Ông sinh năm 1930 bằng tuổi mẹ tôi, kém cha tôi 15 tuổi. Đáng ra tôi phải gọi ông bằng chú. Nhưng cách đây hơn 40 năm, khi tôi làm báo Quân khu 7, ông về nhận Phó Chủ nhiệm chính trị Quân khu, chúng tôi đã gọi ông thân mật là Anh Tư.
Anh Tư, người chính gốc Nam Bộ sống chân thật, mộc mạc. Khi làm Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân khu trực tiếp phụ trách nội bộ, anh Tư đặc biệt quan tâm đến công việc chính. Cánh nhà báo chúng tôi đối với ông là đối tượng ưu tiên.
Có công việc cần xe o tô đi biên giới, sang nước bạn; đôi khi có cả việc riêng, anh Tư luôn bút phê giải quyết.
Tác giả (bên phải) và ông Nguyễn Minh Quang (anh Tư).
Hữu duyên, khi anh Tư nghỉ hưu, tôi ở cùng phường 6 quận Gò Vấp với anh Tư. Sinh hoạt cùng đảng bộ khu phố do cựu diễn viên văn công Quân giải phóng – Quân khu 7 Trần Thị Xuân Hoa làm Bí thư. Anh em, thầy trò luôn có cơ hội gặp nhau. Trong sinh hoạt đảng, khu phố và cả lúc trà dư, tửu hậu.
Đầu tháng 7 này, được tin chị Trần Thị Xuân Hoa từ trần do căn bệnh ung thư quái ác, tôi chạy đến thắp hương tiễn biệt chị; sau đó đến thăm nhà anh Tư. Chân tình, mộc mạc, anh chị Tư đón tôi như đón người thân đi xa trở về.
Lâu quá TTT mới ghé nhà (anh Tư thường gọi tôi đầy đủ họ và tên như thế). Và vẫn nguyên cách nói của người nông dân gốc Nam Bộ: “ĐM, để dành mày tập sách mà lâu quá không gặp để trao“.
Đoạn, anh Tư vào nhà lấy tập sách bọc trong túi ni long. “Đọc và nhận xét nhé, nhà báo”- anh Tư dặn.
Tối hôm đó tôi đọc một mạch cuốn sách dày trên 100 trang (khổ 13×19) mang tên “Những ngày chinh chiến đã qua“ của Nguyễn Minh Quang (anh Tư).
Làm lính anh Tư gần nửa thế kỷ, khi đọc cuốn sách mang tính tự kể này, tôi càng ngưỡng mộ ý chí và tấm lòng của anh Tư.
Ý chí vươn lên là nét nổi bật của tập sách. Sinh trưởng trong gia đình thuần nông ở Bến Lức (Long An ) 15 tuổi cậu bé Nguyễn Trung Kiên (tên gọi hồi nhỏ của anh Tư) đã đi làm cách mạng. Đó là năm Cách mạng Mùa Thu 1945. Cậu bé rặt tính nông dân ấy với ý chí vươn lên và lòng yêu quê hương, đất nước đã trải qua những thăng trầm của cuộc chiến.
1954 tập kết ra miền Bắc. 1962 trở về Nam Bộ chiến đấu. Với đủ trải nghiệm, từ lái xe đến chính uỷ Trung đoàn rồi chính uỷ, Sư đoàn trưởng, Phó Chủ nhiệm chính trị Quân khu… việc gì anh Tư cũng hoàn thành. Vì thế năm 1978 anh Tư được trao tặng danh hiệu cao quý Anh hùng LLVTND.
Sự chân thành, thẳng thắn có nhiều viện dẫn đời thường. Nhưng đọc “Những ngày chinh chiến đã qua “mới thấy anh Tư thẳng thắn, chân thành đúng chất Nam Bộ.
Thứ nhất, đó là vì đồng đội. Khi anh Tư làm Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân khu phụ trách nội bộ. Để cải thiện cho đơn vị, tập thể Đảng uỷ, thủ trưởng Cục phải dám làm dám chịu trách nhiệm. Đã làm có trúng có trật. Nhưng khi Tư lệnh xuống thăm, không động viên mà còn nói “mát”: “CCT giàu hơn các cơ quan khác trực thuộc Quân khu…” . Anh Tư không kiềm chế nổi, nói thẳng : “CCT chỉ quản lý nghị quyết, hồ sơ làm gì mà giàu…”.
Thứ hai, đã từng qua các cương vị chỉ huy các cấp trong đó có cấp Trung đoàn, Sư đoàn; gần 10 năm là PCNCT QK, bí thư Đảng uỷ Cục Chính trị Quân khu. Khi làm quy trình phong quân hàm Tướng, người ta “quên” anh Tư.
Theo sách đã dẫn, năm ấy, Quân khu đề nghị phong tướng 10 người. Bộ bảo nhiều quá, chọn 1 thôi. Chấp hành chỉ đạo cấp trên, đáng lý Quân khu phải đưa 10 vi đại tá đề nghị phong tướng để bầu. Ai phiếu cao thì đưa vào diện xét đề nghị. Đằng này chỉ chọn 1 người để lấy phiếu. Người đó không có tên Nguyễn Minh Quang.
Chuyện đặc biệt tế nhị này, tôi biết ít ai “dám” đề cập, đặc biệt liên quan tới mình.Anh Tư dám nói thẳng, nói thật viết vào cuốn tự truyện của mình. Có thể có ai đó nói rằng cá nhân. Nhưng tôi với bề dầy công tác bên anh Tư, tôi ủng hộ ý kiến chân thành của người lính Cụ Hồ cả đời hy sinh cống hiến cho đất nước này.
Sách có nhiều loại sách. Sách của anh Tư không phải tác phẩm văn chương; mang lại cho người đọc thẩm mỹ văn chương. Nó là cuốn tự truyện do chính tác giả viết về đời mình.
Song, tư liệu và cảnh huống lịch sử của nó đủ cảm hứng để những người cầm viết chuyên nghiệp “có bột gột hồ“ tạo dựng nên tác phẩm đẫm tình người và chân dung người lính Cụ Hồ tận trung với nước, tận hiếu với dân, nặng tình đồng chí, đồng đội, của một thời chưa xa.
Đêm 8/7/2024
Trần Thế Tuyển