Câu 9. Trên đường đến trường dạy học, anh V thấy có hai thanh niên đánh nhau ở ngõ, một người cầm dao rượt đuổi người kia. Anh V dừng xe máy, chạy lại ôm chặt người thanh niên cầm dao nhưng anh ta đã vùng ra và dùng dao chém vào tay anh V. Theo kết quả giám định của bệnh viện, anh V bị thương tật 25%. Vậy anh V có được xác nhận là thương binh hay không?
Trả lời:
Anh V được xem xét xác nhận là người hưởng chính sách như thương binh theo quy định tại Điểm đ Khoản 1 Điều 27 Nghị định số 31/2013/NĐ-CP. Theo quy định này, người bị thương do trực tiếp tham gia đấu tranh chống lại hoặc ngăn chặn các hành vi gây nguy hiểm cho xã hội thuộc các tội được quy định trong Bộ luật hình sự được xem xét xác nhận là người hưởng chính sách như thương binh.
Cơ quan, tổ chức, đơn vị, chính quyền địa phương có người bị thương có trách nhiệm lập hồ sơ đề nghị xác nhận hưởng chính sách như thương binh.
Hồ sơ hưởng chế độ thương binh bao gồm: Giấy chứng nhận bị thương do cơ quan có thẩm quyền cấp; biên bản giám định thương tật của Hội đồng giám định y khoa; quyết định cấp Giấy chứng nhận thương binh, Giấy chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh và trợ cấp, phụ cấp thương tật.
Câu 10. Bố anh K là thương binh 81% vừa mất hơn hai năm nay. Anh K bị khuyết tật ở mắt từ nhỏ. Có người nói Nhà nước vừa ban hành chính sách mới đối với người có công với cách mạng, trường hợp của anh K nếu giám định có tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên thì được hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng. Xin hỏi pháp luật quy định như thế nào về trợ cấp tiền tuất cho con của thương binh?
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 32 Nghị định số 31/2013/NĐ-CP thì con của thương binh được hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng trong một số trường hợp sau:
– Con bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng từ nhỏ, sau khi đủ 18 tuổi nếu suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên được hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng từ ngày Hội đồng giám định y khoa có thẩm quyền kết luận;
– Con bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng sau khi đủ 18 tuổi nếu suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên, không có thu nhập hàng tháng hoặc thu nhập hàng tháng thấp hơn 0,6 lần mức chuẩn được hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng từ ngày Hội đồng giám định y khoa có thẩm quyền kết luận;
– Con từ đủ 18 tuổi trở lên sống cô đơn không nơi nương tựa hoặc con dưới 18 tuổi mồ côi cả cha mẹ đang hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng được hưởng thêm trợ cấp tiền tuất nuôi dưỡng hàng tháng bằng 0,8 lần mức chuẩn.
Căn cứ quy định trên, nếu anh K bị khuyết tật từ nhỏ mà được Hội đồng giám định y khoa có thẩm quyền kết luận suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên thì anh K được hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng kể từ ngày Hội đồng giám định y khoa có thẩm quyền kết luận.
Câu 11. Đề nghị cho biết trường hợp bệnh binh chết thì vợ của họ được hưởng trợ cấp tiền tuất như thế nào?
Trả lời:
Chế độ ưu đãi đối với thân nhân là vợ của bệnh binh khi bệnh binh chết được thực hiện theo quy định tại Điều 37 Nghị định số 31/2013/NĐ-CP. Cụ như sau:
– Khi bệnh binh chết, người tổ chức mai táng được nhận mai táng phí; đại diện thân nhân được hưởng trợ cấp một lần bằng ba tháng trợ cấp, phụ cấp ưu đãi.
– Bệnh binh suy giảm khả năng lao động do bệnh tật từ 61% trở lên chết, thì vợ của họ được hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng như sau:
+ Vợ từ đủ 55 tuổi trở lên được hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng từ tháng liền kề khi bệnh binh chết;
+ Trường hợp khi bệnh binh chết mà vợ chưa đủ 55 tuổi thì được hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng khi đủ 55 tuổi;
+ Trường hợp bệnh binh chết trước ngày 01 tháng 01 năm 2013 thì hưởng trợ cấp tiền tuất như sau:
Đến ngày 01 tháng 01 năm 2013 mà vợ chưa đủ 55 tuổi thì được hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng khi đủ 55 tuổi; trường hợp đã đủ 55 tuổi trở lên đối với nữ thì được hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng từ ngày 01 tháng 01 năm 2013.
+ Vợ sống cô đơn không nơi nương tựa được hưởng thêm trợ cấp tiền tuất nuôi dưỡng hàng tháng bằng 0,8 lần mức chuẩn.
Câu 12. Bác tôi tham gia chiến đấu tại chiến trường K, C hơn 10 năm. Sau ngày giải phóng, bác mắc bệnh, bị suy giảm khả năng lao động 31% và trở về địa phương sinh sống. Hai trong số bốn người con bác sinh bị khuyết tật. Xin hỏi trường hợp của bác có đủ điều kiện xác nhận người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam hay không?
Trả lời:
Bác của bạn thuộc trường hợp được xem xét, giải quyết chế độ của người hoạt động kháng chiến nhiễm chất độc hóa học theo quy định tại Điều 39 Nghị định số 31/2013/NĐ-CP.
Theo đó, các điều kiện xác nhận người hoạt động kháng chiến nhiễm chất độc hóa học gồm:
– Đã công tác, chiến đấu, phục vụ chiến đấu từ ngày 01 tháng 8 năm 1961 đến 30 tháng 4 năm 1975 tại các vùng mà quân đội Mỹ đã sử dụng chất độc hóa học ở chiến trường B, C, K (kể cả 10 xã: Vĩnh Quang, Vĩnh Giang, Vĩnh Tân, Vĩnh Thành, Vĩnh Ô, Vĩnh Khê, Vĩnh Hà, Vĩnh Lâm, Vĩnh Sơn và Vĩnh Thủy thuộc huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị).
– Do nhiễm chất độc hóa học dẫn đến một trong các trường hợp bệnh tật sau:
a) Mắc bệnh theo danh mục bệnh tật do Bộ Y tế quy định làm suy giảm khả năng lao động từ 21% trở lên;
b) Vô sinh;
c) Sinh con dị dạng, dị tật theo danh mục dị dạng, dị tật do Bộ Y tế quy định.
Đối chiếu với quy định nêu trên, bác của bạn đủ điều kiện để được xác nhận là người hoạt động kháng chiến nhiễm chất độc hoá học.
Câu 13. Hai con của bác tôi bị khuyết tật bẩm sinh do bác là người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Bác tôi muốn làm thủ tục để các con được hưởng chế độ ưu đãi đối với con đẻ hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Đề nghị cho biết bác phải nộp những giấy tờ gì?
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 44 Nghị định số 31/2013/NĐ-CP thì hồ sơ hưởng chế độ ưu đãi đối với con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học gồm các giấy tờ sau:
– Giấy tờ chứng minh có thời gian tham gia kháng chiến ở vùng quân đội Mỹ sử dụng chất độc hóa học của bố hoặc mẹ hoặc bản sao quyết định trợ cấp, phụ cấp người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học của bố hoặc mẹ.
– Bản sao giấy khai sinh.
– Biên bản giám định của Hội đồng giám định y khoa có thẩm quyền.
– Giấy chứng nhận dị dạng, dị tật do ảnh hưởng của chất độc hóa học của Giám đốc Sở Y tế.
– Quyết định trợ cấp của Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.
Câu 14. Xin hỏi con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học được hưởng những chế độ ưu đãi gì?
Trả lời:
Chế độ ưu đãi đối với con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học thực hiện theo quy định tại Điều 45 Nghị định số 31/2013/NĐ-CP. Cụ thể như sau:
Trợ cấp hàng tháng
Mức 1: Suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên, mức trợ cấp bằng một lần mức chuẩn.
Mức 2: Suy giảm khả năng lao động từ 61% đến 80%, mức trợ cấp bằng 0,6 lần mức chuẩn.
Thời điểm hưởng trợ cấp từ ngày Hội đồng giám định y khoa có thẩm quyền kết luận.
Cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình cần thiết căn cứ vào tình trạng dị dạng, dị tật.
Khi con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học đang hưởng trợ cấp hàng tháng chết thì người tổ chức mai táng được hưởng mai táng phí; đại diện thân nhân được hưởng trợ cấp một lần bằng ba tháng trợ cấp ưu đãi.
Câu 15. Đề nghị cho biết bên cạnh chế độ ưu đãi về trợ cấp, ưu đãi đối với thân nhân thì người có công với cách mạng còn được hưởng những chế độ ưu đãi nào?
Trả lời:
Bên cạnh chế độ ưu đãi về trợ cấp, ưu đãi đối với thân nhân, người có công với cách mạng còn được hưởng một số chế độ ưu đãi khác như sau:
– Chế độ chăm sóc sức khỏe quy định tại Điều 53 Nghị định số 31/2013/NĐ-CP, theo đó:
+ Người có công với cách mạng và thân nhân được Nhà nước mua bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật.
+ Người có công với cách mạng đang được nuôi dưỡng tại cơ sở của ngành Lao động – Thương binh và Xã hội thì hưởng chế độ điều trị.
+ Người có công với cách mạng sống ở gia đình và thân nhân đã được quy định tại Pháp lệnh hưởng mức chi điều dưỡng như sau:
Điều dưỡng tập trung là 2.220.000 đồng/người/lần;
Điều dưỡng tại nhà là 1.110.000 đồng/người/lần.
+ Người có công với cách mạng và thân nhân theo quy định của Pháp lệnh được phục hồi chức năng lao động, cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình.
– Chế độ ưu đãi trong giáo dục quy định tại Điều 54 Nghị định số 31/2013/NĐ-CP:
+ Hỗ trợ học phí và trợ cấp mỗi năm học một lần đối với người có công với cách mạng và con của họ theo quy định của Pháp lệnh khi học tại các cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông; cơ sở giáo dục nghề nghiệp có khóa học từ một năm trở lên hoặc cơ sở giáo dục đại học.
+ Trợ cấp hàng tháng đối với người có công với cách mạng và con của họ theo quy định của Pháp lệnh khi học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có khóa học từ một năm trở lên hoặc cơ sở giáo dục đại học.
– Người có công với cách mạng và con của họ đang theo học tại các cơ sở thuộc hệ thống giáo dục quốc dân thì hưởng ưu đãi theo quy định của Pháp lệnh ưu đãi người có công.
+ Người có công với cách mạng và con của họ nếu đồng thời học ở nhiều cơ sở giáo dục hoặc nhiều khoa, nhiều ngành trong cùng một trường thì được hưởng một chế độ ưu đãi.
– Chế độ ưu đãi về nhà ở quy định tại Điều 55 Nghị định số 31/2013/NĐ-CP:
+ Người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ được hỗ trợ cải thiện nhà ở tùy theo hoàn cảnh, công lao đóng góp của từng người và khả năng của Nhà nước, địa phương. Việc hỗ trợ cải thiện nhà ở căn cứ vào chế độ ưu đãi cao nhất mà người đó được hưởng và chỉ giải quyết một lần.
+ Người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ nếu mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước thì được miễn, giảm tiền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
+ Người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ nếu được Nhà nước giao đất làm nhà ở thì tùy theo công lao đóng góp sẽ được giảm một phần tiền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.