Sáng hôm ấy, cả nước làm lễ kỷ niệm ngày thành lập QĐNDVN. Tôi chạy vội về báo cho chú Út biết có đoàn lãnh đạo đến thăm chú. Chú tôi yếu lắm. Chú thường bị những cơn sốt rét ác tính hành hạ.
Đó là hậu quả của những năm tháng chú đi đánh Mỹ ở chiến trường miền Nam, rừng thiêng nước độc, muỗi, vắt, nắng, mưa… Hai chân chú đã bỏ lại chiến trường. Sau khi đất nước thống nhất, chú trở về ở cùng với bà nội, và ba mẹ tôi chứ không lập gia đình riêng. Ba tôi là con đầu nên vừa phải phụng dưỡng bà vừa chăm sóc chú.
Tôi thương chú vô cùng. Những lúc rảnh rỗi chú hay kể chuyện chiến đấu cho tôi nghe. Chú đi bộ đội năm mậu thân 1968 lúc mới 17 tuổi. Mấy năm đó Mỹ đem bom ném xuống miền Bắc không có ngày nào ngớt. Nước mất nhà tan, làm sao ngồi yên học hành cho được, thế là chú xung phong lên đường nhập ngũ.
Là lính bộ binh, rày đây mai đó, đơn vị di chuyển khắp nơi. Có những ngày đêm ngâm mình dưới nước mặn, riết rồi da ai cũng xù xì nổi mụn ghẻ, đầu tóc thì như rể tre, nhất là mấy cô gái giao liên tội nghiệp lắm. Máy bay Mỹ thì lượn trên đầu 24/24, liên lạc của ta không tiếp tế được phải nhịn đói nhịn khát. Vậy mà cuối cùng mình vẫn chiến thắng.
Mỗi khi đi học về tôi thường lại bên chú chuyện trò cho chú vui. Sau này khi ba tôi về hưu thì ngoài tôi ra, chú còn có thêm người cùng uống trà tâm sự đủ thứ chuyện. Chú vui hơn, nhưng thỉnh thoảng trái gió trở trời cơn sốt rét rừng lại hành hạ chú.
Thế mới biết, đất nước hòa bình, tổ quốc sau mấy mươi năm chiến tranh đã bước sang trang mới, nhưng với các chiến sĩ thì mãi mãi nỗi đau vẫn còn đó, hàng vạn đồng đội họ đã anh dũng hy sinh, số còn sống sót thì không ít người bị tàn phế. Để có được một đất nước huy hoàng như ngày hôm nay thật sự công ơn của họ cao hơn núi, dài hơn sông, rộng hơn biển đông.
Hôm đó, đoàn lãnh đạo tới thăm chú Út, may quá trong đoàn có bác sĩ, chú được bác sĩ khám, tiêm thuốc, tặng quà, và động viên chú cố gắng vượt qua. Có một cô lớn tuổi đến ngồi bên chú Út, nắm chặt tay chú cô khóc, hai hàng nước mắt chảy dài, cô nghẹn ngào,vỗ về an ủi chú. Đoàn tạm biệt ra đi.
Ngoài trời nắng đã lên hơn một cây sào. Mẹ tôi nấu cháo tôm mang lên cho chú Út. Chú gắng ăn lưng chén cháo, đã đỡ sốt hơn nhiều. Ngoài cổng hàng tre vẫn nhịp nhàng ca bản nhạc theo gió vô tư. Tôi đẩy xe lăn đưa chú ra ngoài sân hít thở khí trời cho khuây khỏa.
Chợt như nhớ ra điều gì, chú bảo tôi vào mở tủ lấy gói giấy tờ ra cho chú. Chú nhẹ nhàng lấy ra một bức thứ và nói: “Đây là bức thư cuối cùng của một đồng đội chú”. Hồi đó các chú thường viết thư trao cho nhau nếu sau này đất nước thống nhất ai còn sống thì đem thư của đồng đội mình tới tận tay người nhà của họ.
Trong bức thư có đoạn viết: “Nếu sau này vì Tổ quốc anh hy sinh thì em hãy đi xây dựng gia đình, chứ đừng vì anh mà uổng phí đời con gái”. Vậy mà mãi đến hôm nay bức thư đó vẫn còn nằm ở đây, chú tôi thấy có lỗi với đồng đội của mình. Chú nhờ tôi thắp ba cây nhang rồi khấn xin đồng đội tha thứ bởi từ khi trở về chú không đi lại được nên không thể thực hiện lời hứa với đồng đội.
Tôi thấy vậy xung phong thay chú, quyết tìm cho bằng được người con gái để treao lại bức thư. Cuối cùng tôi cũng đã tìm được cô Lê Thị Thảo xã Thọ Dân, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Mấy chục năm trôi qua mọi thứ dần thay đổi, cô gái Thảo ngày nào 17, 18 nay đã gần 70 tuổi.
Gặp được cô tôi mừng quá, liền kể lại toàn bộ câu chuyện của chú Út tôi cho cô nghe, cô khóc to cầm bức thư đi vào bàn thờ thắp nén hương khấn vong linh người đã khuất. Cô tâm sự sau khi người yêu hy sinh, cô đã tình nguyện làm con dâu của gia đình phụng dưỡng bố mẹ người yêu cho đến khi ông bà qua đời. Cô ở vậy thờ người đã khuất và thờ ông bà tổ tiên bên ấy.
Nghe cô kể chuyện cô và chú yêu nhau, một tình yêu rất đẹp trong sáng ngây thơ, hai người hẹn chờ nhau, không phản bội, khi chú hy sinh, cô giữ mãi lời thề đó trong lòng cho đến bây giờ, tôi rất lấy làm cảm kích.
Trước khi tạm biệt, cô gửi lời cám ơn chú tôi, nắm chặt tay tôi, cảm ơn tôi đã mang thư tới. Trở về, tôi đem chuyện kể lại với chú út. Chú trách mình đã không mang thư đến kịp thời khiến cô Thảo lỡ cả một đời người con gái. Tôi an ủi chú: “Đâu phải vì chú không làm tròn nhiệm vụ mà vì khi trở về chú là thương binh nặng thế này, không đi lại được. Vả lại, một khi cô ấy đã quyết sống như thế rồi thì cho dù đọc mấy lời dặn trong thư, cô cũng không thay đổi”. Chú tôi nghe có vẻ xuôi tai.
Một tuần sau khi tôi thay chú giao bức thư cho cô Thảo trở về thì bệnh chú tôi trở nặng. Gia đình đưa chú đi bệnh viện, khám xong bác sĩ buồn bả lắc đầu khuyên gia đình nên đưa chú về. Chú mất, mấy anh em tôi khóc ròng, thương chú cả một đời trai trẻ đi cứu nước, khi trở về cơ thể không còn nguyên vẹn. Càng nghĩ càng thương.
Khánh Ngọc