Trên tay bạn là tờ đặc san mang tên Linh Khí Quốc Gia của Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh (HTGĐLS TP. HCM).
Tên gọi của đặc san được trích từ hai câu thơ, đó cũng là cặp vế đối: Thân ngã xuống thành đất đai Tổ quốc/Hồn bay lên hóa linh khí Quốc gia. Tên gọi của đặc san được cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Bộ Thông tin – Truyền thông phê duyệt) và là sự tôn kính, tri ân của những người đang sống đối với những liệt sĩ và gia đình của họ đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.
Ba năm qua, đặc san Linh Khí Quốc Gia đồng hành cùng Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP. Hồ Chí Minh. Đó là tiếng lòng của những người thiện nguyện, cánh tay nối dài của các cấp ủy, chính quyền cùng toàn dân thực hiện chính sách đối với những người có công với đất nước nói chung và các gia đình liệt sĩ, thương binh, nói riêng.
Có thể những việc mà đặc san Linh Khí Quốc Gia thực hiện chưa được như mong muốn. Có thể đôi lúc còn xảy ra sơ suất về ngôn từ, kỹ thuật. Nhưng điều chắc chắn, Linh Khí Quốc Gia là tiếng nói chính thức của Hội HTGĐLS TP. HCM và những người thiện nguyện đồng hành trong sự nghiệp trái tim cao cả này.
Thông qua Đặc san, bạn đọc có thể thấy sự cố gắng “vượt lên chính mình”của Hội 3 năm qua. Đó là việc xây dựng tổ chức Hội đúng thành phần, ngày càng vững mạnh để thực hiện tôn chỉ, mục đích hỗ trợ gia đình liệt sĩ cả về tinh thần và vật chất; Đó là thông tin chính xác, kịp thời về những việc làm thiết thực như tìm kiếm thông tin liệt sĩ, trả lại danh tính và đưa hài cốt liệt sĩ về quê; Đó là việc đã và đang xây dựng các đền thờ, bia ghi danh tưởng niệm liệt sĩ ở Long Khốt (Long An), Phú Quốc (Kiên Giang), Đắk Tô (Kon Tum), Long Đất (Bà Rịa – Vũng Tàu), Lộc Ninh (Bình Phước); Đó là việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của thân nhân liệt sĩ; Và đặc biệt là vận động nguồn lực xã hội xây dựng và sửa chữa hàng chục căn nhà tình nghĩa tặng các gia đình liệt sĩ, thương binh đang gặp khó khăn về nhà ở.
Đại tá, nhà báo Trần Thế Tuyển – Chủ tịch Hội HTGĐLS TPHCM.
Cuộc vận động viết về đề tài Thương binh Liệt sĩ do Hội phối hợp cùng Hội Nhà văn TP.HCM và Tạp chí Văn nghệ TP.HCM cũng là điểm nhấn về hoạt động nghĩa tình của Hội 3 năm qua. Cùng với gần 200 tác phẩm viết về những người con trung hiếu, tập bút ký “Triệu ngày khắc khoải” do NXB Văn Học ấn hành đã lan tỏa những tấm gương hy sinh vì đất nước.
“Cứ đi rồi sẽ thành đường”- 3 năm qua (2020-2023) những người thiện nguyện thuộc Hội HTGĐLS TP.HCM đã thực hiện phương châm đó. Con đường thiện nguyện ngày càng sáng rõ, thiết thực ấy là tìm kiếm thông tin liệt sĩ; bảo vệ quyền lợi chính đáng của gia đình liệt sĩ và cả việc lớn lao kiến nghị Đảng, Nhà nước, Quốc hội xác định ngày 27/7 hằng năm là ngày Quốc giỗ.
Tri ân liệt sĩ, hỗ trợ gia đình liệt sĩ là việc làm chưa bao giờ cũ, là chính sách lớn của Đảng và Nhà nước; là món nợ không bao giờ trả hết của toàn dân. Bước vào tuổi thứ 3, Hội HTGĐ LS TP.HCM sẽ “gạn đục, khơi trong” trên con đường thiện nguyện, xốc lại đội ngũ, tập hợp mọi nguồn lực xã hội góp phần chăm lo các gia đình liệt sĩ, thương binh.
Đặc san Linh Khí Quốc Gia sẽ tiếp tục đồng hành cùng những người thiện nguyện tri ân liệt sĩ và hỗ trợ gia đình liệt sĩ.
Trân trọng cảm ơn cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị, doanh nghiệp, doanh nhân và tất cả bạn đọc đã đồng hành cùng Hội 3 năm qua.
Cứ đi sẽ đến. Con đường tri ân liệt sĩ và hỗ trợ gia đình liệt sĩ như dòng sông cuộn chảy không bao giờ giờ ngừng.
BBT Linh Khí Quốc Gia