Chiều 12/8, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam Kamal Malhotra.
Việt Nam đã tham gia ứng cử vào các cơ quan của Liên hợp quốc như Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008-2009 và 2020-2021, Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc 2014-2016, tham gia sứ mệnh bảo vệ và gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, góp phần vào việc củng cố, ổn định chính trị, hòa bình, an ninh, tạo thuận lợi cho phát triển, nâng cao vị thế, hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế; làm sâu sắc hơn quan hệ của Việt Nam với các nước trên thế giới.
Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cảm ơn Liên hợp quốc đã tích cực hỗ trợ Việt Nam về vật tư, trang thiết bị y tế, đặc biệt là hỗ trợ vaccine ngừa Covid-19 thông qua cơ chế Covax; đồng thời mong muốn, Liên hợp quốc tiếp tục giúp đỡ Việt Nam trong công cuộc phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và phát triển kinh tế sau dịch bệnh.
Quốc hội Việt Nam cảm ơn Liên hợp quốc, các cơ quan của Liên hợp quốc và cá nhân ông Kamal Malhotra với sự đóng góp to lớn trong các hoạt động của Quốc hội thời gian qua, đặc biệt hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, tăng cường kỹ năng cho các đại biểu Quốc hội chuyên trách và bán chuyên trách.
Trước yêu cầu tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Quốc hội Việt Nam đã soạn thảo những kế hoạch, đề án để thực hiện; đồng thời đề nghị các cơ quan của Liên hợp quốc tiếp tục quan tâm, hỗ trợ về kỹ thuật, tư vấn, năng lực, chuyên môn giúp Quốc hội ngày càng làm tốt hơn công tác lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Nhấn mạnh đến vai trò của Diễn đàn Kinh tế thường niên do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chủ trì, theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Việt Nam đã thực hiện khá tốt diễn đàn này, đây là nơi tập hợp trí tuệ của các nhà khoa học đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế, xã hội, đồng thời cũng là luận cứ cho Quốc hội quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Vì vậy, diễn đàn này cần được tái khởi động trong thời gian tới.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ mong muốn, Liên hợp quốc tăng cường hợp tác, kết nối giữa Quốc hội Việt Nam với các hoạt động của Liên hợp quốc, giữa các cơ quan của Liên hợp quốc và phát huy quan hệ đối tác giữa Liên hợp quốc với Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), qua đó tạo điều kiện để Quốc hội Việt Nam hội nhập sâu hơn và rộng hơn đối với các hoạt động chuyên môn của các tổ chức quốc tế trên phạm vi khu vực và toàn cầu.
Ngài Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam khẳng định. Liên hợp quốc và Việt Nam có mối quan hệ đặc biệt trong hơn 40 năm qua, thời gian gần đây, hai bên đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Liên hợp quốc luôn sát cánh cùng Việt Nam trong nhiều hoạt động quan trọng, từ tham gia gìn giữ hòa bình; phòng, chống bom mìn; bảo vệ môi trường; luôn sát cánh cùng Việt Nam trong những sự kiện cấp khu vực và thế giới.
Ngài Kamal Malhotra bày tỏ tự hào khi Liên hợp quốc không chỉ hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực phát triển mà còn giúp Việt Nam tăng cường vị thế trên trường quốc tế. Cùng với đó, cơ quan Liên hợp quốc tại Việt Nam đã hợp tác chặt chẽ với Quốc hội Việt Nam, cùng khởi động bộ công cụ cho đại biểu Quốc hội ở Sơn La; phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Đối ngoại, Ủy ban Xã hội để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và những nôi dung cùng quan tâm khác.
Gần đây nhất, cơ quan Liên hợp quốc đã hỗ trợ hoạt động phòng, chống Covid-19, đặc biệt trong lĩnh vực vaccine. Ông Kamal Malhotra cho biết, với ưu tiên hàng đầu về vaccine ngừa Covid-19 cho Việt Nam thông qua Cơ chế Covax, mới đây Chính phủ Pháp đã đồng ý hỗ trợ thêm, với sự hỗ trợ này, Liên hợp quốc đã hỗ trợ Việt Nam gần 10 triệu liều vaccine, đây là số lượng lớn nhất trong tổng số vaccine hiện có tính đến thời điểm hiện nay.
Theo ông Kamal Malhotra, cơ quan Liên hợp quốc đã phối hợp các cơ quan chức năng của Việt Nam xây dựng hai khung chiến lược hợp tác, kế hoạch chiến lược giai đoạn 2017-2021; thiết kế khung chiến lược hợp tác hai bên giai đoạn 2022-2026, hiện nay, cơ bản hoàn thành phần của Liên hợp quốc; hy vọng hai bên sẽ sớm thống nhất cho giai đoạn 5 năm tới đây. Những văn bản quan trọng này sẽ là nền tảng vững chắc để hai bên tiếp tục phát triển, đẩy mạnh mối quan hệ hợp tác giữa Liên hợp quốc và Việt Nam.