Trưa 19/3/2023. Phải hơn một tiếng đồng hồ, mất hàng chục cuộc điện thoại, anh Tuấn mới tìm được người chị ruột của chị Nhàn.
Đó là bà Hoan, ở 104 Đường Lê Lợi, Phủ Lý. Vừa nghe hỏi đến bà Nhàn, bà Hoan đã chửi té tát: “Hỏi cái éo gì! Cán bộ nhà các ông làm ăn như cứt! Người làm thật, có công thật thì không được gì. Cái con T thì làm cái gì mà công lao, bổng lộc được cả. Còn thằng A nữa, cả làng ai chẳng biết nó trước là thằng lãnh binh, bây giờ cũng là người có công. Thằng có công thì éo được gì, công bằng thế đấy hả?”
Thoạt đầu, hơi nóng tai. Nhưng đi nhiều, nghe chửi nhiều, tôi nghiệm ra “những nơi cay đắng là nơi thật thà”. Quả vậy, sau một thôi, một hồi nghe các vị khách chịu trận, bà quay lại niềm nở: “Thôi, hai ông uống chén nước đi, rồi tôi gọi cho”.
Nước chè chén của bà ngon thật. Hà Nam là quê hương các cụ đồ. Không phải là trà đạo cầu kỳ, nhưng các cụ vùng này có thú uống trà, đàm đạo văn chương. Có lần, tôi được nhà văn Nguyễn An Định đưa qua Đồng Văn (Duy Tiên) uống nước chè sen do chính bố anh là cụ Trưởng An pha. Quán nước chè của cụ nổi tiếng một thời, thi thoảng trên đường về quê, tôi lại tìm cớ ghé lại Đồng Văn thưởng trà, nghe cụ kể chuyện.
Chừng như ái ngại cho tôi, anh Tuấn nói: “Tôi với bà này là chị em, bà ấy vẫn mắng tôi suốt”… Anh Tuấn vốn là Đại đội trưởng dân quân Lam Hạ, sau nhập ngũ, chiến đấu ở Nam Bộ. Anh là người tích cực sưu tầm, giới thiệu lịch sử quê hương “người hiểu biết nhất về Lam Hạ”, anh Vĩnh, báo Nam Hà giới thiệu anh Tuấn với tôi.
Nước chè bà Hoan ngon bao nhiêu thì cái đẹp của bà cũng mặn mà, sắc nét bấy nhiêu. Ở tuổi 84 mà da vẫn trắng mịn, miệng đã nhanh mà chưa nhanh bằng ánh mắt. Bà góa chồng từ năm 25 tuổi. Chồng là bộ đội, hy sinh ở chiến trường B trong kháng chiến chống Mỹ. Tôi hỏi “Sao bà không đi bước nữa”? Bà nói, “tôi xấu như ma lại một đời chồng, có thằng đếch nào thèm đâu”. Tôi buột miệng: Bà bây giờ vẫn đẹp, chắc ngày xưa cũng hàng nghiêng nước, nghiêng thành…
Bà Trương Thị Nhàn và tác giả.
Trầm ngâm một lúc, bà kể: “Khổ, cái ông ấy mê tôi, chết rồi còn mê. Hễ có anh nào đến cưa kéo, có ý dạm hỏi là tôi quay ra ốm lăn, ốm lóc, ốm đến thập tử nhất sinh, thế là người ta lại thôi. Nhiều lần như thế, tôi đi coi bói, ông thầy bảo: “Chồng bà thiêng lắm, không cho bà lấy chồng đâu. Bà mà lấy là chết cả đôi đấy”. Thế là thôi. Tôi thì chẳng sao, làm chết người ta thật lại có tội… Mà thôi, địa chỉ con Nhàn đây: Qua Đền Lảnh 1000 mét thì gặp cổng làng Khả Duy, xã Mộc Bắc. Đến cổng làng, đi 500 mét, rẽ phải thì hỏi nhà nó, chồng nó là Huy. Huy trước ở Huyện đội, thương binh, giờ nằm một chỗ, một tay con Nhàn lo liệu cả, khốn nạn!”.
Bà day vào trán ông Tuấn: “Mẹ sư cha các anh! Làm cán bộ thì làm cho tử tế nhé. Thương dân dân lập đền thờ, Hại dân dân đái nát mồ thối xương. Làm cán bộ mà vinh vang là có ngày chết đấy. Mà mày cũng khổ lắm, dân quân rồi bộ đội mà cũng có cái méo gì đâu. Bây giờ lại cơm nhà, vác tù và hàng tổng”.
À, hóa ra bà thương Tuấn, không chửi Tuấn. Mà không chửi Tuấn chắc chửi tôi rồi, vì nghe nói tôi từ “trung ương” về. Tôi cũng kệ. Bà chửi thế là “chửi cả làng Vũ Đại”, đâu phải chửi tôi!
Khác với bà Hoan, chị Nhàn là một phụ nữ nông thôn trăm phần trăm, với sự tảo tần, chịu thương, chịu khó và mộc mạc, thật thà như đếm. Cuộc sống của chị là những ngày dài vất vả. Cả năm tháng tuổi trẻ, chị chiến đấu quên mình, quên cả tuổi xuân trên mâm pháo. Khi có tuổi, gặp anh Huy, thương binh, cán bộ Huyện đội Duy Tiên. Thương anh thương binh, chết vợ, chị thuận lấy anh, chăm anh, gánh vác mọi việc nặng nhọc bên nhà chồng. Và chị là người bị lãng quên trong chiến tranh, trong chiến công của mười cô gái Lam Hạ.
Ngày 5/8/1964, giặc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc, hòng chặt đứt con đường tiếp viện từ hậu phương ra tiền tuyến, đánh sập ý chí kháng chiến của người Việt Nam và nếu thuận lợi thì “Bắc tiến”, chiếm luôn cả miền Bắc.
Phủ Lý, nơi có cây cầu, có ga xe lửa là một trong những trọng điểm đánh phá ác liệt nhất của không quân Mỹ ở Bắc Bộ. Để bảo vệ tuyến giao thông huyết mạch, bảo vệ cây cầu và nhà ga tập kết hàng hóa, tập kết và chuyển quân, tại xã Lam Hạ, huyện Duy Tiên, quân dân ta đã bố trí nhiều trận địa pháo.
Ngày 5/8/1965, đại đội Phòng không xã Lam Hạ được thành lập có 87 người, chia thành hai trung đội, một trung đội nam, một trung đội nữ. Trung đội nữ do chị Trương Thị Nhàn làm trung đội trưởng; chị Ngô Thị Hồ là đảng viên, làm chính trị viên.
Tại sao chị được làm trung đội trưởng khi chưa là đảng viên, tôi hỏi. Chị nói: “Vì hồi đó tôi giỏi nhất trong số các chị em được bộ đội Phòng không huấn luyện. Tôi bắn được tất cả các loại súng, từ súng bộ binh đến trung liên, 12 li7, đến 37, 57, 100 li. Không chỉ bắn giỏi, tôi còn biết chỉ huy và làm được tất cả các việc, tải đạn, cứu thương, quân khí…”.
Tôi hỏi: “Chị có nhớ hết những trận đánh chị đã tham gia không?”. Chị nói: “Tôi nhớ hết, không quên chuyện gì. Trong 13 năm, tôi đã sống, chiến đấu như bộ đội, đánh nhau với máy bay địch 121 trận, bắn rơi 5 máy bay, bắt sống hai giặc lái. Trận ác liệt nhất là trận ngày 1/10/1966, chúng tôi đánh nhau từ 6 giờ sáng đến 4 giờ chiều…”.
Tôi tìm đọc báo Nhân Dân để tìm hiểu về sự kiện này. Số báo ra ngày 3/10/1966 chỉ đăng một dòng tin ngắn: “Sáng 1/10/1966, máy bay giặc Mỹ đã đến bắn phá phía bắc tỉnh Nam Hà. Sôi sục căm thù giặc Mỹ xâm lược, quân và dân tỉnh Nam Hà đã trừng trị chúng một cách đích đáng: bắn rơi một chiếc”.
Sáng sớm hôm đó, hàng chục máy bay địch ào tới như cơn lốc, trút bom hòng bất ngờ đánh sập cầu đường sắt Phủ Lý. Đến 10h, trong trận bom thứ 5, chúng dội hàng loạt bom phá, bom bi xuống thẳng khẩu đội 1, khẩu đội 2 của Trung đội nữ dân quân. Sáu chị là Nguyễn Thị Thu, Nguyễn Thị Thi, Đinh Thị Tâm, Trần Thị Tuyết, Phạm Thị Lan, Vũ Thị Phương hy sinh. Trước đó, chị Tâm, chị Phương đã bị thương nhưng vẫn tiếp tục chiến đấu. Chị Thu và chị Thi là hai chị em ruột.
Năm ấy chị Thi mới tròn 16 tuổi. Chị Nhàn, khỏe nhất, nhanh nhất vừa chỉ huy, vừa tiếp đạn, thấy trận địa vừa trúng bom, người chết, người bị thương lăn đầy đất. Chị lao tới một người đang phòi ruột, đấy là Tâm. Chị bế Tâm lên, thấy nặng như một quả núi. Thi lúc ấy còn thở, thều thào nói với anh trai, tên Thái: “Anh chiến đấu trả thù cho em và chị Thu; thay em chăm sóc mẹ…”.
Chị kể: “Chiều ấy, cả trận địa không ai ăn cơm. Thủ trưởng đơn vị bộ đội nói: Ai không ăn cơm là không căm thù, không quyết tâm trả thù cho đồng đội. Nhưng chính anh ấy cũng không ăn!”.
Trung đội của chị còn chịu hai tổn thất lớn nữa: Trong trận chiến đấu ngày 9/10/1966, ba nữ dân quân Nguyễn Thị Thuận, Trần Thị Thẹp, Nguyễn Thị Oánh hy sinh tại trận địa pháo 57 thôn Đường Ấm; ngày 7/7/1967, chị Đặng Thị Chung hy sinh tại trận địa Hòa Lạc. Mười liệt nữ Lam Hạ trở thành mười cánh chim trắng bay lên hóa vào mây núi Hà Nam linh thiêng. Mười liệt nữ được vinh danh. Đền thờ được lập tại trận địa thôn Đình Tràng năm xưa, nay thuộc phường Lam Hạ, TP Phủ Lý.
Chỉ có người chỉ huy của họ, chị Trương Thị Nhàn lấy chồng xa, ít ai nhớ đến… Chị nói: “Mười mấy năm sống như bộ đội, vào sinh ra tử, chưa được hưởng một chính sách gì ngoài một triệu đồng từ Nhà nước; một cái quạt điện của một đoàn khách chợt nhớ đến đem tặng!”.
Tôi kể câu chuyện này để những ai có thẩm quyền thuộc ngành lao động, thương binh và xã hội huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam; những ai có hảo tâm hãy quan tâm đến chị Nhàn ở thôn Khả Duy, xã Mộc Bắc, huyện Duy Tiên, Hà Nam và những người có công, chịu nhiều hy sinh mất mát trong chiến tranh đang bị bỏ quên!
Nguyễn Sĩ Đại