Chủ Nhật, Tháng chín 15, 2024

Chị Thơ

Tản văn

Gió heo may tràn về, lá vàng rơi đầy lối nhỏ, quê hương tôi đang chầm chậm vào Xuân. Từ ngày có cuộc cách mạng xanh – nông thôn mới, bộ mặt thôn quê đã đổi khác. Đổi khác không chỉ vì “ điện- đường -trường -trạm “ mà đổi khác ngay từ sâu thẳm lòng
người.

Thả bộ dọc bờ sông, tôi như người mộng du. Đường hoa và tiếng loa phóng thanh, tiếng trống chầu… Từ khi công cuộc đổi mới khởi sắc, làng quê tôi như lột xác . Tôi gặp chị Thơ ngay cầu đá đầu làng. Cách đây nửa thế kỷ, chị Thơ đã tiễn tôi lên đường đánh giặc nơi bến sông này. Cậu về bao giờ? Về giỗ Bố rồi giỗ Tổ hả. Dạ, em mới về. Chị có khỏe không? Nói khỏe cũng được mà không cũng được, cậu ạ. Chị đã hơn bảy chục rồi còn gì…?

Tôi giật mình. Chị đã hơn 70 rồi sao? Đúng thế, là lớp đàn em, tôi cũng đã sắp đến “ tuổi xưa nay hiếm”.
Tôi bước vào căn nhà nằm sâu trong ngõ nhỏ, nhìn ra cánh đồng. Phải nói, nông thôn mới đã làm mọi thứ mới lạ. Ngõ nhỏ lầy lội khi xưa, nay được đổ bê tông khang trang, rộng rãi. Nhà nào cũng tường xây, ngói mới. Trang bị, tiện nghi đầy đủ, không kém gì thành phố. Mọi thứ đều mới mẻ, chỉ có chị Thơ thì vẫn thế. Tôi nhớ lại người con gái đội trưởng đội sản xuất của hợp tác xã nông nghiệp cách đây hơn 50 năm về trước. Ngày ấy chị Thơ mới hơn hai mươi tuổi, đã được giao làm đội trưởng sản xuất, quản lý vài trăm hộ gia đình. Dáng người thon, tóc dài, da trắng, vồng ngực tràn dâng; đặc biệt đôi mắt sâu đầy biểu cảm, chị Thơ rực sáng như bông hoa đồng nội.
Dạo ấy tôi đang học lớp 10. Cả xã chỉ có vài người học lớp 10 nên chúng tôi được coi là lớp “trí thức“ nhất làng. Nghỉ hè, tôi theo chị Thơ ra cánh đồng. Nhìn chị “chỉ huy“ bà con làm mùa, tôi thấy chị đẹp như trong tranh vẽ. Cái đẹp không chỉ bong ra ngoài mà lặn sâu vào trong, khiến người ta gặp dù chỉ một lần cũng khó quên được. Đặc biệt, mỗi khi chị xăn quần quá đầu gối lội ruộng dưới ánh nắng ban mai, chị như bước ra từ tranh của danh họa Nguyễn Chánh. Tính tình vui vẻ, nói năng dịu dàng, thuyết phục, nhưng không phải không có lúc chị “nổi đóa“. Tôi nhớ lần ấy, mùa vụ đang hối hả, đi họp về, gần trưa chị Thơ vẫn thấy mấy con trâu cột dưới gốc tre. Hỏi ra, mới biết, trời mưa các thợ cày tự tiện nghỉ việc, rủ nhau đụng thịt chó, đánh chén. Chị Thơ bực lắm. Chưa cày trâu lần nào, chị tự tay chọn con trâu hung nhất, vác cày ra đồng. Đã quan sát các thợ cày từ trước, nên chị Thơ tự tin lắm.


Con trâu ngang ngạnh nhất phải ngoan ngoãn nghe theo chỉ dẫn của chị, thả những đường cày thẳng tắp.Trời mỗi lúc một nắng gắt, đã quá trưa, chị vẫn miệt mài với cánh đồng. Thấy thế, mấy cụ phải tạm gác cuộc nhậu. Trâu ai, nấy cày. Tới xẩm tối cánh ruộng đã cày xong, kịp cho công đoạn tiếp theo, nối vụ.

Người con gái duyên dáng mới hơn 20 tuổi dịu dàng nhưng quyết đoán ấy sau này là chị kết nghĩa của tôi. Chính chị đã tiễn tôi ra mặt trận. Buổi tiễn tôi lên đường, hai chị em bách bộ dọc bờ sông. Dưới ánh trăng như rải thủy ngân lấp lánh, chị ấn vào tay tôi vật kỷ niệm là chiếc khăn tay. Chị nắm chặt tay tôi. Khóc. Đó là lần đầu tiên tôi thấy chị khóc. Sau này chị nói với tôi, chiến tranh khốc liệt quá. Làng ta đã có hàng chục trai tráng ra đi không trở về. Chị nghĩ em cũng thế. Em sẽ không trở về và chị khóc.

Chiến tranh đã lùi xa mấy chục năm. Ngôi làng nghèo xơ xác của chúng tôi bên dòng sông, giờ đây đã giầu có. Chỉ có chị Thơ vẫn thế . Chị không lấy chồng, sống trong ngôi nhà nhỏ cuối làng. Có người bảo, chị ở vậy để chăm sóc bà mẹ già gần một trăm tuổi. Người khác lại bảo, mấy chục năm trước, chị tiễn người yêu ra mặt trận. Kết thúc chiến tranh, anh ấy vẫn không về và chị cứ mòn mỏi chờ đợi.

Chuyện không vui ấy, chị Thơ không nhắc lại mà kể cho tôi nghe những kỷ niệm một thời gian khó. Thế mà được như ngày hôm nay, có người còn chê lên, trách xuống.

Họ bảo mình tụt hậu. Giọng chị Thơ gãy gắt, quyết đoán như cái thời làm đội trưởng sản xuất. Tụt hậu là tụt hậu thế nào? Cuộc sống bây giờ so với ngày xưa đã sướng vạn lần. Thế mà họ không hài lòng, vẫn đòi hỏi nhà nước. Trong khi đó họ không tự hỏi mình xem đã làm gì để góp vào sự đổi mới, thành công của đất nước, trước hết là của làng, của xã…


Người trẻ hay nói tới tương lai. Người già hay kể về quá khứ. Bà chị ngoài thất tuần của tôi, không chỉ kể về quá khứ mà luôn nói đến tương lai. Làm gì thêm nữa để góp sức vào “ nông thôn mới “; góp vào sự đổi mới giàu có và ấm áp của quê hương. Chị nói cậu nghe, “nông thôn mới “ cứ đổi mới. Nhưng cái gì không cần đổi mới thì phải giữ cho bằng được, đó là nền nếp, gia phong, là tình người, trước hết là tình làng, nghĩa xóm. Giàu có, khang trang nhưng sao chị thấy người ta lạnh nhạt với nhau, còn lôi nhau ra toà vì những việc liên quan tới lợi ích cá nhân. Cậu viết báo, viết gì thì viết nhưng cố gắng giúp mọi người hiểu ra và thương yêu nhau hơn nữa nhé ?

Lời dặn dò của bà chị kết nghĩa tuổi ngoại thất tuần làm đêm ấy tôi không sao ngủ được. Khuya lắm rồi tôi vẫn nghe tiếng trống chầu từ nhà thờ họ Nguyễn lúc thăng lúc trầm. Ngày mai bà con dòng họ được coi là lâu đời nhất ở làng này vào hội. Chị Thơ là hậu duệ. Trong trang phục truyền thống, chị đứng đầu đội nữ tế chững chạc hành lễ trong tiếng nhã nhạc vừa xa xăm, vừa gần gũi.

Trần Nguyên Trang

Bài viết liên quan

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận
Nhập tên của bạn

Bài viết phổ biến

Bình luận gần đây