CHÚNG TÔI ĐI TÌM TÊN CÁC ANH HÙNG LIỆT SĨ
Cựu chiến binh NGUYỄN ĐỒNG BẰNG
Là người lính đã từng tham gia chiến đấu trên chiến trường và nhiều lần bị thương, hiện vẫn còn trong mình mảnh đạn bên đùi phải, sau khi trở về cuộc sống đời thường, tôi tham gia sinh hoạt tại Ban Liên lạc Cựu chiến binh đoàn Cao – Bắc – Lạng khu vực Thành phố Hồ Chí Minh. Tôi được giao nhiệm vụ đặc biệt là đi tìm và xác minh tên liệt sĩ để khắc trên bia đá trong đền thờ liệt sĩ.
Dâng hương tưởng niệm tại đền thờ liệt sĩ Khu di tích lịch sử quốc gia khu vực đồn Long Khốt
4.000 LIỆT SĨ TẠI ĐỀN THỜ LIỆT SĨ LONG KHỐT
Đền thờ liệt sĩ Long Khốt tọa lạc tại khu vực cạnh đồn Biên phòng Long Khốt, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An. Ngay khi có mạnh thường quân tài trợ xây dựng mở rộng đền thờ Liệt sĩ Long Khốt nguyên là khu di tích lịch sử cấp tỉnh, một trong những việc đầu tiên là xác định danh tính liệt sĩ để khắc tên các anh hùng liệt sĩ lên đá hoa cương để đồng bào tới thắp hương kính viếng.
Đồn Long Khốt xưa kia là một chi khu quân sự của chế độ cũ được tăng cường hỏa lực mạnh, hòng ngăn chặn con đường chuyển quân và tiếp tế từ Campuchia của ta vào miền Tây Nam bộ. Đã có nhiều đơn vị qua nhiều trận đánh quyết mở thông tuyến hành lang. Con số liệt sĩ hy sinh ở khu vực đồn Long Khốt không hề nhỏ.
Được phân công tìm tên các liệt sĩ đã hy sinh tại khu vực Long Khốt, nhận thức rõ trách nhiệm của mình với đồng đội – những người đã hy sinh vì Tổ quốc chúng tôi làm việc với Phòng Chính sách Quân khu 7, liên lạc với các cựu chiến binh tham gia các trận đánh đồn Long Khốt, và có trong tay bản “danh sách viết tay” trên trang giấy của cuốn vở học sinh do các Cựu chiến binh viết lại. Lâu ngày, mực bị mờ, nhòe, có chữ không thể đọc được; có bản copy bị thiếu dòng, thiếu chữ.
Có được là quý rồi. Từ những trang tạm gọi là “danh sách”, tôi nhập lại trên máy vi tính toàn bộ theo từng cột với nội dung cụ thể chỉ đưa vào những liệt sĩ hy sinh khu vực Long Khốt, sau đó lọc theo từng loại: Theo quê – theo tên – theo đơn vị để loại bỏ sự trùng lặp tuyệt đối.
Nhưng không hề đơn giản với số lượng gần 900 liệt sĩ sau khi được coi là tương đối đầy đủ cũng cần phải xác định lại quê quán vì qua nhiều giai đoạn tên xã, tên huyện và ngay cả tên tỉnh cũng thay đổi nhiều lần. Cuối cùng khó nhất vẫn là chuyện xác định lại tên tương đối chính xác nhất, vì âm ngữ từng vùng miền tới việc ghi chép có nhiều sai lệch như: Phán/Phàn, Mai/Mại, Luyến/Liến, Đạo/Đào… Tôi cố gắng liên lạc với các cựu chiến binh cùng đơn vị còn sống để hỏi lại tên cho đúng, hoặc phải gọi về quê của liệt sĩ để xác định lại tên đúng nhất.
Cuối cùng công việc cũng hoàn thành với danh sách 600 liệt sĩ thuộc Trung đoàn 174 (đoàn Cao – Bắc – Lạng) hy sinh tại Long Khốt – Long An.
Đến nay danh sách 4.000 liệt sĩ thuộc nhiều đơn vị khác nhau được khắc tên trên đá hoa cương tại Đền thờ liệt sĩ – Khu di tích lịch sử quốc gia khu vực đồn Long Khốt, có trên 1.000 liệt sĩ của Trung đoàn 174 và Sư đoàn 5.
Lễ động thổ xây dựng đền thờ liệt sĩ Phú Quốc Tại Tp Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang
5.000 LIỆT SĨ TẠI ĐỀN THỜ LIỆT SĨ PHÚ QUỐC
Đảo Ngọc – thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang – một trong những vùng đất thiêng của Tổ quốc. Nơi đây qua các thời kỳ của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước cũng như chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (1976- 1989) đã có rất rất nhiều người con vĩnh viễn nằm lại nơi này.
Số liệu chưa đầy đủ có 99 chiến sĩ cách mạng đã hy sinh trong thời kỳ chống Pháp và trong chống Mỹ có khoảng gần 5.000 chiến sĩ hy sinh tại Phú Quốc (tù chính trị, tù binh, bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích chiến đấu và hy sinh…).
Để tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh tại Phú Quốc, dự án Đền thờ liệt sĩ được các cấp có thẩm quyền phê duyệt và sáng 02-12-2021, UBND thành phố Phú Quốc tổ chức Lễ khởi công xây dựng Đền tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Đây là công trình mang ý nghĩa quan trọng, hướng đến kỷ niệm những ngày Lễ Quốc gia trong năm 2022.
Lại một lần nữa tôi được Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP.HCM giao trọng trách tìm danh sách các liệt sĩ hy sinh tại Phú Quốc qua tất cả các thời kỳ kháng chiến ,để được khắc trên đá hoa cương gắn trong đền thờ.
Công việc lần này khó khăn gấp nhiều lần so với việc tìm tên liệt sĩ tại đền thờ Long Khốt. Bởi các liệt sĩ hy sinh tại Phú Quốc phần lớn là tù chính trị và tù binh bị địch bắt từ nhiều tỉnh, nhiều chiến trường đưa về Phú Quốc giam giữ. Cao điểm ở nhà tù Phú Quốc đã giam giữ 46.000 chiến sĩ cách mạng, trung bình từ 32.000 đến 36.000 người. Rất nhiều những chiến sĩ cách mạng bị bắt thương tích nặng địch thấy không thể khai thác được thông tin hoặc những chiến sĩ trung kiên bị tra tấn dã man nhiều lần, chúng trói tay chân cột đá vào người đưa lên tàu chở ra biển đổ xuống. Có chiến sĩ bị địch chôn sống, bị bỏ đói đến chết. Một số không nhỏ các chiến sĩ cách mạng đã vượt ngục bằng nhiều cách khác nhau. Một số ra đến hàng rào cuối cùng bị địch phát hiện bắn chết, một số thoát được vào rừng nhưng bị thương tích ốm yếu không thuốc men, lương thực nên đã hy sinh trong rừng. Số khác thoát ra ngoài lấy thuyền vượt biển bị địch phát hiện, dùng hải thuyền đuổi theo bắn chết ngoài biển.
Khi được giao công việc tìm danh sách liệt sĩ hy sinh tại Phú Quốc, tôi được sự hỗ trợ của các đồng chí Cựu chiến binh từng là cán bộ cao cấp trong quân đội. Trực tiếp làm việc với Quân khu 9, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Kiên Giang, theo hồ sơ do hai đơn vị hiện đang quản lý số mộ được quy tập về các nghĩa trang tại thành phố Phú Quốc là 3.326 ngôi mộ. Trong đó có 452 ngôi mộ có đủ họ tên, quê quán, tháng năm hy sinh, 926 ngôi mộ chỉ có tên chưa đầy đủ các thông tin và 1.948 ngôi mộ chưa có tên, 13 ngôi mộ gió (không hài cốt), 03 ngôi mộ tập thể có khoảng trên 150 hài cốt.
Có lẽ do liệt sĩ phù trợ, tôi biết thêm một số cựu tù Phú Quốc, từ đó tôi liên hệ và gặp trực tiếp ông Nguyễn Dương Kế vượt ngục 21/12/1971, ông Võ Văn Hiển vượt ngục ngày 19/4/1972, ông Lê Xuân Hà vượt ngục 12/5/1971 và một số cựu tù khác. Qua các cựu tù, tôi có thêm danh sách của 49 chiến sĩ hy sinh tại Phú Quốc, đối chiếu với danh sách do Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Kiên Giang cung cấp chỉ có một liệt sĩ trùng tên, trùng ngày hy sinh và trùng quê. Như vậy tôi đã có thêm được 48 liệt sĩ hy sinh tại Phú Quốc, việc này cũng còn cần sự thẩm định của các cấp có thẩm quyền công nhận để khắc tên trên bia đá tại đền thờ.
Số lượng liệt sĩ hy sinh tại Phú Quốc còn rất nhiều người chưa có thông tin, chưa có tên, tôi mong rằng đến một ngày nào đó tên các liệt sĩ được lưu danh đầy đủ, khói hương sẽ sưởi ấm linh hồn các liệt sĩ – TÊN ANH LÀ TÊN ĐẤT NƯỚC.
*Bài được đăng trên Đặc san “LINH KHÍ QUỐC GIA” số xuân Nhâm dần