Thứ Bảy, Tháng Mười Hai 9, 2023
Trang chủVĂN HÓA-VĂN NGHỆĐẶC SAN" BẾP CƠM DÃ CHIẾN" CỦA HỘI CHỊ EM

” BẾP CƠM DÃ CHIẾN” CỦA HỘI CHỊ EM

Kim Sáng

Trong cuộc chiến chống dịch COVID-19, bên cạnh các tổ chức, đơn vị thì nhiều cá nhân cũng đóng góp rất lớn vào công tác phòng, chống dịch. Họ là những chị em phụ nữ không quản ngại khó khăn, vất vả để lo từng bữa ăn cho lực lượng tuyến đầu và các bệnh nhân. Chúng tôi muốn nhắc đến “bếp cơm dã chiến” của nhà báo Đan Hà, Đại tá Mạc Phương Minh và bà Phan Thị Sương.

Trong mùa dịch, tại TP.HCM đã có hàng ngàn bếp ăn của các tổ chức đoàn thể như Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên… mọc lên. Một trong những bếp ăn ấn tượng nhất là “bếp cơm dã chiến” của nhà báo Đan Hà – Phó Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP.HCM và hai cộng sự tích cực là Đại tá Mạc Phương Minh, phu nhân Trung tướng Lưu Phước Lượng – nguyên Phó Tư lệnh về chính trị Quân khu 9, nguyên Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ và bà Phan Thị Sương, phu nhân Đại tá Trần Thế Tuyển Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP.HCM.

Nhìn vào con số hơn 23.000 suất ăn mặn (phở Nam Định, bún bò Huế, bún riêu cua, bánh mì xá xíu, bánh canh tôm thịt chả cá…), hơn 13.000 phần đồ ăn ngọt (bánh flan, chè đậu xanh bí đỏ, chè đậu xanh bột báng sữa tươi, rau câu, pudding tráng miệng…), hơn 10.000 phần cháo và hàng chục ngàn chai nước… ít ai có thể ngờ nhân lực của bếp chỉ có… vài người.

Miêu tả về “bếp cơm dã chiến”, mọi người thường dùng cụm từ “rất đặc biệt”, để nói về hoàn cảnh ra đời và cách vận hành có “1 không 2”. Thực chất, “bếp cơm dã chiến” được lên ý tưởng chỉ trong một vài ngày và đi vào hoạt động ngay sau đó. Bếp đặt tại Quận 7, do nhà báo Đan Hà đảm nhận vị trí bếp trưởng và 3 cô con gái phụ việc, trong đó cô con gái út mới 11 tuổi. Ở đầu cầu Phú Nhuận, Đại tá Mạc Phương Minh và bà Phan Thị Sương là hai nhân lực phụ trách nấu nước uống và sơ chế các nguyên vật liệu như hành, tỏi, gừng, rau củ quả… để phục vụ bếp chính. Cạnh đó, bếp còn nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các hội viên trong Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP.HCM.

Trong thời gian giãn cách xã hội, bếp gặp khá nhiều khó khăn nhưng với sự nhanh nhạy, các thành viên đã vận dụng các mối quan hệ vốn có để mua nguyên vật liệu giá rẻ nhưng vẫn đảm bảo chất lượng; thậm chí huy động thêm các vật dụng như tủ lạnh cỡ lớn, chảo chuyên dụng từ các đơn vị quân đội để chế biến nhiều món ăn ngon đa dạng.

Trung bình mỗi ngày, bếp nấu hơn 300 suất ăn mặn cho các y bác sĩ và khoảng 100 phần cháo cho bệnh nhi bệnh viện dã chiến. Khoảng thời gian đó, hầu hết các thành viên trong bếp mỗi đêm chỉ chợp mắt được vài tiếng đồng hồ, có những đêm trắng giấc để kịp các suất ăn. Dù tiêu tốn nhiều sức lực, thời gian nhưng chị em phụ nữ vẫn hăng say, đặt hết tâm huyết vào từng món ăn với mong muốn các y bác sĩ sẽ có nhiều năng lượng để chiến đấu với dịch COVID-19.

Ngoài “bếp cơm dã chiến”, các chị em còn tích cực đóng góp cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại địa phương và các đơn vị tuyến đầu. Nhà báo Đan Hà đã kêu gọi 2.500 phần quà tổ chức “Gian hàng 0 đồng” tại Quận 12, huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn với trị giá 2 tỷ đồng để “tiếp sức” cho lực lượng tuyến đầu và chăm lo cho người dân khó khăn; tổ chức nấu hàng nghìn suất ăn nhẹ cho người dân về quê; tặng hàng ngàn bộ đồ bảo hộ, khẩu trang cùng các nhu yếu phẩm (gạo, rau củ quả…) cho các bệnh viện quân đội và nhiều quận, huyện trên địa bàn TP.HCM… Đại tá Mạc Phương Minh, bà Phan Thị Sương cũng tích cực vận động, hỗ trợ nhiều trang thiết bị, vật tư y tế và tiền mặt phục vụ công tác phòng, chống dịch… Nhờ những đóng góp đó, các cá nhân đã được tuyên dương gương “người tốt việc tốt”, nhận Kỷ niệm chương và khánh vàng vinh danh của các cơ quan, đơn vị.

Bài viết liên quan

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận
Nhập tên của bạn

Bài viết phổ biến

Bình luận gần đây