Thứ ba, Tháng chín 17, 2024

CHỢ ĐÔNG BIÊN

Đông Biên là tên chợ huyện của huyện Hải Hậu (Nam Định). Chợ họp một tháng 6 phiên vào các ngày âm lịch có số đuôi là 5 và 9. 29 tháng Chạp là phiên cuối cùng trong năm và cũng là phiên chợ Tết lớn nhất của huyện.

Một

Tôi không nghĩ ngôi chợ truyền thống, gắn với quá trình xây dựng và phát triển hàng trăm năm ở vùng đất Tứ tổ khai sáng nay lại lèo tèo, xác xơ đến thế. Cuối tháng Tám sắp lập thu mà trời dội lửa như giữa hè. Con đường dẫn vào chợ rợp bóng bàng xưa không còn, thay vào đó những gian hàng xổm bán cây giống. Cửa hàng bách hoá tổng hợp gắn với ”truyền thuyết“ áo xanh sĩ lâm; quần phíp” không còn. Cả cổng gạch mang tên “Chợ Đông Biên” không còn nữa…

Gửi xe máy xong vào chợ, tôi tìm hàng bánh đúc, bánh nếp nhân đậu xanh, bánh đa vừng…vốn ưa thích mỗi lần mẹ đi chợ về cách đây hơn 50 năm. Một cô gái bán hành tỏi ngay đầu chợ nhiệt tình chỉ dẫn. Chen qua các gian hàng với mùi đặc trưng của chợ quê, tôi tìm được các món ưa thích. Nào bánh đúc nhân lạc, bánh nếp nhân đậu xanh, nào bánh đa vừng gạo quê và cả những trái cà xanh giòn nữa. 

Dạo một vòng trước khi ra bãi lấy xe ra về, tôi cứ miên man suy nghĩ về “di sản vật thể “ ở quê. Thời CNH HDH, đúng là phải ưu tiên phát triển các trung tâm thương mại với các chợ hiện đại, các siêu thị “ngàn hoá”, nhưng với vùng quê giàu bản sắc truyền thống văn hoá khác biệt này, cũng nên chú ý tôn tạo và phát triển nó. Ở các thành phố lớn như Hà Nội (chợ Đồng Xuân) Huế (chợ Đông Ba) TP.HCM (chợ Bến Thành) Đồng bằng sông Cửu Long (chợ Nổi)… nhà chức trách đã chú trọng đầu tư phát triển. Để các địa chỉ truyền thống ấy không chỉ đáp ứng nhu cầu giao thương của cư dân mà còn là điểm đến khám phá, trải nghiệm của du khách. 

Từ chủ trương đến biện pháp là cả quá trình. Kinh tế thị trường cho phép thu hút nguồn đầu tư đa dạng. Tôi định bụng gặp Bí thư Hải và Chủ tịch huyện Thế Anh để góp ý chuyện này. 

Cần có dự án khoa học thiết kế và vận hành chợ Đông Biên. Đảm bảo dĩ bất biến và ứng vạn biến; kết hợp hiện đại và truyền thống. Cần có chính sách đầu tư, đảm bảo lợi ích chính đáng của nhà  đầu tư và nhu cầu thiết yếu của người dân.

Đó là bài toán dễ chẳng dễ nhưng trong tầm tay của cấp uỷ, chính quyền huyện văn hoá anh hùng, mảnh đất thiêng nơi vùng chân sóng này. 

Hai

Dắt xe khỏi bãi, tôi nổ máy rà rà ngược lên phía đông chợ tìm tiệm ảnh Nam Hải, hiệu sách Nhân Dân và lò bánh mì mang tên Hợi…

Tuổi thơ tôi, nơi đây đã neo giữ biết bao kỷ niệm. Khoảng đầu năm 60 của thế kỷ trước, ngày 29 Tết hằng năm tôi đều theo bố mẹ, đôi khi tự đi chợ Đông Biên phiên cuối năm. Tranh Đông Hồ, sách là món hàng tôi ưa thích nhất. Hơn mười tuổi tôi đã mê tiểu thuyết, thơ của các nhà văn nhà thơ nổi tiếng của Liên Xô, Trung Quốc, Ấn Độ… và không quên các nhà văn kinh điển, gạo cội của Việt Nam. 

Tan chợ về, chiều ngồi trên lưng trâu, tôi như bị các cuốn sách ấy thôi miên. Có phải thế không để sau này, xuất thân từ gia đình thuần nông, trở thành “thợ cày trên cánh đồng chữ nghĩa”?. Vào tuổi xưa nay hiếm, tôi đang chạy đua với thời gian hoàn thành các cuốn sách cán đích số 20 của mình nhân kỷ niệm 80 năm ngày thành lập QĐND; 50 năm SGGP và 55 rời mái trường cấp 3 HH thân yêu vượt Trường Sơn vào Nam Bộ chiến đấu. 

Qua cửa hàng ảnh Nam Hải và lò bánh mỳ ông Hợi… dấu tích xưa chẳng còn. Nhưng tôi vẫn nghe đâu đây mùi đặc trưng của bánh mỳ nóng giữa mùa đông giá lạnh và cái bụng đói cồn cào tuổi ấu thơ. 

Chợ Đông Biên chắc chắn sẽ đổi mới. Ký ức xưa chắc chắn sẽ còn mãi! 

VƯỜN CÂY CỦA MẸ 

Mỗi lần về quê, tôi có thú vui đạp xe tung tẩy nơi in dấu kỷ niệm tuổi thơ. Sáng nay từ nhà đạp gần chục cây số xuống bến phà Ninh Cường nối đôi bờ Ninh Cơ giữa đất Trực Ninh và Nghĩa Hưng.

Trên đường về, cũng theo thói quen, tôi ghé chợ. Chợ xổm, chợ hàng như bão hoà với thời gian, đã hơn nửa thế kỷ từ ngày gánh bưởi cho mẹ đi chợ Đình bán, vẫn thế.

Rút điện thoại chụp hình. Về nhà so lại vẫn như những tấm hình trước đây. Chỉ có điều hàng hoá dồi dào hơn và các bà các chị đi chợ mặc tươm tất, nét mặt vui vẻ hơn.

Biết mua về mẹ la, nhưng theo thói quen vẫn ghé hàng bún chả dưới gốc cây đa cổ mang tên Obama mua hai phần. Nghĩ bụng, phần biếu mẹ, phần kia cho 3 đứa cháu ngoại của các em từ TP.HCM nghỉ hè ra “chơi với Cụ“. 

Một

Khi mẹ bước vào tuổi U100, biết thời gian chỉ tính tuần, tính tháng, anh em bảo nhau, sắp xếp lúc nào cũng có các con bên cạnh mẹ. Đặc biệt lễ tết thì cả nhà kéo về. Quả thực đó là liều thuốc tiên khiến mẹ khoẻ, vui và luôn miệng kể chuyện xưa, chủ yếu “ôn nghèo kể khổ“ và ơn nghĩa những người đã cưu mang, giúp đỡ gia đình mình.

Vẫn theo thói quen hơn 20 năm nay, hàng ngày mẹ vẫn ngồi bậu cửa ngóng ra đường. Có chú bộ đội nào đó về phép, ba lô xanh, vành mũ cũng xanh. Chúng con về cả rồi mẹ còn ngóng ai nữa? Em con chứ ai, thằng cu Cay đó. Đêm qua mẹ lại mơ nó khoác balo đứng ở cổng. Cười, hàm răng trắng loá mà ánh mắt long lanh…

Hai 

Chưa đợt nghỉ nào về quê có nhiều trái cây như đợt này. Nào bưởi, hồng, chuối, mít, khế… đặc biệt nhiều nhất là Na. Na thứ trái cây mà tôi yêu thích từ nhỏ và cũng gắn với kỷ niệm đau buồn của người lính trận. Sau chống Mỹ, người lính trận ấy trở về và làm “nghĩa vụ“ như bao chàng trai khác: lấy vợ. Vợ anh là một cô gái trẻ vừa ra trường. Cưới xong ở bên vợ chưa đầy một tuần thì chàng trở lại mặt trận. Chiến dịch giải phóng cứu nhân dân CPC thoát hoạ diệt chủng, chàng phóng viên chiến trường bám sát bước chân bộ đội. Tết năm ấy dưới tượng thần Apsara ở Ăng Co, chàng nghe tin vợ mất. Người con gái mang tên một loại trái cây chàng ưa thích đã mãi mãi ra đi khi tuổi còn rất trẻ…

Ba

Chợ quê và vườn trái cây của mẹ là nguồn cảm hứng vô tận để chàng phóng viên mặt trận một thời sáng tạo. Chàng viết trường ca, thơ, truyện ngắn, bút ký, tản văn về quê hương với những kỷ niệm vui buồn.

Vào tuổi U80, chàng phóng viên mặt trận ấy vẫn như xưa, mê say khám phá quê hương, chợ quê và vườn trái cây của mẹ.

Một số hình ảnh về chợ Đông Biên:

Tản văn Trần Thế Tuyển

Đông Biên, 25 tháng 7 Giáp Thìn 

Bài viết liên quan

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận
Nhập tên của bạn

Bài viết phổ biến

Bình luận gần đây