Trần Nguyên Trang
1. Tôi không nghĩ mình có được cảm giác ấy, cảm giác bay trong ký ức khi đi trên đường cao tốc. Tháng tư cái nắng ong ong. Ai nói cái nắng cao điểm mùa khô ở mảnh đất phương Nam này như thiêu, như đốt quả không sai, riêng với tôi, nó vẫn là cái nắng ong ong nhiều kỷ niệm.
Ngày ấy, cách nay vừa đúng 35 năm, tôi và đồng đội đã hành quân qua đây, giữa cánh đồng ngập nước, trong cái nắng ong ong dưới chân con đường cao tốc bây giờ. Chiến dịch Hồ Chí Minh mở màn, đơn vị chúng tôi vừa trải qua trận bom ở Ba Thu đã được lệnh hành quân qua cánh đồng “chó ngáp” tiến về thị xã, với nhiệm vụ: cắt đứt lộ 4. Và, bên cái làng dừa cạnh ngã ba sông ấy, chúng tôi đã đào căn hầm, mà đối với tôi đó là căn hầm cuối cùng của cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước thần thánh của dân tộc.
Minh họa: A.Dũng
Cô giao liên ngày ấy e ấp trong vành nón tai bèo và chiếc khăn rằn thả dọc khuôn ngực đầy đặn như trăng rằm, bây giờ đang ở đâu? Tôi đã hỏi chị Sáu Sữa – Anh hùng Lực lượng vũ trang Trần Thị Sữa, nguyên Huyện ủy viên, Bí thư Ban cán sự thị trấn Thủ Thừa trong chiến dịch Hồ Chí Minh câu hỏi ấy. Chị Sáu cười nói, thì em cứ đi tìm đi. Biết đâu cô ấy vẫn đang chờ em đó! Tôi đã đi tìm em trong cái nắng ong ong, nhưng chẳng thấy em đâu. Cả căn hầm xưa cũng không còn nữa. Chỉ còn dòng sông mênh mang với tiếng bìm bịp kêu xa xăm như vọng về từ ký ức.
Đi trên đường cao tốc, dù con đường mang ý nghĩa lịch sử này chưa hoàn công như kế hoạch, nhưng đã làm cho cả một vùng chiến trường xưa thay da đổi thịt. Cô Hai Diềm, nguyên Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy Long An, Bí thư Huyện ủy Thủ Thừa, một chiến sĩ cách mạng lão thành đã hơn 80 tuổi cùng đi với chúng tôi về thăm trận địa cũ, cũng có cảm giác như vậy.
Bay trong ký ức. Cảm giác bay lên khiến cả đoàn hành hương về chiến trường xưa đều rưng rưng nhớ đến đồng đội. Những anh Vũ, anh Lật, những Khơi, những Ân, Nùng, Vô và biết bao đồng đội thân yêu đã ngã xuống trên mảnh đất này cho chúng tôi cái cảm giác bay trên đường cao tốc. Chị Sáu Sữa nhận ra doi đất, mà cách nay đúng 35 năm, chị đã đưa những chiến sĩ của Trung đoàn 3 – Sư đoàn 5 vượt sông sang chốt chặn lộ 4. Hàng chục cán bộ, chiến sĩ ta đã ngã xuống nơi đây. Giọng chị Sáu bùi ngùi: Bao giờ mình dựng được tấm bia hoặc tượng đài để tưởng nhớ các anh? Đôi mắt người đàn bà bước qua tuổi lục tuần đỏ hoe. Xa xa gió cứ hun hút trên đường cao tốc.
2. Chín Mây đón chúng tôi như cái thời chị đang làm Tổng biên tập tờ báo Đảng ở một địa phương miền sông nước. Chín nói: Có đường cao tốc, từ thành phố xuống đây nhanh lắm, đâu có như ngày xưa hành quân qua sình lầy! Câu chuyện sình lầy đánh thức một vùng ký ức thẳm sâu trong tôi.
Dạo ấy, nhân kỷ niệm 10 năm ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, trong căn nhà nhỏ, dưới chân con đường cao tốc này, chúng tôi đã có một đêm không ngủ. Bên mâm cơm đạm bạc đậm phong cách Nam bộ: cá sặt chiên cuốn bánh tráng với rau tập tàng và mắm nêm, chúng tôi đã kể cho nhau nghe kỷ niệm một thời chiến tranh. Tôi đã kể cho mọi người nghe mấy đêm hành quân qua cánh đồng “chó ngáp”, suýt bị ngập trong sình lầy dưới cái nắng ong ong như có hàng ngàn hàng vạn con ong đang châm đốt.
Chín Mây đã kể cho chúng tôi nghe kỷ niệm về mối tình đầu của chị. Quen rồi yêu một chiến sĩ người Hà Nội vào chiến đấu ở chiến trường đồng bằng sông Cửu Long này, Chín Mây chưa kịp hưởng hạnh phúc lứa đôi thì người chiến sĩ ấy đã hy sinh. Anh ra đi, nhưng hình ảnh anh vẫn khôn nguôi trong lòng chị. Sau chiến tranh, chị đi tìm mộ anh dọc những kênh rạch Đồng Tháp Mười trong tiếng bìm bịp kêu gợi nhớ. Chị đã ra tận Hà Nội tìm gặp mẹ anh và trở thành người con thân thiết của gia đình. Có phải thế không, những kỷ niệm ấy đã làm chúng tôi như bay trong ký ức khi đi trên đường cao tốc trở lại chiến trường xưa, khi nhắc về đồng đội, nhắc về những người đã khuất.
Bây giờ Chín Mây đã nghỉ hưu, nhưng tình cảm với những người lính đã hy sinh vì Tổ quốc, với đồng đội, chị vẫn thế. Chị tham gia Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin và tự nguyện “vác ba lô” đi vận động tài trợ để cứu giúp các nạn nhân nhiễm độc đang gặp khó khăn. Giai điệu tháng tư, bài thơ năm ấy tôi viết tặng chị, vẫn vẹn đầy:
Ta trở về tháng tư, nắng ong ong
Đi tìm đồng đội
Bầu trời đã xanh trong mà ký ức vẫn ì ầm bom dội
Đồng đội ơi, bây giờ đang ở đâu?…
3. Những người lính Đoàn 2255 nhập ngũ tháng 4 năm 1970 và vượt Trường Sơn vào cuối năm ấy đã “thề non hẹn biển” với nhau, dù khó khăn mấy cũng phải tổ chức gặp mặt kỷ niệm 40 năm ngày nhập ngũ và 35 năm ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước.
Từ đường cao tốc nhìn xuống, dấu chân những người lính Đoàn 2255 ngày ấy vẫn còn in đậm trên những xóm làng, kênh rạch của vùng đất cửa ngõ Đồng Tháp Mười này. Trình Tự Kha ngồi lặng im, đôi mắt xa xăm nhìn về cuối chân trời. Trên cánh đồng “chó ngáp” này có biết bao đồng đội của anh đã nằm xuống.
Đến nghĩa trang liệt sĩ Long An, chúng tôi chia nhau đi thắp nhang từng ngôi mộ. Những người nằm xuống năm ấy đã được quy tập về đây, không đầy đủ đã đành nhưng điều xót xa nhất là hầu hết phần mộ của các anh đều ghi: Liệt sĩ chưa biết tên. Chúng tôi đã dừng hồi lâu bên những ngôi mộ liệt sĩ chưa biết tên ấy. Tên anh chưa ai biết. Chiến công anh lẫy lừng.
Đại tá Trần Đại Ngoạn, Tổng Biên tập báo Quân khu 7 cùng đi đã nhắc lại câu ấy, khiến chúng tôi rưng rưng. Cũng vì những liệt sĩ chưa biết tên ấy mà Trình Tự Kha và đồng đội của anh đã vận động xây dựng cho được một ngôi đền liệt sĩ bên dòng sông Long Khốt, nơi các chiến sĩ Đoàn 2255, những chiến sĩ Trung đoàn 174, Sư đoàn 5 đã ngã xuống. Tiếng chuông Long Khốt trong ngôi đền ấy cứ chiều chiều vang lên, đánh thức cả một vùng biên giới, âm vang đến tận con đường cao tốc, khiến người ta đi qua đây cứ ngỡ mình đang bay.
Tôi lại “bay” trong ký ức, trên đường cao tốc để trở về thành phố, dù chưa gặp được cô giao liên e ấp trong vành nón tai bèo và chiếc khăn rằn thả dọc khuôn ngực đầy như trăng rằm năm xưa. Nhưng lòng thanh thản lạ. Đường cao tốc nối liền Bắc-Nam cùng với những cây cầu bắc qua sông Tiền, sông Hậu, đó là con đường đi lên hạnh phúc. Người ta đi trên đường cao tốc, trên những cây cầu thế kỷ như bay trong bao la vũ trụ.
Làm sao quên được những liệt sĩ chưa biết tên, làm sao quên được tiếng bìm bịp kêu đêm đêm, làm sao quên được mùi hương tràm gợi nhớ và làm sao quên được gương mặt chờ đợi của những người phụ nữ đã hiến dâng cả tuổi thanh xuân của mình cho đất nước như chị Sáu Sữa, Chín Mây… Tất cả, tất cả đã chắp cánh cho chúng tôi bay trong ký ức, trên đường cao tốc và những nẻo đường đất nước thân yêu!
Long An tháng 4-2010