Bà mẹ VNAH Hồ Thị Nói, sinh năm 1930, xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi. Mẹ có chồng và hai con hy sinh. Chồng mẹ – ông Phan Văn Huyện- Xã đội trưởng Phú Mỹ Hưng, hy sinh ở Đồng Lớn, Trung Lập Thượng vào ngày 29 tết năm 1968. Hai con gái mẹ- chị Phan Thị Liên hy sinh để lại đứa con gái mới 5 tháng tuổi. Chị Phan Thị Hòa là quân y sĩ, hy sinh ngày 21 tháng 8 năm 1969.
Tôi biết cho đến giờ, mẹ vẫn còn khắc khoải, đau lòng mỗi khi nghĩ đến đứa cháu mồ côi…
Khi tôi tìm đến nhà mẹ Hồ Thị Nói tại Xã Phú Mỹ Hưng, Củ Chi thì mẹ đang đi kiếm nấm trắng ngoài vườn. Trong lúc đợi đứa cháu đi tìm mẹ, chị Phan Thị Hiệp, con gái thứ hai của mẹ tiếp tôi, cởi mở, chân tình. Hình ảnh của một Bà mẹ Việt Nam Anh hùng với thương khó, hy sinh, chịu đựng dần hiện lên, đầy đặn qua những dòng ghi chép trong quyển sổ tay. Tôi bước vào phòng khách ngôi nhà mẹ. Cũng giống như bao căn phòng khách ở Củ Chi, góc trang trọng nhất dành cho những người đã khuất. Những tấm bằng Tổ quốc ghi công và danh hiệu Bà mẹ VNAH được đặt nơi trang trọng nhất ngôi nhà đã nói lên tất cả: Mẹ Hồ Thị Nói, có chồng và hai con đều ngã xuống cho Tổ quốc. Chị Phan Thị Hiệp – con gái thứ ba của mẹ Hồ Thị Nói kể về mẹ: “Cha tôi đi kháng chiến. Một mình mẹ một nách nuôi bảy đứa con thơ. Hồi xưa vùng đất này có nhiều bưng, suối; hoang vu lắm. Để cách mạng không còn đất sống, địch đã ném bom, rải chất độc khai hoang, biến nơi này thành đất trắng. Hòa bình, bà con về cày cấy, lập vườn, làng xóm mới xanh tươi trở lại”. Quả thật như lời chị Hiệp nói, ấp Phú Lợi, xã Phú Mỹ Hưng ngày nay đã được đô thị hóa. Những ngôi nhà gạch khang trang ẩn mình trong những vườn cây xanh mát. Nhiều dãy nhà phố cũng sát nhau…
Cháu ngoại của mẹ Hồ Thị Nói lùng sục khu vườn ngoài vườn một lúc mới tìm thấy bà ngoại. Tôi thực sự kinh ngạc vì vẻ đẹp phúc hậu của mẹ. Dưới vành chiếc nón lá đã cũ, rách nát; gương mặt mẹ bừng sáng lên ngọn lửa ấm áp của sự hiếu khách, gần gũi của những bà mẹ Củ Chi. Mẹ ôm bó măng, để giữa sân nhà, ra sàn nước rửa tay, rồi bước vào phòng khách, trách nhẹ: “Phải chi tụi con báo cho má biết, má ở nhà, đâu có đi hái măng, hái nấm trắng làm chi để tụi con phải đợi!”. Tôi lại rất muốn cùng mẹ hái măng, hái nấm trắng; nên đề nghị được mẹ đưa đi…
Ở tuổi 82, mắt mẹ vẫn còn rất tinh, phát hiện ra những cây nấm trắng. Mẹ vẫn còn hái măng thoăn thoắt. Những năm tháng lao động tần tảo nuôi con cho chồng đi đánh giặc đã giúp mẹ có được sự nhanh nhẹn, tráng kiện, dẻo dai ở độ tuổi thuộc hàng “xưa nay hiếm”. Mẹ ngồi nghỉ mệt bên bờ suối, ven cánh rừng, giỡ chiếc nón lá cũ, rách ra làm quạt. Mẹ kể cho chúng tôi nghe về những năm tháng đau thương của đời người. Mẹ kể những ngày Củ Chi bị biến thành vùng đất trắng, mẹ dẫn đàn con về ấp Đồng Lớn, ở đậu một nhà quen. Giặc càn vào, bắt mẹ dẫn lính vô rừng, để nếu có trúng mìn hay lựu đạn do du kích gài, bảo vệ căn cứ; mẹ là người chết trước. Mẹ không chịu đi, địch dùng báng súng đánh vào hai chân. Mẹ không đi nổi sau trận đòn, lếch về nhà. Không chỉ chống chọi với kẻ thù, mẹ còn lao vào cuộc chiến chống đói nghèo. Mẹ là cây cột chống trời, che chở, cưu mang cho đàn con bảy đứa. Mẹ giỡ đất hoang, cấy lúa, đánh đu tính mạng với bom mìn. Thương mẹ, lúa lên xanh, trỉu hạt. Làm ba năm, mẹ trả đất, mua dây ruộng cho con…
Có ruộng, có lúa, con no, mẹ mới giúp được chồng, con lo việc nước. Chồng mẹ, ông Phan Văn Huyện phụ trách đào một đoạn địa đạo. Chị Phan Thị Liên – con gái đầu của mẹ rất thương cha, hướng ứng lời cha mình vận động, xung phong đào địa đạo. “Cha con nó đào địa đạo thì mình cũng phải làm cái gì chớ!”. Mẹ nhớ những ngày bưng rổ khoai mì ra địa đạo, tiếp tế cho cho con gái cùng đồng đội của con. “Củ Chi này còn đọt mì cũng đánh Mỹ. Mấy củ khoai mì cũng nuôi chí lớn tụi nhỏ đánh giặc. Mì cũng không đủ cho tụi nó ăn!”. Mẹ nhớ thời ấy ở Phú Mỹ Hưng chưa có nhà máy xay gạo. Khuya về, chị Liên giúp mẹ xay gạo bằng cối xay bằng tay, cung cấp lương thực cho bộ đội. Khi Mỹ tràn vô xóm làng, mẹ đưa gia đình đi tản cư qua sông Rạch Kiến, Rạch Bắp, tận bên Bình Dương. Những năm tản cư, gánh nặng mưu sinh dồn lên đôi vai mẹ. Ai mướn gì mẹ làm nấy. Mẹ mua từng trái khổ qua, bầu mướp, dưa gánh gồng ra chợ bán. Vậy mà mỗi khi ở địa phương kêu gọi đi đấu tranh chính trị, mẹ liền gánh gồng, hòa vào đoán người đấu tranh. Mẹ kể mẹ bị địch bắt, đánh đập, lột nón, lột áo nhiều lần. Mẹ Hồ Thị Nói hào hứng kể những kỷ niệm đấu tranh chính trị, bị giặc bắt, đánh đập nhưng mẹ và bà con không chùn bước…
Nỗi đau thương, mất mát lần lượt phủ lên đời mẹ. Chồng mẹ, ông Phan Văn Huyện – Xã đội trưởng ở phú Mỹ Hưng, hy sinh ở Đồng Lớn, Trung Lập Thượng vào ngày 29 tết năm 1968. Người xã đội trưởng kiên cường năm ấy cùng một nữ du kích ở An Nhơn Tây nấp dưới căn hầm bí mật. Do có chỉ điểm, địch phát hiện ra căn hầm, kêu gọi ông Huyện đầu hàng. Ông Huyện và chị Hằng kiên quyết tử thủ. Địch ném lựu đạn xuống căn hầm, ông Huyện và chị Hằng cùng hy sinh. Cả hai người liệt sĩ được đồng bào chôn ở Đồng Lớn, Trung Lập thượng. Mãi đến ngày hòa bình, mẹ mới có điều kiện đưa hài cốt chồng về nghĩa trang liệt sĩ…
Lớn lên trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt, những người con gái của mẹ dù rất xinh đẹp, đảm đang lập lại số phận gian truân của mẹ. Khi quê hương, làng xóm bị bom đạn Mỹ giày xéo, những người mẹ, người chị Củ Chi cũng không yên lòng sống bên cạnh chồng, con. Chị Phan Thị Liên – con gái của mẹ Hồ Thị Nói từng tham gia du kích mật, đào địa đạo đánh giặc, gặp gỡ, yêu thương một du kích. Họ nên vợ nên chồng bằng một đám tuyên bố giản dị. Chị Liên có mang được bốn tháng, chồng hy sinh. Mẹ đến thăm con gái, an ủi con, cùng hòa những giọt nước mắt khóc chồng với con gái. Mẹ đã trải qua nỗi khổ đau, mất mát khi chồng hy sinh nên mẹ hiểu được nỗi hẫng hụt, trống vắng của người vợ mất chồng. Tất cả tình thương, mẹ dồn vào đứa cháu gái bé bỏng. Mẹ đặt tên cháu là Hạnh, mong đứa trẻ lớn lên là một cô gái đoan trang, đức hạnh, được sống trong hạnh phúc. Mẹ đâu hay bão giông đang giằng xé lòng chị Liên. Một bên là trách nhiệm nuôi nấng đứa con còn ẵm ngữa; một bên là tiếng gọi non nước. Chị Hạnh được gọi đi học khóa quân y sĩ. Hiểu được nỗi lo lắng, giằng xé trong lòng con gái, mẹ nhận phần nuôi cháu ngoại, động viên con gái lên đường…
Con đi rồi, mẹ ở lại vùng địch chiếm, làm thuê mướn, mua gánh bán bưng, tần tảo nuôi cháu ngoại. Trên đường đi công tác, chị Liên bị một chiếc xe hàng Mỹ đâm vào. Chị hy sinh, để lại đứa con bé bỏng mới 5 tháng tuổi và ước mơ trở thành y bác sĩ phục vụ cho đồng bào, chiến sĩ. Chị Liên hy sinh, mẹ Hồ Thị Nói thay con gái làm mẹ. Nhiều đêm mẹ nhớ con, mơ thấy con trở về. Con gái mẹ rất siêng năng, ai cũng yêu quý. Mẹ nhớ chị Liên đã cùng đào địa đạo trong lòng đất với đồng đội, tham gia làm giao liên, du kích mật. Chị đòi đi thoát ly từ năm 15 tuổi nhưng mẹ cứ lần lữa, không nỡ xa con gái. Khi chồng chị Liên hy sinh, mẹ biết ước nguyện của chị là được thoát ly làm cách mạng, thay chồng đánh Mỹ. Mẹ biết con gái Củ Chi rất gan lỳ, dũng cảm; đã quyết thì không thể ngăn được. Thương con gái, mẹ đã nhận phần nuôi cháu ngoại, như một sự chia sẻ thầm lặng của tình mẹ.
Chị Liên nằm lại Xóm Trại, xã Phú Thuận, Tây Ninh. Mãi đến ngày hòa bình, mẹ mới đưa được hài cốt chị Liên về quy tập ở nghĩa trang liệt sĩ quê nhà. Bất chấp bom đạn tơi bời, bất chấp sự khác nghiệt của cuộc chiến tranh, những người con gái Củ Chi lớn lên, xinh đẹp. Nhan sắc của những người con gái của mẹ ngày càng trở thành nỗi lo lắng, bất an của mẹ. Lính tráng, sĩ quan luôn rình rập trước nhà mẹ, không chỉ để rình “Việt Cộng” mà còn giăng bẫy những cô gái ngây thơ, trong trắng. Mẹ mừng vì theo gương chiến đấu của người cha liệt sĩ, hai con gái còn lại của mẹ: chị Phan Thị Nguyệt, Phan Thị Hòa thoát ly làm cách mạng. Như bao bà mẹ Củ Chi thương khó, mộc mạc khác; mẹ chuẩn bị cho mỗi chị cái bòng, đựng vài bộ quần áo bằng ni-lông, chiếc võng, ít tiền dằn túi. Mẹ còn chắt chiu cho mỗi chị đôi bông, chiếc nhẫn; như ngày xưa mẹ đã chắt chiu từng đồng lời, mua tặng cho chị Phan Thị Liên. Những thứ trông nhỏ nhoi, tầm thường ấy là cả gia tài của người mẹ yêu thương con, trong hoàn cảnh khắc nghiệt của cuộc chiến tranh. Mẹ nhìn theo dáng con đi, nén lại đau thương, bịn rịn; vừa tự hào vì con mẹ đã chọn lựa con đường cách mạng như chồng mẹ năm xưa. Đêm đêm, mẹ thao thức, dõi theo bước chân con. Mẹ không khỏi lo lắng, đau thắt lòng khi nghe tin chiến sự diễn ra ở đâu đó. Dự cảm người mẹ về sự mất mát đã trở thành sự thật, khi ngày 21 tháng 8 năm 1969, mẹ nhận được tin chị Phan Thị Hòa hy sinh.
Mẹ Hồ Thị Nói ngồi trên bộ ván chậm rãi ngoái trầu, nhìn lên góc nhà dành cho chồng và hai con đã hy sinh. Những tấm bằng Tổ quốc ghi công hiển hiện trước mắt mẹ. Mẹ thở dài, tiếc nuối nói với tôi: “Hồi đó nghèo quá, cắm đầu lo làm ăn, tránh bom đạn, không ai có hình hết. Con Liên có tấm hình trong căn cước. Con nó mang về họa, để thờ nhưng rồi thất lạc luôn. Phải chi như bây giờ, máy chụp hình kiếm dễ ợt, mẹ chụp mấy tấm hình cho chồng con, để có bức ảnh thờ!”. Nhưng ký ức mẹ thì lưu giữ không phai mờ hình ảnh của chồng, con. Hôm ấy, trên đường công tác, quân Mỹ càn vô xóm, gom dân đi. Một trái cối của biệt kích bắn vào xóm, chị Hòa gục xuống. Chị Hòa nằm trên cánh đồng mùa lúa chín, mắt nhìn lên bầu trời xanh, mãi không khép lại được vì còn quá nhiều những ước mơ cho quê hương đất nước, cho mẹ chưa làm được. Hay tin, mẹ và những đứa em tìm đến Đồng Lớn, Trung Lập Thượng, tìm xác chị Hòa. Mẹ đỡ chị Hòa lên, vuốt mắt cho con gái. Cơ thể chị còn ngún khói miểng pháo. Máu chị Hòa thấm xuống mãnh đất Củ Chi, khi mới 17 tuổi. Chị Phan Thị Nguyệt, em gái chị Hòa kể: “Hai chị em được mẹ cho thoát ly. Tôi vào văn công, chị Hòa vào y tá. Tôi đâu ngờ khi chọn ngành phục vụ cách mạng là chúng tôi cũng đã chọn số phận cho mình!”.
Những năm cuối đời, mẹ còn lại niềm day dứt, khi số phận đứa cháu ngoại không được may mắn, suôn sẻ. Do chị Phan Thị Liên hy sinh, bên nội bắt cháu về nuôi. Đứa bé tuột khỏi vòng tay yêu thương của bà ngoại. Cháu Hương lấy chồng sớm, như câu ca buồn “Bướm vàng đậu cánh mù u, lấy chồng sớm làm gì… để lời ru thêm buồn”. Hôn nhân đổ vỡ, Hương phiêu bạt nơi nào chẳng rõ. Số phận không may mắn của Hương làm mẹ day dứt, trước vong linh của con gái và người chồng đã ngã xuống cho Tổ quốc. Những đứa bé mồ côi cha mẹ trong chiến tranh không tránh khỏi những thiệt thòi, mất mát. Mẹ đã cố gắng làm tất cả để bù đắp cho cháu nhưng mẹ bất lực hiểu một đứa trẻ lớn lên, trưởng thành đâu phải chỉ cần cơm áo mà cần lắm tình yêu thương của cha mẹ. Nhưng cha mẹ Hương đều hy sinh khi cháu còn bé xíu, không gì bù đắp nổi khoảng trống vắng trong lòng đứa trẻ sớm mất người thân. Mẹ mong ngày giỗ sắp tới của chị Phan Thị Liên, đứa con mồ côi của chị sẽ tìm về quê ngoại, thắp cho mẹ nén hương tưởng niệm. Mẹ mong gặp lại đứa cháu ngoại của mình để nói: “Dù con đi đâu, ở chân trời nào, bà ngoại vẫn yêu thương con, vẫn mong con quay về…”. Mẹ ngồi thẩn thờ bên dòng suối, gương mặt đượm buồn với tiếng gọi: “Hương ơi, cháu giờ ở đâu, hãy về với ngoại. Ngoại đã già rồi, rất mong được gặp cháu, cháu ơi!”.
Ở tuổi 82, mẹ Hồ Thị Nói ngày đêm khắc khoải với cuộc đời không suôn sẻ của đứa cháu ngoại sớm mồ côi cha mẹ.
( Bài viết được đăng trên: vanchuongthanhphohochiminh.vn)