Chủ Nhật, Tháng mười 13, 2024
Trang chủNHỊP CẦU BẠN ĐỌCBẠN ĐỌC VIẾTCHUYỂN HOÁ THẾ TRẬN TRONG CHIẾN DỊCH ĐIỆN BIÊN PHỦ

CHUYỂN HOÁ THẾ TRẬN TRONG CHIẾN DỊCH ĐIỆN BIÊN PHỦ

Chiến dịch Điện Biên Phủ 1954 mang tầm vóc ý nghĩa chiến lược, góp phần quyết định kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, mở đầu cho sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ, đánh dấu bước phát triển mới của cách mạng giải phóng dân tộc trên thế giới, vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội.

Qua đó, khẳng định sự đúng đắn, sáng tạo của đường lối chiến tranh nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chiến thắng Điện Biên Phủ còn thể hiện bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; tinh thần quyết chiến, quyết thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam; là sự kết hợp tài tình các nhân tố tạo nên trận quyết chiến chiến lược trong lịch sử đương đại.

*) Chủ động mở các hướng phối hợp tác chiến – chiến lược:

      Thực hiện kế hoạch tác chiến Đông Xuân (1953 – 1954). Ta đã chủ động lần lượt tổ chức các chiến dịch trên khắp chiến trường ba nước Đông Dương (Tây Bắc “Lai Châu” từ 10/12 – 31/12/1953); Trung Lào (đợt 1: từ 21 – 25/12/1953), (đợt 2 từ ngày 1 đến cuối tháng 4/1954) và Thượng Lào (29/1 – 13/2/1954). Phối hợp với mặt trận chính ở vùng sau lưng địch, phong trào du kích phát triển mạnh ở Nam Bộ, Nam Trung Bộ, Bình – Trị – Thiên, đồng bằng Bắc Bộ…; căng kéo buộc khối cơ động chiến lược Pháp phân tán, đối phó trên nhiều hướng.

      Tại thượng Lào, Quân đội nhân dân Việt Nam phối hợp với lực lượng vũ trang cách mạng Lào mở chiến dịch quy mô lớn, tiêu diệt tập đoàn cứ điểm địch ở Sầm Nưa, giải phóng một vùng rộng lớn; tạo điều kiện cho lực lượng của bạn củng cố và phát triển.

      Thể hiện tinh thần quốc tế vô sản cao cả. Trên hướng Tây Nguyên, để đánh bại cuộc hành binh Át – Lăng là một phần của bước một kế hoạch Nava, Khu uỷ Khu V quyết định mở chiến dịch Bắc Tây Nguyên. Mục tiêu của chiến dịch này là kiểm soát được thị xã Kon Tum và một số vị trí chiến lược quan trọng tại Bắc Tây Nguyên; tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch; buộc Nava phải bỏ dở cuộc hành quân Át – Lăng; rút lực lượng lên ứng cứu cho Tây Nguyên khiến kế hoạch tập trung binh lực của Pháp bị phá vỡ, phối hợp chặt chẽ với mặt trận chính Điện Biên Phủ.

      Chiến dịch Bắc Tây Nguyên từ 27/1/1954 đến 7/2/1954 đã hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Đại tướng Võ Nguyên Giáp nêu rõ: “Thắng lợi Kon Tum là một thắng lợi to lớn của ta trên chiến trường miền Nam, nó cũng là một trong những thắng lợi to lớn của ta trong mùa Xuân này trên chiến trường toàn quốc” (1) .

      Điểm nổi bật trong chỉ đạo tác chiến chiến lược Đông Xuân (1953 – 1954) là sự kết hợp chặt chẽ giữa bộ đội chủ lực với bộ đội địa phương và dân quân du kích; giữa chiến tranh du kích và chiến tranh chính quy; phối hợp nhịp nhàng giữa mặt trận chính diện và mặt trận sau lưng địch ; giữa chiến trường miền Bắc với chiến trường miền Trung và miền Nam; giữa các hướng chiến lược trên toàn chiến trường Đông Dương.

      Bộ đội Trung đoàn 209 (Đại đoàn 312) và các đơn vị cắm cờ trên nóc hầm De Castries tại Điện Biên Phủ, chiều 7/5/1954. Ảnh tư liệu.

      *) Nghệ thuật chuyển hoá linh hoạt phương châm tác chiến – chiến lược:

      Trên cơ sở phân tích, đánh giá, dự báo chiều hướng phát triển của địch. Đặc biệt quá trình tổ chức các cứ điểm, cụm cứ điểm hình thành tập đoàn cứ điểm phòng ngự ngày càng vững chắc; trong điều kiện các đơn vị chủ lực của ta chưa có thời gian hợp luyện, diễn tập hiệp đồng quy mô lớn.

      Pháo binh là hoả lực chủ yếu của chiến dịch chưa vào trận địa đúng thời gian. Với cương vị Tổng tư lệnh được giao làm chỉ huy trưởng kiêm Bí thư Đảng uỷ Mặt trận Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhớ điều Bác dặn: “Tổng tư lệnh ra mặt trận. Tướng quân tại ngoại. Trao cho chú toàn quyền quyết định “và” trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng! chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”.

      Với nhãn quan quân sự sắc sảo, sau khi xem xét đánh giá kỹ tình hình, tạo sự đồng thuận của tập thể Đảng uỷ, Đại tướng kết luận: đánh theo phương châm “Đánh nhanh, giải quyết nhanh” nhất định thất bại và quyết định chuyển sang phương châm “Đánh chắc, tiến chắc”; thể hiện tính quyết đoán, sáng tạo, bản lĩnh, trách nhiệm trước thắng lợi của chiến dịch và xương máu của đồng bào, chiến sĩ tham gia chiến dịch; là bước ngoặt về công tác chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức, khắc phục khó khăn, xây dựng ý chí quyết tâm chiến đấu, tri thức khoa học về nghệ thuật quân sự gắn với bản lĩnh chính trị sắc sảo, lòng trung thành với Tổ quốc.

      Đó là quá trình chuyển hoá từ tư duy “Tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu” sang đánh thẳng vào tập đoàn cứ điểm mạnh nhưng có nhiều sơ hở của địch. Từ tác chiến vận động và công kiên nhỏ là chủ yếu, sang đánh công kiên quy mô lớn; từ chọn nơi sơ hở của địch mà đánh, đến quyết định đánh vào chỗ mạnh nhất của địch ở Điện Biên Phủ.

      Thực hiện trận quyết chiến chiến lược ở cả ba lĩnh vực: chỉ đạo chiến lược, nghệ thuật chiến dịch và chiến thuật, là sự sáng tạo phát triển các loại hình chiến thuật. Từ đánh công kiên các trận Him Lam (13/03/1954); Độc Lập (đêm 14 rạng sáng 15/03/1954), đồi A1, C1… đến các trận chiến đấu phòng ngự trận địa C1, A1, sân bay Mường Thanh… các trận “vây lấn” chia cắt địch, làm cho địch luôn ở trong trạng thái căng thẳng, suy sụp. Lựa chọn thời cơ để tiêu diệt từng cụm cứ điểm giành thắng lợi. Đó là nghệ thuật phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa bộ binh với pháo binh, xung lực với hoả lực, giữa tiến công trận địa với đánh bại địch phản kích…

      *) Lựa chọn khu vực tác chiến quyết chiến – chiến lược:

      Bước vào chiến cuộc Đông Xuân (1953 – 1954), cục diện chiến trường Đông Dương có chuyển biến căn bản theo hướng có lợi cho ta, làm cho kế hoạch Nava với mưu đồ tập trung lực lượng bước đầu bị phá sản buộc địch phải phái lực lượng lên Điện Biên Phủ.

      Chiến trường Điện Biên Phủ từ chỗ không có trong kế hoạch Nava, nhưng trước các đòn tiến công của ta buộc thực dân Pháp phải huy động một lực lượng lớn binh lực để xây dựng thành một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất ở Đông Dương, “một pháo đài bất khả xâm phạm” gồm hệ thống công sự, boongke, hầm đào, hoả lực cả mặt đất và trên không nhằm “nghiền nát” chủ lực của ta.

      Điện Biên Phủ là một thung lũng rộng lớn ở phía Tây vùng núi Tây Bắc, có lòng chảo Mường Thanh dài gần 18km, rộng từ 60 – 70km, có đường cơ động sang Lào. Pháp triển khai 12 tiểu đoàn và 7 đại đội bộ binh (trong quá trình chiến dịch được tăng viện 4 tiểu đoàn và 2 đại đội lính nhảy dù) với 16.200 quân viễn chinh tinh nhuệ, 48 khẩu pháo cối các loại từ 75 – 120 li, 2 sân bay, một phi đội 14 chiếc và được chi viện hàng trăm lượt máy bay. Bố trí thành 3 phân khu Bắc – Trung – Nam với 49 cứ điểm liên hoàn có hệ thống công sự, dây thép gai kiên cố.

      Sau khi nghiên cứu, đánh giá tình hình các mặt trong chiến cuộc Đông Xuân (1953 – 1954), Tổng Quân uỷ và Bộ Tổng Tư lệnh đã quyết định chọn hướng tiến công chiến lược chủ yếu là Tây Bắc; thực hiện ý đồ kéo quân chủ lực của địch lên khu vực này vào những nơi không có lợi về địa hình, triển khai lực lượng và khả năng chi viện bởi Trung ương đã nhìn nhận điểm yếu trong kế hoạch Nava là chúng muốn tập trung mọi nỗ lực để tiêu diệt lực lượng chủ lực của ta.

      Khi ta sử dụng Đại đoàn 316 và Trung đoàn 48 tác chiến ở Lai Châu, thực dân Pháp vội vàng cơ động lực lượng, đổ 6 tiểu đoàn viễn chinh, xuống Điện Biên Phủ nhằm ngăn chặn lực lượng chủ lực của ta. Đây là địa bàn tác chiến ta có khả năng phát huy sức mạnh của chiến tranh nhân dân. Mặc dù là tập đoàn cứ điểm mạnh của địch, nhưng địa hình nằm gọn trong thung lũng, khí hậu khắc nghiệt, đường sá, giao thông vận chuyển tiếp tế của địch chủ yếu dựa vào đường không, cô lập xa hậu phương. Khi chúng ta đánh vào lực lượng mạnh nhất của địch, thắng lợi trận chiến sẽ có ý nghĩa quyết định đến cục diện chiến tranh.

      Tuy có những khó khăn về tác chiến hiệp đồng binh chủng, công tác bảo đảm… nhưng đều được nghiên cứu, giải quyết phù hợp. Ta đã chủ động lựa chọn chiến trường tác chiến quyết định thực hiện trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ. Sau quá trình dụ địch, bao vây, kìm hãm trong khu vực dự kiến; để chắc thắng, Bộ Tư lệnh chiến dịch đã sử dụng lực lượng tác chiến ưu thế hơn địch bao gồm 5 Đại đoàn (308, 312, 316, 304 và Đại đoàn công – pháo 351), 2 Trung đoàn pháo binh (45, 675); Trung đoàn pháo cao xạ 367, Tiểu đoàn hoả tiễn (H6 sáu nòng); Tiểu đoàn DKZ 75mm và súng cối 82mm, 4 đại đội súng cối 120mm; 715 xe ô tô với lực lượng gần 10 vạn người (cả bộ đội, dân công và các lực lượng khác).

      Để thực hiện trận quyết chiến chiến lược, Bộ Tư lệnh chiến dịch tổ chức ba đợt tiến công: Đợt 1 (13 – 17/03/1954), tiến công địch chiếm trung tâm đề kháng Him Lam, phân khu trung tâm, sân bay, các trận địa pháo và kho tàng của địch, tiêu diệt dứt điểm từng cụm mục tiêu vòng ngoài. Đợt 2 (30/03 – 30/04/1954), sử dụng lực lượng chốt điểm, vây lấn, chia cắt, cô lập từng cứ điểm, cụm cứ điểm, siết chặt vòng vây vào trong, chia cắt sân bay Mường Thanh, cắt đứt đường hàng không của địch.

      Đợt 3 tập trung lực lượng tổng công kích giành thắng lợi… phát hiện tình huống đột biến trên chiến trường. Thời cơ tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ xuất hiện, Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định tập trung mọi lực lượng tổng công kích giành thắng lợi quyết định bằng sức mạnh hiệp đồng binh chủng với các thủ đoạn tác chiến dũng mãnh, đột kích, thọc sâu, bao vây, chia cắt, cô lập và đánh bại địch phản kích, ứng cứu…

      Trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ (7/5/1954) đã kết thúc vẻ vang 9 năm cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ, anh dũng của quân và dân cả nước ta chống thực dân Pháp xâm lược và sự can thiệp của Mỹ; là niềm khích lệ tự hào dân tộc để toàn quân, toàn dân quyết tâm thực hiện thắng lợi cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân ở miền Nam, thống nhất đất nước và đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

      Buộc thực dân Pháp ký hiệp định Geneva (7/1954), chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình tại các nước Đông Dương. Khẳng định đường lối kháng chiến đúng đắn, sáng tạo của Đảng, sự trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam. Đánh dấu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cả trên phạm vi toàn thế giới; cổ vũ các nước thuộc địa đấu tranh giành độc lập.

      *) Phát huy sức mạnh tổng hợp quân dân làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ:

      Từ Tây Bắc, liên khu 3, Tả Ngạn, Bình Trị Thiên, liên khu 5, Nam Bộ, khắp nơi đẩy mạnh các hoạt động phối hợp, kết hợp quần chúng đấu tranh chính trị, phá tề, trừ gian, binh địch vận, buộc Pháp luôn phải phân tán lực lượng đối phó.

      Công tác bảo đảm hậu cần – kỹ thuật dài ngày, quy mô lớn. Với tinh thần “tất cả cho tiền tuyến – tất cả để chiến thắng”, các địa phương đã huy động, đóng góp 25.560 tấn gạo, 266 tấn muối, 1.909 tấn thực phẩm, 26.543 lượt dân công, 20.991 xe đạp thồ, 1.800 mảng nứa, 756 xe thô sơ, 914 con ngựa thồ và 3.130 chiếc thuyền phục vụ cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Sức mạnh chính trị, tinh thần đã được quán triệt sâu sắc, thấm nhuần trong từng cán bộ, chiến sĩ, nỗ lực khắc phục khó khăn, chiến đấu hi sinh vì nhiệm vụ.

      Nhiều tấm gương anh dũng hi sinh như Tô Vĩnh Diện, Phan Đình Giót, Bế Văn Đàn… những hành động dũng cảm như La Văn Cầu đã khích lệ cán bộ, chiến sĩ quyết tâm đánh giặc. Chiến thắng Điện Biên Phủ khẳng định sức mạnh nội sinh của dân tộc ta. Nhà báo Pháp Giuyn đã nhận xét: “Không phải viện trợ bên ngoài đã đánh bại tướng Nava mà chính là những chiếc xe đạp thồ 200, 300 kí hàng và đẩy bằng sức người, những con người ăn chưa đủ no và ngủ thì nằm ngay dưới đất trải tấm ni lông.

      Cái đã đánh bại tướng Nava, không phải là phương tiện mà là sự bản lĩnh, trí thông minh và ý chí của đối phương”. Sức mạnh tổng hợp của chúng ta đó là sự đồng tình, ủng hộ, giúp đỡ của các nước bạn bè quốc tế; sự phối hợp chặt chẽ các lực lượng vũ trang cách mạng Lào, Cam Pu Chia đã cùng Việt Nam chung sức, chung lòng, đồng cam cộng khổ sát cánh bên nhau chiến đấu. Chiến thắng Điện Biên Phủ trước hết khẳng định đường lối kháng chiến đúng đắn, sáng tạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, tài thao lược của Bộ Chỉ huy chiến dịch; tài năng, trí tuệ, tính quyết đoán sáng tạo của vị Tổng Tư lệnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

      *) Vận dụng vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc ngày nay:

      Kế thừa và phát huy những bài học kinh nghiệm quý báu qua các chiến dịch tác chiến trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Để xử lý kịp thời các tình huống nếu chiến tranh xảy ra. Điều cốt lõi cần nâng cao trình độ tác chiến hiệp đồng quân binh chủng. Thông qua các cuộc luyện tập, diễn tập trên các hướng, khu vực dự kiến trên nền tảng xây dựng quân đội “tinh, gọn, mạnh”. Xây dựng khu vực phòng thủ quân khu, các tỉnh (thành) ngày càng vững chắc; chống chia cắt chiến lược trên các hướng tác chiến chiến lược.

      Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ các cấp về phong cách, phương pháp, năng lực, trình độ chỉ huy tác chiến. Có bản lĩnh, tính quyết đoán, nhạy bén linh hoạt. Thường xuyên rèn luyện, nâng cao trình độ làm chủ kỹ chiến thuật nhất là vũ khí, trang bị công nghệ cao. Có tinh thần dám dấn thân, hi sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân. Xây dựng các tiềm lực chính trị, quân sự, công nghệ.

      Đặc biệt là tiềm lực kinh tế mạnh, đủ sức đáp ứng yêu cầu tác chiến dài ngày. Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, bảo đảm củng cố nền hoà bình bền vững. Tăng cường hoạt động đối ngoại, phòng ngừa chiến tranh. Luôn đề cao cảnh giác, chủ động và sẵn sàng xử lý thắng lợi các tình huống để xây dựng đất nước. Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia dân tộc.

      Trung tướng, PGS, TS Nguyễn Đức Hải

      Nguyên Viện trưởng Viện chiến lược Quốc phòng Bộ Quốc phòng

      Bài viết liên quan

      ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

      Nhập nội dung bình luận
      Nhập tên của bạn

      Bài viết phổ biến

      Bình luận gần đây