Thứ ba, Tháng mười 15, 2024
Trang chủNHỊP CẦU BẠN ĐỌCHỎI ĐÁP8 CÂU HỎI VỀ CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI NGƯỜI CÓ CÔNG

8 CÂU HỎI VỀ CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI NGƯỜI CÓ CÔNG

Câu 1. Bố tôi là thương binh, khi bố tôi mất, tôi được hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng theo diện thân nhân của thương binh. Vừa rồi, tôi đã tốt nghiệp phổ thông trung học và thi đỗ đại học, hiện đang làm thủ tục nhập học. Xin hỏi nếu tiếp tục đi học thì tôi có được hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng hay không?

Trả lời:

Theo quy định tại Khoản 6 Điều 3, Khoản 7 Điều 4 và Điểm a Khoản 2 Điều 32 Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 9/4/2013 của Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng (sau đây gọi tắt là Nghị định số 31) thì con của thương binh (suy giảm khả năng lao động do thương tật từ 61% trở lên) từ đủ 18 tuổi trở lên nếu còn tiếp tục đi học được hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng từ tháng liền kề khi thương binh chết, trừ một số trường hợp sau đây:

– Không tiếp tục đi học ngay sau khi kết thúc bậc học phổ thông;

– Đã hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng trong thời gian theo học tại một cơ sở giáo dục nghề nghiệp hoặc giáo dục đại học;

– Đang hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng trong thời gian theo học tại một cơ sở giáo dục nghề nghiệp hoặc giáo dục đại học mà thôi học hoặc bị buộc thôi học.

Đối chiếu quy định nêu trên, bạn vẫn được hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng nếu tiếp tục học đại học.

 Câu 2. X đang học năm cuối đại học. Trong bốn năm học đại học X được miễn học phí và hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng đối với con của bệnh binh suy giảm khả năng lao động 80%. Đề nghị cho biết sau khi tốt nghiệp, nếu thi tuyển vào công chức nhà nước thì X được cộng điểm ưu tiên như thế nào?

Trả lời:

Theo quy định tại Khoản 5 Điều 25 Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với các mạng năm 2012 thì con của bệnh binh được hưởng chế độ ưu tiên trong tuyn sinh, tạo việc làm; được hỗ trợ để theo học tại cơ s giáo dục thuộc hệ thng giáo dục quc dân đến trình độ đại học.

Theo Điểm b, Khoản 1, Điều 5 Nghị định số 24/2010/NĐ-CP ngayf15 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức quy định chế độ ưu tiên trong tuyển dụng công chức thì Người dân tộc thiểu số, sĩ quan quân đội, sĩ quan công an, quân nhân chuyên nghiệp, người làm công tác cơ yếu chuyển ngành, con liệt sĩ, con thương binh, con bệnh binh, con của người hưởng chính sách như thương binh, con của người hoạt động cách mạng trước tổng khởi nghĩa (từ ngày 19 tháng 8 năm 1945 trở về trước), con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, con Anh hùng Lực lượng vũ trang, con Anh hùng Lao động: được cộng 20 điểm vào tổng số điểm thi tuyển hoặc xét tuyển.

Do đó, nếu X thi tuyển công chức sẽ được cộng 20 điểm vào tổng số điểm thi tuyển hoặc xét tuyển.

 Câu 3. Xin hỏi, khi bệnh binh chết thì thân nhân của họ được hưởng những chế độ ưu đãi gì?

Trả lời:

Chế độ ưu đãi đối với thân nhân của bệnh binh chết thực hiện theo quy định tại Điều 37 Nghị định số 31/2013/NĐ-CP, cụ thể như sau:

– Khi bệnh binh chết, người tổ chức mai táng được nhận mai táng phí; đại diện thân nhân được hưởng trợ cấp một lần bằng ba tháng trợ cấp, phụ cấp ưu đãi.

– Bệnh binh suy giảm khả năng lao động do bệnh tật từ 61% trở lên chết, thân nhân được hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng như sau:

+ Cha đẻ, mẹ đẻ; vợ hoặc chồng từ đủ 60 tuổi trở lên đối với nam, từ đủ 55 tuổi trở lên đối với nữ; con dưới 18 tuổi hoặc từ đủ 18 tuổi trở lên nếu còn tiếp tục đi học được hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng từ tháng liền kề khi bệnh binh chết;

+ Con bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng từ nhỏ, sau khi đủ 18 tuổi nếu suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên được hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng từ ngày Hội đồng giám định y khoa có thẩm quyền kết luận;

+ Con bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng sau khi đủ 18 tuổi nếu suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên, không có thu nhập hàng tháng hoặc thu nhập hàng tháng thấp hơn 0,6 lần mức chuẩn được hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng từ ngày Hội đồng giám định y khoa có thẩm quyền kết luận;

+ Trường hợp khi bệnh binh chết mà cha đẻ, mẹ đẻ; vợ hoặc chồng chưa đủ 60 tuổi đối với nam, 55 tuổi đối với nữ thì được hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng khi đủ 60 tuổi đối với nam, 55 tuổi đối với nữ;

+ Trường hợp bệnh binh chết trước ngày 01 tháng 01 năm 2013 thân nhân được hưởng trợ cấp tiền tuất như sau:

Đến ngày 01 tháng 01 năm 2013 mà cha đẻ, mẹ đẻ; vợ hoặc chồng bệnh binh chưa đủ 60 tuổi đối với nam, 55 tuổi đối với nữ thì được hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng khi đủ 60 tuổi đối với nam, 55 tuổi đối với nữ; trường hợp đã đủ 60 tuổi trở lên đối với nam, 55 tuổi trở lên đối với nữ thì được hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng từ ngày 01 tháng 01 năm 2013.

+ Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con từ đủ 18 tuổi trở lên sống cô đơn không nơi nương tựa hoặc con dưới 18 tuổi mồ côi cả cha mẹ đang hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng được hưởng thêm trợ cấp tiền tuất nuôi dưỡng hàng tháng bằng 0,8 lần mức chuẩn.

Câu 4. Những giấy tờ nào được coi là căn cứ xác nhận người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945?

Trả lời:

Điều 6 Nghị định số 31/2013/NĐ-CP quy định căn cứ xác nhận người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945 như sau:

1. Nếu người hoạt động cách mạng còn sống hoặc người hoạt động cách mạng đã hy sinh, từ trần sau ngày 30 tháng 6 năm 1999 thì căn cứ một trong các giấy tờ sau:

a) Lý lịch của cán bộ, đảng viên khai từ năm 1962 trở về trước do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quản lý;

b) Lý lịch khai trong Cuộc vận động bảo vệ Đảng theo Chỉ thị số 90-CT/TW ngày 01 tháng 3 năm 1965 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa III);

c) Lý lịch đảng viên khai năm 1975, 1976 theo Thông tri số 297/TT-TW ngày 20 tháng 4 năm 1974 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa III) đối với người hoạt động cách mạng được kết nạp vào Đảng sau năm 1969 và người hoạt động liên tục ở các chiến trường B, C, K từ năm 1954 đến ngày 30 tháng 4 năm 1975.

2. Nếu người hoạt động cách mạng đã hy sinh, từ trần từ ngày 30 tháng 6 năm 1999 trở về trước thì căn cứ một trong các giấy tờ sau có ghi nhận thời gian tham gia hoạt động cách mạng:

a) Lý lịch theo quy định (nêu trên);

b) Hồ sơ của người đã được khen thưởng Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập;

c) Hồ sơ liệt sĩ;

d) Lịch sử đảng bộ từ cấp xã trở lên được các cơ quan Đảng có thẩm quyền thẩm định và đã xuất bản;

đ) Hồ sơ, tài liệu đang lưu giữ tại cơ quan lưu trữ của Đảng, Nhà nước, Bảo tàng lịch sử của trung ương và địa phương từ cấp huyện trở lên.

Câu 5. Gia đình tôi đang làm hồ sơ xin hưởng chế độ ưu đãi cho ông tôi theo diện “người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945”. Nay ông tôi đã mất, bố tôi là con đẻ duy nhất nhưng bị tật ở chân từ nhỏ. Vừa rồi đi giám định, Hội đồng giám định y khoa kết luận bố tôi suy giảm 65% khả năng lao động. Xin hỏi nếu ông tôi được công nhận là người hoạt động cách mạng thì bố tôi được hưởng những ưu đãi gì?

Trả lời:

Nếu ông bạn được cơ quan có thẩm quyền công nhận là người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945 thì bố bạn (thân nhân của người có công với cách mạng) được hưởng một số chính sách ưu đãi theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 31/2013/NĐ-CP. Chế độ ưu đãi cụ thể gồm:

– Được hưởng trợ cấp một lần mức 50 triệu đồng vì người hoạt động cách mạng chết mà chưa được hưởng chế độ ưu đãi.

– Được hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng theo đối tượng quy định tại Điểm d Khoản 3 Điều 10: Con bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng sau khi đủ 18 tuổi nếu suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên, không có thu nhập hàng tháng hoặc thu nhập hàng tháng thấp hơn 0,6 lần mức chuẩn được hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng từ ngày Hội đồng giám định y khoa có thẩm quyền kết luận.

Câu 6. Ông X là thương binh hạng A (80%) vừa mất hơn nửa năm nay. Theo kết luận của cơ sở y tế nơi ông X điều trị thì ông mất do vết thương tái phát. Xin hỏi ông X có được xác nhận là liệt sĩ hay không?

Trả lời:

Điều 17 Nghị định số 31/2013/NĐ-CP quy định các trường hợp hy sinh được xem xét xác nhận là liệt sĩ. Theo Điểm i Khoản 1 Điều 17 Nghị định số 31/2013/NĐ-CP quy định về trường hợp thương binh, người hưởng chính sách như thương binh bị chết do vết thương tái phát (không áp dụng đối với thương binh loại B) nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây thì được xác nhận là liệt sĩ:

– Suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên chết do vết thương tái phát có xác nhận của cơ sở y tế.

– Suy giảm khả năng lao động từ 61% đến 80% chết trong khi đang điều trị vết thương tái phát tại bệnh viện cấp huyện hoặc tương đương trở lên;

Căn cứ quy định nêu trên, để được xác nhận ông X là liệt sĩ cần xác định rõ cơ sở y tế nơi ông X điều trị vết thương tái phát và chết khi đang điều trị có tương đương bệnh viện cấp huyện hay không.

Câu 7. Ngày 10/10/2012, anh K bị chết khi cứu 05 em nhỏ trên đường đi học về bị lũ cuốn trôi. Với tinh thần dũng cảm cứu người, Nhà nước đã công nhận anh là liệt sĩ. Xin hỏi, các con của anh được hưởng ưu đãi của thân nhân liệt sĩ từ thời điểm nào?

Trả lời:

Khoản 6 Điều 20 Nghị định số 31/2013/NĐ-CP quy định thời điểm hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng đối với thân nhân của liệt sĩ như sau:

– Người hy sinh từ ngày 01/9/2012 (ngày Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng có hiệu lực thi hành) thì cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, người có công nuôi dưỡng liệt sĩ, con dưới 18 tuổi hoặc từ đủ 18 tuổi trở lên nếu còn tiếp tục đi học hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng từ tháng liền kề khi liệt sĩ hy sinh;

– Người hy sinh trước ngày 01/9/2012 thì cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con dưới 18 tuổi hoặc từ đủ 18 tuổi trở lên nếu còn tiếp tục đi học hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng từ ngày 01 tháng 01 năm 2013;

– Con bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng từ nhỏ, sau khi đủ 18 tuổi nếu suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên được hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng từ ngày Hội đồng giám định y khoa có thẩm quyền kết luận.

Con bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng sau khi đủ 18 tuổi nếu suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên, không có thu nhập hàng tháng hoặc thu nhập hàng tháng thấp hơn 0,6 lần mức chuẩn được hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng từ ngày Hội đồng giám định y khoa có thẩm quyền kết luận;

– Con từ đủ 18 tuổi trở lên sống cô đơn không nơi nương tựa hoặc con dưới 18 tuổi mồ côi cả cha mẹ đang hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng được hưởng thêm trợ cấp tiền tuất nuôi dưỡng hàng tháng bằng 0,8 lần mức chuẩn.

Căn cứ quy định nêu trên, nếu con anh K dưới 18 tuổi hoặc từ đủ 18 tuổi trở lên nếu còn tiếp tục đi học hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng từ tháng liền kề (tháng 11/2012) khi anh hy sinh.

Trường hợp con anh K bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng từ nhỏ, sau khi đủ 18 tuổi nếu suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên được hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng từ ngày Hội đồng giám định y khoa có thẩm quyền kết luận.

Con bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng sau khi đủ 18 tuổi nếu suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên, không có thu nhập hàng tháng hoặc thu nhập hàng tháng thấp hơn 0,6 lần mức chuẩn được hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng từ ngày Hội đồng giám định y khoa có thẩm quyền kết luận.

 Câu 8. Tháng 7 năm 2012, bà K được phong tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”. Hiện nay bà K đang sống với người con gái. Vậy xin hỏi, người con gái có được hưởng trợ cấp phục vụ hay không?

Trả lời:

Người con gái của bà K được hưởng trợ cấp phục vụ theo quy định tại Khoản 3 Điều 23 Nghị định số 31/2013/NĐ-CP: “Bà mẹ Việt Nam anh hùng sống ở gia đình được hưởng trợ cấp người phục vụ”.

Bà K được phong tặng bà mẹ Việt Nam anh hùng tháng 7 năm 2012, trước ngày 01/9/2012 (ngày Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng có hiệu lực thi hành) và hiện bà K đang còn sống, nên con gái bà hưởng trợ cấp phục vụ tính từ ngày 01/9/2012.

Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội là người có thẩm quyền quyết định trợ cấp phục vụ cho bà mẹ Việt Nam anh hùng.

 

 

Bài viết liên quan

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận
Nhập tên của bạn

Bài viết phổ biến

Bình luận gần đây