Nữ cựu chiến binh Trần Duy Phương nghẹn ngào nhớ lại giai đoạn lịch sử hào hùng. Ảnh HÀ NGUYỄN
Buổi Lễ tổng kết và trao giải Cuộc vận động viết về đề tài Thương binh – Liệt sĩ do Hội Hỗ trợ gia đình Thương binh Liệt sĩ, Hội Nhà văn TP.HCM kết hợp cùng Tạp chí Văn nghệ TP.HCM tổ chức đã diễn ra thành công tốt đẹp vào sáng 22/12, Buổi lễ vinh dự được rất nhiều cơ quan báo đài đến dự và đưa tin như Báo SGGP, báo Pháp luật TP.HCM, Phụ Nữ TP.HCM, báo Thanh Niên, báo QĐND, báo Người Lao Động, Công lý Xã hội, tintuc.vn, nongnghiep.vn, thanhuytphcm.vn, Chinhphu.vn …
Ngoài những thông tin về cuộc thi, thông tin về các tác giả đạt giải, các báo còn khai thác những nội dung rất cảm động xung quanh buổi lễ Tổng kết.
Báo Pháp luật thành phố ghi nhận lại lời chia sẻ làm nghẹn lòng người tham dự của nữ cựu chiến binh Trần Duy Phương – nhân vật cũng là nhân chứng sống trong tác phẩm Trần Duy Phương – người con gái kiên cường (Quế Hà, Hội An).
“Có mặt tại buổi lễ, cựu nữ chiến binh bày tỏ: “Tuy bị thương tật nặng nhưng tôi vẫn bị bắt vào tù khi tôi ra tù thì phải nằm trên cáng để trao trả sau khi hiệp định Pari được ký kết. Sau khi ra tù, tôi lại tập đi và đi lại một chút nhưng phải nhờ nạng, và cả đời còn lại của tôi sống gắn liền với nạng và xe lăn.
Tuy nhiên, tôi luôn tâm niệm bản thân sống vì những người đã khuất, bởi vì bạn bè đồng đội của tôi đã hi sinh rất nhiều. Những câu nói của mẹ họ mỗi khi nhìn thấy tôi: “Ước gì con của bác được như con” khiến tôi nhói lòng, chính câu nói đó là ý chí động lực giúp tôi vượt qua được những giây phút sinh tử” (PLO)
Báo Nông Nghiệp có bài “Triệu ngày khắc khoải cùng sự hy sinh của người lính” đã dành nội dung giới thiệu với độc giả về tập sách: “Triệu ngày khắc khoải dày hơn 300 trang, do Nhà xuất bản Văn Học ấn hành. Triệu ngày khắc khoải tập hợp 40 bài viết từ cuộc vận động viết về đề tài thương binh liệt sĩ, do Hội hỗ trợ gia đình Thương binh liệt sĩ TP.HCM, Hội Nhà văn TP.HCM và Tạp chí Văn Nghệ TP.HCM phối hợp tổ chức”, gọi đây là cuốn sách thu hoạch từ cuộc vận động viết về đề tài Thương binh Liệt sĩ.
Báo CL&XH đặc biệt “Vinh danh những cây bút xuất sắc trong cuộc vận động”. Báo Thanh Niên với: “Cây phóng sự Huỳnh Dũng Nhân nhận giải cao nhất bút ký viết về Thương binh-Liệt sĩ”. Báo SGGP với “Những trang viết của lòng biết ơn”…
Viết về đề tài Thương binh Liệt sĩ là một cuộc vận động viết không những quy tụ được được nhiều cây bút tên tuổi, thu hút được nhiều người cầm bút trong cả nước, được sự chăm chút của Ban Tổ chức, Ban Giám khảo mà còn được sự đặc biệt quan tâm của nhiều cơ quan báo đài làm lan tỏa được giá trị nhân văn sâu sắc của cuộc vận động đó là lòng tri ân các anh hùng đã ngã xuống, đã cống hiến một phần cơ thể cho độc lập tự do của Tổ Quốc.
Lương Gia Cát Tường