Đỗ Liên
Giãn cách nối tiếp giãn cách, mất mát chất chồng mất mát, khó khăn tăng dần theo từng ngày một kể từ khi làn sóng mới COVID đổ bộ vào thành phố. Hơn mấy chục năm sống tại Sài Gòn, tôi chưa bao giờ tận mắt chứng kiến cái mệt mỏi của mảnh đất có tiềm lực và sức bật thuộc hàng top của đất nước như bây giờ. Tôi thấy thành phố tang hoang, im ắng và trầm mặc và những con người xao xác tìm kiếm sự tương trợ để đi qua cái bể khổ này. Tin tức, thời sự, thông tin trên các trang thông tin liên tục đưa tin về hiện trạng và diễn biến của cơn dịch bệnh. Những âm vang lạnh ngắt của những chiếc xe cấp cứu xé toang màn đêm vì phải chở người ta đến những nơi mà ít ai dám tưởng tượng ra. Và cái chết cũng đang rình rập hằng ngày để trực trào xuất hiện và cướp đi sanh mệnh của con người.
Đối lập với mảng tối của bức tranh màu xám của sự tang tóc đó chính là sự cháy sáng của các “chiến sĩ” nơi tuyến đầu. Tuyến đầu, là nơi hàng trăm ngàn con người đang như đánh đổi mọi thứ họ có để chiến đấu, tạm gác gia đình, bố mẹ, con nhỏ, vợ, chồng, tạm gác những niềm vui và sự bình yên vốn có mà lao vào “chiến trường”. Từ các em sinh viên y khoa, đến các y bác sĩ hưu trí, từ các tình nguyện viên địa phương đến các linh mục, tu sĩ, tăng, ni nhiều vùng miền trên cả nước dấn thân phục vụ cho bệnh nhân. Xuất hiện trước mọi người, họ – những thiên thần áo xanh hay những chiến binh áo trắng, mang trên mình sự cứng rắn, kiên cường bởi họ biết trên vai mình là trách nhiệm với dân, với nước, trên tay mình chính là sinh mạng của hàng triệu người đang trong vòng vây dịch bệnh.
Họ hiên ngang và quả cảm nơi tuyến đầu chống dịch, tại các khu cách ly, các điểm lấy mẫu xét nghiệm, giữa vòng nguy hiểm của “tâm dịch” nơi có nguy cơ lây nhiễm cao nhất để trở thành nguồn sáng để dẫn dắt bà con ta đi qua cơn bệnh và vượt trận sinh tử. Họ là những quả cảm viên nơi các bệnh viện dã chiến, nơi đầu sóng ngọn gió để tiếp nhận các bệnh nhân, điều trị và chiến đấu ở mọi khoảnh khắc để giành lại sự sống cho đồng bào.
Nhưng… đằng sau lớp khẩu trang và mắt kính bảo hộ là sự gắng gượng và đôi mắt đỏ au khi bản thân họ cũng chính là người đang nhận lấy nỗi đau do cơn đại dịch này gây ra. Chấp nhận ra tuyến đầu, đồng nghĩa với việc chấp nhận những cay đắng, thiếu thốn, chấp nhận tất cả kết quả xấu nhất để đổi lấy sự yên bình cho người khác. Thử hỏi bao nhiêu người “dám” làm điều ấy!? Nhìn các em, các con, các anh chị, dưới bộ đồ bảo hộ, dưới cái nóng oi ả mùa hè, hay dưới những cơn mưa nặng hạt bên cạnh các bệnh nhân những ngày này, tôi vừa xúc động, vừa cảm khái, vừa tri ân những con người đã hy sinh như thế. Và cũng chẳng khó để thấy được những hình ảnh mệt mỏi, gục ngã vì kiệt sức, nhiều “người hùng” cũng đã ra đi mãi mãi, để lại những mơ ước chưa trọn vẹn, bỏ lại gia đình, bỏ lại lời hứa hẹn “ngày hết dịch, con về nhà với ba má…”, đau lắm, thương lắm, xót xa lắm!
Tôi chỉ muốn ôm những anh hùng ấy vào lòng để mà san sẻ và tri ân hết thảy những gì mà họ đang chiến đấu trên mặt trận dịch bệnh trong những ngày này. Tất cả chính là những hạt bụi vàng lấp lánh và quý giá mà tất cả những chiến binh đã và đang để lại cho cuộc đời. Hành trình “Gửi nghĩa đồng bào” của chúng tôi dĩ nhiên không quên được những người con anh hùng ấy, với tâm tình chia sẻ và cảm thông, với những gói tình nhỏ bé được gửi gắm từ nhiều nhà hảo tâm, của các con tôi tại Đức, tôi hy vọng đây như những liều thuốc vững tinh thần cho các y, bác sĩ, tình nguyện nơi tuyến đầu đầy hiểm nguy, đồng thời cũng gửi gắm những lời động viên của rất nhiều “đồng bào” rằng các bạn luôn có chúng tôi “kề vai sát cánh”.
Những ngày tháng dịch bệnh sẽ còn kéo dài và những suy toan của bà con của chúng ta vẫn sẽ còn đó, dẫu vậy, tôi có một niềm tin mãnh liệt vào chiến thắng sẽ không xa khi hàng ngũ chiến binh nơi tuyến đầu vẫn vững tay chèo và đặt vào đó không chỉ là sức lực mà còn là cái tâm của một người lương y và tình đồng bào. Cuộc chiến chưa kết thúc, nhưng chiến thắng chắc chắn sẽ là thành quả mà chúng ta sẽ nhận về khi quanh mình là màu áo quả cảm của các y bác sỹ giữa đại dịch.
hình ảnh những phần quà Đỗ Liên gửi cả nghĩa tình
#Sharklien