Thứ Sáu, Tháng Mười Hai 8, 2023

Cảm nhận Trường Sa

Sau ba hồi còi vang rền, tàu KN290 rời cảng Cát Lái, đưa đoàn công tác số 9 đến thăm cán bộ, chiến sĩ Hải quân đang làm nhiệm vụ trên các đảo Len Đao, Sinh Tồn Đông, Trường Sa Lớn, đảo Đá Tây C thuộc quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc, vào những ngày đầu tháng 5/2023.

Đến với Trường Sa, tận mắt nhìn thấy những công trình được dựng lên giữa những đảo chìm, đảo nổi hay thềm lục địa, trở thành những pháo đài sừng sững giữa biển khơi; được gặp gỡ những chiến sĩ Trường Sa ngoan cường, dũng cảm mà rất đổi hiền hoà, trong tôi trào dâng cảm xúc mãnh liệt: cảm phục, tin yêu và biết ơn vô cùng!

Họ là những chiến sĩ tuổi đời trên dưới đôi mươi, lần đầu làm nhiệm vụ nơi biển đảo xa xôi; là những sĩ quan đã dạn dày sóng nước với nhiều nhiệm kỳ, lần lượt qua những đảo nổi đảo chìm, với hàng chục hoặc vài chục năm gắn bó với Trường Sa.

Trường Sa, nơi mà đời sống tinh thần vô cùng khắc nghiệt. Nơi chỉ có bao la trời biển; có nắng cháy, sóng gào; có cuồng phong bão tố; và có dư thừa những bất ổn, khó lường gây nên bởi bọn bá quyền, hống hách. Trong sâu thẳm trái tim mình, tôi vô cùng cảm phục sự hy sinh quá đổi lớn lao của cán bộ chiến sĩ Trường Sa, của những người cha, người mẹ, của những người vợ, người con. Họ phải vượt qua muôn vàn khó khăn vất vả trong cuộc sống, cùng canh cánh nỗi lo lắng, nhớ mong; những đứa trẻ lớn lên trong sự thiệt thòi vì luôn thiếu vắng tình thương và sự dạy dỗ của người cha…

Vượt lên nỗi nhọc nhằn gian khó ấy, họ đã làm yên lòng những người lính đảo, để con em mình luôn vững vàng, chắc tay súng nơi đầu sóng ngọn gió, vì mỗi ngày bình yên của đất nước, vì sự vẹn toàn của Tổ quốc Việt Nam.

Trong hành trình đến với Trường Sa, đã diễn ra buổi lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh trên quần đảo Trường Sa và buổi lễ tưởng niệm các cán bộ chiến sĩ hy sinh tại nhà giàn DK1 trên thềm  lục địa phía Nam. Cả hai buổi lễ  diễn ra dưới cơn mưa nặng hạt dù trời tháng năm rực nắng. Giữa tiếng nhạc trầm hùng của bản “chiêu hồn tử sĩ”, giữa bài điếu mà mỗi câu từ đều khắc hoạ lại cuộc chiến oanh liệt, sự hy sinh anh dũng, ngoan cường trong những trận chiến giữ đảo không cân sức với quân TQ những ngày tháng 3/1988; hay sự kiên cường chống chọi lại sức tàn phá của những cơn cuồng phong bão biển tháng 12/1998 tại vùng biển DK1.

Nước mắt hoà cùng  nước mưa, cả những tiếng nấc không thể kìm nén; vòng hoa đỏ, lễ vật, cùng hàng ngàn con hạc giấy, nhành cúc vàng được thả dập dềnh trên sóng biển… đã mang theo cả sự  cảm phục, tiếc thương, tri ân và tưởng nhớ của hàng trăm con người gửi đến anh linh các anh hùng , liệt sĩ. Tất cả đã tạo nên buổi lễ tưởng niệm đặc biệt nhất, thiêng liêng và cảm động nhất trong đời tôi.

May mắn và hạnh phúc,  hành trình  còn cho tôi thấy được những hình ảnh tuyệt đẹp của những thế hệ người lính với 2 màu quân phục: những người lính già quây quần, ân cần bên các chiến sỹ trẻ; vị tướng chỉ huy ôm đàn , hòa nhịp cùng các chiến sĩ văn công hát vang những khúc ca biển đảo tặng  những người lính Trường Sa. Hình ảnh cán bộ các ban ngành đoàn thể, doanh nhân…  chăm chút những phần quà của mình, góp vào khối quà khổng lồ không chỉ là vật chất mà là góp cả yêu thương, trách nhiệm gửi tới quân và dân trên quần đảo Trường Sa và nhà giàn như là lời động viên, lời khẳng định: “có chúng tôi nơi hậu phương, tất cả vì Trường Sa thân yêu”.

Chuyến đi chỉ 6 ngày ngắn ngủi. Vậy nên mỗi phút giây trong hành trình đều là những khoảnh khắc vô cùng quý báu, giúp tôi  hiểu sâu sắc thêm về những vất vả gian lao, sự hy sinh to lớn của cán bộ, chiến sĩ Trường  Sa và các nhà giàn; thêm vững tin và tự hào về Hải Quân NDVN  anh hùng,  và thêm yêu vô cùng Tổ quốc Việt Nam!

Trường Sa tháng 6/2020

Mạc Phương Minh 

Bài viết liên quan

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận
Nhập tên của bạn

Bài viết phổ biến

Bình luận gần đây