chiếu. Trung tá Học kể tiếp, ban đầu tôi thuê đất với ý định mở trang trại trồng hoa lan, nhưng do nguồn nước ở vùng này nhiễm phèn nặng nên phải chuyển qua làm nhà trọ (loại nhà vách tôn giành cho người lao động đêm về có chỗ ngả lưng).

Một ngày giữa tháng 6 năm 2009, nắng như đổ lửa nhưng tốp thợ đào hệ thống thoát nước vẫn miệt mài xúc những xẻng đất từ độ sâu chừng một thước hai. Bỗng họ phát hiện có mùi lạ, phát hiện có xương.

Tôi đề nghị tốp thợ đào mở rộng và thấy rõ đúng là có hài cốt của người. Nên xử lý việc này như thế nào? Thoáng suy nghĩ, tôi quyết định phải đưa đi hỏa táng rồi gửi vào ngôi chùa nào đó…Chưa ổn. Tôi nghĩ việc hệ trọng này phải báo cơ quan chức năng. Nếu là hài cốt liệt sĩ phải làm thủ tục an táng tại nghĩa trang thành phố. Nhưng, báo cho ai? báo như thế nào? Thôi, việc trước tiên là chùi rửa sạch sẽ hài cốt. Tôi yêu cầu tốp thợ giữ kín, vì sợ mọi người biết sẽ kéo đến đông ảnh hưởng tới công việc.

Chỉ còn lại một mình tôi bắt tay vào “tắm rửa” cho hài cốt người quá cố. Tôi cho toàn bộ xương vào hai cái chậu to rồi xả đầy nước, để ngâm. Tiếp đó, chà rửa sạch qua vòi nước máy và xếp thứ tự từ xương sọ đến các đốt ngón tay, ngón chân… Sau khi rửa hết phần xương, tôi rửa các hiện vật có giá trị và cả áo mưa, túi vải, dây lưng, băng cuốn…

Điều thú vị là trong quá trình chà rửa hài cốt, tôi đã sử dụng lại chính hai cái bàn chải đánh răng và ba cái chén của liệt sĩ để thực hiện. Trong khi chà rửa, tôi đã tìm thấy một đầu đạn (loại đạn M60 của Mỹ). Tuy bị biến dạng phần đuôi đạn nhưng màu đồng trái đạn vẫn còn đỏ tươi. Tôi nghĩ, đây chính là viên đạn đã khiến liệt sĩ này hy sinh?

Tôi làm đến khoảng 3 giờ chiều thì xong mọi việc. Tôi chạy ra chợ mua rượu và vải đỏ về làm công việc tiếp theo. Có 10 lít rượu trắng, tôi thầm khấn xin phép liệt sĩ rồi mang xương ra rửa và xếp ngay ngắn vào thùng carton có lót vải đỏ. Toàn bộ công việc do tôi tự làm mà không giám nhờ ai trợ giúp vì tôi nghĩ rất nhiều người sợ việc này. Còn vợ tôi thì đang mang thai sắp sanh nên tôi cũng giấu hoàn toàn không cho biết.

Mọi việc xong xuôi tôi gọi điện thoại cho anh Phan Thế Quang lúc này đang là Trưởng công an phường 5, quận Gò Vấp (tôi và anh Quang quen nhau vì cùng học lớp Đại học Luật). Nghe tôi thông báo về việc tôi đào thấy hài cốt và khẳng định đây là liệt sĩ, anh Phan Thế Quang và anh Nguyễn Xuân Nam (cảnh sát khu vực) xuống ngay hiện trường. Sau khi xem xét kỹ càng, hai anh thống nhất với tôi đây là hài cốt liệt sĩ. Tôi đề xuất là phải tìm chỗ để hài cốt phù hợp trong thời gian chờ cơ quan chức năng giải quyết.

Anh Quang hỏi tôi: Theo em muốn để hài cốt ở đâu?

Tôi trả lời: Nên đưa về gửi tạm ở chùa Như Lai (vì ở đó có nhà Quàn)…

Nhà chùa tiếp nhận nhanh chóng và đặt hài cốt lên trên bàn ngay chính giữa bảo tháp. Tôi đi mua phần cơm chay về thắp hương mời liệt sĩ. Hai ngày sau, anh Quang điện thoại thông báo, cơ quan chức năng đã xác nhận đây là hài cốt liệt sĩ và sẽ đưa đi an táng tại nghĩa trang Liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh (nghĩa trang Lạc Cảnh) vào ngày thứ sáu (19/6/2009). Tôi vui mừng vì các cấp chính quyền đã vào cuộc nhanh chóng và giải quyết đúng chính sách.

Những ngày sau, tôi cố gắng bằng mọi cách để tìm kiếm thông tin về liệt sĩ. Vì tôi nghĩ rằng tìm được hài cốt và đưa về nghĩa trang an nghỉ cùng đồng đội đã là một hạnh phúc lớn đối với liệt sĩ. Nhưng điều ý nghĩa hơn, khát khao hơn là phải xác định được danh tính, quê hương của liệt sĩ – ở nơi đó có bao người mẹ, người vợ người thân đang ngày đêm mỏi mòn trông đợi!.

Tôi đưa thông tin lên Báo Quân đội Nhân dân nhờ hỗ trợ (số ra ngày 01/7/2009 có đăng bài “thông tin về hài cốt liệt sĩ tìm thấy ở Gò Vấp”).

Gia đình anh Trần Thái Học viếng nghĩa trang liệt sĩ TP.HCM nhân dịp Xuân Kỷ Sửu 2021 (ảnh do anh Trần Thái Học cung cấp).

Thời gian cứ trôi lăn theo vòng tuần hoàn của tạo hóa… hơn 10 năm qua, gia đình tôi vẫn trân trọng giành riêng cho liệt sĩ một không gian thờ trang nghiêm và cung kính. Những người có mặt trong thời khắc đưa liệt sĩ về nghĩa trang (anh Hùng – Bí thư Đảng ủy, anh Cường – Chủ tịch Phường, anh Quang – Trưởng công an Phường, anh Nam – Cảnh sát khu vực)…Chúng tôi đã thống nhất lấy ngày tìm thấy hài cốt liệt sĩ (ngày 14/6/2009 nhằm ngày 22/5/2009 âm lịch) làm ngày “giỗ” để anh em cùng tụ họp và tri ân hương hồn liệt sĩ…

Rồi một ngày giáp Xuân Tân Sửu 2021, tôi may mắn khi được Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh tặng tập đặc san “Linh Khí Quốc Gia”, trong đó có trích đoạn giới thiệu về tác phẩm “Dấu ấn cuộc đời” của tác giả Trung tướng Lưu Phước Lượng, nguyên Phó Tư lệnh về Chính trị Quân khu 9, nguyên Phó Trưởng ban chỉ đạo Tây Nam Bộ,… nguyên là chiến sĩ trực tiếp chiến đấu trong chiến dịch Mậu Thân 1968 (đợt 2), tôi cảm nhận được từng sự kiện, từng địa điểm quen thuộc có liên quan trực tiếp tới trận đánh mà liệt sĩ đã hy sinh như câu chuyện trên. Tôi mong được một lần Trung tướng Lưu Phước Lượng quay trở lại nơi tôi tìm thấy hài cốt liệt sĩ, để vị tướng – người chiến sĩ trận mạc năm xưa sẽ xác định rõ hơn về trận chiến đấu, về sự hy sinh (có thể đến cả danh tính) của liệt sĩ này… Và, điều mong ước chân tình ấy của tôi đã được Trung tướng Lưu Phước Lượng nhận lời – Ông hứa sẽ đi thăm vào đúng ngày “Giỗ” năm nay nếu tình hình dịch bệnh Covid 19 đã được kiểm soát an toàn. Vâng! tôi mong tất cả những điều đó sẽ đến trong lần giỗ năm nay, sẽ đông vui và ý nghĩa hơn!./.

Sài Gòn, tháng 6 năm 2021     

 Thảo Nguyên Hà ghi

Bài viết liên quan

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận
Nhập tên của bạn

Bài viết phổ biến

Bình luận gần đây