Chủ Nhật, Tháng mười 13, 2024
Trang chủNHỊP CẦU BẠN ĐỌCBẠN ĐỌC VIẾTCÂU ĐỐI TRONG ĐỀN THỜ LIỆT SĨ ĐIỆN BIÊN

CÂU ĐỐI TRONG ĐỀN THỜ LIỆT SĨ ĐIỆN BIÊN

Đúng ngày 30/4/2024, NGND Trần Tiến Dũng đưa gia đình lên thăm Điện BIên, nơi cách đây 70 năm cha ông đã từng chiến đấu và bị thương.

Viếng Đền thờ liệt sĩ Điện Biên, Trần Tiến Dũng đã viết trên fb:

“Hôm nay tại tiệc chào mừng 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, tôi tự hào và xúc động giới thiệu với bạn bè và gia đình câu đối của bạn tôi được trang trọng khắc ghi trong đền. Bạn bè và người thân của tôi vô cùng xúc động vì nơi đây “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở “ mà mỗi tấc đất đã thắm đậm biết bao máu xương liệt sĩ. Thân thể các AHLS đã hóa thành đất đai Tổ quốc.

Dân Điện Biên, thành cổ Quảng Trị, đồn Long Khốt và nhiều chiến địa khác trên dải đất Việt Nam đã hiểu giá trị sống. Thân thể các liệt sĩ đã làm ấm đất đai Tổ Quốc. Họ còn được sưởi ấm bởi linh khí quốc gia!

Đọc câu đối của bạn tôi – nhà thơ Trần Thế Tuyển, mọi người đều biết ơn và vững tâm trên mảnh đất hào khí linh thiêng này.

Bố tôi là chiến sĩ Điện Biên bị thương vào giờ cuối chiến dịch tại phân khu Hồng Cúm. Đơn vị ông có nhiệm vụ đánh địch chạy trốn sang Lào sau khi Đờ Cát đầu hàng. Sau Điện Biên, bố tôi lại đi đánh Mỹ và ông đã hy sinh chiều 30 tết năm 1970 khi là chủ nhiệm thông tin Sư đoàn 2 do tướng Nguyễn Chơn làm sư đoàn trưởng.

Đôi câu thơ của bạn đồng môn cấp ba Hải Hậu (khoá 1967-1970) đã nói hộ chúng tôi và nhiều thân nhân liệt sĩ.

TTT

Tôi rất hạnh phúc vì có hai câu thơ trở thành câu đối được đặt trang trọng trong các bia, đền thờ các anh hùng liệt sĩ, trong đó có Đền thờ liệt sĩ tại Chiến trường Điện Biên Phủ.

Tôi được lãnh đạo Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bưu điện Liên Việt (LPBank) gọi điện xin ý kiến về việc sử dụng câu đối: “Thân ngã xuống thành đất đai Tổ quốc/ Hồn bay lên hóa linh khí Quốc gia” ở Đền thờ Liệt sĩ tại Chiến trường Điện Biên Phủ. Tôi đồng ý và cảm ơn vì đã tạo cơ hội cho tôi góp phần nhỏ bé tri ân các anh hùng liệt sĩ, trong đó có các bậc tiền bối thuộc Trung đoàn 174 của tôi.

Nhớ lại hơn 20 năm trước, từ miền Nam, lần đầu tiên tôi được đến thắp hương tại Nghĩa trang Liệt sĩ Điện Biên. Vùng đất mà năm 1954, quân và dân ta đã lập nên chiến công “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp trên đất nước ta; lập lại hòa bình trên miền Bắc. Để có chiến thắng ấy, đã có biết bao người đã hy sinh, trong đó có hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn 174.

Đại tá, nhà báo Trần Thế Tuyển – Chủ tịch Hội HTGĐLS TP.HCM, tác giả 2 câu đối “Thân ngã xuống thành đất đai Tổ quốc/ Hồn bay lên hoá linh khí quốc gia”.

Trung đoàn 174 thành lập ngày 19-8-1949 trên cơ sở hợp nhất các đơn vị bộ đội địa phương của ba tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn (Đoàn Cao – Bắc – Lạng). Ngay sau khi thành lập, Trung đoàn tổ chức huấn luyện và chiến đấu, giành thắng lợi giòn giã trên Đường số 4. Trong Chiến dịch Biên giới (1950), Trung đoàn được giao nhiệm vụ tiến công, giải phóng cứ điểm Đông Khê. Trung đoàn tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, tiến công tiêu diệt nhiều cứ điểm quan trọng, thực hiện đánh quả bộc phá nghìn cân ở Đồi A1, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954.

Tại Nghĩa trang Liệt sĩ Điện Biên hôm ấy, tôi lần theo từng hàng mộ chí mà không sao cầm được nước mắt. Bên cạnh phần mộ các liệt sĩ anh hùng như Bế Văn Đàn, Phan Đình Giót… có nhiều phần mộ chưa xác định được danh tính, chỉ ghi thuộc Trung đoàn 174. Mắt tôi nhòe đi trong cái nắng như thiêu như đốt. Như có ai mách bảo, tôi tự nói với chính mình: Thế là thân thể các liệt sĩ đã tan biến vào cỏ cây, đất nước.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ quốc tế trên đất bạn Lào, tháng 3/1967, với phiên hiệu Đoàn A1, hơn 7.000 cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 174 rời đội hình Sư đoàn 316 vượt Trường Sơn vào chiến trường Nam Bộ. Đến mặt trận Tây Nguyên giữa lúc cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 nổ ra, Trung đoàn 174 được bổ sung vào Sư đoàn 1 tham gia giải phóng Đắc Tô-Tân Cảnh (tỉnh Kon Tum). Chiến đấu trực tiếp với Lữ đoàn dù mang phiên hiệu 173 khét tiếng của quân đội Mỹ, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn đã ngã xuống trên đất Đắc Tô.

Mùa hè năm 2020, chúng tôi trở lại chiến trường xưa tìm kiếm thông tin và xây dựng Bia ghi danh liệt sĩ Trung đoàn 174 tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Đắc Tô (Kon Tum). Năm tháng qua đi, hài cốt của hơn 200 liệt sĩ đã tan biến vào đất đai của Tổ quốc. Tìm mãi chúng tôi chỉ sưu tầm được danh tính hơn 50 liệt sĩ để khắc trên đá hoa cương đặt tại Nghĩa trang Liệt sĩ Đắc Tô.

Năm 1968, rời Tây Nguyên, Trung đoàn 174 hành quân vào miền Đông Nam bộ bổ sung cho Sư đoàn 5. Chiến dịch Nguyễn Huệ mùa hè 1972, Trung đoàn được giao mũi chủ công giải phóng Lộc Ninh, mở rộng vùng giải phóng, xây dựng thủ phủ của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Tháng 6/1972, Trung đoàn được lệnh cấp tốc hành quân về đồng bằng sông Cửu Long; giải phóng Chi khu Long Khốt và các đồn bót ngụy quân dọc biên giới Tây Nam. Từ năm 1972 đến tháng 4/1975, chúng tôi đã cùng đồng đội “quần nhau với giặc” dọc vùng biên giới Tây Nam. Thêm gần 1.000 cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn và đơn vị bạn đã nằm lại nơi đây.

Tháng 4/2008, chúng tôi vận động đồng đội và nhân dân xây dựng ngôi đền thờ liệt sĩ đầu tiên ở Long Khốt (xã Thái Bình Trung, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An). Với sự ủng hộ của các doanh nhân cựu chiến binh, chúng tôi xây đền và đúc quả chuông đồng đặt tại đền thờ. Đêm thả hoa đăng trên dòng sông biên giới nơi hàng trăm đồng đội chúng tôi nằm lại, như có ai mách bảo đầu tôi vang lên bốn câu thơ:

Thân ngã xuống thành đất đai Tổ quốc

Hồn bay lên hóa linh khí Quốc gia

Ngàn năm mãi mãi ngân nga

Tiếng chuông Long Khốt gấm hoa dâng đời.

Bốn câu thơ ấy được khắc lần đầu trên quả chuông đặt tại Đền thờ liệt sĩ Long Khốt, năm 2009.

Sau này, hai câu thơ “Thân ngã xuống thành đất đai Tổ quốc/Hồn bay lên hóa linh khí Quốc gia” được tôi đưa vào Trường ca “Phía sau mặt trời”, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân ấn hành năm 2014, đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp Giấy chứng nhận bản quyền số 1299/2017/QTG ngày 3/4/2017.

Tôi không ngờ hai câu thơ đầu đã trở thành đôi câu đối được nhiều đơn vị, địa phương trong cả nước chọn khắc trên hoành phi, chuông đồng tại các đền thờ, nhà tưởng niệm và nghĩa trang liệt sĩ… Đó là các đền thờ, bia tưởng niệm liệt sĩ: Bến Tắt (Quảng Trị), Long Đại (Quảng Bình), Ngọc Hồi (Kon Tum), Long Khốt (Long An), Phú Quốc (Kiên Giang), Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Đền thờ Bác Hồ và các anh hùng liệt sĩ Sư đoàn 10 (Quân đoàn 3), Đền thờ anh hùng liệt sĩ Trung đoàn 1 U Minh (Cần Thơ); bia tưởng niệm liệt sĩ Đà Lạt ( Lâm Đồng )…

Thật ý nghĩa hơn khi cả nước đang hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2024), hai câu thơ – câu đối này được chọn đặt ở vị trí trang trọng trong Đền thờ liệt sĩ tại chiến trường Điện Biên Phủ. Điều đó thật hạnh phúc với tôi đã góp phần nhỏ bé tri ân đồng đội – những người con ưu tú của đất nước đã ngã xuống để cho dân tộc ta, Tổ quốc ta có ngày hôm nay.

Tháng 4-2024

TTT

Bài viết liên quan

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận
Nhập tên của bạn

Bài viết phổ biến

Bình luận gần đây