Thứ Bảy, Tháng Chín 7, 2024
Trang chủVĂN HÓA-VĂN NGHỆĐẶC SANCHUYẾN ĐI CỦA LÒNG TRI ÂN  

CHUYẾN ĐI CỦA LÒNG TRI ÂN  

Cho đến hôm nay, hạnh phúc của chúng tôi vẫn còn vương vấn ngọt ngào, khi nghĩ về những chuyến đi cũ, khi chuẩn bị tham gia các hoạt động mới cùng Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh. Và vui nhất, là lâu lâu lại nhận được điện thoại các mẹ gọi từ Hà Tĩnh: “Con có khoẻ không, hết dịch nhớ về chơi với Mẹ”.

 

Là một trong những nhà đồng hành từ ngày đầu thành lập Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh, hưởng ứng lời kêu gọi của Hội, bà Đỗ Thị Kim Liên quyết định tài trợ 20 căn nhà cho thân nhân các Liệt sĩ, đặc biệt các gia đình ở Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh sau đợt lũ lụt lịch sử năm 2021.

Khi đó, bà Đỗ Thị Kim Liên đang ở nước ngoài, do dịch Covid-19 nên không có mặt. Chúng tôi – cán bộ của Quỹ Hỗ trợ xây dựng Môi trường xanh Việt Nam do bà làm chủ tịch đã thay mặt bà thực hiện nghĩa cử này. Sau đợt khảo sát vào ngày 06 tháng 11 năm 2020, chúng tôi quay trở lại Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) để bàn giao 11 căn nhà tình nghĩa cho các thân nhân liệt sĩ mà bà xây tặng thông qua Hội Hỗ trợ gia đình Liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh.

Chuyến đi bắt đầu từ sáng sớm tại Thành phố Hồ Chí Minh (25/01/2021) nhưng vì lý do thời tiết, chuyến bay bị chậm hai giờ đồng hồ. Khi hạ cánh xuống sân bay Vinh, trời đã ngả chiều. Chúng tôi vội vàng lên xe, tiếp tục di chuyển về Cẩm Xuyên. Xe lướt qua những cánh đồng, lơ thơ cây cỏ, vượt qua con đường ven biển gió thổi mênh mang. Chúng tôi chỉ muốn đến nhà các Mẹ thật mau. Đến nơi, chúng tôi mới biết, các mẹ đã đợi mình từ lâu, với đôi ba đĩa lạc rang, những quả quýt thơm cùng chén trà xanh đặc sản…

Còn nhớ, chỉ 3 tháng trước đây, khi tới từng nhà để khảo sát về hoàn cảnh của các Mẹ để thực hiện sứ mệnh “trao đi” của Bà Đỗ Thị Kim Liên một cách trọn vẹn, thiết thực nhất, chúng tôi đã không cầm được lòng mình. 11 hoàn cảnh là 11 niềm thương đau. Trong chuyến đi ấy, chúng tôi vô cùng xúc động khi được Đại tá Trần Thế Tuyển chia sẻ về hành trình 50 năm trước, chú và các đồng đội đã qua đây để vào Nam chiến đấu. Khi nhìn chú chầm chậm đi trên bãi biển, kể về những năm tháng đó, tôi lập tức nhớ đến câu thơ của đức Nhân Tông thời Trần: “Người lính già đầu bạc, kể mãi chuyện Nguyên Phong”. Lúc đó, chúng tôi – thế hệ sinh ra sau chiến tranh mới hiểu hết tấm lòng của những người đi trước như chú Thế Tuyển, như cô Đỗ Thị Kim Liên và các cô chú trong Hội luôn luôn đau đáu, hết lòng vì những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc.

Khi trận bão lụt vẫn hoành hành, chúng tôi trực tiếp chứng kiến cảnh neo đơn, nghèo khó của các mẹ liệt sĩ trên đất Cẩm Xuyên. Có mẹ co ro trong căn nhà tốc mái; lỉnh kỉnh xô chậu hứng nước mưa dột. Có mẹ lại ôm di ảnh chồng con hy sinh nơi chiến trận như là thứ quý giá nhất trong nhà. Thậm chí có Mẹ đã chuẩn bị sẵn cỗ áo quan cho ngày mình nằm xuống… Tất cả những hình ảnh ấy cho chúng tôi biết thế nào là đau thương, dai dẳng như màn mưa ngút xa không thấy đường chân trời. Nỗi đau từ lần tiễn biệt chồng con đi vào chiến trường không hẹn ngày gặp lại kéo dài đến những tháng ngày sau cuối của cuộc đời, mà thiên tai đã làm mất mái nhà tươm tất nương náu, nơi thờ phượng đàng hoàng.

Không phải cứ đọc một quyển sách về chiến tranh, chúng ta có thể hiểu hết những đau thương trong thời chiến. Quyển sách viết suốt 10 năm, có khi lại không gây buốt lòng bằng khoảnh khắc giọt nước mắt của người Mẹ rơi xuống, chồng con hy sinh cả rồi…

Niềm vui của Meh Vũ Thị Lâm, xã Nam Phúc Thăng.

Lần quay trở lại này, chúng tôi vui mừng lắm vì thấy các cụ, những người vợ, người mẹ đã mím môi đến bật máu nhận tin chồng con không còn vài thập kỷ trước, nay ra đón chúng tôi dưới mái nhà ấm cúng. Các Mẹ vẫn khóc đó, nhưng nước mắt giờ đây là nước mắt của sự hạnh phúc. Mẹ Trần Thị Hòa (xã Cẩm Lĩnh) rưng rưng thắp nén nhang cho tổ tiên trong căn nhà mới rồi quay sang nói với chúng tôi: “Cả đời Mẹ chưa bao giờ vui như hôm nay, nhờ cô Liên đã cho Mẹ một cái Tết ý nghĩa”. Mẹ Võ Thị Lượng (xã Cẩm Trung) cũng không kìm được xúc động, bật khóc giữa căn nhà đang hoàn thiện: “Có căn nhà mới đẹp như thế này, Mẹ sẽ còn sống vui, sống khỏe thêm nhiều năm”. 11 căn nhà, 11 câu chuyện tương tự như thế, chúng tôi xin lỗi vì không có đủ ngôn từ để viết hết trọn vẹn niềm vui, sự hạnh phúc của tất cả. Phải là người may mắn có mặt trong ngày hôm ấy, bạn mới biết, có những cảm giác không thể nói hết bằng lời hay bằng chữ nghĩa.

Chúng tôi xin chân thành cảm ơn Đại tá Trần Thế Tuyển – Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình Liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh đã dẫn dắt, kết nối chúng tôi tới từng hoàn cảnh; cảm ơn chính quyền các cấp huyện Cẩm Xuyên đã hỗ trợ, chào đón chúng tôi thịnh tình. Chúng tôi tin, chuyến đi này sẽ mãi đọng lại và trở thành một ký ức đáng nhớ nhất của chúng tôi trong những năm tháng miệt mài “cho đi” ở vai trò là cánh tay nối dài của bà Đỗ Thị Kim Liên. Và chắc chắn, đoạn ký ức đó vẫn chưa dừng lại…

LÊ THÙY MAI

Bài viết liên quan

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận
Nhập tên của bạn

Bài viết phổ biến

Bình luận gần đây