Dọc theo con đường làng, tôi tìm đến nhà chị Phạm Thị Duyệt ngụ tại tổ 9, khu phố Xa Cam 1, phường Hưng Chiến, thị xã Bình Long, tỉnh Bình Phước.
Mấy hôm nay chị bị bệnh người yếu, khuôn mặt hốc hác tiều tụy nhưng cũng cố xuống bếp chuẩn bị nấu bữa trưa cho các cháu, trong lúc ba mẹ chúng nó đi làm chưa về. Quê chị ở Thái Bình, trước năm 1945 cha mẹ chị di cư vào Nam làm công nhân cạo mủ cho Pháp, đến năm 1949 thì sinh ra chị.
Chị kể: “Vừa đủ 18 tuổi, tôi xin vào làm công cạo mủ vừa hoạt động cách mạng. Sáng đi cạo mủ, chiều tối lại đi dò la tin tức nắm tình hình hoạt động của địch. Tối về viết vào mảnh giấy nhỏ, sáng bỏ dưới gót giày đi cạo, vào lô tới vị trí chôn cái hủ, moi lên bỏ vào hủ, sau đó bỏ hủ xuống lỗ lấp lại. Tối đến các đồng chí ta lại địa điểm đó lấy lên. Nơi đây là dấu hiệu mật hết sức quan trọng giữa những người liên lạc với cơ sở cách mạng.
Đầu năm 1969, tôi lập gia đình cùng ông Phạm Văn Tằm. Hai vợ chồng tôi đều làm công nhân cạo mủ và cả hai đều hoạt động cách mạng. Ngày 20/4/1970 khi đứa con đầu lòng của chúng tôi chưa đầy 1 tuổi thì chúng tôi bị chỉ điểm. Vợ chồng tôi bị bắt, bị tra tấn hết sức dã man. Những trận đòn tra tấn chúng dành cho tôi như: Cột dây điện vào hai tai, buộc dây điện vào hai đầu vú bấm nút cho điện giật… Tôi gồng mình nghiến răng chịu đựng cho đến lúc bất tỉnh.
Gặp những ngày kinh nguyệt không có băng vệ sinh, máu chảy cả xuống chân, quần áo lấm lem đất trộn máu, thế mà chúng vẫn lột ra dí điện vào để tra tấn.
Ngày chúng tra tấn, tối đến nhốt tôi xuống hầm rồi đóng sầm nắp lại. Ở dưới hầm tối om, sống chung với côn trùng, phần thì ngộp thở, phần thì đói khát khô cả họng, phần thì vết thương đầy người máu rỉ ra chỗ nào cũng có. Tôi lịm đi trong đau đớn. Sáng sớm hôm sau chúng lại lôi tôi lên tiếp tục tra tấn. Bọn cấp dưới không làm gì được tôi, nó giải tôi lên cấp trên, cũng không khai thác được gì, tụi nó lôi chồng tôi ra đánh trước mặt tôi, rồi lại tiếp tục đánh tôi trước mặt chồng tôi, nhằm gây sức ép để vợ chồng tôi đầu hàng.
Sau một thời gian bọn chúng không làm gì được vợ chồng tôi nên đành thả chúng tôi ra. Tôi tiếp tục đi cạo mủ và tiếp tục hoạt động cách mạng. Cơ sở cách mạng đưa tôi sang Campuchia tiếp tục hoạt động. Đến cuối năm 1973 tôi được đưa về Lộc Ninh tham gia làm bí thứ Đoàn thanh niên huyện Lộc Ninh.
Đến năm 1977 tôi được điều về Bình Long tiếp tục làm công nhân cạo mủ tại đội 9a, NT Xa Cam, CTCS Quản Lợi. Tôi tiếp tục làm một người thợ cạo, nhưng người thợ cạo hôm nay hoàn toàn khác xưa, thoải mái tự do, mình làm chủ đất nước mình. Người công nhân được nhà nước quan tâm chăm lo mọi chế độ sức khỏe, cuộc sống, tinh thần.
Năm 1978 tôi được điều lên làm tổ trưởng cạo mủ, năm 1979 phụ trách kỹ thuật đội 9a. Ngày 14/10/1980 tôi vinh dự được kết nạp vào Đảng cộng sản Việt Nam. Đến năm 1983, tôi được bổ nhiệm lên làm phó giám đốc NT Xa Cam. Lúc này công ty đổi tên là CTCS Bình Long. Tôi vừa làm vừa học hỏi thêm các anh chị đi trước, vừa học hỏi lớp trẻ sau này, vừa luôn nhủ mình phải luôn cố gắng, thậm chí có những việc tôi phải nhờ lớp trẻ vì chúng nó trình độ khoa học kỹ thuật hơn mình, tôi không giấu dốt.
Nghỉ hưu vào cái tuổi xế chiều, trở về địa phương tôi tiếp tục làm Hội trưởng hội phụ nữ xã Thanh Bình 2 nhiệm kỳ, đến năm 2018 tôi được chuyển qua làm Chi hội trưởng hội người cao tuổi khu phố Xa Cam 1, phường Hưng Chiến, thị xã Bình Long.
Dù rằng sức khỏe nay đã yếu nhiều nhưng các đồng chí trong cấp ủy, lãnh đạo phường và bà con đang yêu cầu vì thế tôi vần cố gắng phục vụ và phục vụ hết mình khi sức khỏe vẫn còn cho phép.
Hôm nay, nhìn lớp trẻ xây dựng ngành cao su ngày càng phát triển tôi thấy rất vui, thật không uổng công cha ông ta đã từng cống hiến, đã từng hy sinh dành lại nền độc lập tự do của dân tộc”.
Ngồi nghe chị kể, tôi cảm nhận từ chị lòng dũng cảm, ý chí kiên cường, tinh thần phấn đấu không mệt mỏi. Đã ngoài 70 tuổi, nhưng mỗi khi nghe ai gọi chị bằng cái biệt danh “bà Ba Lỳ”, đôi mắt chị vẫn ánh lên một niềm vui, một niềm tự hào khôn tả.
Kim Nguyễn