Thứ Tư, Tháng Mười Hai 6, 2023
Trang chủDiễn đànChính sách ưu đãi đối với người có công

Chính sách ưu đãi đối với người có công

Qua các cuộc kháng chiến giành độc lập, thống nhất đất nước và bảo vệ  tổ quốc Việt Nam đến nay cả nước đã xác nhận được trên 9,2 triệu người có công. Trong đó, có khoảng trên 1,2 triệu liệt sĩ, gần 140.000 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, trên 800.000 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, gần 600.000 bệnh binh, trên 320.000 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con đẻ của họ… trên 1,2 triệu người có công, thân nhân người có công  hưởng chế độ ưu đãi hằng tháng.

Chế độ ưu đãi người có công được thực hiện theo lộ trình cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công. Chế độ trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đã qua nhiều lần điều chỉnh, từng bước khắc phục những hạn chế về mức, về nguyên tắc và phương thức điều chỉnh độc lập với chế độ tiền lương, bảo hiểm xã hội, phù hợp với điều kiện của ngân sách nhà nước, góp phần từng bước cải thiện, nâng cao đời sống của người có công. Mức chuẩn để xác định mức trợ cấp ưu đãi người có công năm 2012 là 1.110.000 đồng, đến năm 2019 và hiện nay, mức chuẩn là 1.624.000 đồng.

Ngoài các chính sách về trợ cấp, phụ cấp, người có công và thân nhân còn được hưởng nhiều chính sách ưu đãi khác như: hỗ trợ về nhà ở, nuôi dưỡng, điều dưỡng phục hồi sức khỏe, cấp thẻ bảo hiểm y tế, ưu đãi trong giáo dục, trong tuyển sinh, tạo việc làm… Quan trọng hơn là có nhiều đổi đổi mới về thủ tục hành chính đối với những  vấn đề liên quan với người có công.

Ngoài các công trình ghi công liệt sĩ, đền thờ, đài tưởng niệm liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ, mộ liệt sĩ cũng được thường xuyên tu tạo, sửa chữa, nâng cấp. Nhiều đền thờ, nghĩa trang liệt sĩ đã trở thành khu du lịch tâm linh, khu di tích lịch sử Quốc gia. Hằng năm, các cấp chính quyền đều bố trí kinh phí để tu bổ, nâng cấp các công trình này; công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin được Đảng, Nhà nước quan tâm đặc biệt.

Trong giai đoạn từ năm 2012-2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các Quyết định số 150/QĐ-TTg, ngày 14/01/2013, số 1237/QĐ-TTg ngày 27/7/2013 phê duyệt Đề án tìm kiếm, quy tập, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ từ nay đến năm 2020 và các năm tiếp theo; Quyết định số 515/QĐ-TTg về việc kiện toàn Ban chỉ đạo quốc gia về tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ.

Ngày 14/9/2021, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định số 1515/QĐ-TTg về ban hành kế hoạch tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin đến năm 2030 và những năm tiếp theo. Hằng năm tìm kiếm, quy tập được hàng nghìn hài cốt liệt sĩ ở trong nước và nước ngoài, hàng nghìn hài cốt liệt sĩ được xác định danh tính qua thực chứng và giám định ADN.

Mới đây nhất  ngày 20/4/2023 Bộ Công an ban hành thông tư số 14/2023 về quy trình công nhận và thực hiện chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng thuộc trách nhiệm của Bộ Công an. Ngày 12/5/2023, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội văn bản Số 627/QĐ-LĐTBXH hướng dẫn chỉnh sửa thông tin cá nhân trong hồ sơ người có công cấp tỉnh.

Cùng với đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ký kết Chương trình phối hợp chăm sóc, tu bổ thường xuyên các nghĩa trang liệt sĩ. Đến nay, có trên 3000 nghĩa trang liệt sĩ trên cả nước được các nhà trường, học sinh chăm sóc thường xuyên và tổ chức dâng hương vào những dịp kỷ niệm Ngày Thương binh – liệt sĩ và các ngày lễ lớn của dân tộc. Qua đó, khơi dậy lòng yêu nước, tự hào dân tộc, trách nhiệm của tuổi trẻ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Năm 2020, Pháp lệnh ưu đãi người có công được Quốc hội thông qua, ban hành thể hiện sự quan tâm lớn của Đảng, nhà nước đối với những người con của Tổ quốc có những đóng góp cho đất nước qua các cuộc kháng chiến.

Pháp lệnh đã mở rộng thành phần hưởng ưu đãi:

Thứ nhất:  Mở rộng việc chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng, bổ sung đối tượng người có công và thân nhân. Tại Điều 3 đã làm rõ những đối tượng là thân nhân của người có công với cách mạng bao gồm: Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con (con đẻ, con nuôi), người có công nuôi liệt sĩ. Điều 16 quy định vợ hoặc chồng liệt sĩ lấy chồng hoặc vợ khác mà nuôi con liệt sĩ đến tuổi trưởng thành hoặc chăm sóc cha đẻ, mẹ đẻ liệt sĩ khi còn sống hoặc vì hoạt động cách mạng mà không có điều kiện chăm sóc cha đẻ, mẹ đẻ liệt sĩ khi còn sống thì hưởng trợ cấp tuất hằng tháng và bảo hiểm y tế…

Thứ hai: Cụ thể các nguồn lực thực hiện chính sách, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng gồm: ngân sách nhà nước; các nguồn tài trợ, biếu, tặng cho, ủng hộ, đóng góp của tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài hoặc các nguồn lực hợp pháp khác, nâng cao chất lượng chăm lo người có công.

Ban Thường vụ Hội tặng quà Mẹ VNAH tại huyện Tân Trụ tỉnh Long An nhân dịp kỷ niệm 76 năm ngày TBLS (27/7/2023).

Pháp lệnh mới đã định rõ nguyên tắc hưởng trợ cấp hằng tháng:

Với Bà mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) bằng 3 lần mức chuẩn. Bỏ quy định trợ cấp tuất theo số con liệt sĩ với Bà mẹ VNAH mà cố định rõ, đảm bảo các bà mẹ VNAH sống tốt mà không phụ thuộc vào số con liệt sĩ.

Đối với pháp lệnh hiện hành nêu  “Người phục vụ Bà mẹ VNAH sống ở gia đình được Nhà nước mua bảo hiểm y tế” thì tại pháp lệnh mới đã dành ra Điều 19 quy định chế độ ưu đãi đối với thân nhân của Bà mẹ VNAH. Cụ thể, ngoài bảo hiểm y tế như trên, thân nhân Bà mẹ VNAH sẽ được hưởng trợ cấp một số khoản (có mức độ chi tiết) khi Bà mẹ VNAH qua đời hoặc được truy tặng danh hiệu “Bà mẹ VNAH”.

Những sửa đổi bổ sung là kịp thời, phù hợp, gần hơn với thực tế cuộc sống, nhưng còn cần sớm có hướng dẫn chi tiết hóa bằng văn bản của Chính phủ.

– Trợ cấp hằng tháng, phụ cấp hằng tháng, trợ cấp một lần;

– Các chế độ ưu đãi khác bao gồm:

+ Bảo hiểm y tế;

+ Điều dưỡng phục hồi sức khỏe;

+ Cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình, phương tiện, thiết bị phục hồi chức năng cần thiết theo chỉ định của cơ sở chỉnh hình, phục hồi chức năng thuộc ngành lao động – thương binh và xã hội hoặc của bệnh viện tuyến tỉnh trở lên;

+ Ưu tiên trong tuyển sinh, tạo việc làm;

+ Hỗ trợ để theo học đến trình độ đại học tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân;

+ Hỗ trợ cải thiện nhà ở căn cứ vào công lao, hoàn cảnh của từng người hoặc khi có khó khăn về nhà ở;

Mục tiêu “mức chuẩn trợ cấp người có công với cách mạng”

Ngày 11/11/2022, Quốc hội thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước 2023. Theo đó, từ ngày 01/7/2023 sẽ thực hiện tăng mức chuẩn trợ cấp người có công bảo đảm không thấp hơn mức chuẩn hộ nghèo khu vực thành thị.

Hiện nay, theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 75/2021/NĐ-CP thì mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng là 1.624.000 đồng.

– Từ ngày 01/01/2023 đến 30/06/2023, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng sẽ vẫn giữ nguyên như mức chuẩn hiện nay là 1.624.000 đồng.

Các mức quy định theo mức chuẩn tại Nghị định 75/2021/NĐ-CP được điều chỉnh khi mức chuẩn chung được điều chỉnh

– Từ ngày 01/7/2023, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng sẽ được điều chỉnh tăng bảo đảm không thấp hơn mức chuẩn hộ nghèo khu vực thành thị giai đoạn 2022 – 2025.

Luật sư Nguyễn Đồng Bằng

Bài viết liên quan

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận
Nhập tên của bạn

Bài viết phổ biến

Bình luận gần đây