Việc xác định danh tính, tìm kiếm hài cốt liệt sĩ không của riêng ai mà đó là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và toàn thể chúng ta bởi nếu không có các Anh hùng liệt sĩ thì Việt Nam sẽ không có được độc lập tự do như ngày hôm nay.
Là một tổ chức trực thuộc Sở Lao động – Thương binh & Xã hội TPHCM, ngay từ khi ra đời, Hội Hỗ trợ gia đinh liệt sĩ TPHCM luôn đề cao công tác chăm lo, hỗ trợ thân nhân các Anh hùng liệt sĩ; các thương, bệnh binh; gia đình chính sách, có công với đất nước. Trong đó, Hội luôn chú trọng đến công tác xác định danh tính, tìm kiếm hài cốt liệt sĩ bởi hơn ai hết, các thành viên trong Hội phần đa là những người trở về từ chiến trường và may mắn sống sót đến ngày hôm nay nên họ luôn xót xa cho những người đồng chí, đồng đội của mình.
Có thể nói, dù ra đời muộn nhưng những gì mà Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TPHCM làm được đã góp phần thực hiện tốt công tác tri ân liệt sĩ; thương, bệnh binh… theo đúng chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Minh chứng rõ nét nhất là sự ghi nhận, đánh giá cao của Hội Hỗ trợ gia đinh liệt sĩ Việt Nam, UBND TPHCM, Sở LĐ-TB&XH TPHCM, Quân khu 7…
Các anh ra đi không hẹn ngày về. Thân ngã xuống thành đất đai Tổ quốc/ Hồn bay lên hoá linh khí quốc gia
Tuy đã có những kết quả bước đầu nhưng nhìn lại con số hàng chục vạn liệt sĩ không tên, không tuổi, chưa một ngày được nhang khói càng khiến những người cựu chiến binh không cầm được nước mắt. Đất nước ta đã lập lại hoà bình được mấy chục năm, nền kinh tế nước nhà ngày một đi lên và đang sánh vai với các cường quốc năm châu, thế nhưng các anh vẫn nằm lại. Đó chính là nỗi đau tột cùng không chỉ của thân nhân các anh mà còn là niềm trăn trở của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị xã hội.
Đã làm rồi, nay phải làm tốt hơn! Phát huy sứ mệnh của mình, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TPHCM đang tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp để xác định danh tính, tìm kiếm hài cốt liệt sĩ. Trong đó phải kể đến cơ duyên với đại diện Viettel miền Nam, do Trung tướng Nguyễn Đức Hải – Nguyên Tư lệnh Quân đoàn 3, nguyên Viện trưởng Viện chiến lược Bộ Quốc phòng (thành viên Tổ tư vấn của Hội) giới thiệu. Một buổi làm việc giữa thế hệ luôn trăn trở món nợ nghĩa tình với đồng đội và thế hệ trẻ, hội tụ đủ tâm, tài, đức đã mở ra cho Hội một bước tiến mới, đó là dự án lập thư viện tìm kiếm hài cốt liệt sĩ. Đặc biệt, dự án này ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại, rất phù hợp trong công cuộc chuyển đổi số như hiện nay.
Ước nguyện từ lâu và nay đã được thực hiện. Mai này, khi thư viện hoàn thành, công tác tìm kiếm thông tin để phục vụ việc xác định danh tính, tìm kiếm hài cốt sẽ bớt đi một phần khó khăn, không chỉ riêng địa bàn TPHCM mà cả những địa phương khác sẽ được hưởng thụ thư viện này.
Đại tá, nhà báo Trần Thế Tuyển – Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TPHCM nhấn mạnh: Công tác xác định danh tính, tìm kiếm hài cốt liệt sĩ là việc cần làm và phải tập trung mọi nguồn lực để triển khai. Trước mắt, Hội sẽ tập hợp danh sách liệt sĩ của các đơn vị thành viên như B3 – Quân đoàn 3; Trung đoàn 16… đã hy sinh, trước mắt ở khu vực TPHCM, sau đó mở rộng ra các liệt sĩ hy sinh ở các địa bàn mà Hội đã phối hợp xây dựng đền thờ như Vĩnh Hưng (Long An); Phú Quốc (Kiên Giang); Lộc Ninh (Bình Phước)… về sau, khi thư viện đã hoàn tất, Hội sẽ mở rộng đến các địa phương khác.
Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TPHCM luôn chú trọng công tác xác định danh tính, tìm kiếm hài cốt liệt sĩ
Theo đó, thư viện sẽ hình thành các mục về từng nghĩa trang, có danh sách riêng, hình ảnh nghĩa trang và thông tin (tên, tuổi, ngày tháng năm sinh, quê quán, thời gian tham gia chiến đấu, thời gian hy sinh…) của các liệt sĩ để tiện cho việc truy xuất, tìm kiếm. Đồng thời, kho dữ liệu này sẽ cập nhật liên tục về các chế độ, chính sách mới nhất của Đảng, Nhà nước, Quân đội, Bộ LĐ-TB&XH cùng những thông tin liên quan khác để phục vụ nhu cầu của thân nhân các Anh hùng liệt sĩ.
Để thực hiện thư viện trên, Hội mong muốn nhận được sự chung tay, góp sức của các Ban LLTT, các cơ quan, đơn vị, chính quyền địa phương và thân nhân các Anh hùng liệt sĩ. Công tác này không phải ngày một ngày hai mà đó là cả một quá trình dài hơi, thậm chí sẽ tiêu tốn rất nhiều tiền của, công sức. Tuy nhiên, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TPHCM cho biết sẽ quyết tâm thực hiện để giảm bớt gánh nặng cho Đảng, Nhà nước và góp phần xoa dịu nỗi đau không gì bù đắp được cho thân nhân các Anh hùng liệt sĩ.
Theo dự kiến, vào dịp kỷ niệm 48 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2023), Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TPHCM và Viettel miền Nam sẽ ra mắt giao diện mới của Trang tin điện tử Linh Khí Quốc Gia. Ngay sau đó sẽ bắt tay xây dựng thư viện tìm kiếm liệt sĩ.
“Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”, với tâm huyết, trách nhiệm và lòng tri ân sâu sắc đó, chúng ta có quyền kỳ vọng về một hệ thống thư viện nghĩa tình trong tương lai.
Kim Sáng