Thứ Sáu, Tháng Mười Hai 8, 2023
Trang chủNHỊP CẦU BẠN ĐỌCBẠN ĐỌC VIẾTBà ngoại, dì tôi và vị tướng Hải quân

Bà ngoại, dì tôi và vị tướng Hải quân

Tôi xin gởi đến Phó Đô đốc Nguyễn Văn Tình và Quân chủng Hải quân lời cảm ơn chân thành nhất. Ông đã trở về, dựng lại một câu chuyện cổ tích giữa đời thường mà ông cũng là nhân vật.

Có những khoảnh khắc làm thay đổi số phận con người. Có những phút giây lóe sáng, buộc con người phải hành động theo cách đó, không có sự lựa chọn khác, dù có thể có sự lựa chọn khác. Bởi đó là sự mách bảo của lương tâm, của tình người, của tình yêu mến cách mạng và cán bộ cách mạng qua hình ảnh anh bộ đội đặc công miền Bắc.

Nhưng cũng có những người đã chọn lựa hành động và không nói ra, coi như đó là một phận sự phải làm của một người dân yêu nước, không có gì để kể lại, để được ghi công.

Đó là câu chuyện của bà ngoại tôi, của dì ruột của tôi – người con gái đầu lòng của ông bà ngoại – trên mảnh đất quê hương làng Mai Xá, xã Gio Mai, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị.

Mảnh vườn của ngoại tôi gần như ở giữa làng, trên triền đất khá cao, chỉ những trận lụt thật lớn, nước mới tràn vào nhà. Ngoại vốn là con gái út một nhà khá giả ở làng Dương Xuân, huyện Triệu Phong, cách quê chồng bởi con sông Thạch Hãn. Về làm dâu làng Mai Xá, ngoại vẫn giữ cốt cách đài các song tính tình hiền hậu, dễ gần. Ngoại hết lòng chiều chồng, thương con, bán buôn tần tảo, giữ gìn gia phong. Ngoại sinh 7 người con, 4 gái 3 trai, dì là con đầu, mẹ tôi con thứ hai, hai cậu đều đi tập kết, cậu út sau này đi du kích và hy sinh. Ông ngoại tôi mất sau thời gian bị chính quyền Sài Gòn bắt tù đày, tra tấn, ngoại cùng các dì và mẹ tôi, chèo chống gia đình đi qua những ngày buồn đau…

Sau ngày đất nước thống nhất, hằng ngày ngoại vẫn nhẹ nhàng gánh hai đầu hai thùng giấy, đựng ít hàng tạp hóa ra chợ làng. Chợ dựng bên đình, nhìn xuống dòng sông Thạch Hãn xanh trong mùa hạ và màu nước bạc trong mùa lụt. Ngoại ngồi đó, cần mẫn, hiền từ, chuyện trò với người làng, với khách đến mua hàng, đến chiều lại thong thả gánh hai thùng giấy về nhà. Ngoại nấu nồi cơm nhỏ bằng chiếc nồi đất, nấu một siêu cá kho khô là cá bống thơm nức mũi và nồi canh nhỏ, rồi ngoại ngồi ăn, nhỏ nhẻ. Dưới chân ngoại, con mèo cọ quậy dụi mình nhõng nhẽo ngoại bỏ chút cá cho ăn…

Buổi chiều hôm cũng trôi qua yên bình như thế với dì tôi trong căn nhà nhỏ phía trước nhà ngoại. Dì sống đơn thân, mái nhà nhỏ luôn sạch sẽ, dì chăm sóc mảnh vườn và thỉnh thoảng chạy chợ như thời son trẻ.

Những chiều quê, tôi hay tựa cửa trông dì. Đôi quang gánh trên vai, dì băng động cát lên vùng Quán Ngang. Dạo đó, Quán Ngang là ấp chiến lược, chính quyền Việt Nam Cộng hòa dồn dân lên. Một vùng thị tứ mọc lên nằm ven Quốc lộ 1, thị tứ của những mái tôn trắng lóa giữa một vùng cát đã trắng ngàn đời. Gió Lào hun hút. Những người nông dân bị rời xa ruộng đồng, nuốt miếng cơm gạo Mỹ mà nhớ quê, thèm con cá tươi Cửa Việt, tô canh hến giữa trưa hè.

Phó Đô đốc Nguyễn Văn Tình.

Dì về, thế nào cũng có những tấm quà quê cho thằng cháu nhỏ. Dì sống đơn thân nên tôi là đứa con của dì, chiều tối dì dắt tay tôi về căn nhà nhỏ trong mảnh vườn của ngoại. Thương dì, tôi nói lớn lên con sẽ làm nuôi dì, đầu tiên là sẽ mua tặng dì… một chiếc mùng. Chẳng biết sao tôi lại nói vậy, có lẽ ở miền quê Quảng Trị ngày ấy không mấy nhà có được chiếc mùng tuynh để tròn giấc ngủ. Và với tôi, giấc ngủ tuổi thơ trong tay dì trôi qua êm đềm. Tôi ngủ trong tiếng sóng biển vọng về từ Cửa Việt, trong tiếng đạn đâu đây giữa những tháng ngày chiến tranh.

Rồi tôi lớn lên, theo gia đình vào thị xã Quảng Trị sống, dì vẫn hay ra thị xã thăm em, thăm cháu. Đến khi nhà tôi vào Đà Nẵng mới ít gặp dì. Sau năm 1975 cả nhà trở lại làng quê thì tôi có 2 năm ở Hà Nội nên thời gian sống ở làng và gần dì cũng chỉ 3 năm rồi sau đó tôi theo gia đình vào Nam, đi biền biệt cả chục năm mới trở về làng. Mơ ước mua tặng dì chiếc mùng, ngỡ đơn sơ, mà không thành hiện thực.

Nhưng sau này, khi chiến tranh đã qua đi gần 30 năm, tôi mới biết, những ngày son trẻ của dì, việc bán buôn vừa để mưu sinh, song cũng là điều kiện thuận lợi để dì đi làm nhiệm vụ cách mạng. Phía sau đôi quang gánh và sự nhọc nhằn đường xa là nặng trĩu lo toan giữa cuộc đấu tranh một mất một còn, giữa sống và chết chỉ cách nhau gang tấc. Người làng không mấy ai biết dì hoạt động cách mạng, chỉ quen với hình ảnh dì tôi buôn bán tảo tần, giữa trưa gió Lào, nắng lửa với chiếc nón lá và đôi quang gánh, rảo chân từ vùng biển lên miền trung du xa ngái.

Nhà bà ngoại của tác giả, nơi nuôi giấu hai chiến sĩ đặc công năm xưa.

Cái sự biết muộn màng ấy một phần cũng do dì, chẳng hề một lời nói về mình, nói về quá khứ. Chỉ đến khi ông Phó Đô đốc, Chính ủy Quân chủng Hải quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Tình về làng tìm dì, cả làng mới hay và thằng cháu của dì, hơn nửa đời người mới hay.

Câu chuyện bắt đầu trong không gian ấy, những năm 1966- 1968. Hai cậu lớn đã đi tập kết, cậu út vào du kích, mẹ tôi và các dì đi lấy chồng, đều ở thị xã, vườn quê chỉ còn ngoại và dì. Cũng trong thời gian ấy là những tháng ngày Đoàn đặc công hải quân 126 lập nên những chiến tích lẫy lừng. 7 năm liên tục chiến đấu dũng cảm, kiên cường trên mặt trận Cửa Việt – Đông Hà (1966 – 1973), trong hơn 300 trận đánh đã có hơn 370 tàu vận tải, tàu quân sự của địch bị Đoàn đặc công hải quân 126 đánh chìm, đánh hỏng, phá hủy hàng vạn tấn vũ khí và phương tiện chiến tranh…

Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975, lực lượng đặc công hải quân đã tham gia giải phóng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Đoàn đặc công hải quân 126 còn tham gia chiến đấu ở biên giới Tây Nam và làm nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia. Đoàn đã 2 lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. 4 đơn vị và 12 cán bộ, chiến sĩ của đoàn đều được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Một đêm tối trời, những chiến sĩ đặc công tấn công tàu chiến Mỹ ở Cửa Việt. Tàu Mỹ cháy, quân Mỹ điên cuồng truy đuổi. Hai chiến sĩ đặc công đã men theo dòng Thạch Hãn, lần vào làng tôi trong bóng đêm. Phát hiện ra hai người khi họ bước vào nhà, rất nhanh chóng biết họ là ai, bởi tiếng nổ từ Cửa Việt vọng về đã khiến ngoại và dì hiểu được tất cả. Ngoại cùng dì đã nhanh tay ấn hai người xuống hầm bí mật, bắt đầu những ngày nuôi giấu cán bộ cách mạng trong vùng địch tạm chiếm.

Mạ tôi kể rằng, có lần người làng đến thăm, sáng vô tình nhìn thấy ngoại mua cả rổ cá bống, chiều thấy cái trách kho cá trống trơn, hỏi. Ngoại đổ lỗi cho con mèo ăn vụng. Những lần giặc lùng, ngoại và dì khéo léo che giấu căn hầm, không ai hay có hai ông đặc công cộng sản nằm chờ cơ hội trở về căn cứ ở miền Bắc. Rồi đến một đêm, sau khi bắt được liên lạc, men theo bóng tối và dòng nước, hai người trở về căn cứ an toàn. Cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc vẫn tiếp diễn, một người trong họ trở thành Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, thành cán bộ cao cấp, lãnh đạo quân chủng Hải quân sau này.

Một chiều cuối năm, sau gần 30 năm, một chiếc xe quân sự chạy từ thị xã Đông Hà (lúc đó chưa lên thành phố) về làng. Trên xe bước xuống một người đàn ông dáng dấp oai vệ, hỏi thăm nhà chị Giao (đó là tên khai sinh của dì, ở làng người ta thường gọi dì tôi là “o Láo”). May sao có người nhớ ra. Lúc này, vị tướng hết sức xúc động khi biết dì tôi vẫn còn sống. Ông đứng bên bờ sông, nhắm mắt lại hồi tưởng rồi xăm xăm đi về đúng hướng nhà ngoại. Dì tôi đang làm cỏ trong vườn, ngỡ ngàng nhìn khách. “Chị có nhớ ai không?”. Sau giây phút định thần, dì nói: “Thằng Tình chớ ai” (Dì ơi, người ta là tướng, răng dì gọi bằng thằng, xin ông thông cảm). “Dạ, em đây chị”…

Cuộc trùng phùng của vị tướng Hải quân và dì tôi đầy nước mắt, nụ cười. Người làng đến chứng kiến rất đông, khi đó mới biết dì tôi đã từng hoạt động bí mật, dì cùng ngoại tôi trải qua những ngày nuôi giấu cán bộ cách mạng. Sau ngày đất nước thống nhất, bao nhiêu người xênh xang công trạng, bà ngoại tôi và dì tôi vẫn không nói về những tháng ngày tham gia cách mạng hay nuôi giấu đặc công cộng sản, bởi ngoại và dì nghĩ rằng đó là những việc làm bình thường của người yêu nước, dù việc làm đó có thể lấy đi sinh mạng của ngoại và dì.

 Phó Đô đốc Hải quân Nguyễn Văn Tình kể lại, người làng tôi mới biết những lúc tình thế hiểm nghèo, ông thoát chết trong đường tơ kẽ tóc. Đó là lúc lính Mỹ và lính quân đội Sài Gòn vào làng săn lùng hai chiến sĩ đặc công, có lúc hai ông trốn kịp dưới hầm bí mật, có lúc leo lên xà nhà, nằm ép mình, dưới này loạt đạn lia lên hú họa, may sao chỉ sượt qua người… Rồi hai chiến sĩ trở về với đơn vị ở miền Bắc, tiếp tục lập nhiều chiến công và nắm giữ trọng trách trong quân đội, trong Đảng.

Tôi sẽ không kể chi tiết về những gì Phó Đô đốc Nguyễn Văn Tình và Quân chủng Hải quân đã chăm sóc cho dì để sống đến cuối cuộc đời trong nhẹ nhõm. Dì được làm hồ sơ có công với cách mạng, được quân chủng chăm lo, bảo bọc. Đến khi dì mất, dù Phó Đô đốc Nguyễn Văn Tình đã về hưu, ông vẫn vào làng tôi, lo liệu hậu sự chu đáo cho dì. Quân chủng Hải quân vẫn tổ chức lễ tang, truy điệu trọng thể. Tôi nghĩ, đó là sự đền bù, muộn màng mà xứng đáng.

Tôi cũng đã từng nghĩ rằng, nếu không có sự trở về tìm lại bà ngoại và dì tôi của Phó Đô đốc Nguyễn Văn Tình, câu chuyện của dì tôi rồi sẽ theo dì vào quên lãng, như biết bao câu chuyện của những người mẹ, người chị trên đất nước này. Điều đó cũng bình thường, bởi như dì đã nói, điều đó với dì cũng không có gì to tát. Song nghĩ lại, đó mới là điều phi thường, là sự vĩ đại của những người phụ nữ Việt Nam, quen sống tảo tần, quen hy sinh, cho đi mà chẳng mong nhận lại.

Tôi xin gởi đến Phó Đô đốc Nguyễn Văn Tình và Quân chủng Hải quân lời cảm ơn chân thành nhất. Chính ông, đã trở về, dựng lại một câu chuyện cổ tích giữa đời thường mà ông cũng là nhân vật.

Bùi Phan Thảo

Bài viết liên quan

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận
Nhập tên của bạn

Bài viết phổ biến

Bình luận gần đây