NSND Lê Thuỵ có cái duyên làm tổng đạo diễn các chương trình văn hoá nghệ thuật chính luận. Thời ông còn làm đạo diễn tại Đài truyền hình TP HCM (HTV) nghe thông báo có chương trình nghệ thuật chính luận do Lê Thuỵ đạo diễn, bận mấy tôi cũng sắp xếp đến dự hoặc xem trực tiếp truyền hình.
Bỏ lỡ chương trình cầu truyền hình trực tiếp kết nối ba địa danh mà những người lính “ tập kết” ai cũng biết: Thanh Hoá – Đồng Tháp – HCM, mặc dù mưa gió do bão số 3 (Yaghi) và số 4 gây ra, tôi đến nhà hát TP.HCM xem bằng được chương trình giao lưu nghệ thuật “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người“ do Hội Nhạc sĩ Việt Nam – Sở VHTT – Hội Nhạc sĩ- Đài Truyền hình TP.HCM tổ chức. NSND Lê Thuỵ làm Tổng đạo diễn, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhạc sĩ Trần Kiết Tường.
Phải nói, trong thời lượng trên dưới 2 tiếng đồng hồ, với đội ngũ nghệ sĩ chuyên nghiệp, trẻ trung, nhiều tên tuổi người hâm mộ nghệ thuật, âm nhạc biết đến như: NSƯT Phạm Thế Vĩ, NSUT Phương Anh ; ca sĩ: Hoàng Tú, Đào Mác, Thanh Nguyên, Hồ Trung Dũng, Phạm Trang… tổng đạo diễn NSND Lê Thuỵ đã “chiêu đãi” người thưởng ngoạn một bữa tiệc nghệ thuật âm nhạc phong phú, đa dạng, đầy cung bậc cảm xúc và nhiều suy ngẫm.
Đa dạng, phong phú, đầy cung bậc cảm xúc bởi chính tác phẩm âm nhạc của người nhạc sĩ tài hoa, đức độ- một chiến sĩ tập kết thời chống Pháp Trần Kiết Tường. Đúng như đồng nghiệp của tác giả – nhạc sĩ Trương Quang Lục nhận xét: tác phẩm âm nhạc của Trần Kiết Tường chia ra nhiều giai đoạn gắn với lịch sử cách mạng gian lao mà hào hùng của đất nước. Giai đoạn nào cũng có những điểm nhấn neo đậu vào ký ức người nghe. Ví như các bài: Có anh Ba Hưng (thời chống Pháp); Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người (thời chống Mỹ); Mimoda em từ đâu tới (thời hoà bình sau 4/1975)…
Mỗi nhạc sĩ đi theo kháng chiến đều có nét riêng. So sánh sẽ khập khiễng. NSND Lê Thuỵ bắt được hồn vía của tác phẩm và lịch sử ra đời của nó để truyền tải thông điệp, cảm xúc đến người thưởng ngoạn. Kể cả những người đã trải qua chiến tranh như chúng tôi và những sinh viên, chiến sĩ quân đội, công an tuổi trên dưới hai mươi, đều đón nhận chương trình với mẫu số chung: Đó là di sản văn hoá một thời của dân tộc. Di sản văn hoá ấy như mảnh ghép tạo nên cuộc sống, như viên gạch xây nên toà nhà đậm đà bản sắc văn hoá của dân tộc ta; góp phần làm nên một trong
sự nghiệp vĩ đại nhất của dân tộc ta suốt mấy ngàn năm lịch sử.
Điều đáng suy ngẫm ấy là phương tiện biểu cảm chạm tới trái tim. Bản thân tác phẩm của Trần Kiết Tường đã thắm đượm chất dân ca – hồn vía tinh thần nghệ thuật dân tộc; lại được sự dụng công tâm tưởng của tổng đạo diễn cùng sự thể hiện đa sắc của dàn diễn viên và điều này nữa – thế mạnh của thời 5.0: âm thanh, ánh sáng; lịch sử bối cảnh ra đời các tác phẩm đã được tái hiện một cách nhuần nhuyễn, hài hoà không khiên cưỡng. Mang đến cho người xem cảm xúc lạ thường, như chính mình trong cuộc.
Sau khi rời HTV, người nghệ sĩ tài hoa- Tổng đạo diễn- NSND Lê Thuỵ tình nguyện tham gia Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP.HCM. Với vai trò Uỷ viên Ban Thường vụ – Trưởng ban Tổ chức sự kiện, chúng ta có quyền ước nguyện được tiếp tục xem các tác phẩm đồ sộ của ông, trong đó có các sự kiện kể về những người con ưu tú đã hiến dâng cả đời mình cho đất nước- những người “Thân ngã xuống thành đất đai Tổ quốc/ Hồn bay lên hoá linh khí Quốc gia (TTT).
Nhà hát TP.HCM, đêm 18/9/2024