Chủ Nhật, Tháng chín 15, 2024
Trang chủChính sách mớiChính sách BHYT có những điều chỉnh nào khi bỏ Sổ hộ...

Chính sách BHYT có những điều chỉnh nào khi bỏ Sổ hộ khẩu? 

Liên quan đến việc bỏ Sổ hộ khẩu, chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) cũng có những điều chỉnh theo Nghị định 104/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2023.

Trước đó, trong Luật Bảo hiểm y tế năm 2008, sửa đổi bổ sung năm 2014  xác định hộ gia đình tham gia BHYT  là những người cùng đăng ký thường trú hoặc cùng đăng ký tạm trú tại một chỗ ở hợp pháp theo quy định của pháp luật về cư trú. Cụ thể là những người có tên trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú.

Theo đó, từ ngày 01/01/2023 – thời điểm Nghị định 104/2022/NĐ-CP có hiệu lực, đối tượng tham gia BHYT sẽ được hướng dẫn thống nhất là những người có tên trong cùng một hộ gia đình đăng ký thường trú hoặc tạm trú.

Theo Luật Cư trú năm 2020, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú chỉ có giá trị sử dụng đến hết năm 2022. Do đó, các biểu mẫu có yêu cầu về thông tin sổ hộ khẩu sẽ được điều chỉnh cho phù hợp, tạo thuận lợi cho người dân trong việc cung cấp thông tin.

Những điều chỉnh liên quan đến chính sách BHYT sau khi bỏ Sổ hộ khẩu bao gồm:

  1. Bỏ quy định về sổ hộ khẩu, sổ tạm trú với nhóm tham gia BHYT hộ gia đình;
  2. Bỏ yêu cầu về sổ hộ khẩu trong các biểu mẫu liên quan đến BHYT, BHYT hộ gia đình

Cụ thể, tại Nghị định 104/2022/NĐ-CP, mẫu danh sách thành viên hộ gia đình tham gia bảo hiểm y tế sẽ được lược bỏ phần ghi thông tin: “Số sổ hộ khẩu (hoặc sổ tạm trú)”.

Thay vào đó, khi kê khai thông tin tham gia BHYT hộ gia đình, người dân chỉ cần điền họ tên chủ hộ, số điện thoại (nếu có), địa chỉ và thông tin về việc tham gia BHYT của các thành viên còn lại trong hộ gia đình theo mẫu.

Khi nhận thẻ BHYT:

Trường hợp người hưởng chế độ trực tiếp nhận, chỉ cần cung cấp giấy hẹn và thẻ Căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân.

Trường hợp người khác nhận thay:

-Nếu là thân nhân của người hưởng chế độ: Ngoài việc cung cấp giấy hẹn, Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân, cần cung cấp thêm một trong các giấy tờ chứng minh là thân nhân của người hưởng bảo hiểm y tế như: bản sao giấy khai sinh hoặc giấy chứng sinh hoặc Giấy chứng nhận kết hôn hoặc Giấy xác nhận thông tin về cư trú hoặc Giấy thông báo số định danh cá nhân và thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

-Nếu là người giám hộ: Ngoài cung cấp giấy hẹn, Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân, cần cung cấp thêm giấy tờ chứng minh là giám hộ đương nhiên của người hưởng bảo hiểm y tế. Trong trường hợp không có người giám hộ đương nhiên theo quy định của pháp luật thì cung cấp giấy hẹn, Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân, quyết định công nhận việc giám hộ của cấp có thẩm quyền.

-Nếu không phải là thân nhân hoặc người giám hộ nêu trên ngoài cung cấp giấy hẹn, Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân cần cung cấp thêm giấy ủy quyền theo quy định của pháp luật hiện hành.

Lương Gia Cát Tường (TH)

Bài viết liên quan

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận
Nhập tên của bạn

Bài viết phổ biến

Bình luận gần đây