Mới đây, trong cuộc họp đánh giá tình hình triển khai thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Quý Mão năm 2023, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đặc biệt nhấn mạnh, không để xảy ra tình trạng nghỉ Tết kéo dài, lơ là công việc, làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.
Cần xem “tháng giêng là tháng ăn chơi” là quan điểm lỗi thời. Ảnh minh họa
Sáng 31/1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì cuộc họp của Ban Bí thư đánh giá tình hình triển khai thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Quý Mão năm 2023. Tổng bí thư hoan nghênh cấp ủy, chính quyền các cấp đã nghiêm túc triển khai Chỉ thị 19-CT/TW của Ban Bí thư và Chỉ thị số 22/CT-TTg của Thủ tướng về tổ chức Tết Quý Mão năm 2023 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, tạo không khí phấn khởi, đoàn kết, tương thân tương ái.
Cũng trong cuộc họp, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm của Trung ương, các cấp ủy trong thời gian tới. Trong đó, Tổng bí thư đặc biệt nhấn mạnh, không để xảy ra tình trạng nghỉ Tết kéo dài, lơ là công việc, làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.
Kéo dài kỳ nghỉ tết là một thói quen đã ăn sâu vào nếp nghĩ của đại bộ phận công nhân viên chức và người lao động từ lâu đời. Mặc dù hằng năm nhà nước đã tạo điều kiện cho người lao động có một kỳ nghỉ hợp lý để người nhập cư về quê ăn tết hoặc những ai có nhu cầu du xuân nghỉ dưỡng… nhưng tâm lý “tháng Giêng là tháng ăn chơi” vẫn còn trong suy nghĩ của không ít người dân, kể cả cán bộ, công chức.
Bắt nguồn từ bối cảnh nước ta là đất nước nông nghiệp, người dân sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa, nền văn minh nông nghiệp lúa nước, lối sống ngụ cư thành xóm ấp, làng xã đã cho ra đời những quan niệm, văn hóa sống và cả văn hóa ăn tết phù hợp với thực tế cuộc sống của người xưa.
Quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời đã vất vả khó nhọc, cuộc sống sinh hoạt lại đơn điệu quanh quẩn trong lũy tre làng, cho nên những ngày tết người dân có nhu cầu nghỉ ngơi, vui chơi, xem đây là dịp gặp gỡ, thắt chặt tình cảm dòng tộc gia đình bà con lối xóm. Đây lại là khoảng thời gian sau mùa gặt, người dân thảnh thơi, trong nhà bồ đầy thóc mới, ngoài đồng những thửa ruộng đã được đốt rạ dọn sạch có chỗ đất trống, bằng phẳng làm chỗ vui chơi, tổ chức lễ hội.
Để có ba ngày tết vui vẻ đầm ấm sung túc, trước tết nhiều ngày, người ta đã phải chuẩn bị lo ươm vạn thọ, cúc vàng…, tỉa cành lặt lá cho mai, sắm sửa cành đào,. Rồi nào là giặt giũ, quét dọn nhà cửa, trang trí bàn thờ; nào là chuẩn bị quết bánh phồng, tráng bánh tráng, gói bánh tét, bánh chưng, làm giò chả, thịt đông, củ kiệu, dưa hành; nào là chuẩn bị cả họ hàng nhà mứt… Toàn là những thứ cần có thời gian chuẩn bị, chiếm mất nhiều thời gian.
Không kể, những lễ nghi “tiền ăn tết” như cúng chạp mã, đưa ông Táo, dựng cây nêu, rước ông bà, “tổ chức” bữa cơm đoàn viên, cúng giao thừa… rải rác từ ngày 20 Tết đến thời khắc giao thừa.
Tiếp theo là đến “chánh tết” gồm có mồng một Tết nhà nội, mồng hai Tết nhà ngoại, mồng ba tết Thầy giáo.
Sau đó là “hậu tết”. Người ta bày ra nhiều trò chơi Tết, phụ nữ có thể đi lễ ở đình, chùa, đàn ông đánh tổ tôm, chơi cờ, đánh bài đá gà… Địa phương thì tổ chức các trò chơi dân gian, các cuộc thi như đua thuyền, thả diều, chọi gà, chọi trâu, đua dê, ngựa….
Mặc dù mồng 7 Tết là đã làm lễ hạ nêu, nhưng Tết Nguyên đán dường như chưa kết thúc. Người ta vẫn cho phép nhau ăn chơi đến hết tháng Giêng. Bởi vì đến tháng ba mới “cày vỡ ruộng ra, tháng tư làm mạ mưa sa đầy đồng”. Đồng thời trong tháng giêng đang tiết mùa xuân, cảnh vật tươi tốt, con người thảnh thơi nên người dân đã tận dụng thành một kỳ nghỉ dài, chuẩn bị cho một năm lao động vất vả tiếp theo.
Biết như thế để hiểu vì sao, người Việt xưa ăn tết và nghỉ tết lâu như vậy.
Ngày nay, xã hội, cuộc sống con người đã thay đổi bội phần. Từ một đất nước nông nghiệp, nước ta đang dần tiến lên công nghiệp hóa và đang cùng thế giới bước vào thời kỳ công nghiệp 4.0. Trước bối cảnh xã hội này, đáng lý ra chúng ta phải thay đổi, nhưng rõ ràng thói quen xấu này hiện nay vẫn còn diễn ra.
Dòng người chen chân lễ Phủ Tây Hồ càng đông đúc vào buổi chiều do nhiều cơ quan, đơn vị cho nhân viên làm việc hết buổi sáng rồi về nghỉ. Ảnh VietNamnet
Nhiều nơi kể cả công sở thường dùng tuần đầu tiên đi làm trở lại sau kỳ nghỉ tết như là lễ hội tân niên. Người ta đến cơ quan để chúc tụng, lì xì nhau là chính, không loại trừ tụ tập bài bạc giải trí chứ chưa chính thức bắt tay vào công việc. Hoặc tới công ty nhưng làm qua loa rồi về sớm “ăn chơi”. Có những công nhân trì hoãn chưa quay trở lại công ty làm việc để nghỉ ngơi, thăm thú bạn bè; có những nhân viên công sở chểnh mảng công việc, đi chúc tết, đi chùa trong giờ làm việc những ngày đầu năm… Tâm lý ấy tạo nên sự chễnh mãng, lơ là, lãng phí thời gian làm việc gây ra lãng phí rất lớn về nguồn lực xã hội, làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của cá nhân và doanh nghiệp.
Với mỗi người Việt Nam, Tết có ý nghĩa rất thiêng liêng. Đây vừa là dịp nghỉ ngơi, vui chơi, sum họp gia đình, là động lực khởi đầu với nhiều khí thế mới cho một năm mới. Tuy nhiên, cần thay đổi tâm lý ăn chơi, chểnh mảng sau tết, cần xem “tháng giêng là tháng ăn chơi” là quan điểm không còn phù hợp với lối sống công nghiệp, văn minh, hiện đại ngày nay.
Hơn nữa, với thực tế cả nước vừa qua phải đối đầu với dịch bệnh, ít nhiều ảnh hưởng đến nến kinh tế, ngân quỹ quốc gia… hơn lúc nào hết, chúng ta không nên lãng phí thời gian làm ảnh hưởng đến công việc, đến lao động sản xuất.
Lương Gia Cát Tường